Rối loạn đa nhân cách: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Rối loạn đa nhân cách (Dissociative identity disorder – DID) hay hội chứng đa nhân cách là một bệnh tâm thần liên quan đến sự gián đoạn hoặc suy giảm trí nhớ, nhận thức v.v. Bài viết sau đây của Docosan sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc về triệu chứng, nguyên nhân và điều trị rối loạn đa nhân cách.

Rối loạn đa nhân cách là gì?

Những người bị rối loạn đa nhân cách phát triển một hoặc nhiều nhân cách so với tính cách thông thường của người đó, các nhân cách hoạt động một cách có hoặc không có nhận thức. Rối loạn đa nhân cách là một trong những nhóm bệnh được gọi là rối loạn phân ly – bệnh tâm thần liên quan đến sự gián đoạn hoặc rối loạn trong trí nhớ, ý thức hoặc nhận thức.

Khi bị gián đoạn, các triệu chứng phân ly có thể xảy ra, gây cản trở hoạt động của một người cả trong cuộc sống cá nhân và công việc. Rối loạn đa nhân cách thường rất hiếm và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nữ giới có nhiều khả năng mắc bệnh rối loạn đa nhân cách hơn nam giới.

rối loạn đa nhân cách
Rối loạn đa nhân cách là một rối loạn nhân cách hiếm gặp

Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn đa nhân cách

Sang chấn là một nguyên nhân chính đối với rối loạn đa nhân cách. Sang chấn thường liên quan đến lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần nghiêm trọng, hoặc liên quan đến tai nạn, thiên tai và chiến tranh. Khoảng 90% các trường hợp rối loạn đa nhân cách liên quan đến tiền sử bị lạm dụng.

Phân ly thường được coi là một cơ chế đối phó được một người sử dụng để tách biệt khỏi tình huống áp lực, căng thẳng, hoặc tách ký ức đau buồn khỏi nhận thức bình thường. Đó là cách để một người phá vỡ kết nối với thế giới bên ngoài và tạo khoảng cách với nhận thức về những gì đang xảy ra.

rối loạn đa nhân cách
Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn đa nhân cách – Sang chấn tâm lý

Sự phân ly có thể đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ chống lại nỗi đau về thể chất và cảm xúc của một trải nghiệm sang chấn hoặc áp lực, căng thẳng. Bằng cách phân tách ký ức đau buồn khỏi các quá trình suy nghĩ hàng ngày, một người có thể sử dụng phân ly để duy trì mức độ hoạt động bình thường như thể sang chấn chưa bao giờ xảy ra.

Các giai đoạn của rối loạn đa nhân cách có thể được kích thích bởi những tổn thương bao gồm tai nạn giao thông, bệnh tật hoặc áp lực, căng thẳng. Hoặc khi cha mẹ nhớ lại việc mình từng bị lạm dùng khi con cái trưởng thành đến độ tuổi mà cha mẹ từng bị lạm dụng.

Các triệu chứng của rối loạn đa nhân cách

Một người bị rối loạn đa nhân cách có hai hoặc nhiều tính cách khác nhau và riêng biệt: tính cách bình thường (cốt lõi) của người đó và nhân cách thay thế. Người mắc phải rối loạn đa nhân cách có thể không nhớ gì khi có một “nhân cách” khác kiểm soát hành vi của người đó.

Mỗi nhân cách thay thế có những đặc điểm riêng biệt, cách suy nghĩ liên quan đến môi trường xung quanh của họ. Nhân cách thay thế có thể thuộc giới tính khác, có tên khác hoặc một nhóm cách cư xử và sở thích riêng biệt (Nhân cách thay thế thậm chí có thể bị dị ứng khác với nhân cách chính).

Người bị rối loạn đa nhân cách có thể nhận thức được hoặc không nhận thức được các trạng thái nhân cách khác và ký ức về những thời điểm mà nhân cách thay thế xuất hiện. Những áp lực, căng thẳng hay điều gì đó gợi nhắc về một sang chấn có thể kích hoạt sự thay đổi nhân cách.

