Chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi những cơn buồn ngủ đột ngột và không thể kiểm soát. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách chứng ngủ rũ được chẩn đoán và điều trị, cũng như cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích để sống chung với căn bệnh này.
Tóm tắt nội dung
Chẩn đoán chứng ngủ rũ
Các triệu chứng của bệnh ngủ rũ có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác. Quá trình chẩn đoán bệnh có thể bao gồm kiểm tra sức khỏe tổng quát và hỏi về tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi chép nhật ký giấc ngủ để theo dõi các triệu chứng và thời gian ngủ trong vài tuần.
Các xét nghiệm chẩn đoán chứng ngủ rũ gồm:
Đo đa ký giấc ngủ (PSG): Xét nghiệm này được thực hiện tại phòng khám rối loạn giấc ngủ hoặc phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Đây là xét nghiệm qua đêm, đo liên tục các chỉ số trong khi bạn ngủ để ghi lại các vấn đề trong chu kỳ ngủ của bạn.
PSG có thể giúp phát hiện xem bạn có bước vào giấc ngủ REM vào những thời điểm bất thường trong chu kỳ ngủ của mình hay không. Nó cũng có thể loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra triệu chứng của bạn.
Kiểm tra độ trễ khi ngủ nhiều lần (MSLT): Xét nghiệm này cũng được thực hiện tại một phòng khám hoặc phòng thí nghiệm chuyên biệt. Xét nghiệm được thực hiện vào ban ngày, đo xu hướng ngủ gật của bạn và xem liệu một số yếu tố của giấc ngủ REM có xảy ra vào những thời điểm bất thường trong ngày hay không. Bạn sẽ có bốn hoặc năm giấc ngủ ngắn, thường cách nhau 2 giờ.
Chọc dò tủy sống: xét nghiệm này, đôi khi được gọi là chọc dịch não tủy, được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở điều trị ngoại trú. Bác sĩ hoặc y tá sẽ sử dụng kim để lấy một lượng nhỏ dịch tủy sống từ lưng của bạn. Dịch sau đó được xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hypocretin.
Điều trị chứng ngủ rũ
Thuốc điều trị chứng ngủ rũ
Các loại thuốc bác sĩ có thể kê toa để điều trị chứng ngủ rũ bao gồm:
Thuốc kích thích thần kinh: Giúp điều trị chứng buồn ngủ. Hai lựa chọn phổ biến là modafinil (Provigil) hoặc armodafinil (Nuvigil).
Đôi khi các bác sĩ cũng kê đơn thuốc cũ hơn như methylphenidate (Ritalin, Concerta) hoặc amphetamine (Adderall XR, Dexedrine), nhưng những thuốc này có thể gây nghiện.
Thuốc chống trầm cảm: Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) có thể cải thiện các vấn đề về giấc ngủ REM. Ví dụ như venlafaxine (Effexor XR), fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft).
Thuốc chống trầm cảm ba vòng như protriptyline, imipramine (Tofranil) và clomipramine (Anafranil) có thể điều trị chứng mất trương lực cơ đột ngột.
Natri oxybate: Còn được biết đến với tên thương mại Xyrem và Xywav, thuốc này cũng được sử dụng để điều trị mất trương lực cơ đột ngột.
Pitolisant (Wakix) hoặc solriamfetol (Sunosi): Những loại thuốc này giúp bạn tỉnh táo trong thời gian dài hơn.
Phương pháp điều trị thay thế cho chứng ngủ rũ
Rất ít bằng chứng cho thấy có bất kỳ phương pháp điều trị thay thế nào có thể làm giảm các triệu chứng ngủ rũ. Tuy nhiên, một số người đã phát hiện ra rằng liệu pháp xoa bóp cải thiện giấc ngủ của họ. Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ cho thấy liệu pháp thiền định thư giãn làm giảm tần suất những người mắc chứng ngủ rũ bị bóng đè.
Hãy nhớ rằng trước khi bạn thử bất kỳ điều trị thay thế nào, nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.
Tiên lượng
Chứng ngủ rũ là một tình trạng mãn tính (suốt đời). Mặc dù nó không đe dọa đến tính mạng, nhưng nó có thể làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn có thể không được làm một số việc nhất định, chẳng hạn như bơi lội hoặc lái xe, vì chúng có thể gây nguy hiểm cho bạn.
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn chứng ngủ rũ, nhưng hầu hết mọi người đều thấy sự cải thiện khi điều trị.
Sống chung với chứng ngủ rũ
Điều trị chứng ngủ rũ có thể giúp bạn kiểm soát nó. Nhưng ngay cả khi điều trị hiệu quả các triệu chứng ngủ rũ cũng không thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn. Do đó thay đổi lối sống và có chiến lược đối phó với chúng cũng rất quan trọng.
Chế độ ăn và lối sống cho người mắc chứng ngủ rũ
Một số người cho rằng chế độ ăn ít carbs, chẳng hạn như chế độ ăn Keto, có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh ngủ rũ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu để chứng minh điều này.
Mặc dù vậy, một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể hữu ích. Dưới đây là một vài mẹo:
– Thực hiện chế độ ăn giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Người mắc bệnh ngủ rũ có nguy cơ béo phì cao hơn bình thường. Thừa cân có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
– Ăn các bữa nhỏ hơn và thường xuyên hơn trong ngày để giảm thiểu tình trạng buồn ngủ. Tránh ăn các bữa ăn lớn gần giờ đi ngủ vì chúng có thể gây khó ngủ.
– Giảm ăn thực phẩm chế biến sẵn và đường. Những biến động lớn về lượng đường trong máu sẽ ảnh hưởng đến mức năng lượng của bạn.
– Hạn chế rượu và caffeine vì chúng làm rối loạn giấc ngủ.
Một số thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích trong hạn chế các triệu chứng ngủ rũ:
– Kiểm soát lịch trình giấc ngủ của bạn. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
– Lên lịch cho một vài giấc ngủ ngắn vào ban ngày, mỗi giấc kéo dài 10-15 phút.
– Tập thể dục thường xuyên. Lên kế hoạch tập luyện vừa phải 4-5 giờ trước khi đi ngủ.
Kiểm soát chứng ngủ rũ
Để giữ an toàn cho bản thân và làm việc hiệu quả nhất có thể, bạn cần nhận thức được những hạn chế của mình và giúp người khác hiểu được tình trạng của bạn. Bạn có thể thử một số cách sau:
– Lên lịch hoạt động dựa trên thời điểm các triệu chứng thường xuất hiện.
– Cởi mở chia sẻ về bệnh tình với những người bạn thường xuyên gặp gỡ ở công ty, trường học và các hoạt động xã hội.
– Dành thời gian ở ngoài trời hoặc tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban ngày để giúp bạn tỉnh táo hơn.
– Chia nhỏ các dự án dài hoặc phức tạp thành các khoảng thời gian ngắn. Ngủ trưa khi bạn bắt đầu mất tập trung.
– Nếu cảm thấy buồn ngủ khi lái xe, hãy tấp vào lề đường và ngủ gật một chút.
– Thông báo cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về triệu chứng hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Kết luận
Chứng ngủ rũ là một tình trạng suốt đời ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Bạn cần nhận thức được những hạn chế của mình và điều chỉnh các hoạt động hàng ngày để giúp bản thân thích nghi. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn chứng ngủ rũ, nhưng hầu hết mọi người đều thấy sự cải thiện khi điều trị và thay đổi lối sống.
Tham khảo:
1. https://www.webmd.com/sleep-disorders/narcolepsy
2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/narcolepsy/symptoms-causes/syc-20375497