Bệnh suy nhược thần kinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Suy nhược thần kinh là một trường hợp khá phổ biến trong các rối loạn có liên quan đến sức khỏe tâm thần. Người mắc phải chứng suy nhược thần kinh thường là những người lao động trí óc và nữ giới. Vậy bệnh suy nhược thần kinh có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa và điều trị như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về căn bệnh này ngay bài viết dưới đây.

Suy nhược thần kinh là gì?

Trải qua một số căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống con người. Tuy nhiên khi cảm xúc trở nên quá sức chịu đựng, chúng có thể góp phần làm suy sụp tinh thần. Thuật ngữ “suy nhược thần kinh” mô tả một trạng thái căng thẳng, kiệt quệ về thể chất và tinh thần kéo dài. Sự căng thẳng có thể lớn đến mức khiến người đó không thể thực hiện các công việc và sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường.

Suy nhược thần kinh là một trạng thái bệnh lý do sự rối loạn chức năng của vỏ não và các trung khu dưới vỏ não khi tế bào não làm việc quá tải. Một số biểu hiện thường thấy như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, căng thẳng và lo lắng quá mức. Đây là một bệnh lý thường gặp ở những người làm việc trí óc hơn là lao động vận động. Ngoài ra, phụ nữ có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

suy nhược thần kinh
Phụ nữ có xu hướng suy nhược thần kinh nhiều hơn nam giới

Căn bệnh này có thể gây ra các khủng hoảng sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý,… Do đó ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ suy nhược thần kinh bạn cần chú ý và những điều bạn có thể làm chính là nhận biết các triệu chứng, thực hiện phòng ngừa và điều trị càng sớm càng tốt.

Triệu chứng suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh không có triệu chứng xác định nào. Tuy nhiên có một vài dấu hiệu chung ở người bị suy nhược thần kinh. Các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau phụ thuộc nhiều yếu tố từ các khu vực và nền văn hóa khác nhau.

Cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm

Khi căng thẳng tột độ kéo dài, người bệnh dễ xuất hiện cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm. Những triệu chứng suy nhược thần kinh bao gồm:

  • Sợ hãi
  • Dễ cáu gắt
  • Lo lắng
  • Cảm thấy bất lực
  • Dễ tức giận
  • Cách xa gia đình và bạn bè
  • Không còn cảm giác hứng thú với điều yêu thích trước kia
  • Khó thở
  • Khó kiềm chế nước mắt
  • Nghĩ về tự tổn thương hoặc tự sát

Khi căng thẳng trở nên không thể chịu đựng được, có thể dẫn đến sự suy nhược thần kinh.

Khó tập trung

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng ảnh hưởng đến cả tâm trí và cơ thể. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra những thay đổi cấu trúc trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ và gây khó khăn trong việc tập trung. Trong trường hợp nghiêm trọng, mức cortisol tăng cao có thể dẫn đến mất trí nhớ.

Mất ngủ

Đối với một số người, căng thẳng quá mức có thể gây ra chứng mất ngủ, làm cho việc đi vào giấc và duy trì giấc ngủ trở nên khó khăn. Khi bạn không thể ngủ, não bộ và cơ thể không thể phục hồi khỏi căng thẳng, điều này lại có thể dẫn đến căng thẳng và lo lắng trầm trọng hơn. Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể và hiệu suất làm việc của bạn. Một số người phản ứng với căng thẳng bằng cách ngủ quá nhiều, điều này cũng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe tâm lý.

Mệt mỏi cực độ

Căng thẳng quá mức có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi cực độ. Bạn có thể cảm thấy mệt vì không ngủ đủ, hoặc thậm chí cảm thấy mệt vì ngủ quá nhiều. Theo thời gian, sự mệt mỏi mãn tính cùng với căng thẳng có thể dẫn đến suy nhược tinh thần.

Thay đổi khẩu vị

Căng thẳng có thể làm thay đổi khẩu vị bình thường. Một số người đối mặt với căng thẳng bằng cách ăn quá nhiều, điều này có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn. Đối với người khác, căng thẳng làm mất khẩu vị, chán ăn.

Gặp vấn đề về tiêu hóa

Stress và lo lắng kéo dài có thể gây ra vấn đề về dạ dày như đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy hay làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng và bắt đầu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, có thể đó là dấu hiệu bạn đang tiến tới trạng thái suy nhược thần kinh.

Ảo giác

Trong một số trường hợp, căng thẳng cực độ có thể gây ra cảm giác ảo giác. Bạn có thể nghe hoặc thấy những điều không thực sự tồn tại.

Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bắt nguồn từ cả yếu tố cá nhân lẫn tác động từ môi trường xung quanh:

  • Thiếu hụt serotonin: Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể, có liên quan đến hoạt động tâm thần và giảm căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây suy nhược thần kinh.
  • Chấn thương tinh thần: Khi trải qua những cú sốc vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể mà không được điều trị có thể dẫn đến suy nhược thần kinh. Những chấn thương tinh thần đó có thể là khi một người chịu đựng quá nhiều nỗi đau, mất mác những điều quan trọng như mất nhà, mất nguồn thu nhập, mất một mối quan hệ hay bị lạm dụng tình dục,…
  • Căng thẳng và áp lực: Bất cứ điều gì gây ra căng thẳng vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể đều có thể dẫn đến suy nhược thần kinh hoặc gây ra các tình trạng sức khỏe tâm lý tiềm ẩn khác. Đó có thể là những áp lực từ công việc, cuộc sống hay mâu thuẫn gia đình,… 

Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên, một số yếu tố nguy cơ khác có khả năng thúc đẩy sự suy nhược thần kinh như:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lý về thần kinh
  • Người có bệnh lý nặng, bệnh mãn tính, hoặc chấn thương
  • Hệ thần kinh yếu
  • Lao động trí óc quá độ
  • Thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn hay môi trường ô nhiễm
  • Nghiện rượu hoặc các chất kích thích
  • Mất ngủ kéo dài
  • Thiếu hụt dinh dưỡng trong chế độ ăn uống
  • Tính cách hướng nội và hay suy nghĩ tiêu cực
suy nhược thần kinh
Mất ngủ kéo dài làm kiệt quệ sức khỏe thể chất và tinh thần

Phương pháp chẩn đoán suy nhược thần kinh

Căn cứ Quyết định 4293/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, kết luận giám định pháp y tâm thần đối với 70 bệnh/rối loạn tâm thần và hành vi thường gặp và căn cứ ICD-10, một số tiêu chuẩn chẩn đoán suy nhược thần kinh như sau:

  • Người bệnh than phiền về mệt mỏi dai dẳng và mệt mỏi càng tăng khi cố gắng hoạt động trí óc hay có cảm giác suy kiệt nhanh chóng khi hoạt động thể lực.
  • Người bệnh có ít nhất hai trong những biểu hiện sau: đau và nhức cơ, chóng mặt, đau căng đầu, rối loạn giấc ngủ, không thể thư giãn được, tính cáu kỉnh, rối loạn tiêu hóa,…

Điều trị suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu và các vấn đề về tâm lý khác. Cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả xấu cho sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo và điều trị càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị bao gồm những liệu pháp tâm lý và sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể.

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Để điều trị suy nhược thần kinh, trước hết cần giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý. Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ tư vấn và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này, giúp bệnh nhân giải quyết những rối loạn tâm lý. Một số phương pháp thường sử dụng như:

  • Luyện tập thư giãn tinh thần
  • Thực hiện các bài tập thể dục, yoga
  • Phương pháp nhĩ châm
  • Dòng điện xoay chiều với tần số thấp
  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)

Ngoài ra, cũng nên  kết hợp chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để giảm căng thẳng và duy trì tâm lý ổn định.

Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc cũng là một phương pháp hỗ trợ quan trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc suy nhược thần kinh dưới đây:

  • Tăng cường tuần hoàn não và dưỡng não: Piracetam, Arcalion, Asthena, Ginkgo Biloba,…
  • An thần, giảm căng thẳng: Benzodiazepine, Captodiame, Buspirone,…
  • Giảm đau: Paracetamol, Efferalgan codein,…
  • Các loại vitamin đặc biệt vitamin nhóm B: Vitamin B1, B6, B12 để hỗ trợ hoạt động của các synap thần kinh.
Suy nhược thần kinh
Vitamin nhóm B giúp hỗ trợ hoạt động của các synap thần kinh

Vitamin B có thể hỗ trợ trong việc quản lý suy nhược thần kinh bằng cách duy trì sức khỏe của các sợi thần kinh, từ đó làm giảm tỉ lệ mắc và đẩy lùi suy nhược thần kinh. Đảm bảo cơ thể luôn đầy đủ vitamin B cần thiết với NATB để giảm tỉ lệ mắc suy nhược thần kinh.

Biện pháp phòng ngừa suy nhược thần kinh

Có nhiều cách để giảm thiểu căng thẳng và mệt mỏi, tránh các cảm xúc tiêu cực này kéo dài gây ra suy nhược thần kinh. Bạn có thể thực hiện kết hợp nhiều biện pháp sau:

  • Thực hành các bài tập hít thở sâu và thiền để hỗ trợ thư giãn tinh thần và thể chất
  • Tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất như yoga, bài tập duỗi cơ,…
  • Tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần ở mức độ vừa phải, chia thành các buổi tầm 20 phút mỗi ngày
  • Dành thời gian hoạt động ngoài trời, bạn có thể đi dạo hoặc tham gia một số hoạt động ưa thích
  • Trò chuyện với bạn bè, gia đình về những cảm xúc khó chịu
  • Nghỉ ngơi, ăn uống và tập luyện đều đặn theo lịch trình cố định
  • Tạo môi trường nhà ở thoải mái, đảm bảo giấc ngủ chất lượng
  • Hạn chế việc tiêu thụ caffeine và cồn
  • Tránh sử dụng thuốc lá và các chất kích thích
  • Đi khám ngay khi có bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm lý bất ổn

Suy nhược thần kinh – Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu căng thẳng kéo dài gây cản trở đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Tuy nhiên, nhiều người thường do dự trong việc điều trị bằng y tế chuyên nghiệp hoặc có thể họ không nhận ra rằng bản thân mình đang mắc bệnh hay nghi ngờ vào hiệu quả của liệu pháp và lo ngại về sự kì thị trong xã hội. Nếu ai đang có các dấu hiệu của căng thẳng nghiêm trọng, bạn bè và gia đình nên khuyến khích họ đến gặp bác sĩ để được tư vấn về các liệu pháp phù hợp.