Rối loạn đa nhân cách bao gồm nhiều triệu chứng tâm lý giống như những triệu chứng được tìm thấy trong các rối loạn tâm thần khác, bao gồm:

  • Thay đổi mức độ hoạt động, từ hiệu quả cao sang bị đình trệ.
  • Đau đầu dữ dội hoặc đau ở các bộ phận khác của cơ thể.
  • Depersonalization: Cảm thấy bị ngắt kết nối khỏi suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể.
  • Tri giác sai thực tại (derealization): Cảm giác rằng môi trường xung quanh xa lạ, kỳ quặc hoặc không thực.
  • Trầm cảm và / hoặc thay đổi tâm trạng.
  • Lo lắng.
  • Rối loạn ăn uống và giấc ngủ.
  • Các vấn đề với hoạt động tình dục.
  • Lạm dụng chất gây nghiện.
  • Chứng hay quên (mất trí nhớ hoặc cảm thấy bị bóp méo thời gian).
  • Ảo giác (nhận thức hoặc giác quan không bình thường, chẳng hạn như nghe thấy giọng nói).
  • Các hành vi tự gây thương tích.
  • Nguy cơ tự tử – 70% người bị rối loạn đa nhân cách đã cố gắng tự tử.
rối loạn đa nhân cách
Các triệu chứng của rối loạn đa nhân cách

Chẩn đoán rối loạn đa nhân cách

Các xét nghiệm và chẩn đoán khác nhau như xét nghiệm máu hoặc hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI) có thể được sử dụng để loại trừ những khả năng về bệnh lý khác hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Nếu không tìm thấy các dấu hiệu bệnh lý, người mắc phải có thể tìm gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội tâm thần để chẩn đoán và điều trị các bệnh tâm thần bằng cách thực hiện một cuộc trao đổi lâm sàng để có được bức tranh đầy đủ về trải nghiệm quá khứ và hoạt động hiện tại của người đó.

Điều trị rối loạn đa nhân cách

Các phương pháp điều trị nhằm mục đích giúp người mắc phải rối loạn đa nhân cách thể hiện và xử lý những ký ức đau buồn một cách an toàn, phát triển các kỹ năng ứng phó và kỹ năng sống mới, khôi phục chức năng tối ưu và cải thiện các mối quan hệ. Phương pháp điều trị tốt nhất tùy thuộc vào từng cá nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc điều trị sẽ bao gồm một số kết hợp của các phương pháp sau:

  • Trị liệu tâm lý: Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính cho các rối loạn đa nhân cách. Đây là một thuật ngữ rộng bao gồm một số hình thức trị liệu.
  • Liệu pháp nhận thức – hành vi: Hình thức trị liệu tâm lý này tập trung vào việc thay đổi các kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi bị rối loạn chức năng.
  • Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR): Kỹ thuật này được thiết kế để điều trị những người bị ác mộng dai dẳng, hay hồi tưởng và các triệu chứng khác của hậu chấn tâm lý hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn/chấn thương (tiếng Anh: Post traumatic Stress Disorder- PTSD).
  • Liệu pháp biện chứng-hành vi (DBT): Một hình thức trị liệu tâm lý dành cho những người bị rối loạn đa nhân cách nghiêm trọng, có thể bao gồm các triệu chứng phân ly thường xảy ra sau một trải nghiệm bị lạm dụng hoặc sang chấn.
  • Các liệu pháp sáng tạo (ví dụ: liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp âm nhạc): Các liệu pháp này cho phép bệnh nhân khám phá và bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của họ trong một môi trường an toàn và sáng tạo.
  • Các kỹ thuật thiền và thư giãn: Những kỹ thuật này giúp một người có sự điềm tĩnh và kiểm soát khi các triệu chứng phân ly xảy ra và nhận thức rõ hơn về trạng thái bên trong của họ.
  • Thôi miên lâm sàng: Thôi miên là phương pháp cho phép khám phá những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức mà một người có thể che giấu hoặc không nhận ra trong tâm trí tỉnh táo của họ.
  • Thuốc: Rối loạn phân ly có thể được hỗ trợ điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc chống lo âu.
rối loạn đa nhân cách
Gặp bác sĩ tâm lý điều trị rối loạn đa nhân cách

Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín

  • SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
  • Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
  • Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.

Phương pháp điều trị rối loạn đa nhân cách phụ thuộc vào từng cá nhân. Bạn nên liên hệ với bác sĩ thần kinh hoặc chuyên gia tâm lý để có phương hướng điều trị tốt nhất.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: my.clevelandclinic