Có nên tiêm filler mũi không? 9 điều cần biết về cách làm đẹp này

Với mong muốn làm đẹp ít xâm lấn đau đớn và chi phí hạn chế, tiêm filler mũi nổi lên như một phương pháp hiệu quả cho những người có nhu cầu cải thiện thẩm mỹ mũi của họ. Mặc dù không có sự can thiệp phẫu thuật, tuy nhiên những rủi ro và biến chứng của filler mũi cũng nguy hiểm đáng lo ngại. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ qua bài viết sau.

Tiêm filler mũi là gì?

Filler hiểu nôm na là một chất làm đầy. Vì thế, tiêm filler mũi là một thủ thuật thẫm mỹ sử dụng chất làm đầy vào vị trí mô mềm dưới da nhằm tăng thể tích, tạo hình mũi theo mong muốn.

Tiêm filler mũi là một thủ thuật tạo hình không cần phẫu thuật
Tiêm filler mũi là một thủ thuật tạo hình không cần phẫu thuật

Tác dụng của tiêm filler mũi

Tiêm filler mũi được sử dụng để điều chỉnh những khiếm khuyết nhẹ về mặt thẩm mỹ của mũi khi không phù hợp với phẫu thuật.

  • Tạo lại dáng mũi: 
    • Tiêm filler có khả năng lấp đầy chỗ lõm hoặc vết lõm của mũi. Ví dụ như đối với mũi khoằm hay mũi gồ, tiêm vào vị trí bị khuyết có thể giúp mũi trông thẳng hơn. 
    • Tăng chiều cao của mũi với những người có sống mũi thấp. Phương pháp này điều trị phổ biến ở người châu Á có xu hướng mong muốn sống mũi cao hơn.
  • Điều chỉnh kích thước của mũi: 
    • Khi mũi bị lệch sang một bên, filler có thể tiêm vào bên còn lại để điều chỉnh mũi trông hài hòa cân đối hơn. 
    • Đầu mũi tẹt hay gặp ở người châu Á cũng có thể sử dụng filler để tạo đường nét tròn đầy hơn.
  • Tăng độ căng mịn: Thông qua việc tiêm filler vào cái vùng da dưới mũi, có thể làm mờ những vết nhăn hoặc đường rãnh trên mũi, làm cho bề mặt của mũi trở nên mịn màng hơn.
Tiêm filler chỉnh sửa hình dáng mũi
Tiêm filler chỉnh sửa hình dáng mũi

Các loại filler tiêm mũi

Các loại filler có thể được phân loại theo thời gian tác dụng của chúng, bao gồm:

  • Filler tạm thời có thời hạn dưới 2 năm như: Acid hyaluronic,…
  • Filler bán vĩnh viễn có thời hạn từ 2 – 5 năm như: Canxi hydroxyapatite, Collagen, Poly-l-lactic acid,…
  • Filler vĩnh viễn có tác dụng kéo dài trên 5 năm như: Silicon lỏng, Polymethylmethacrylate,…

Trước đây, collagen và silicon đã từng được bác sĩ sử dụng trong phương pháp tạo hình mũi. Nhưng do nguy cơ u hạt và các bất thường không thể sửa chữa, vì thế hiện nay, Acid hyaluronic và Canxi hydroxyapatite có xu hướng sử dụng nhiều hơn nhờ độ an toàn, lành tính của nó.

Acid hyaluronic là loại filler được sử dụng nhiều nhất
Acid hyaluronic là loại filler được sử dụng nhiều nhất

Acid hyaluronic là filler phổ biến nhất và được lựa chọn trong 80% các thủ thuật nâng mũi. Bởi vì là thành phần tự nhiên có trong mô liên kết của con người, nên Acid hyaluronic không có phản ứng với mô và tan một cách tự nhiên theo thời gian. 

