Tự kỷ là một loại rối loạn phát triển não bộ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi của trẻ. Việc hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ đã và đang trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu, khi mà ngày càng có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của trẻ. Vậy trẻ tự kỷ có những dấu hiệu và triệu chứng như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một tình trạng liên quan đến sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến cách nhận thức và giao tiếp với người khác, gây ra các vấn đề trong tương tác và giao tiếp xã hội. Một số đặc điểm khác là các kiểu hoạt động và hành vi không điển hình, chẳng hạn như khó chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, tập trung vào chi tiết và có một số phản ứng bất thường.
Ước tính rằng cứ 100 trẻ em trên toàn thế giới thì có 1 trẻ tự kỷ (ước tính này đại diện cho một con số trung bình và tỷ lệ được báo cáo thay đổi đáng kể giữa các nghiên cứu). Các bằng chứng khoa học cho thấy có nhiều yếu tố khiến trẻ dễ mắc chứng tự kỷ hơn, bao gồm cả yếu tố môi trường và di truyền.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, số lượng trẻ tự kỷ ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, con số này đã tăng lên 50 lần từ năm 2000 đến 2007. Và tính đến cuối năm 2008 đã có trên 200.000 trẻ tự kỷ ở Việt Nam.
Các dấu hiệu của tự kỷ có thể được phát hiện ngay từ thời thơ ấu, tuy nhiên nếu không được phát hiện và có biện pháp khắc phục phù hợp, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Trong khi một số trường hợp có thể sống độc lập thì một số khác lại cần được chăm sóc và hỗ trợ suốt đời.
Dấu hiệu của trẻ tự kỷ
Một số trẻ có dấu hiệu tự kỷ ngay từ khi còn nhỏ, chẳng hạn như giảm giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi được gọi tên hoặc thờ ơ với người chăm sóc. Một số khác có thể phát triển bình thường trong vài tháng hoặc vài năm đầu đời, nhưng sau đó đột nhiên trở nên thu mình, hung hăng hoặc mất đi các kỹ năng ngôn ngữ đã có.
Kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội
Kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội được xem là một thách thức đối với trẻ tự kỷ, một số dấu hiệu liên quan bao gồm:
- Tránh hoặc không giao tiếp bằng mắt
- Không trả lời khi được gọi tên (khi trẻ được 9 tháng tuổi)
- Không thể hiện được các biểu cảm trên khuôn mặt như vui, buồn, giận dữ, ngạc nhiên (khi trẻ được 9 tháng tuổi)
- Không chơi các trò chơi tương tác đơn giản (khi trẻ được 12 tháng tuổi)
- Sử dụng ít hoặc không sử dụng cử chỉ, ví dụ như không vẫy tay chào tạm biệt (khi trẻ được 12 tháng tuổi)
- Không chia sẻ sở thích với người khác, ví dụ như cho bạn xem đồ vật mà trẻ thích (trước 15 tháng tuổi)
- Không chỉ cho bạn xem điều gì đó thú vị (khi trẻ được 18 tháng tuổi)
- Không để ý khi người khác bị tổn thương hoặc khó chịu (khi trẻ được 24 tháng tuổi)
- Không chú ý đến những đứa trẻ khác và tham gia chơi cùng (khi trẻ được 36 tháng tuổi)
- Không tham gia đóng các vai khác nhau như giáo viên hay siêu anh hùng lúc chơi ở lớp (khi trẻ được 48 tháng tuổi)
- Không hát, nhảy hoặc diễn xuất (trước 60 tháng tuổi).
Hành vi, sở thích bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại
Trẻ tự kỷ có những hành vi hoặc sở thích có vẻ bất thường và khác biệt ví dụ như:
- Xếp đồ chơi hoặc các đồ vật khác và khó chịu khi trật tự bị thay đổi
- Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ
- Chơi với đồ chơi theo cùng một cách mọi lúc
- Tập trung vào các bộ phận của đồ vật (ví dụ như bánh xe)
- Khó chịu vì những thay đổi nhỏ
- Phải tuân theo những thói quen nhất định
- Vỗ tay, lắc lư cơ thể hoặc tự xoay vòng tròn
- Có phản ứng bất thường với mọi thứ tác động đến trẻ.
