Trầm cảm sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bài viết được tham khảo từ Chuyên gia tâm lý Trần Anh Vũ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com


Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh khá phổ biến (chiếm khoảng 15% số người phụ nữ sau sinh trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh), có thể gây ra những hệ quả nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

1. Trầm cảm sau sinh là gì

Trầm cảm sau sinh là những thay đổi phức tạp về thể chất, cảm xúc và hành vi, xảy ra ở một số phụ nữ sau khi sinh (thường bắt đầu trong vòng 4 tuần sau sinh). Tuy nhiên việc chẩn đoán trầm cảm sau sinh không chỉ dựa vào khoảng thời gian từ khi sinh đến khi khởi phát trầm cảm mà còn dựa vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng.

Trầm cảm sau sinh có liên quan đến những thay đổi về hóa học, xã hội và tâm lý xảy ra sau khi sinh con. Những thay đổi hóa học liên quan đến sự sụt giảm nhanh chóng của hormone sau khi sinh. Tuy nhiên mối liên hệ thực tế giữa sự sụt giảm này và chứng trầm cảm vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Ngoài những thay đổi hóa học này, những thay đổi xã hội và tâm lý khi sinh con khiến nguy cơ trầm cảm gia tăng. 

Các nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau sinh cũng xảy ra ở nam giới. Khoảng 1/10 người cha mắc bệnh trầm cảm trong năm đầu tiên của trẻ.

benh tram cam sau sinh
Không nên xem nhẹ bệnh trầm cảm sau sinh

2. Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm sau sinh

Các dấu hiệu trầm cảm sau sinh có thể khó phát hiện, tuy nhiên những dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Khó ngủ.
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn.
  • Mệt mỏi nghiêm trọng.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Thay đổi tâm trạng thường xuyên.

Triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể đi kèm với các triệu chứng trầm cảm nặng khác, bao gồm:

  • Không quan tâm đến em bé hoặc cảm thấy không gắn bó với bé.
  • Khóc mọi lúc mà không có lý do.
  • Tâm trạng chán nản.
  • Giận dữ và cáu kỉnh.
  • Mất niềm vui.
  • Cảm giác vô dụng, vô vọng và bất lực.
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
  • Suy nghĩ về việc làm tổn thương người khác.
  • Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định.

Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder-OCD) cũng có thể xảy ra trong thời kỳ hậu sản (khoảng 1% -3% phụ nữ). Những ám ảnh thường bao gồm việc lo lắng về sức khỏe của em bé hoặc nỗi sợ hãi phi lý về việc làm hại em bé. Rối loạn hoảng sợ cũng có thể xảy ra. Người phụ nữ có thể mắc những rối loạn này và trầm cảm cùng một lúc.

Bệnh trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Những trường hợp dưới đây nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế:

  • Các triệu chứng vẫn tồn tại sau 2 tuần.
  • Bạn không thể xử lý các tình huống hàng ngày dù chỉ là những điều bình thường.
  • Có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé.
  • Cảm thấy cực kỳ lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn hầu hết thời gian trong ngày.

3. Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh bao gồm:

  • Tiền sử trầm cảm trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai, rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder-PMDD).
  • Người phụ nữ ở độ tuổi càng trẻ càng có nhiều nguy cơ.
  • Mâu thuẫn về việc mang thai.
  • Đã có nhiều con.
  • Tiền sử gia đình về rối loạn cảm xúc.
  • Trải qua một sự kiện cực kỳ căng thẳng, chẳng hạn như mất việc hoặc khủng hoảng sức khỏe.
  • Có một đứa con cần hỗ trợ đặc biệt hoặc có vấn đề về sức khoẻ.
  • Sinh đôi hoặc sinh ba.
  • Sống một mình.
  • Không nhận được hỗ trợ từ cộng đồng.
  • Xung đột hôn nhân.

Không có một nguyên nhân cụ thể nào được chứng minh chính xác gây ra chứng trầm cảm sau sinh, nhưng những vấn đề về thể chất và cảm xúc này có thể góp phần tăng nguy cơ như:

  • Nội tiết tố. Sự sụt giảm đáng kể của estrogen và progesterone sau khi sinh con có thể đóng một vai trò trong việc gây ra chứng trầm cảm sau sinh. Các hormone khác do tuyến giáp sản xuất cũng có thể giảm mạnh và khiến người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và trầm cảm.
  • Thiếu ngủ. Tình trạng thiếu ngủ và quá tải có thể khiến người phụ nữ gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề dù là nhỏ.
  • Sự lo lắng. Bạn có thể lo lắng về khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh của bản thân.
  • Hình tượng bản thân. Bạn có thể cảm thấy kém xinh đẹp hơn, cảm thấy rằng bạn đã mất kiểm soát cuộc sống của mình. Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể góp phần gây ra trầm cảm sau sinh.