Các trường hợp cần được cấp cứu ngay nếu người bệnh suy nhược thần kinh kèm theo các triệu chứng sau. Vì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng:

  • Khó thở hoặc đau ngực, có thể lan ra cánh tay
  • Nhịp tim nhanh, không đều, đánh trống ngực
  • Nhức đầu hoăc gặp vấn đề về thị lực
  • Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng
  • Yếu cơ
  • Có suy nghĩ tự làm hại bản thân hay làm hại người khác

Câu hỏi thường gặp

Test suy nhược thần kinh là gì?

Test suy nhược thần kinh là một loạt các kiểm tra và thử nghiệm được thực hiện để đánh giá sự hoạt động của hệ thần kinh và xác định các vấn đề về sức khỏe thần kinh. Loại kiểm tra này thường được sử dụng để đánh giá các bệnh lý hoặc rối loạn thần kinh như suy nhược thần kinh, bệnh Parkinson, cơn co giật, tự kỷ và các vấn đề liên quan đến thần kinh.

Bài tập chữa suy nhược thần kinh

Có rất nhiều bài tập giúp giảm stress và cải thiện tâm trạng hiệu quả. Bạn có thể thực hiện bài tập thiền nhịp điệu (Mindful Breathing) bằng cách: Ngồi hoặc nằm thoải mái, tập trung vào hơi thở, hít sâu qua mũi trong 4 – 5 giây và giữ trong 2 giây. Thở ra qua miệng trong 6 – 7 giây. Tập trung hoàn toàn vào hơi thở trong 5 – 10 phút và không suy nghĩ xao lãng. Nên thực hiện hàng ngày để tăng cường tập trung và thư giãn.

Suy nhược thần kinh nên ăn gì?

Bạn nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như rau xanh, trái cây, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất béo omega-3 (như cá, hạt chia, hạt lanh), thịt gà, trứng, sữa và các nguồn thực phẩm giàu protein khác. Hạn chế tiêu thụ đồ uống có caffeine, đồ chiên, đồ ngọt, rượu và thuốc lá.

Suy nhược thần kinh nên bổ sung vitamin gì?

Bạn nên bổ sung các vitamin B (B1, B6, B12) để tăng cường hoạt động thần kinh và giảm căng thẳng. Ngoài ra có thể bổ sung thêm vitamin D để hỗ trợ cân bằng tâm trạng và hệ thần kinh hay omega-3 (DHA, EPA từ cá, hạt chia) giúp giảm viêm và cải thiện tâm lý.

Suy nhược thần kinh chữa như thế nào?

Chữa suy nhược thần kinh bằng cách kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc hỗ trợ. Các liệu pháp tâm lý bao gồm tư vấn, tâm lý học và các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền. Kết hợp sử dụng các đơn thuốc suy nhược thần kinh như thuốc tác động lên quá trình hưng phấn, thuốc an thần và thuốc giảm đau.

Bệnh suy nhược thần kinh có chữa khỏi được không?

Suy nhược thần kinh có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc hỗ trợ, tập luyện và thay đổi lối sống.

Bệnh suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?

Bệnh suy nhược thần kinh có thể gây nguy hiểm nếu không được chữa trị. Bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý và thể chất, dẫn đến vấn đề thần kinh nghiêm trọng như trầm cảm, lo âu, suy giảm chức năng cơ bắp và nguy cơ tự tử.

Suy nhược thần kinh và trầm cảm có khác nhau không?

Suy nhược thần kinh và trầm cảm là hai tình trạng khác nhau. Suy nhược thần kinh thường là tình trạng căng thẳng, kiệt sức về mặt tinh thần và thể chất, trong khi trầm cảm là một rối loạn tâm lý với triệu chứng tiêu cực như sụp đổ tinh thần, mất hứng thú và sự vô vọng.


Qua bài viết trên đây, Doctor có sẵn đã giải đáp toàn bộ về suy nhược thần kinh: các nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị cụ thể. Nếu bạn hoặc người thân của bạn gặp phải trường hợp trên nên khuyến khích họ điều trị càng sớm càng tốt để tránh tình trạng kéo dài gây ra các vấn tâm lý nghiêm trọng hơn. Bạn có thể đặt lịch khám với bác sĩ trên docosan.com để.

 

Contact Me on Zalo