Một số đặc điểm khác ở trẻ tự kỷ
Một số đặc điểm khác ở trẻ tự kỷ như sau:
- Kỹ năng ngôn ngữ bị chậm trễ
- Kỹ năng di chuyển chậm
- Kỹ năng nhận thức hoặc học tập phát triển chậm
- Hành vi hiếu động, bốc đồng hoặc thiếu chú ý
- Động kinh hoặc rối loạn co giật
- Thói quen ăn và ngủ bất thường
- Các vấn đề về đường tiêu hóa
- Lo lắng, căng thẳng hoặc lo lắng quá mức
- Thiếu sợ hãi hoặc sợ hãi nhiều hơn dự kiến.
Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi trẻ, trẻ tự kỷ khi trưởng thành có thể trở nên gắn kết hơn với mọi người và quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên số khác thì vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp từ đó gây nên những vấn đề ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc.
Trong một số trường hợp, vì tiếp xúc với tivi, iPad, iPhone, trò chơi điện tử và máy tính gây nên các biểu hiện, triệu chứng liên quan đến bệnh tự kỷ hay tự kỷ ảo ở trẻ. Các triệu chứng này có thể thuyên giảm hoặc mất đi khi trẻ ngưng tiếp xúc với các yếu tố trên. Vậy nên để chẩn đoán chính xác, bố mẹ nên tham khảo ý kiến và tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
Khám trẻ tự kỷ ở đâu?
Trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu chậm phát triển trước khi được 2 tuổi. Nếu bạn nghi ngờ con mình có khả năng mắc chứng tự kỷ, hãy đến thăm khám với bác sĩ sớm nhất có thể. Một số địa chỉ khám trẻ tự kỷ uy tín, bạn có thể tham khảo sau đây:
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần kinh – BS. Đặng Thế Ân
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần kinh – BS. Đặng Thế Ân được thành lập năm 2003. Với chuyên môn điều trị các bệnh về thần kinh và luôn một lòng vì bệnh nhân, bác sĩ Ân được bệnh nhân tin tưởng và đánh giá cao. Chính vì vậy, bạn có thể yên tâm đến thăm khám khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc chứng tự kỷ.
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần – TS. BS Nguyễn Thành Quang
Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần – TS. BS Nguyễn Thành Quang được thành lập vào năm 2003. Phòng khám cung cấp các dịch vụ khám và điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ và các bệnh lý tâm thần liên quan. Phòng khám được bệnh nhân đánh giá cao về chất lượng điều trị cũng như sự tận tình và tâm huyết của bác sĩ Quang.
Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1
Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1 là một trong những bệnh viện tâm thần lớn nhất cả nước. Hiện nay tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng, đội ngũ cán bộ chủ chốt đều đạt chuyên môn và vượt mức quy định của Bệnh viện chuyên khoa hạng I. Chính vì vậy, bạn có thể hoàn toàn tin tưởng khi đưa con đến thăm khám tại đây, đặc biệt nếu có nghi ngờ trẻ tự kỷ.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ tự kỷ
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến trẻ dễ mắc chứng tự kỷ hơn, bao gồm các yếu tố môi trường và di truyền. Một số bằng chứng hiện có cho thấy những yếu tố nguy cơ sau đây có thể khiến trẻ tự kỷ cao hơn:
- Có anh chị em mắc chứng tự kỷ
- Một số tình trạng di truyền chẳng hạn như hội chứng Fragile X hoặc hội chứng xơ cứng củ (tuberous sclerosis)
- Gặp biến chứng khi sinh
- Được sinh ra khi bố mẹ đã lớn tuổi.
Lưu ý không có mối liên hệ giữa vắc xin và chứng tự kỷ. Một nghiên cứu gây tranh cãi năm 1998 đã đề xuất mối liên hệ giữa bệnh tự kỷ và vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR). Tuy nhiên, nghiên cứu đó đã bị các nghiên cứu khác bác bỏ và cuối cùng bị rút lại vào năm 2010.
