Trầm cảm sau sinh – Triệu chứng, nguyên nhân và những câu hỏi thường gặp

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề tâm lý phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ sau khi sinh. Vấn đề này có thể gây ra nhiều triệu chứng như buồn bã, lo lắng, mệt mỏi, mất ngủ, và thậm chí là suy nghĩ tiêu cực về bản thân và em bé.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các triệu chứng, nguyên nhân và những câu hỏi thường gặp về trầm cảm sau sinh để giúp bạn nhận biết và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Có con là một trải nghiệm đặc biệt thay đổi hoàn toàn cuộc sống của 1 người. Việc được làm cha mẹ là một niềm hạnh phúc lớn nhưng đôi khi cũng gây nhiều mệt mỏi và choáng ngợp. Cảm giác lo lắng hoặc ngờ vực khi lần đầu làm cha mẹ là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn có cảm xúc đau buồn, cô đơn hoặc tâm trạng thất thường bạn nghiêm trọng. Bạn có thể đã bị trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm xảy ra sau khi sinh con, không chỉ ảnh hưởng đến người trực tiếp sinh nở mà còn ảnh hưởng tới người chăm sóc và cha mẹ nuôi. Những thay đổi về nội tiết tố, thể chất, cảm xúc, tài chính và xã hội có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Các loại trầm cảm sau sinh là gì?

Có ba loại rối loạn tâm trạng sau sinh khác nhau:

Baby blues

Khoảng 50-70% số người sau sinh có vấn đề tâm lý baby blues. Khi mắc phải baby blues bạn thường khóc không rõ lý do, buồn bã kéo dài và lo lắng. Tình trạng này thường bắt đầu trong tuần đầu tiên (1-4 ngày) sau sinh và thường thuyên giảm trong vài tuần mà không cần điều trị. Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, vợ/chồng, bạn bè để có thể dễ dàng vượt qua vấn đề tâm lý này.

Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn nhiều so với baby blues, ảnh hưởng đến khoảng 1/7 người mới làm cha mẹ lần đầu. Nếu đã từng bị trầm cảm sau sinh, nguy cơ bạn tái mắc tình trạng này sẽ tăng lên 30% sau mỗi lần mang thai tiếp theo.

Bạn có thể sẽ trải qua các cảm giác khó chịu, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, có suy nghĩ lo lắng, tội lỗi và không thể chăm sóc tốt cho con hoặc chính bản thân khi mắc phải vấn đề này. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng, trong vài tuần đến vài tháng, thậm chí có thể xuất hiện vào 1 năm sau khi sinh. Việc điều trị trầm cảm sau sinh hiện nay tỏ ra có hiệu quả với nhiều liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm.

Rối loạn tâm thần sau sinh

Rối loạn tâm thần sau sinh là một dạng trầm cảm sau sinh cực kỳ nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Tình trạng này tương đối hiếm, chỉ xảy ra ở 1 trên 1000 người sau khi sinh. Các triệu chứng thường xảy ra một cách nghiêm trọng và nhanh chóng sau sinh, kéo dài trong vài tuần đến vài tháng, bao gồm kích động, lú lẫn, có cảm giác tuyệt vọng và xấu hổ, mất ngủ, hoang tưởng, ảo giác, hiếu động, nói nhanh hoặc hưng cảm.

Rối loạn tâm thần sau sinh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức vì có nguy cơ tự tử và nguy cơ gây hại cho em bé. Điều trị thường sẽ bao gồm nhập viện, tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc.

Làm thế nào để tôi biết tôi bị baby blues hay là trầm cảm sau sinh?

Nhiều người bị baby blues sau sinh, tình trạng này và trầm cảm sau sinh có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của baby blues thường chỉ kéo dài khoảng 10 ngày và ít trầm trọng hơn.

Bạn có thể bị baby blues nếu bạn:

–      Hay khóc.

–      Cảm thấy choáng váng.

–      Mất cảm giác thèm ăn.

–      Khó ngủ.

–      Có những thay đổi tâm trạng đột ngột.

Nếu bạn có các triệu chứng trên, nên chia sẻ chúng với người thân của mình và bác sĩ. Họ có thể đánh giá xem bạn có cần điều trị cho các triệu chứng đó hay không.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Trầm cảm sau sinh có thể kéo dài đến một năm sau khi con bạn được sinh ra. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy “chữa khỏi” trong một năm. Nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn về các triệu chứng và điều trị của bạn.

Hãy trung thực về cảm giác của bạn. Hãy suy nghĩ cẩn thận về việc nếu bạn cảm thấy tốt hơn so với khi bắt đầu chẩn đoán. Sau đó, họ có thể đề nghị điều trị liên tục cho các triệu chứng của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau khi sinh con?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh:

–      Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt.

–      Ít hỗ trợ xã hội

–      Có xung đột trong hôn nhân hoặc mối quan hệ.

–      Có mâu thuẫn trong việc mang thai.

–      Các biến chứng thai kỳ như đái tháo đường thai kỳ, sinh khó hoặc sinh non.

–      Dưới 20 tuổi hoặc là cha mẹ đơn thân.

–      Có em bé khóc rất nhiều.

Triệu chứng và nguyên nhân

Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh là gì?

