Chứng ngủ rũ: triệu chứng, nguyên nhân và những câu hỏi thường gặp

Bạn thường xuyên buồn ngủ và mất tập trung vào ban ngày? Hiểu rõ về chứng ngủ rũ qua các triệu chứng, nguyên nhân và lời giải đáp những câu hỏi thường gặp để có cách quản lý và điều trị hiệu quả.

Chứng ngủ rũ là gì?

Chứng ngủ rũ là một rối loạn của não và hệ thần kinh ảnh hưởng đến khả năng ngủ và thức của bạn. Người mắc chứng ngủ rũ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ dữ dội vào ban ngày và không thể kiểm soát được cơn buồn ngủ. Họ có thể bất ngờ ngủ thiếp bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoạt động nào.

Trong một chu kỳ giấc ngủ điển hình, chúng ta bước vào giai đoạn đầu của giấc ngủ, sau đó là giai đoạn sâu hơn và cuối cùng (sau khoảng 90 phút) là giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Tuy nhiên, những người mắc chứng ngủ rũ đi vào giấc ngủ REM gần như ngay lập tức trong chu kỳ giấc ngủ và đôi khi trong khi họ thức.

Trong nhiều trường hợp, chứng ngủ rũ không được chẩn đoán và do đó không được điều trị kịp thời.

Chứng ngủ rũ là gì?

Triệu chứng của chứng ngủ rũ

Các triệu chứng của bệnh thường tiến triển trong một vài tháng và kéo dài đến hết đời.

Dấu hiệu sớm của chứng ngủ rũ

Trong hầu hết trường hợp, buồn ngủ ban ngày quá mức (EDS) là dấu hiệu đầu tiên của chứng ngủ rũ. Nói chung, EDS làm cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi bạn ngủ đủ giấc vào ban đêm. Việc thiếu năng lượng có thể khiến bạn khó tập trung, bạn cũng có thể mất trí nhớ và cảm thấy đau đầu, chán nản hoặc kiệt sức.

Các triệu chứng khác của chứng ngủ rũ

Trong giấc ngủ REM, chúng ta có thể mơ và bị mất trương lực cơ, điều này giải thích một số triệu chứng khác của chứng ngủ rũ như:

Mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy): Sự mất trương lực cơ đột ngột này có thể gây ra các vấn đề khác nhau, từ nói chậm đến việc cả người ngã vật ra, tùy thuộc vào các cơ liên quan bị mất trương lực. Nó thường khởi phát do những cảm xúc mãnh liệt như ngạc nhiên, cười lớn hoặc tức giận.

Ảo giác: Những ảo giác này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chúng thường sống động và đáng sợ. Tình trạng này chủ yếu thông qua thị giác, nhưng các giác quan khác cũng có thể gặp ảo giác. Nếu ảo giác xảy ra khi bạn đang ngủ, chúng được gọi là ảo giác thôi miên (hypnagogic hallucinations). Nếu chúng xảy ra khi bạn đang thức, chúng được gọi là ảo giác tiếp miên (hypnopompic hallucinations).

Ảo giác

Chứng tê liệt khi ngủ (Sleep paralysis): Thuật ngữ dân gian gọi đây là bóng đè. Bạn không thể cử động hoặc nói chuyện được trong giai đoạn vừa chìm vào giấc ngủ hoặc vừa tỉnh dậy. Các cơn “bóng đè” này thường kéo dài vài giây đến vài phút.

Giấc ngủ bị gián đoạn: Bạn khó ngủ vào ban đêm vì những lý do như giấc mơ quá sống động, khó thở hoặc động đậy cơ thể.

Phân loại chứng ngủ rũ

Có hai loại chứng ngủ rũ chính. Việc bạn mắc loại nào phụ thuộc vào việc liệu mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy) có phải là một trong những triệu chứng của bạn hay không:

Chứng ngủ rũ type 1: Khoảng 20% số người mắc chứng ngủ rũ thuộc type này. Chứng ngủ rủ type 1 bao gồm triệu chứng mất trương lực cơ đột ngột. Tình trạng mất trương lực có thể nhẹ hoặc nặng đến mức làm bạn ngã vật ra khi đang thức. Người mắc type này cũng có nồng độ hypocretin, một chất giúp điều hòa chu kỳ ngủ trong não, thấp.

Chứng ngủ rũ type 2: hầu hết người mắc chứng ngủ rủ (80%) thuộc type này. Chứng ngủ rũ type 2 không có triệu chứng mất trương lực cơ đột ngột và khó chẩn đoán hơn type 1. Nếu bạn mắc chứng ngủ rũ type 2, nồng độ hypocretin trong não của bạn là bình thường và các triệu chứng sẽ nhẹ hơn so với những người mắc chứng ngủ rũ type 1.

