Đã đến lúc ngừng nói “Tôi rất OCD” — Thay vào đó, đây là những gì nên nói

Sử dụng thuật ngữ “OCD” một cách bừa bãi không chỉ thiếu tôn trọng mà còn góp phần vào sự hiểu lầm về rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thực sự. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao chúng ta cần ngừng nói “Tôi rất OCD” và thay vào đó, sử dụng ngôn ngữ chính xác và phù hợp hơn.

Đã đến lúc ngừng nói "Tôi rất OCD"

Chính xác thì rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Tổ chức OCD Quốc tế định nghĩa căn bệnh này là, “một rối loạn sức khỏe tâm thần xảy ra khi một người bị mắc kẹt trong chu kỳ của ám ảnh và cưỡng chế. Ám ảnh là những suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc không mong muốn, đeo bám lấy bệnh nhân gây ra cảm giác khó chịu dữ dội. Cưỡng chế là những hành vi mà bệnh nhân thực hiện để cố gắng loại bỏ những ám ảnh và/hoặc giảm bớt sự khó chịu của nó.” Từ định nghĩa này có thể thấy, việc bạn “ám ảnh” xếp bát đĩa trong máy rửa bát theo một cách cụ thể không được coi là OCD.

Tôi tỉ mỉ trong một số việc nhất định, điều đó có nghĩa là tôi bị OCD?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Những ám ảnh và cưỡng chế phải lớn đến mức chúng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn thì mới được chẩn đoán là OCD. Nói một cách dễ hiểu, ám ảnh cưỡng chế phải xảy ra trong thời gian dài, gây khổ sở và khó khăn, ảnh hưởng tới hoạt động sống bình thường của người bệnh như các vấn đề tâm lý hay sức khỏe tâm thần khác thì mới được chẩn đoán là OCD. Ví dụ, thói quen sắp xếp cốc theo một hướng nhất định trong tủ hoặc sách theo thứ tự cụ thể không được xem là OCD.

Tôi tỉ mỉ trong một số việc nhất định, điều đó có nghĩa là tôi bị OCD?

Những điểm khác biệt cơ bản giữa người bị OCD và người bình thường

Cần sự chắc chắn

Kiểu suy nghĩ này được đặc trưng bởi việc một người cần mọi thứ phải rõ ràng, chắc chắn và hoàn hảo trong mọi tình huống để cảm thấy an tâm. Tuy nhiên, thực tế của cuộc sống là chúng ta không bao giờ có được sự chắc chắn tuyệt đối, nhưng người mắc OCD lại không thể chấp nhận điều đó đối với những vấn đề nhất định.

Nỗi sợ hãi quá mức

Người mắc OCD luôn sợ hãi hậu quả thảm khốc của các sự kiện bất kể khả năng xảy ra có thấp bao nhiêu. Ví dụ như việc lo lắng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục từ bệ ngồi WC. Đối với hầu hết mọi người, vì điều đó rất khó xảy ra nên nó sẽ không ám ảnh họ. Tuy nhiên, đối với người mắc OCD, nếu đó là điều họ lo lắng, thì khả năng rất nhỏ đó sẽ được phóng đại đến mức họ có thể tránh đi vệ sinh hoàn toàn hoặc lau chùi bệ ngồi WC quá mức – để phòng ngừa điều đó xảy ra.

Ý thức trách nhiệm cá nhân quá mức

Người mắc OCD cảm thấy họ phải liên tục đề phòng hoặc hành động để ngăn chặn những điều xấu có thể xảy ra.

Ví dụ, người mắc OCD có thể nghĩ rằng nếu họ không nhắc nhở vợ/chồng uống thuốc, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của vợ/chồng mình và họ thực hiện hành động đó liên tục vì thực sự tin rằng điều đó sẽ xảy ra.

Niềm tin rằng hành vi cưỡng chế sẽ làm họ bình tĩnh lại

Người bệnh cảm thấy việc thực hiện hành vi cưỡng chế – chẳng hạn như cầu nguyện hoặc rửa tay – sẽ làm giảm bớt lo lắng của họ.

