Phân biệt trạng thái buồn và bệnh trầm cảm

Buồn là một cảm xúc tự nhiên của con người trước một số tình huống trong cuộc sống. Bất cứ ai cũng cảm thấy buồn bã vào một thời điểm nào đó, với nhiều mức độ khác nhau. Nhưng cũng giống như những cảm xúc khác, nỗi buồn chỉ là tạm thời và mất dần theo thời gian. 

Trầm cảm là một bệnh tâm thần kéo dài, làm suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác của người bệnh. Nếu không được điều trị, các triệu chứng bệnh trầm cảm có thể kéo dài và có những hệ quả nghiêm trọng.

1. Phân biệt triệu chứng

Khi bạn buồn, đôi khi bạn có thể cảm thấy nỗi buồn bao trùm mọi thứ. Nhưng vẫn có những khoảnh khắc mà bạn có thể cười hoặc cảm thấy được an ủi. Bệnh trầm cảm khác với buồn bã, cảm giác bạn có sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Bạn có thể gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể tìm thấy niềm vui trong bất cứ điều gì, bao gồm cả các hoạt động và những người bạn đã từng yêu thích. Trầm cảm là một căn bệnh về tinh thần, không phải là cảm xúc.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể bao gồm:

  • Cảm giác buồn bã triền miên, không cải thiện trong ít nhất 2 tuần và không tương xứng với hoàn cảnh
  • Cáu gắt.
  • Mệt mỏi.
  • Thay đổi kiểu ngủ hoặc ăn uống.
  • Khó tập trung.
  • Mất hứng thú và nhiệt tình đối với những thứ từng mang lại niềm vui cho bạn.
  • Cảm giác tội lỗi sâu sắc.
  • Các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như đau đầu hoặc đau nhức cơ thể mà không có nguyên nhân cụ thể.
  • Cảm giác vô giá trị, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc đưa ra quyết định.
  • Những suy nghĩ liên tục về cái chết.
  • Ý nghĩ hoặc hành động tự làm tổn thương mình hoặc tự sát.

Bạn có thể có một số triệu chứng của bệnh trầm cảm kể trên khi bạn buồn, nhưng các triệu chứng đó sẽ không kéo dài quá hai tuần. Suy nghĩ tự tử là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm, không phải là trạng thái buồn.

Xem thêm: Hội chứng trầm cảm cười

dau hieu benh tram cam
Trầm cảm không phải một cảm xúc mà là bệnh lý tâm thần

Hướng dẫn về tiêu chí DSM-5

Các chuyên gia sử dụng tiêu chí DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ để giúp xác định xem tình trạng của một người là trạng thái buồn hay bệnh trầm cảm. Bạn có thể được chẩn đoán trầm cảm hoặc rối loạn trầm cảm dai dẳng nếu bạn có biểu hiện trong các tiêu chí DSM-5

DSM – 5 bao gồm chín triệu chứng trầm cảm tiềm ẩn. Mức độ nghiêm trọng của mỗi triệu chứng cũng quan trọng như một phần của quá trình chẩn đoán. 

Chín triệu chứng là:

  • Cảm thấy chán nản xuyên suốt mỗi ngày vào hầu hết hoặc tất cả các ngày.
  • Thiếu quan tâm và thích thú với các hoạt động mà bạn từng thấy thích.
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Khó ăn, hoặc ăn quá nhiều, dẫn đến tăng cân hoặc giảm cân.
  • Khó chịu, bồn chồn hoặc kích động.
  • Mệt mỏi, kiệt sức.
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị một cách không chính đáng.
  • Không có khả năng tập trung hoặc đưa ra quyết định.
  • Ý nghĩ hoặc hành động tự sát hoặc suy nghĩ nhiều về cái chết.