Ngoài ra, Acid hyaluronic có thể đảo ngược tình trạng nhờ enzym hyaluronidase giúp cho bác sĩ có thể xử lý khẩn cấp khi vị trí tiêm không được tối ưu.

Tuy nhiên, filler này chỉ có hiệu quả ngắn (6 – 12 tháng) nên cần phải tiêm thường xuyên để duy trì hình dạng mong muốn. Canxi hydroxyapatite có khả năng cố định dài hơn (12 – 18 tháng) nhưng lại không có lợi thế chỉnh sửa được.

Chi phí tiêm filler mũi bao nhiêu tiền?

Giá tiêm filler mũi khác nhau ở mỗi người do nhiều yếu tố như: 

  • Loại filler sử dụng
  • Lượng filler cần tiêm
  • Chi phí thực hiện ở mỗi cơ sở khác nhau. 

Mặc dù ít tốn kém hơn so với phẫu thuật sửa mũi truyền thống, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả, điều quan trọng là phải lựa chọn cơ sở có trình độ, uy tín và kinh nghiệm. Tìm hiểu những rủi ro và hạn chế của phương pháp tiêm filler trước khi bạn quyết định nên đi tư vấn và thực hiện can thiệp hay không.

Chi phí tiêm filler mũi khác nhau ở mỗi người
Chi phí tiêm filler mũi khác nhau ở mỗi người

Hiện nay, giá tiêm filler mũi được tính theo liều lượng sử dụng theo đơn vị 1cc. Tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ phù hợp cho từng người ở mỗi cơ sở khác nhau mà giá tiêm filler có thể dao động từ 5.000.000 – 12.000.000 đồng/1cc

Qua đó, tổng chi phí cho cả liệu trình khoảng từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng cho mỗi người.

Kỹ thuật tiêm filler mũi như thế nào?

Xem xét tình trạng mũi của bệnh nhân

Kiến thức thấu đáo về giải phẫu mũi là cơ sở để thực hiện các thủ thuật tiêm filler đạt kết quả thẩm mỹ. Khung rắn của mũi là cấu trúc duy trì hình dạng của filler do đó không nên áp dụng thủ thuật này cho bệnh nhân có khung mũi yếu hoặc bị biến dạng. Bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện về:

Độ dày của da

Nhìn chung, người châu Á có da dày, nhiều tuyến bã nhờn, và mô dưới da nhiều hơn so với người da trắng. Vì thế dễ gây phù nề nghiêm trọng hơn sau khi tiêm cũng như khó tạo dáng và phát hiện những bất thường tức thời của mũi.

Chất lượng da và mô mềm

Phần phủ bên ngoài của da và xương hoặc sụn gồm 4 lớp bao gồm: 

  • Lớp mỡ nông
  • Lớp cân cơ (lớp SMAS) 
  • Lớp mỡ sâu 
  • Lớp màng xương hoặc màng sụn. 

Các mạch máu chính nằm trong lớp mỡ nông và lớp SMAS. Do đó để giảm tổn thương mạch máu, nên tiêm filler vào lớp mỡ sâu.

Kích thước, hình dạng, khả năng chịu lực của sụn và xương

Tiêm filler có thể cho kết quả tốt ở những người có mũi gồ nhẹ, mũi lệch nhẹ, đầu mũi cao với gốc mũi phẳng,…

Các trường hợp bất đối xứng nhiều và nặng thì không mong đợi hiệu quả cao từ filler.

Thực hiện thủ thuật tiêm filler cho bệnh nhân
Thực hiện thủ thuật tiêm filler cho bệnh nhân

Cách tiêm filler mũi

Sau khi thảo luận kỹ lưỡng với bệnh nhân cùng với các kiểm tra, ghi nhận tình trạng trước khi tiêm, bác sĩ cần phải lên phương án cụ thể cho thủ thuật như vị trí tiêm, loại filler phù hợp,…

So sánh và phân tích hình dạng mũi lý tưởng để quyết định tiêm phần nào và tiêm bao nhiêu. Các phương pháp tiêm ở mỗi phần sẽ khác nhau do độ dày mô dưới da khác nhau và cấu trúc nâng đỡ ở vị trí đó.