Bằng chứng cũng cho thấy các loại vắc xin khác dành cho trẻ em không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ. Nghiên cứu sâu rộng về chất bảo quản thiomersal và chất phụ gia nhôm có trong một số loại vắc xin bất hoạt đã kết luận chắc chắn rằng những thành phần này trong vắc xin dành cho trẻ em không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
Chẩn đoán trẻ tự kỷ
Tự kỷ rất khác nhau về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng nên việc chẩn đoán có thể khó khăn và quan trọng là không có xét nghiệm cụ thể nào để xác định mắc chứng tự kỷ. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào sự phát triển và hành vi của trẻ để đưa ra chẩn đoán.
Chẩn đoán trẻ tự kỷ càng sớm càng tốt để đảm bảo trẻ nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển. Một số bước quan trọng giúp chẩn đoán trẻ tự kỷ bao gồm:
- Quan sát trẻ và hỏi xem các tương tác xã hội, kỹ năng giao tiếp và hành vi của trẻ đã phát triển và thay đổi như thế nào theo thời gian
- Cho trẻ làm các bài kiểm tra bao gồm thính giác, lời nói, ngôn ngữ, mức độ phát triển cũng như các vấn đề xã hội và hành vi
- Trình bày các tương tác xã hội và giao tiếp có cấu trúc cho trẻ và chấm điểm hiệu suất
- So sánh với các tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5)
- Đề nghị xét nghiệm di truyền để xác định xem trẻ có mắc chứng rối loạn di truyền như hội chứng Rett hay hội chứng Fragile X không.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị nên sàng lọc sự phát triển và hành vi cho tất cả trẻ em khi khám sức khỏe định kỳ ở các độ tuổi sau: 9 tháng, 18 tháng và 30 tháng. Ngoài ra, AAP khuyến nghị tất cả trẻ em nên được sàng lọc đặc biệt về tự kỷ trong các lần khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 18 tháng và 24 tháng.
Các phương pháp điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ
Mục tiêu của việc điều trị trẻ tự kỷ là tối đa hóa khả năng hoạt động của trẻ bằng cách giảm các triệu chứng, hỗ trợ sự phát triển và học tập. Can thiệp sớm trong những năm mẫu giáo có thể giúp trẻ học các kỹ năng xã hội, giao tiếp và hành vi quan trọng. Một số cách khắc phục trẻ tự kỷ liên quan đến nhiều khía cạnh tiếp cận như:
Phương pháp tiếp cận hành vi
Tập trung vào việc thay đổi hành vi bằng cách hiểu những gì xảy ra trước và sau hành vi. Một phương pháp điều trị hành vi đáng chú ý dành cho trẻ tự kỷ được gọi là Phân tích hành vi ứng dụng (ABA). ABA khuyến khích những hành vi mong muốn và ngăn cản những hành vi không mong muốn để cải thiện nhiều kỹ năng khác nhau.
Phương pháp tiếp cận phát triển
Tập trung vào việc cải thiện các kỹ năng phát triển cụ thể, chẳng hạn như kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng thể chất hoặc phạm vi rộng hơn của các khả năng phát triển liên kết với nhau. Liệu pháp phát triển phổ biến nhất dành cho trẻ tự kỷ là Âm ngữ trị liệu. Phương pháp này giúp cải thiện sự hiểu biết và cách sử dụng lời nói, ngôn ngữ của trẻ.
Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) là một phương pháp phát triển rộng rãi dựa trên các nguyên tắc ABA dành cho trẻ từ 12 – 48 tháng tuổi. Bố, mẹ và nhà trị liệu sử dụng hoạt động vui chơi, trao đổi xã hội và chia sẻ sự chú ý trong môi trường tự nhiên để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và học tập của trẻ.
Phương pháp giáo dục
Phương pháp điều trị giáo dục được đưa ra trong môi trường học tập. Một ví dụ là phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children), được ứng dụng can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.
TEACCH dựa trên ý tưởng rằng trẻ tự kỷ phát triển dựa trên sự nhất quán và học tập trực quan. Phương pháp này cung cấp cho giáo viên những cách để điều chỉnh cấu trúc lớp học và cải thiện kết quả học tập cũng như các kết quả khác. Ví dụ, các công việc hàng ngày có thể được viết hoặc vẽ và đặt ở nơi dễ thấy, hướng dẫn bằng lời nói có thể được bổ sung bằng hướng dẫn trực quan hoặc minh họa dễ hiểu.