2. Nguyên nhân trầm cảm

Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm, không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc hay trình độ kinh tế – xã hội. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh trầm cảm bao gồm:

  • Sang chấn tâm lý thời thơ ấu hoặc thiếu niên.
  • Không có khả năng đối phó với một sự kiện đau buồn trong cuộc sống, chẳng hạn như cái chết của con cái hoặc vợ / chồng.
  • Lòng tự tôn thấp.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần, bao gồm rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm.
  • Tiền sử lạm dụng chất kích thích, bao gồm cả ma túy và rượu.
  • Thiếu sự chấp nhận của gia đình hoặc cộng đồng đối với việc xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hoặc chuyển giới (LGBT).
  • Tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như ung thư, đột quỵ, đau mãn tính hoặc bệnh tim.
  • Những thay đổi của cơ thể do chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như mất chi hoặc liệt nửa người.
  • Tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần trước đây, bao gồm chán ăn, ăn vô độ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder PTSD) hoặc rối loạn lo âu.
  • Thiếu hệ sự hỗ trợ, chẳng hạn như bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp.
  • Trầm cảm cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như: thuốc chẹn beta, corticosteroid, thuốc nội tiết tố, statin (thuốc được sử dụng để điều trị cholesterol cao).

3. Chẩn đoán trầm cảm

Bác sĩ sẽ sử dụng một số công cụ chẩn đoán để giúp phân biệt giữa cảm xúc buồn bã và bệnh trầm cảm, chẳng hạn như các câu hỏi dựa trên tiêu chí DSM-5, thang đánh giá trầm cảm Beck, Hamilton… Bác sĩ cũng sẽ trò chuyện để hiểu hơn về các triệu chứng của bạn, cách bạn cảm thấy về cuộc sống hàng ngày.

Bạn cũng có thể được đề nghị khám sức khỏe tổng quát để xác định bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào ảnh hưởng đến tình trạng của bạn, bao gồm xét nghiệm máu để xác định xem bạn có bị tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hay không.

4. Phương pháp điều trị

Nếu bạn cảm thấy buồn, một số thay đổi nhỏ trong lối sống có thể hữu ích.

  • Kết nối với những người xung quanh : Trò chuyện với mọi người, tham gia một lớp học yoga hoặc tham gia câu lạc bộ chạy bộ v.v.
  • Sắp xếp thời gian mỗi ngày cho các hoạt động mà bạn yêu thích.
  • Xem các chương trình truyền hình, phim hoặc sách có nội dung vui nhộn, hài hước.
  • Tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao.
  • Tiếp xúc với động vật, thú cưng.
  • Không tự điều trị bằng cách sử dụng ma túy hoặc rượu.
  • Ăn uống lành mạnh và cố gắng ngủ đủ giấc.
  • Nếu bạn khó ngủ, hãy thử thiền hoặc tắm nước ấm trước khi ngủ.
  • Đơn giản hóa cuộc sống của bạn tốt nhất có thể.

Nếu bạn được chẩn đoán bệnh trầm cảm, bạn cần được điều trị các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, giảm các triệu chứng do trầm cảm gây ra và phòng ngừa bệnh quay trở lại. Bạn có thể kết hợp các phương pháp phay đổi lối sống và trị liệu tư vấn tâm lý với một chuyên gia mà bạn tin tưởng. Trường hợp bạn bị trầm cảm nghiêm trọng hoặc có ý muốn tự tử, bạn có thể cần được chăm sóc nội trú bằng cách ở lại bệnh viện hoặc cơ sở trị liệu.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc, tuỳ thuộc vào nhu cầu, tiền sử gia đình, dị ứng và lối sống của bạn. Đôi khi, thuốc trị bệnh trầm cảm có thể làm tăng ý định tự tử. Điều quan trọng là bạn phải cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn bị trầm cảm nặng hơn.

5. Khi nào nên tìm kiếm sự giúp đỡ

Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy buồn bã kéo dài hơn hai tuần hoặc tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp nếu bạn đang có ý định tự tử.

Nếu cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, tham gia hoặc trải nghiệm cuộc sống, việc trò chuyện với bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc những người bạn tin tưởng có thể là một bước đầu tiên giúp bạn phục hồi.

6. Chuyên gia và Trung tâm tư vấn uy tín

  • SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
  • Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
  • Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.

Bệnh trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm tự sát. Nếu bạn cảm thấy bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, việc trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý và rất quan trọng.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. .