6 nguyên nhân bệnh trầm cảm thường gặp mà bạn nên biết

Trầm cảm là một căn bệnh phúc tạp. Hiện nay, con người chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này, nhưng một số nguyên nhân bệnh trầm cảm đã được biết đến. Một số người mắc bệnh trầm cảm khi mắc một căn bệnh nghiêm trọng. Một số khác bị trầm cảm do sự thay đổi trong cuộc sống: sự xa cách hay sự qua đời của người thân yêu. Một số người có tiền sử gia đình có người bị trầm cảm.

Hiểu được nguyên nhân dẫn đến trầm cảm có thể giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và những người xung quanh bệnh nhân có thể hỗ trợ trong giai đoạn điều trị trầm cảm cho người bệnh.

Đặc điểm sinh học có liên quan đến bệnh trầm cảm không?

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một số khác biệt ở bộ não những người được chẩn đoán lâm sàng mắc bệnh trầm cảm so với những người bình thường. Ví dụ, họ tìm thấy sự khác biệt ở hồi hải mã, một phần nhỏ của bộ não dùng để lưu trữ kí ức. Hồi hải mã ở não của những người từng bị trầm cảm thì nhỏ hơn hồi hải mã của não người chưa bao giờ bị trầm cảm. Hồi hải mã nhỏ hơn thì có ít thụ thể serotonin, một trong những chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ để hình thành cảm xúc.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do vì sao hồi hải mã ở những người bị trầm cảm lại nhỏ hơn người bình thường. Vài nghiên cứu cho rằng cortisol, hormone phản ứng với stress, được sản xuất quá mức ở những người trầm cảm. Những nghiên cứu này tin rằng cortisol gây độc hay “làm teo” hồi hải mã. Một số chuyên gia khác lại cho rằng những người bẩm sinh đã có hồi hải mã nhỏ hơn người khác và do đó có khuynh hướng bị trầm cảm. Tuy vậy, còn nhiều vùng khác của não và các cơ chế dẫn truyền khác liên quan đến trầm cảm, không một vùng nào của não chịu trách nhiệm hoàn toàn cho căn bệnh này.

Nghiên cứu gần đây trên cấu trúc não cho thấy thuốc chống trầm cảm có thể đóng vai trò là “chất dưỡng thần kinh”, nghĩa là thuốc chống trầm cảm giúp bảo vệ tế bào thần kinh, ngăn cản sự chết của tế bào và giúp những tế bào này hình thành những liên kết vững chắc hơn để chống chịu căng thẳng (stress).

nguyen-nhan-benh-tram-cam

Nguyên nhân bệnh trầm cảm là những gì?

Di truyền có làm tăng nguy cơ trầm cảm không?

Bệnh trầm cảm xuất hiện ở các thành viên gia đình gợi ý sự liên quan của tính di truyền đối với căn bệnh này. Con cái, anh chị em và cha mẹ của những người bị trầm cảm nặng thì có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nhóm người bình thường. Nhiều gene tương tác với nhau một cách đặc biệt và hình thành nhiều loại bệnh trầm cảm của các thành viên trong gia đình.

Như vậy, mặc dù có bằng chứng cho thấy bệnh trầm cảm có thể do di truyền, nhưng không có một gene nào gọi là “gene trầm cảm” mà bệnh do nhiều gene tương tác với nhau, mỗi gene góp một phần liên quan đến bệnh trầm cảm cộng thêm tác động từ môi trường.

Có loại thuốc nào gây bệnh trầm cảm không?

Ở một số bệnh nhân, có một số loại thuốc nhất định có thể dẫn đến trầm cảm. Ví dụ một số thuốc trị mụn isotretinoin, thuốc ngủ hay thuốc giảm lo âu barbiturate, thuốc an thần benzodiazepine đôi khi có liên quan đến bệnh trầm cảm, đặc biệt ở người lớn tuổi. Tương tự, một số thuốc giảm đau, thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh (kháng cholinergic) thường được dùng để giảm đau dạ dày có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bệnh nhân. Ngay cả một số loại thuốc huyết áp như thuốc chẹn beta cũng có thể có liên quan đến trầm cảm.

Bệnh mãn tính có dẫn đến trầm cảm không?

Ở một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, cần phải điều trị lâu dài và thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, việc điều trị kéo dài và không dứt điểm này có thể là nguyên nhân bệnh trầm cảm. Một số bệnh mãn tính có thể dẫn đến trầm cảm là tiểu đường, bệnh tim, bệnh khớp, bệnh thận, HIV / AIDS, lupus ban đỏ, và đa xơ cứng. Bệnh suy giáp cũng có thể dẫn đến trầm cảm.

Những cơn đau mãn tính có liên quan đến bệnh trầm cảm không?

Khi những cơn đau kéo dài vài tuần đến vài tháng, người ta gọi đó là những cơn đau mãn tính. Những cơn đau ấy quấy rầy giấc ngủ và những hoạt động thường ngày của bệnh nhân, có thể ảnh hưởng cả đến các mối quan hệ và năng suất làm việc của họ. Những bệnh nhân này có thể cảm nhận được đau đớn khiến họ buồn, cô lập và chán nản.

Để đối phó với những cơn đau mãn tính và bệnh trầm cảm, cần có một sự kết hợp đa diện về y học, trị liệu tâm lý, hỗ trợ nhóm để kiểm soát cơn đau và xoa dịu sự chán nản, mang bạn về với nhịp sống bình thường.

Có phải trầm cảm xảy ra khi đau buồn?

Buồn bã là cảm xúc gắn liền với sự mất mát. Mất mát có thể là mất người thân, chia xa người yêu, mất việc, mất đi thú cưng, hay những thay đổi trong cuộc sống như ly hôn hay về hưu. Ai cũng trải qua sự đau buồn khi mất mát, nhưng không phải những người đau buồn đều trải qua trầm cảm. Bạn cần phân biệt cảm xúc đau buồn và sự buồn bã trong bệnh trầm cảm.

Buồn bã trong bệnh trầm cảm liên quan đến một số triệu chứng như cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp, không lạc quan về tương lai, muốn tự tử; trong khi đó cảm xúc buồn bã thường là cảm giác trống rỗng, thất tình, không cảm thấy vui. Mỗi người có cách riêng để đối mặt với những cảm xúc này.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu một số nguyên nhân thường gặp của bệnh trầm cảm tại Docosan. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào bạn nghĩ bản thân mình hoặc người thân đang bị trầm cảm, hãy đến gặp và trao đổi với các bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com

Causes depression – webmd

Contact Me on Zalo