Rối loạn đa nhân cách là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Rối loạn đa nhân cách là gì? Đây là một dạng rối loạn tâm thần nguy hiểm và phức tạp, liên quan đến sự gián đoạn hoặc suy giảm trí nhớ, nhận thức,… Bài viết sau đây của Docosan sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn đa nhân cách.

Rối loạn đa nhân cách là gì?

Rối loạn đa nhân cách (DID) còn thường được gọi là rối loạn phân ly, là một bệnh lý tâm thần hiếm gặp, trong đó, người bệnh phát triển một hoặc nhiều nhân cách khác so với tính cách thông thường của người đó. Mỗi bản dạng có thể có những thói quen, ký ức, kiểu suy nghĩ hoặc biểu hiện khác nhau. Các nhân cách này kiểm soát hành vi của người bệnh vào những thời điểm khác nhau, gây ra khoảng trống trong trí nhớ, cản trở hoạt động của một người cả trong cuộc sống cá nhân và công việc. 

Rối loạn đa nhân cách có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nữ giới có nhiều khả năng mắc bệnh rối loạn đa nhân cách hơn nam giới.

Người mắc DID phát triển nhiều nhân cách khác nhau trong cùng một cơ thể
Người mắc DID phát triển nhiều nhân cách khác nhau trong cùng một cơ thể

Rối loạn đa nhân cách có những loại nào?

Rối loạn đa nhân cách thường được chia làm 2 dạng:

  • Kiểu chiếm hữu: Các nhân dạng xuất hiện như thể một thực thể hoặc linh hồn bên ngoài và kiểm soát cơ thể người bệnh. Khi đó người bệnh có thể nói hoặc hành động khác đi theo cách mà người thường có thể nhận ra. Bị nhân dạng mới điều khiển là một điều mà người bệnh không hề mong muốn và việc chuyển đổi tính cách là không tự nguyện.
  • Không chiếm hữu: Người bệnh có trải nghiệm như thể bản thân đang xem chính mình trong một bộ phim (một trải nghiệm “thoát xác”) và người ngoài thường không biết đến nhân dạng của bạn.

Biểu hiện của rối loạn đa nhân cách

Các biểu hiện triệu chứng của DID bao gồm:

  • Nhân cách thay đổi: Một người bị đa nhân cách có ít nhất 2 tính cách riêng biệt: tính cách bình thường (cốt lõi) của người đó và nhân cách thay thế. Người mắc phải rối loạn đa nhân cách có thể không nhớ gì khi có một nhân cách khác kiểm soát hành vi của họ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, trí nhớ, nhận thức về bản thân và cách suy nghĩ của người bệnh.
  • Mất trí nhớ: Người mắc rối loạn đa nhân cách sẽ có biểu hiện mất trí nhớ với những khoảng trống rõ rệt trong ký ức về các sự kiện hàng ngày, thông tin cá nhân hay các sự kiện đau thương.

Ngoài ra, người rối loạn đa nhân cách cũng biểu hiện triệu chứng tâm lý giống như trong các rối loạn tâm thần khác, bao gồm:

  • Thay đổi mức độ hoạt động, từ hiệu quả cao sang bị đình trệ.
  • Đau đầu dữ dội hoặc đau ở các bộ phận khác của cơ thể.
  • Cảm giác bị ngắt kết nối khỏi suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể.
  • Cảm giác rằng môi trường xung quanh xa lạ, kỳ quặc hoặc không thực.
  • Rối loạn lo âu và trầm cảm.
  • Rối loạn ăn uống và giấc ngủ.
  • Lạm dụng chất gây nghiện.
  • Chứng hay quên (mất trí nhớ hoặc cảm thấy bị bóp méo thời gian).
  • Ảo giác (nhận thức hoặc giác quan không bình thường, chẳng hạn như nghe thấy giọng nói).
  • Các hành vi tự gây thương tích.
  • Có ý định tự tử.
Người bệnh thường có biểu hiện lo âu và mất ngủ
Người bệnh thường có biểu hiện lo âu và mất ngủ

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn đa nhân cách

Nguyên nhân chính gây ra rối loạn đa nhân cách thường liên quan đến các trải nghiệm tổn thương tâm lý nghiêm trọng trong thời thơ ấu về thể chất, cảm xúc hoặc tình dục. Những sang chấn điển hình có thể kể đến như bị lạm dụng, trải qua bệnh tật, thiên tai, chiến tranh,… Sự đau thương quá mức làm người bệnh có nhận thức méo mó về thực tế và sự thiếu ổn định về mặt thể chất.

Khi đó, phân ly đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ chống lại nỗi đau về thể chất và cảm xúc của một trải nghiệm đau thương. Bằng cách phân tách ký ức đau buồn khỏi các quá trình suy nghĩ hàng ngày, một người có thể sử dụng phân ly để duy trì mức độ hoạt động bình thường như thể sang chấn chưa bao giờ xảy ra.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một đưa trẻ sẽ có nhiều nguy cơ bị rối loạn đa nhân cách hơn khi trưởng thành nếu:

  • Sống trong môi trường gia đình không ổn định: Trẻ em lớn lên trong môi trường có bạo lực gia đình, thiếu sự quan tâm, hoặc bị cô lập dễ phát triển rối loạn này.
  • Cơ địa nhạy cảm: Những người có cơ địa nhạy cảm và dễ tổn thương về tâm lý có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển DID.
DID thường đến từ một tổn thương tâm lý nghiêm trọng thời thơ ấu
DID thường đến từ một tổn thương tâm lý nghiêm trọng thời thơ ấu

Biến chứng của bệnh rối loạn đa nhân cách

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn đa nhân cách có thể gặp các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần như:

  • Nguy cơ cao hơn về hành vi tự gây thương tích.
  • Nguy cơ tự tử
  • Khó khăn trong các mối quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu,…
  • Nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm, PTSD,…

Cách chẩn đoán rối loạn đa nhân cách

Các chẩn đoán để xác định rối loạn đa nhân cách thường rất phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp của chuyên gia tâm lý cũng như những hiểu biết sâu sắc về tiền sử chấn thương tâm lý của người bệnh từ nhiều nguồn khác nhau.

Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc thu thập thêm thông tin từ những người hiểu bạn hoặc dành nhiều thời gian với bạn nhất, đó thường là người đầu tiên nhận thấy sự thay đổi trong tính cách của bạn và nêu lên mối lo ngại.

Sau đó, bác sĩ có thể sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và kiểm tra thần kinh bằng những xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh để loại trừ bất kỳ bệnh lý nào có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Nếu không tìm thấy các dấu hiệu bệnh lý, người mắc phải có thể tìm gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội tâm thần để chẩn đoán và điều trị các bệnh tâm thần bằng cách thực hiện một cuộc trao đổi lâm sàng để có được bức tranh đầy đủ về trải nghiệm quá khứ và hoạt động hiện tại của người đó.

Ngoài ra, có một số bảng câu hỏi hoặc thang điểm mẫu để đánh giá hành vi phân ly. Bao gồm:

  • Thang đo trải nghiệm phân ly: Bao gồm 28 câu hỏi về những trải nghiệm hàng ngày của bạn, khai thác sự hấp thụ thông tin bên ngoài, sử dụng trí tưởng tượng, mất nhân cách, mất thực tế và mất trí nhớ.
  • Bảng câu hỏi về sự phân ly: Bao gồm 63 câu hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự phân ly danh tính.
  • Thang đo mức độ khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc: Bao gồm 36 câu hỏi này tập trung vào cách bạn điều chỉnh cảm xúc và tình cảm của mình.
Bác sĩ sẽ trao đổi để tìm hiểu toàn cảnh những trải nghiệm trong quá khứ của bệnh nhân
Bác sĩ sẽ trao đổi với người thân để tìm hiểu toàn cảnh những trải nghiệm trong quá khứ của bệnh nhân

Điều trị rối loạn đa nhân cách

Các phương pháp điều trị nhằm mục đích giúp người mắc phải rối loạn đa nhân cách thể hiện và xử lý những ký ức đau buồn một cách an toàn, phát triển các kỹ năng ứng phó và kỹ năng sống mới, khôi phục chức năng tối ưu và cải thiện các mối quan hệ.

Phương pháp điều trị tốt nhất tùy thuộc vào từng cá nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc điều trị sẽ bao gồm sự kết hợp của các phương pháp sau:

  • Điều trị triệu chứng: Thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan như trầm cảm, lo âu, hoặc PTSD.
  • Tâm lý trị liệu: Bao gồm một số hình thức trị liệu như: Liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp biện chứng – hành vi, liệu pháp thôi miên lâm sàng, liệu pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt, các liệu pháp sáng tạo (ví dụ nghệ thuật, âm nhạc,…). Mỗi liệu pháp sẽ phù hợp với những đối tượng khác nhau nhưng điểm chung là đều giúp bệnh nhân khám phá, bày tỏ và thay đổi những suy nghĩ và cảm xúc cũ của mình để hướng tới một trạng  thái tốt đẹp hơn.
  • Sự hỗ trợ từ người thân: Việc trị liệu tâm lý sẽ khiến người bệnh một lần nữa phải đối mặt với những sự kiện đau thương trong quá khứ, điều này có thể khiến họ cảm thấy lo lắng, bất lực, sợ hãi và cô đơn. Vì thế, sự đồng hành chuyên gia y tế, của gia đình và những người thân quen sẽ là vô cùng cần thiết để người bệnh vượt qua được sang chấn của mình.
Gia đình là chỗ dựa giúp người bệnh vượt qua khó khăn trong điều trị
Gia đình là chỗ dựa giúp người bệnh vượt qua khó khăn trong điều trị

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu, triệu chứng bất thường

Nếu bạn nghi ngờ chính mình hoặc người thân của mình có những dấu hiệu bất thường về nhận thức về bản thân, trí nhớ hoặc khả năng hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, hãy liên hệ ngay với chuyên viên điều trị tâm lý.

Trong trường hợp bạn hoặc người thân đã được chẩn đoán mắc rối loạn đa nhân cách và có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập  tức:

  • Tự làm hại bản thân.
  • Ý định tự tử.
  • Hành vi bạo lực.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Dưới đây là một số gợi ý của Docosan:

Xem thêm:

Trên đây là những thông tin liên quan đến một căn bệnh hiếm gặp – Rối loạn đa nhân cách. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã nắm được đa nhân cách là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh. Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Dissociative Identity Disorder (Multiple Personality Disorder)

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9792-dissociative-identity-disorder-multiple-personality-disorder
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024

2. Dissociative Identity Disorder (Multiple Personality Disorder)

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/mental-health/dissociative-identity-disorder-multiple-personality-disorder
  • Ngày tham khảo: 05/09/2024
Contact Me on Zalo