Các bước quan trọng cần tuân thủ trong quá trình tiêm để giảm thiểu nguy cơ biến chứng là:

  • Gây tê tại chỗ bằng thuốc tê khoảng 40 phút.
  • Đánh dấu đường giữa dọc sống mũi sau khi gây tê để hạn chế biến chứng không đối xứng khi tiêm. Đánh dấu vị trí gốc mũi lý tưởng – vị trí nếp mí trên sụn mi. Chia mũi thành 4 phần: gốc mũi, khớp gian mũi, trên đầu mũi và đầu mũi.
  • Sử dụng phương pháp tiêm phù hợp với vị trí cần tiêm.
  • Ống tiêm phải được loại bỏ bọt khí. 
  • Tiêm bolus lượng rất nhỏ, tránh tiêm bolus lớn. 
  • Chuẩn bị sẵn hyaluronidase phòng sự cố bất lợi. 
  • Bác sĩ phải thật tỉ mỉ và chính xác trong các mũi tiêm khi tiến hành tiêm filler.

Vị trí sống mũi

Thường có 2 hoặc 3 điểm tiêm trực tiếp trên sống mũi. Kim hướng 45 độ so với sống mũi, ở lớp trên màng xương. 

Tiêm lượng nhỏ khoảng 0,02ml mỗi vị trí. Khi tiêm filler vào vùng sống mũi, dùng 2 ngón tay để giữ vách ngăn màng, không cho filler chui xuống. 

Nếu filler phình ra từ vách ngăn màng về phía khoang mũi có thể gây tình trạng khó thở.

Vị trí đầu mũi

Chỉnh sửa đầu mũi chủ yếu là nâng đầu mũi trong trường hợp mũi vẹt (đầu mũi bị rũ) hoặc để tạo thêm đường nét mũi. Kim được đặt trực tiếp trên đầu mũi, xiên với trục môi một góc 45 độ và tiêm ở mức độ trong da hoặc dưới da.

Vị trí cánh mũi

Được chỉ định để chỉnh sửa các biến dạng khác biệt chiều cao của cả 2 cánh mũi hoặc muốn định hình lại chúng. 

Kim được đặt trực tiếp lên vùng cánh mũi cần hiệu chỉnh, hướng 45 độ và được tiêm ở mức độ trong da.

Sau khi tiêm, kiểm tra kĩ vùng da không có sự khuếch tán filler vào mô và để ý xem da có bị tái xanh không. 

Không xoa bóp vùng tiêm mũi trong ít nhất 3 – 4 ngày. Chăm sóc kĩ sau khi tiêm filler và tái khám theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ưu điểm của tiêm filler mũi

  • Filler hiện là lựa chọn điều trị thay thế cho những bệnh nhân muốn định hình lại mũi mà không cần phẫu thuật và ngay cả đối với những người đã trải qua phẫu thuật nhưng cần chỉnh sửa nhỏ.
  • Filler cho hiệu quả ngay lập tức, chi phí thấp và hầu như không cần thời gian nghỉ dưỡng.
  • Việc điều trị hoàn toàn có thể đảo ngược bằng việc sử dụng hyaluronidase nếu kết quả không như mong muốn hoặc xảy ra biến chứng.
  • Tiêm filler mũi không phải phẫu thuật do đó không để lại sẹo mổ.
  • Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh, ít hơn một giờ.
Tiêm filler mũi cho hiệu quả ngay lập tức
Tiêm filler mũi cho hiệu quả ngay lập tức