Nguyên nhân của chứng ngủ rũ

Các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ngủ rũ. Họ cho rằng bệnh liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp, gây ra các vấn đề trong não và làm rối loạn giấc ngủ REM của bạn.

Khoảng 90% những người mắc bệnh ngủ rũ type 1 có cùng một đoạn gen, được gọi là DQB1*0602. Tuy nhiên, vai trò của gen này trong bệnh ngủ rũ vẫn chưa được làm rõ.

Một số chuyên gia cho rằng bệnh ngủ rũ có thể xảy ra do não của bạn gặp khó khăn trong việc sản xuất hypocretin. Có giả thuyết cho rằng điều này xảy ra khi một yếu tố bên ngoài kích hoạt phản ứng miễn dịch ở những người có cơ địa di truyền dễ mắc bệnh. Hệ thống miễn dịch của họ sau đó tấn công các tế bào thần kinh sản xuất hypocretin. Vấn đề ở các vùng não kiểm soát giấc ngủ REM cũng được cho là có liên quan tới chứng ngủ rũ.

Nguyên nhân của chứng ngủ rũ

Yếu tố nguy cơ chứng ngủ rũ

Các yếu tố nguy cơ mắc chứng ngủ rũ bao gồm tuổi và tiền sử gia đình. Bệnh thường bắt đầu trong độ tuổi từ 15 đến 25, nhưng nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc chứng ngủ rũ, nguy cơ bạn mắc bệnh cao gấp 20 đến 40 lần.

Biến chứng của chứng ngủ rũ

An toàn

Khi bạn mắc chứng ngủ rũ, các hoạt động hàng ngày như lái xe, nấu ăn và vận hành máy móc có thể trở nên nguy hiểm. Điều quan trọng là phải biết điều gì khiến bạn dễ trở nên mất tập trung hoặc buồn ngủ. Nếu bạn mắc chứng mất trương lực, hãy lưu ý những gì có xu hướng kích hoạt nó. Nói chuyện với bác sĩ về những trường hợp này và cách tốt nhất để giữ an toàn cho bạn.

Công việc và trường học

Những người mắc chứng ngủ rũ có xu hướng gặp khó khăn trong việc tập trung và tỉnh táo, điều này có thể cản trở công việc và học tập. Trong trường hợp này, sử dụng thuốc và thay đổi lối sống có thể hữu ích.

Các mối quan hệ và đời sống xã hội

Tình trạng mơ hồ về tinh thần, buồn ngủ ban ngày, các vấn đề về trí nhớ và chứng mất trương lực có thể khiến các tương tác xã hội trở nên khó xử. Bạn cũng có thể cảm thấy xấu hổ về tình trạng của mình vì nhiều người không hiểu được nó. Bạn có thể nói chuyện với các thành viên trong gia đình và bạn bè về tình trạng của mình cũng như yêu cầu họ hỗ trợ và thông cảm.

Chứng ngủ rũ và các vấn đề về tim mạch

Chứng ngủ rũ không được điều trị có liên quan đến cholesterol cao, huyết áp cao và bệnh tim mạch. Những người mắc chứng ngủ rũ thường thiếu hypocretin, chất giúp hạ huyết áp khi ngủ. Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có hại cho sức khỏe tim mạch.

Chứng ngủ rũ có hại cho sức khỏe tim mạch

Câu hỏi thường gặp về chứng ngủ rũ

Điều gì có thể gây khởi phát chứng ngủ rũ?

Các chuyên gia cho rằng chứng ngủ rũ khởi phát là do sự kết hợp của nhiều yếu tố và có thể có một phần là do di truyền. Một vài yếu tố có thể gây khởi phát bệnh bao gồm:

–      Thay đổi nội tiết tố do dậy thì

–      Thay đổi nội tiết tố do mãn kinh

–      Nhiễm trùng

–      Thay đổi kiểu ngủ

–      Một số loại vắc-xin

–      Căng thẳng cảm xúc

Chứng ngủ rũ có thể chữa khỏi không?

Các triệu chứng của chứng ngủ rũ có thể sẽ cải thiện khi điều trị, tuy nhiên nó là một tình trạng sẽ theo bạn suốt đời.

Điều gì xảy ra nếu bạn đánh thức ai đó đang ngủ rũ?

Bạn có thể đánh thức một người ngủ rũ bất chợt vào ban ngày một cách an toàn. Họ sẽ tỉnh dậy giống như một người bình thường không mắc chứng ngủ rũ. Nhưng họ có thể sẽ lại ngủ gật trong vài phút.

Kết luận

Bệnh ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ mãn tính có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và nguyên nhân của bệnh là vô cùng quan trọng để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân có thể mắc bệnh ngủ rũ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm tra cụ thể. Chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Tham khảo:

1. https://www.webmd.com/sleep-disorders/narcolepsy 

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/narcolepsy/symptoms-causes/syc-20375497