4. Các loại trầm cảm sau sinh

Những tình trạng mà người phụ nữ sau sinh có thể gặp phải:

  • Hội chứng “baby blues” xảy ra với khoảng 70% phụ nữ trong những ngày đầu sau khi sinh con. Bạn có thể có những thay đổi tâm trạng đột ngột, chẳng hạn như cảm thấy rất hạnh phúc và sau đó cảm thấy rất buồn, khóc không vì lý do gì và có thể cảm thấy mất kiên nhẫn, cáu kỉnh, bồn chồn, lo lắng, cô đơn và buồn bã. Tình trạng baby blues có thể chỉ kéo dài vài giờ hoặc là 1 đến 2 tuần sau khi sinh. Thường bạn không cần điều trị. Việc tham gia nhóm hỗ trợ những phụ nữ lần đầu làm mẹ hoặc trò chuyện với những bà mẹ khác có thể làm giảm hội chứng “baby blues”.
  • Trầm cảm sau sinh (PPD) có thể xảy ra vài ngày hoặc thậm chí vài tháng sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra sau khi bạn sinh bất kỳ đứa con nào, không nhất thiết phải là con đầu. Bạn có thể có những cảm xúc như cảm giác buồn tẻ, tuyệt vọng, lo lắng, cáu kỉnh. PPD thường khiến bạn gặp khó khăn trong việc thực hiện những việc bạn cần làm hàng ngày. Khi đó, bạn cần hỗ trợ từ các chuyên viên y tế. Các bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng trầm cảm và lập kế hoạch điều trị. Nếu bạn không điều trị PPD, các triệu chứng sẽ ngày càng trầm trọng.
  • Loạn thần sau sinh là một bệnh lý tâm thần rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến các bà mẹ mới sinh con. Bệnh có thể xảy ra nhanh chóng, thường trong vòng 3 tháng đầu sau khi sinh con. Phụ nữ có thể mất kết nối với thực tế, có ảo giác thính giác (nghe thấy những điều không thực sự xảy ra, có tiếng nói trong đầu) và ảo tưởng (tin tưởng mạnh mẽ vào những điều rõ ràng là phi lý) v.v. Ảo giác thị giác (thấy những thứ không hiện diện) hiếm gặp hơn. Các triệu chứng khác bao gồm mất ngủ, cảm thấy kích động và tức giận, bồn chồn, có những hành vi kỳ lạ. Phụ nữ bị loạn thần sau sinh cần được điều trị ngay. Đôi khi những phụ nữ này cần nhập viện vì họ có khả năng làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh.
dau hieu tram cam sau sinh
Những loại trầm cảm sau sinh mà người phụ nữ có thể gặp phải

5. Điều trị trầm cảm sau sinh

Tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm sau sinh mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Các lựa chọn điều trị phổ biến bao gồm thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm, trị liệu tâm lý và tham gia vào một nhóm hỗ trợ để hỗ trợ tinh thần v.v. 

Trong trường hợp rối loạn tâm thần sau sinh, bác sĩ có thể bổ sung các loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần và đề nghị nhập viện.

Việc sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc có thể ảnh hưởng đến việc bạn cho con bú.

6. Phòng chống trầm cảm sau sinh

Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, hãy liên hệ bác sĩ ngay khi bạn phát hiện ra mình có thai hoặc nếu bạn đang có ý định mang thai.

Trong khi mang thai, bác sĩ có thể theo dõi bạn về các triệu chứng và kê đơn thuốc. Bạn nên thăm khám bác sĩ ngay sau sinh. 

Bên cạnh đó, sau khi sinh bạn nên kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng, tránh rượu và caffein, đừng tự cô lập bản thân, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn v.v.

7. Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín

  • SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
  • Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
  • Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.

Trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hệ quả vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu bạn đọc phát hiện bản thân hoặc người thân có những dấu hiệu trên, cần ngay lập tức liên hệ và trao đổi với các bác sĩ và chuyên gia.


Nguồn tham khảo: webmd

Contact Me on Zalo