Nhược điểm của tiêm filler mũi

  • Filler chỉ có thể thay đổi những khiếm khuyết nhỏ và kéo dài tạm thời trong thời gian ngắn.
  • Hiệu quả của filler là làm đầy, giúp cải thiện hình dạngdáng do thiếu kích thước nhưng không thể thu gọn lại.
  • Có thể gây tích lũy tác dụng phụ do phải tiêm thường xuyên và gia tăng khả năng mắc biến chứng.
Tiêm filler mũi không có hiệu quả cao cho dáng mũi cần chỉnh sửa nhiều
Tiêm filler mũi không có hiệu quả cao cho dáng mũi cần chỉnh sửa nhiều

Tác dụng phụ và biến chứng tiêm filler mũi

Sau khi tiêm filler, hầu hết mọi người đều gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Mẩn đỏ, sưng tấy: Phản ứng xảy ra khi bệnh nhân có mẫn cảm với các thành phần trong filler và hầu hết triệu chứng sẽ tự giảm dần.
  • Bầm tím: Gây ra do đầu kim làm tổn thương mạch máu, tuy nhiên vết bầm chỉ là tạm thời, không ảnh hưởng đến kết quả sau tiêm và mờ dần trong khoảng 10 ngày.
  • Gây bất đối xứng mũi: Tác dụng phụ xảy ra do thao tác tiêm không chuẩn. Để ngăn chặn tình trạng này, đầu kim phải được đặt chính xác ở đường giữa và hướng mặt vát của kim về mặt phẳng giữa.
  • Nổi u hoặc hạch: Hình thành do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong trường hợp này, có thể điều trị bằng hyaluronidase, corticosteroid hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
Biến chứng tắc mạch và mù mắt đáng lo ngại
Biến chứng tắc mạch và mù mắt đáng lo ngại

Đôi khi các biến chứng tiêm filler mũi nghiêm trọng còn có thể xảy ra như:

  • Tắc mạch: Mặc dù hiếm gặp nhưng filler có thể vô tình được tiêm trực tiếp vào các mạch máu ở mũi. Điều này có thể gây gián đoạn việc cung cấp máu cho mũi và các mô xung quanh dẫn đến tắc mạch và hoại tử mô.
  • Mù mắt: Một trong những động mạch cung cấp máu cho mũi là động mạch mũi sau, có kết nối trực tiếp với động mạch mắt cung cấp cho võng mạc. Rủi ro có thể xảy ra khi tiêm filler trực tiếp vào động mạch này gây mù mắt.

Chăm sóc sau khi tiêm filler mũi

Sau khi tiêm filler mũi, hình dáng mũi còn chưa được ổn định. Do đó, chúng ta nên:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về toa thuốc (nếu có) và lịch tái khám để kiểm tra quá trình ổn định hình dáng mũi.
  • Không tác động lên vùng mũi nhất là 24 giờ sau tiêm.
  • Tránh sờ nắn, cúi đầu, nằm nghiêng, trang điểm hay vận động mạnh gây ảnh hưởng đến dáng mũi và filler bên trong mũi.
  • Vệ sinh vùng mũi nhẹ nhàng bằng nước muối hay nước sạch để giữ sạch mũi.
  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao như nắng gắt, xông hơi,…
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê,…
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Đảm bảo uống đủ nước và giữ ẩm cho da.
Tránh sờ nắn mũi sau khi tiêm filler
Tránh sờ nắn mũi sau khi tiêm filler

Câu hỏi thường gặp

Tiêm filler mũi có hại về sau không? Tiêm filler mũi có ảnh hưởng gì không?

Ảnh hưởng lâu dài của việc tiêm filler mũi khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại filler được tiêm, tình trạng sức khỏe của từng người, tay nghề của bác sĩ thực hiện.
 Mặc dù filler được coi là khá an toàn tuy nhiên vẫn có rủi ro và biến chứng nguy hiểm đặc biệt là hoại tử mô hoặc mù mắt. Do đó, điều quan trọng là phải tìm hiểu thật kỹkĩ và tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi quyết định thực hiện.

Có nên tiêm filler mũi không?

