Rối loạn suy nghĩ khiến cho người bệnh nhận thức hay hiểu sự vật, sự việc khác thường, chưa đúng đắn, dẫn đến những hành vi không phù hợp, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng rối loạn suy nghĩ.
Tóm tắt nội dung
Rối loạn suy nghĩ là gì?
Rối loạn suy nghĩ là tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến suy nghĩ và sự sáng suốt của người bệnh. Người bệnh rối loạn suy nghĩ sẽ thay đổi sắp xếp các quá trình suy nghĩ và có thể ảnh hưởng đến hành vi do các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng.
Suy nghĩ bình thường thường gồm 3 phần: nghĩ về một thứ gì đó, sắp xếp các suy nghĩ về việc đang nghĩ tới và cuối cùng là chuyền tải hay bộc lộ một suy nghĩ. Sự rối loạn suy nghĩ sẽ ảnh hưởng lên một hay hơn một phần của quá trình suy nghĩ.
Rối loạn suy nghĩ ảnh hưởng lên quá trình suy nghĩ bình thường, làm hành vi và cách nói chuyện của một người gặp vấn đề, không hợp lý và thiếu sự mạch lạc trong suy nghĩ.
Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn suy nghĩ
Hiện nay, nguyên nhân gây ra rối loạn suy nghĩ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Dưới đây là một số yếu tố có thể liên qua đến việc rối loạn suy nghĩ:
- Các thay đổi về thể chất: người già lớn tuổi, giảm oxy máu, hhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng,…
- Quá trình sống: sống một mình cách biệt, bị lạm dụng về cơ thể, tình dục, tra tấn về thể xác và tinh thần.
- Do lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc, chất cấm,…
- Mắc phải các bệnh rối loạn về tâm thần như: rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lượng cực,…
- Ngoài ra, rối loạn suy nghĩ còn có thể bị khởi phát bởi chấn thương, stress kéo dài hoặc các bệnh lí thực thể khác ví dụ như bệnh Parkinson, u não.
Tần số xuất hiện những đợt rối loạn suy nghĩ và thời gian kéo dài mỗi đợt còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Chính vì vậy, việc điều trị cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.
Triệu chứng của rối loạn suy nghĩ
Rối loạn suy nghĩ là tình trạng rối loạn khiến cho người bệnh nhận thức hay hiểu sự vật, sự việc khác thường và khác với những người xung quanh. Hai triệu chứng chính của rối loạn suy nghĩ đó là:
- Ảo giác: khi mà một người nghe thấy hoặc cảm giác, ngửi, nếm những thứ không có thật. Loại ảo giác thường gặp nhất là ảo thanh (nghe giọng nói không có thật)
- Hoang tưởng: khi một người tin tưởng vào một sự việc nào đó dù cho sự việc đó không có thật. Ví dụ: người bị ảo tưởng rằng hàng xóm đang muốn giết họ nhưng sự thật không phải như vậy.
Sự kết hợp giữa ảo giác và ảo tưởng có thể làm giảm khả năng nhận thức trầm trọng, giảm cả suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Chẩn đoán chứng rối loạn suy nghĩ
Bác sĩ sẽ phải xác định một số vấn đề trước khi đưa ra chẩn đoán xác định, ví dụ như:
- Tâm trạng và suy nghĩ hằng ngày cũa người bệnh. Tần suất và mức độ xảy ra các rối loạn trong suy nghĩ về một sự việc tình huống.
- Những ảnh hưởng đến học tập, công việc cũng như cuộc sống của người bệnh
- Tiền căn gia đình người bệnh có người mắc các bệnh như trầm cảm, tâm thần phân liệt,…
- Người bệnh có đang dùng thuốc, chất kích thích, rượu bia
- Hỏi về sự ảo giác – ví dụ người bệnh có nghe giọng nói kì lạ nhưng người khác lại bảo chúng không có thật (ảo thanh)
- Hỏi về sự hoang tưởng – ví dụ như người bệnh có đang cảm giác như người khác tác động hay điều khiển hay không?
Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Rối loạn suy nghĩ có gây ảnh hưởng gì không?
Rối loạn suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, sự sáng suốt và hành vi của người bệnh. Từ đó làm ảnh hưởng đến năng suất học tập và làm việc, cũng như chất lượng cuộc sống.
Người mắc loạn suy nghĩ thường tăng nguy cơ sử dụng và lạm dụng cồn, thuốc cũng như các chất kích thích. Do những hoạt chất trong các sản phẩm này giúp làm dịu các triệu chứng trong thời gian ngắn, mặc dù sau đó sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng dài lâu.
Ngoài ra, người bị rối loạn suy nghĩ có nguy cơ tự tử cao hơn người bình thường.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Rối loạn suy nghĩ có thể khiến người bệnh rơi vào nguy hiểm. Ví dụ người bệnh có thể tin rằng điều gì đó an toàn mặc dù nó nguy hiểm, có các hành vi nguy cơ gây ra nguy hiểm cho bản thân mình và người xung quanh với một niềm tin sai lầm.
Khi một người bị rối loạn suy nghĩ khó khăn trong việc giữ an toàn, với tình trạng như họ nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị rối loạn suy nghĩ
Để điều trị rối loạn suy nghĩ, các bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp sau:
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hay liệu pháp nhận thức hành vi là liệu pháp trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia tâm lý, giúp người bệnh bộc lộ những suy nghĩ rối loạn. Hiệu quả của liệu pháp này có thể giúp người bệnh dần cải thiện suy nghĩ đúng đắn và những hành vi phù hợp.
Thuốc chống loạn thần
Bác sĩ sẽ kê thuốc chống loạn thần giúp làm giảm các triệu chứng của rối loạn tâm lí và suy nghĩ. Hầu hết người bị rối loạn suy nghĩ có thể cải thiện với thuốc và cần uống ít nhất trong vòng 1 năm. Một số người có thể phải điều trị thuốc lâu dài để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.
Nhận được sự giúp đỡ, quan tâm và chia sẻ từ xã hội
Người bị rối loạn suy nghĩ thường thiếu sự sáng suốt, thiếu khả năng thấu hiểu sự việc. Họ thậm chí còn không nhận thức được rằng họ đang suy nghĩ và hành động kì quặc. Họ cần có sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt như giáo dục, chỗ ở, công việc,…hay đơn giản là một người ở bên cạnh để sẽ chia và giúp họ đứa ra những quyết định đúng đắn.
Xây dựng lối sống lành mạnh
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với những thực phẩm sạch, các loại rau xanh, củ quả, thịt, cá nhiều vitamin, khoáng chất. Hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.
- Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao (khoảng 30 phút mỗi ngày) để có được sức khỏe tốt, cân bằng cảm xúc, tâm lý ổn định. Tập luyện những bài đơn giản, nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, yoga, thiền,….
- Không lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc, tập thói quen ngủ trước 23 giờ mỗi ngày để tinh thần được thoải mái, tránh các suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/ lần để biết được những vấn đề của bản thân.
Rối loạn suy nghĩ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Bệnh còn gây ra những suy nghĩ và hành vi không phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm. Chính vì vậy, bản thân người bệnh cần có sự chủ động trong việc thăm khám, điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như xây dựng một cuộc sống lành mạnh, chia sẽ nhiều hơn với các mối quan hệ tin tưởng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.