Một số bậc cha mẹ cảm thấy xấu hổ vì những triệu chứng của trầm cảm sau sinh hoặc cảm thấy bản thân không phải là một phụ huynh tốt khi gặp phải tình trạng này. Thực tế không phải như vậy, trầm cảm sau sinh là một tình trạng phổ biến và việc bạn có những dấu hiệu sau không có nghĩa bạn sẽ không nuôi dạy con tốt.

Một số dấu hiệu của trầm cảm sau sinh gồm:

–      Cảm thấy buồn bã, vô vọng hoặc tội lỗi.

–      Lo lắng quá mức hoặc stress.

–      Mất hứng thú.

–      Thay đổi khẩu vị.

–      Giảm năng lượng và động lực.

–      Khó ngủ hoặc lúc nào cũng muốn ngủ.

–      Khóc không lý do hoặc khóc quá nhiều.

–      Khó suy nghĩ hoặc tập trung.

–      Có ý nghĩ tự tử.

–      Mất quan tâm đến con hoặc cảm thấy lo lắng khi ở gần con.

–      Có ý nghĩ làm tổn thương tới con.

Nguyên nhân nào gây trầm cảm sau sinh?

Những thay đổi về mặt xã hội, tâm lý, hành vi được cho là một trong các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm sau sinh. Những thay đổi này có thể gồm: những thay đổi về thể chất của cơ thể, thiếu ngủ, lo lắng về việc nuôi dạy con cái hoặc những thay đổi trong các mối quan hệ của bạn.

Thay đổi nồng độ hormone sau sinh cũng có thể là nguyên nhân. Nồng độ estrogen và progesterone tăng gấp 10 lần khi mang thai nhưng giảm mạnh sau khi sinh. Ba ngày sau khi sinh, nồng độ các hormone này giảm trở lại mức trước khi mang thai. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh mối liên hệ giữa hormone và trầm cảm.

Nguyên nhân nào gây trầm cảm sau sinh?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức.

–      Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc con của bạn.

–      Có suy nghĩ về cái chết hoặc việc tự tử.

–      Tâm trạng chán nản trong hầu hết thời gian trong ngày, gần như mỗi ngày trong hai tuần.

–      Cảm thấy lo lắng, tội lỗi, tuyệt vọng, sợ hãi, hoảng loạn hoặc vô vọng.

–      Khó suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định hoặc xử lý các tình huống hàng ngày.

–      Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động, gần như mỗi ngày trong hai tuần.

Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến con tôi không?

Có, trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến con của bạn. Do đó, điều trị kịp thời là rất quan trọng cho cả bạn và bé.

Nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau sinh có thể tác động đến em bé của bạn theo những cách sau:

–      Bạn gặp khó khăn trong việc kết nối với con và không thể thiết lập sự gắn bó với chúng.

–      Con bạn có thể gặp các vấn đề về hành vi hoặc học tập.

–      Bạn có thể bỏ sót các buổi khám với bác sĩ nhi khoa của con mình.

–      Con bạn có thể gặp các vấn đề về ăn uống và ngủ nghỉ.

–      Con bạn có thể có nguy cơ cao bị béo phì hoặc các rối loạn phát triển.

–      Bạn có thể bỏ bê việc chăm sóc con.

–      Con của bạn có thể bị giảm các kỹ năng xã hội.

Các câu hỏi thường gặp khác

Các ông bố có thể bị trầm cảm sau sinh không?

Có, cả bố và mẹ đều có thể có các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Khoảng 4% các ông bố bị trầm cảm trong 1 năm đầu sau khi sinh con. Nếu bạn nhận thấy bạn hoặc vợ/chồng của bạn có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay.

Chứng khó chịu sau sinh/trầm cảm nhẹ sau sinh (postpartum dysphoria) là gì?

Đó là các tên gọi khác của chứng baby blues. Nó bắt đầu trong tuần đầu tiên sau khi sinh con và thường biến mất mà không cần điều trị y tế trong vòng vài ngày.

Tôi có thể làm gì để giúp đỡ một người bị trầm cảm sau sinh?

Những người bị trầm cảm sau sinh cần rất nhiều sự hỗ trợ. Dưới đây là một số cách bạn có thể giúp đỡ họ:

–      Biết các dấu hiệu trầm cảm và thúc giục bạn bè hoặc vợ/chồng của bạn tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

–      Hãy là một người biết lắng nghe. Hãy cho họ biết bạn ở đó để lắng nghe và giúp đỡ.

–      Đề nghị giúp họ với các công việc hàng ngày như dọn dẹp và chạy việc vặt.

–      Đề nghị giúp trông em bé của họ trong khi họ ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Có thể làm gì để giúp đỡ một người bị trầm cảm sau sinh?

Kết luận

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề tâm lý phổ biến ảnh hưởng đến 1/7 phụ nữ sau khi sinh. Nó xảy đến không phải do lỗi của bạn, không làm bạn trở thành một phụ huynh tệ hay một người xấu. Các yếu tố sinh học, vật lý và hóa học gây ra trầm cảm sau sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh bao gồm cảm thấy buồn rầu hoặc vô vọng, mất hứng thú với những thứ bạn từng thích, khóc quá nhiều và thay đổi tâm trạng. Hãy đến gặp bác sĩ và nhân viên y tế ngay nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc người thân của bạn bị trầm cảm sau sinh để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tham khảo:

1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9312-postpartum-depression

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/symptoms-causes/syc-20376617