Tiêm filler mũi có thể giúp cải thiện hình dáng mũi và làm cho khuôn mặt thêm hài hòa. Tuy nhiên, quyết định tiêm filler hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn cá nhân của từng người. Trước khi tiến hành nên tham khảo ý kiến chuyên gia và đảm bảo chọn một bác sĩ có kinh nghiệm, đáng tin cậy.

Tiêm filler mũi có tự tan được không?

Filler có thể tự tan và sẽ tan theo khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào loại filler được tiêm.

Tiêm filler mũi bao lâu thì ổn định?

Thời gian để filler mũi ổn định có thể khác nhau tùy thuộc vào loại filler và cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, thông thường sau khi tiêm filler mũi, bạn có thể cảm nhận kết quả tốt ngay lập tức. Một số tác phụ như sưng nhẹ, đỏ hoặc đau nhức có thể xảy ra sau tiêm filler, nhưng thông thường sẽ giảm dần trong vòng vài ngày. 

Tiêm filler mũi giữ được bao lâu?

Thời gian duy trì kết quả tiêm filler thông thường từ 1 – 1,5 năm.

Tiêm filler mũi kiêng gì?

Sau khi tiêm filler bạn nên kiêng hoạt động như massage mặt, xông hơi, sờ chạm vào vùng tiêm, sử dụng kính mũi, trang điểm trong 2 – 3 ngày đầu. Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê,…Nên bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, uống đủ nước và giữ ẩm da mặt.

Tiêm filler mũi có nguy hiểm không?

Độ an toàn của việc tiêm filler mũi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như kỹ năng và kinh nghiệm của bác sĩ, loại filler được sử dụng và các yếu tố của từng bệnh nhân. Mặc dù tiêm filler mũi thường được coi là an toàn khi được thực hiện bởi một chuyên gia có trình độ, nhưng vẫn có những rủi ro và biến chứng tiềm ẩn, bao gồm nhiễm trùng, tổn thương mô, phản ứng dị ứng,… và đặc biệt là biến chứng gây mù mắt.

Tiêm filler mũi có được nằm nghiêng không?

Thời gian đầu sau khi tiêm filler mũi còn chưa ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Do đó, khoảng 1 tuần sau tiêm tốt nhất bạn không nên nằm nghiêng để không ảnh hưởng dáng mũi của bạn.

Tiêm filler mũi có được nặn mụn không?

Trong thời gian đầu khi mũi chưa ổn định, không được sờ nắn hay tác dụng lực lên mũi như là nặn mụn.

Dấu hiệu tiêm filler mũi bị hoại tử?

Dấu hiệu tiêm filler mũi bị hoại tử có thể bao gồm: Sưng, đau nhức và đỏ nhiều tại vùng tiêm và không thuyên giảm qua thời gian kèm với ngứa, chảy mủ hoặc khó thở.

Tiêm filler mũi nhiều lần có sao không?

Tiêm filler có thể được lặp lại để duy trì hiệu quả của nó. Tuy nhiên, tiêm quá nhiều lần có thể làm tăng rủi ro về tác dụng phụ cũng như các biến chứng nguy hiểm.

Tiêm filler mũi có bị tràn không?

Khi tiêm filler vào mũi có thể xảy ra tình trạng tràn filler và điều này thường xảy ra khi quá trình tiêm không được thực hiện đúng cách hoặc bởi người không có kinh nghiệm.

Tiêm filler mũi có đeo kính được không?

Trong giai đoạn đầu sau tiêm, mũi còn chưa được ổn định, bạn nên hạn chế tránh đeo kính tì đè lên mũi. Điều này có thể ảnh hưởng đến hình dáng mũi không được như mong muốn.

Hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm thông tin đáng tin cậy về phương pháp tiêm filler mũi. Bài viết được tham khảo ý kiến của bác sĩ và các nguồn tin cậy trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, Doctor có sẵn khuyến khích mọi người tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn cụ thể hơn.

Contact Me on Zalo