OCD

OCD khác với các hành vi do căng thẳng gây ra như thế nào?

Nếu bạn thấy mình dọn dẹp kỹ hơn bình thường khi có khách đến chơi hoặc sắp xếp giấy nhớ tỉ mỉ trước một deadline quan trọng, đó chỉ đơn giản là việc hình thành sở thích trong những tình huống căng thẳng để có cảm giác kiểm soát. Đó không phải là OCD.

Một sự khác biệt lớn khác giữa thói quen lặp đi lặp lại hoặc rối loạn tic, so với OCD là trong khía cạnh điều trị. Liệu pháp đảo ngược thói quen thường được sử dụng để khắc phục nếu một người có thói quen xấu như cắn móng tay, bứt tóc,… hoặc có một rối loạn tic.

Tuy nhiên, đối với OCD, việc điều trị có hơi khác biệt. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tiếp xúc với những môi trường hoặc trải nghiệm những tình huống làm họ cảm thấy khó chịu, lo lắng. Họ sẽ phải đối mặt với nỗi sợ của mình và tập kiếm chế những hành vi cưỡng chế trong môi trường an toàn. Mục đích của điều trị ám ảnh cưỡng chế là giúp bệnh nhân thoát khỏi những hành vi cưỡng chế và biết cách đối phó với những ám ảnh của mình.

Tại sao chúng ta nên ngừng tùy tiện sử dụng cụm từ “OCD”?

Vì OCD cũng gây suy nhược tương tự như các bệnh về tâm thần khác như trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ăn uống. Cách nhìn nhận OCD bị ảnh hưởng nhiều bởi truyền thông, khiến chúng ta không thấy được những khía cạnh phức tạp của vấn đề tâm lý này. Sự thật là, nhiều triệu người trên thế giới mắc bệnh này trong đó trẻ em và thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ lớn. Việc sử dụng tùy tiện thuật ngữ này làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó và khiến chúng ta khó hiểu hơn về OCD.

Những lầm tưởng và niềm tin sai lầm về OCD sẽ ảnh hưởng lớn đến người mắc bệnh. Có những lầm tưởng cho rằng chỉ khi ám ảnh về một số vấn đề cụ thể nào đó, bạn mới được xem là mắc OCD. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn không chính xác, một người ám ảnh về những chủ đề tình dục cấm kỵ hoàn toàn có thể mắc OCD giống như người ám ảnh về vi khuẩn.

Tại sao chúng ta nên ngừng tùy tiện sử dụng cụm từ "OCD"?

Vậy, thay vào đó tôi nên nói gì?

Mỗi người đều có sở thích riêng và một số có thể cầu kỳ về cách thức hoàn thành mọi việc. Điều này không có nghĩa là bạn mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vì vậy, khi bạn cảm thấy cần giải thích cho hành vi của mình, thay vì nói “Tôi rất OCD”, hãy thử những cách diễn đạt như:

–      “Tôi là người cầu toàn.”

–      “Tôi hơi bị ám ảnh về những thứ như thế này.”

–      “Đôi khi, sự lo lắng của tôi biểu hiện thành nhu cầu sắp xếp mọi thứ.”

–      “Đôi khi, khi cảm thấy mọi thứ không nằm trong tầm kiểm soát, tôi sẽ cư xử theo cách này.”

–      “Thói quen này giúp tôi bình tĩnh lại.”

Những cách diễn đạt này có thể giúp bạn bày tỏ và chia sẻ cảm xúc về trải nghiệm của bản thân mà không cần phải gắn mác một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng vào đó.

Tham khảo:

1. https://www.purewow.com/wellness/im-so-ocd 

2. https://www.rethink.org/news-and-stories/blogs/2021/10/ocd-is-not-an-adjective-or-a-quirk-so-let-s-all-stop-using-it-as-one/