Có nên tự điều trị trầm cảm sau sinh tại nhà?

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh con. Biểu hiện của nó có thể bao gồm thay đổi tâm trạng, lo lắng, khó ngủ và mất hứng thú với các hoạt động thường ngày. Bài viết này cung cấp thông tin về cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho chứng trầm cảm sau sinh, giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên tự điều trị tại nhà.

Chẩn đoán và xét nghiệm trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh được chẩn đoán như thế nào?

Không có xét nghiệm chuyên biệt nào được sử dụng để chẩn đoán trầm cảm sau sinh. Thông thường, các bác sĩ khi khám hậu sản cho bạn sẽ có kết hợp đánh giá sức khỏe tâm lý sau khi sinh. Nếu nhận thầy bạn có các triệu chứng của trầm cảm sau sinh, bạn có thể được hẹn tái khám vào một ngày khác.

Bạn sẽ được hỏi một loạt câu hỏi để đánh giá xem liệu bạn có trầm cảm sau sinh hay không. Hãy trung thực và thẳng thắng trả lời những câu hỏi này để bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe tâm lý của bạn và có biện pháp điều trị tâm lý phù hợp.

Đôi khi bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm máu để chẩn đoán loại trừ, do trầm cảm sau sinh có triệu chứng tương tự một số bệnh tuyến giáp.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh được sàng lọc như thế nào?

Các bác sĩ thường sử dụng Thang đo trầm cảm sau sinh của Edinburgh để sàng lọc chứng trầm cảm sau sinh. Thang đo này bao gồm 10 câu hỏi liên quan đến các triệu chứng trầm cảm như cảm giác không vui, lo lắng hay tội lỗi. Bạn được yêu cầu lựa chọn câu trả lời gần nhất với cảm giác của bạn trong bảy ngày qua.

Sau khi hoàn thành, bài làm của bạn được tổng kết điểm, điểm số càng cao, khả năng bị trầm cảm sau sinh càng lớn. Đối với các trường hợp trầm cảm sau sinh nhẹ, có thể khó sàng lọc do triệu chứng thường thoáng qua và tự biến mất sau vài ngày. Trong trường hợp bác sĩ cho rằng bạn có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, họ sẽ đề nghị với bạn phương pháp điều trị thích hợp.

Quản lý và điều trị

Điều trị trầm cảm sau sinh như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh khác nhau tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của bạn. Các lựa chọn điều trị bao gồm sử dụng thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm, điều trị tâm lý (liệu pháp trò chuyện hoặc liệu pháp hành vi nhận thức) và tham gia nhóm hỗ trợ.

Nếu bạn đang cho con bú, đừng vội nghĩ rằng bạn không thể dùng thuốc điều trị trầm cảm. Hãy trao đổi với các bác sĩ và dược sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả.

Tôi có thể dùng thuốc gì để điều trị trầm cảm sau sinh?

Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc để điều trị trầm cảm. Những loại thuốc này giúp cân bằng lại các rối loạn hormone và chất dẫn truyền thần kinh cho bạn. Nếu bạn đang cho con bú, đúng là có nguy cơ thuốc này được truyền sang cho con bạn qua sữa mẹ, tuy nhiên nhìn chung tỉ lệ này là thấp và rất nhiều thuốc chống trầm cảm được xem là an toàn cho cả mẹ và bé đang trong giai đoạn cho con bú.

Dùng thuốc gì để điều trị trầm cảm sau sinh

Một số thuốc chống trầm cảm phổ biến cho trầm cảm sau sinh là:

–      Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) như sertraline (Zoloft®) và fluoxetine (Prozac®).

–      Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) như duloxetine (Cymbalta®) và desvenlafaxine (Pristiq®).

–      Bupropion (Wellbutrin® hoặc Zyban®).

–      Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) như amitriptyline (Elavil®) hoặc imipramine (Tofranil®).

Điều trị trầm cảm sau sinh bằng thuốc có thể mất ít nhất 3 đến 4 tuần mới phát huy hiệu quả. Trong trường hợp các triệu chứng đã được cải thiện và bạn muốn dừng sử dụng thuốc, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ.

Việc dừng thuốc đột ngột có thể làm các triệu chứng quay trở lại và trầm trọng thêm. Trong trường hợp này bạn nên giảm liều từ từ rồi ngừng hẳn.

Có những cách nào khác để vượt qua trầm cảm sau sinh?

Việc bạn cảm thấy bối rối và choáng ngợp khi có con là hoàn toàn bình thường. Có con và nuôi dạy con là quá trình chông gai và nhiều khó khăn. Do đó, nếu có các vấn đề tâm lý, đừng ngại chia sẻ nó và yêu cầu được giúp đỡ:

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp đối phó với trầm cảm sau sinh:

–      Tìm ai đó để nói chuyện – một nhân viên y tế, bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc ai đó sẽ lắng nghe bạn và giúp bạn.

–      Tham gia một nhóm hỗ trợ cho người mới làm cha mẹ.

–      Cố gắng ăn uống lành mạnh và tìm thời gian để tập thể dục.

–      Ưu tiên nghỉ ngơi cho bản thân.

–      Đi chơi với bạn bè hoặc nói chuyện với họ qua điện thoại.

–      Tìm thời gian để chăm sóc bản thân và làm những việc bạn thích, như đọc sách hoặc các sở thích khác.

–      Nhận sự giúp đỡ của người khác với các công việc gia đình hoặc việc vặt.

Ưu tiên cho bản thân và dành thời gian trò chuyện, đi chơi với bạn bè có thể giúp bạn vượt qua trầm cảm sau sinh.

Điều gì xảy ra nếu trầm cảm sau sinh không được điều trị?

Trầm cảm sau sinh không được điều trị rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến bạn, con của bạn và những người yêu thương bạn. Nó có thể làm cho bạn:

–      Cảm thấy không còn năng lượng.

–      Có tâm trạng cực kỳ tệ

–      Tin rằng bạn không thể chăm sóc con của bạn.

–      Không thể tập trung hoặc đưa ra quyết định.

–      Có suy nghĩ làm tổn thương chính mình.

Tiên lượng điều trị?

Với sự trợ giúp của xã hội và hỗ trợ y tế, hầu như tất cả những người bị trầm cảm sau sinh đều có thể vượt qua các triệu chứng của họ.

Khi nào tôi nên tìm kiếm hỗ trợ y tế cho các triệu chứng liên quan đến trầm cảm sau sinh?

Bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp khi:

–      Các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần.

–      Bạn không thể sinh hoạt bình thường hoặc giải quyết các tình huống hàng ngày.

–      Bạn có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé của bạn.

–      Bạn cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn hầu hết thời gian trong ngày.

Khi nào nên tìm kiếm hỗ trợ y tế?

Kết luận

Trầm cảm sau sinh là một tình trạng phổ biến và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 1/7 phụ nữ sau khi sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là bạn không đơn độc và có nhiều biện pháp điều trị hiệu quả. Nếu bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm sau sinh, hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Bên cạnh đó, hãy chia sẻ với những người thân yêu về những gì bạn đang trải qua. Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc tự điều trị có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ và không mang lại kết quả tốt nhất cho bạn. KHÔNG NÊN TỰ ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM SAU SINH TẠI NHÀ.

Tham khảo:

1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9312-postpartum-depression

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617