Phương pháp tiếp cận quan hệ xã hội
Tập trung vào việc cải thiện các kỹ năng xã hội và xây dựng mối quan hệ tình cảm. Một số phương pháp tiếp cận quan hệ xã hội như sau:
- Phương pháp Floortime (DIR): Khuyến khích phụ huynh và nhà trị liệu theo dõi sở thích cá nhân của trẻ để mở rộng cơ hội giao tiếp.
- Phương pháp Can thiệp Phát triển quan hệ (RDI): Bao gồm các hoạt động nhằm tăng cường động lực, sự quan tâm và khả năng tham gia vào các tương tác xã hội.
- Social Stories – Những câu chuyện xã hội: Cung cấp những mô tả đơn giản về những gì có thể mong đợi trong một tình huống xã hội.
Phương pháp dược lý
Không có loại thuốc nào điều trị các triệu chứng cốt lõi cho trẻ tự kỷ. Một số loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng xảy ra, đồng thời có thể giúp trẻ tự kỷ hoạt động tốt hơn. Ví dụ như thuốc giúp kiểm soát mức năng lượng cao, mất khả năng tập trung hoặc hành vi tự làm hại bản thân, chẳng hạn như đập đầu hoặc cắn tay.
Thuốc cũng có thể giúp kiểm soát các tình trạng tâm lý có thể xảy ra chẳng hạn như lo lắng hoặc trầm cảm, bên cạnh các tình trạng bệnh lý như co giật, khó ngủ hoặc các vấn đề về dạ dày hoặc đường tiêu hóa khác. Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ tự kỷ cần phải được tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn.
Phương pháp tiếp cận tâm lý
Phương pháp tiếp cận tâm lý có thể giúp trẻ tự kỷ trong các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo âu,…
Có thể có những phương pháp điều trị khác dành cho trẻ tự kỷ. Hãy thăm khám với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và tìm hiểu rõ ràng hơn về phương pháp phù hợp với tình trạng của trẻ.
Cách phòng ngừa trẻ tự kỷ
Không có phương pháp cụ thể nào giúp ngăn ngừa trẻ tự kỷ, tuy nhiên các bậc phụ huynh có thể quan sát và liên hệ với bác sĩ nếu phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tự kỷ. Chính vì vậy, bố mẹ cần trang bị kiến thức đầy đủ về chứng tự kỷ ở trẻ.
Khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho trẻ. Khi có nghi ngờ, hãy thăm khám càng sớm càng tốt. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về sự phát triển của trẻ mà bạn quan sát được, những tương tác của trẻ với bạn cùng trang lứa và đặc biệt cần dành nhiều thời gian quan tâm, làm bạn với trẻ.
Câu hỏi thường gặp
Trẻ tự kỷ sống được bao lâu?
Trẻ tự kỷ sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ, các bệnh lý đi kèm và khả năng nhận được chăm sóc y tế.
Trẻ tự kỷ có biết bắt chước không?
Trẻ tự kỷ thường có xu hướng tránh né việc giao tiếp với những người xung quanh, nên khả năng bắt chước thường kém hơn so với trẻ bình thường.
Trẻ tự kỷ có phải khuyết tật không?
Trẻ tự kỷ được xem là một loại khuyết tật về thần kinh, tâm thần. Và được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Trẻ tự kỷ có biết nói không?
Trẻ tự kỷ có thể nói, tuy nhiên khả năng ngôn ngữ thường chậm trễ và thường gặp khó khăn trong giao tiếp.
Trẻ tự kỷ khi lớn lên sẽ thế nào?
Trẻ tự kỷ khi lớn lên, nếu được điều trị phù hợp có thể cải thiện các triệu chứng và vấn đề khó khăn trong giao tiếp, học tập. Tuy nhiên việc tiến triển của bệnh như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào mức độ tự kỷ, thời gian phát hiện và sự can thiệp điều trị.
Tại sao phải can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ?
Các nghiên cứu cho thấy rằng chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ có nhiều khả năng mang lại tác động tích cực, lâu dài đối với các triệu chứng và kỹ năng sau này của trẻ.
Như vậy có thể thấy, việc trang bị các kiến thức cần thiết về trẻ tự kỷ có thể giúp bố mẹ phát hiện sớm và có những can thiệp y tế kịp thời. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã phần nào hiểu rõ về chứng tự kỷ ở trẻ.