Rất nhiều người trong chúng ta đã từng bị chóng mặt, hai từ này còn phổ biến đến mức chúng ta còn dùng nó để ca thán về một vấn đề nào đó. Ranh giới giữa tâm lý và bệnh lý của triệu chứng khá là mơ hồ nên đôi lúc nó dễ bị bỏ qua.
Có những người chỉ bị chóng mặt thoáng qua, cũng có nhiều người chịu đựng triệu chúng này dai dẳng, cách hôm lại bị mà dù đã thử qua nhiều phương pháp khác nhau những vẫn không thấy hiệu quả. Vậy vì sao bị chóng mặt, triệu chứng này liên quan đến những bệnh lý nào, hãy cùng Docosan tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Triệu chứng chóng mặt qua miêu tả của bệnh nhân
Bạn có thường xuyên bị chóng mặt? Nếu câu trả lời là có và bạn trên 40 tuổi thì bạn cũng nằm trong 40% người lớn lớn trên thế giới mắc chứng này, theo một thống kê gần đây của trung tâm y tế Đại học California San Francisco. Điều đó cho thấy, triệu chứng này không phải là một triệu chứng hiếm gặp đối với người trung niên.
Mặc dù chóng mặt có khi lành tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không gây nguy hiểm tức thời, nhưng về lâu dài, triệu chứng này xảy ra thường xuyên sẽ khiến cơ thể bạn trở nên suy nhược, lúc này, đời sống sinh hoạt mới bị ảnh hưởng thật sự.
Một cô trung niên cho biết, sau khi cô ngồi đọc báo hay nằm xem tivi mà đứng lên, thì cô bị xây xẩm mặt mày, chuyện này thường xuyên diễn ra khiến cô có tâm lý lo sợ. Nhiều khi đi vào toilet cũng bị xây xẩm nên không dám đóng cửa, để có gì té ngã thì còn để con cháu được biết.
Một bác khác cũng cho biết, bác thường bị đau đầu choáng váng kèm với mờ mắt, có cảm giác như cái nhà mình nó xoay chuyển. Cho đến khi đi khám mới biết triệu chứng này có liên quan đến rối loạn tiền đình.
Không chỉ người trung niên mới bị chóng mặt, mà ngay cả thanh niên trẻ tuổi cũng có những khi đầu óc quay cuồng không thể tập trung làm việc, và đặc biệt là không thể tiếp thu điều người khác nói. Những lúc như thế mình cảm thấy giá trị bản thân thấp đi – đáp viên bộc bạch cùng Docosan.
Bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh Phạm Quỳnh Nga cho biết, những căng thẳng trong công việc và cuộc sống hay bệnh thông thường như cảm cúm, cũng thường gây chóng mặt, xây xẩm, … Tuy nhiên, bị chóng mặt cảm giác như nhà cửa quay cuồng thì liên quan đến các bệnh lý tiền đình.
Khi nào bị chóng mặt có yếu tố nguy hiểm?
Các cơn chóng mặt lành tính không cần điều trị thường là những cơn chóng mặt thoáng qua. Ví dụ sau một đêm mất ngủ, nhiều người sẽ bị chóng mặt, tuy nhiên, sau khi ngủ nghỉ lại đầy đủ thì không lặp lại triệu chứng nữa, thì đây là triệu chứng lành tính.
Nếu cơn chóng mặt xảy đến dữ dội, tái đi tái lại, hay kéo dài ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác là dấu hiệu nguy hiểm.
Các triệu chứng khác đi kèm với chóng mặt báo hiệu tình trạng nguy hiểm là:
- Thay đổi về lời nói
- Tay chân tê mỏi
- Yếu tay chân
Phân biệt chóng mặt liên quan đến bệnh lý
- Choáng váng, xây xẩm mặt mũi thoáng qua: Liên qua tình trạng sức khỏe chung như căng thẳng, mất ngủ, nhịn đói, mất nước, …
- Choáng váng, xây xẩm mặt mũi tái đi tái lại kéo dài: Cần đi khám Nội khoa
- Chóng mặt buồn nôn kèm sắc mặt tái, cảm giác mọi vật quay tít, nhà cửa quay cuồng, tái đi tái lại: Cần đi khám Khoa Thần kinh
Các bác sĩ điều trị chóng mặt như thế nào?
Các cơn chóng mặt thoáng qua liên quan đến tình trạng sức khỏe như thức khuya, căng thẳng, nhịn đói, … thì không cần điều trị, chỉ cần tịnh dưỡng, bồi bổ cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý.
Nhiều người bị đau đầu chóng mặt buồn nôn, tái phát sau vài tháng thì có tâm lý rất sợ những cơn tái phát, lúc này, ý nghĩa của việc điều trị không chỉ là trị dứt điểm cơn chóng mặt hiện tại mà còn là phòng chống sự tái diễn của tình trạng.
Người bệnh có thể dùng thuốc để vượt qua cơn chóng mặt hiện tại, nhưng điều quan trọng là bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra và sẽ dùng một số nghiệm pháp để giúp bệnh nhân tập tiền đình để triệt tiêu nguyên nhân khiến chúng ta bị chóng mặt.
Nhiều người ngồi xuống đứng lên chóng mặt, việc này tái diễn nhiều lần thì đây là chóng mặt kịch phát tư thế. Đối với tình trạng này, nguyên nhân là cặn sỏi tai ở tai trong (hệ tiền đình) di chuyển ra vị trí khác. Vì vậy, bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp xoay đầu với mục đích đưa sỏi tai về lại đúng vị trí, cắt cơn chóng mặt.
Làm thế nào để chóng mặt không tái phát?
Đối với những người bình thường, để tránh bị chóng mặt, cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng, thức ăn tươi sống. Bên cạnh đó, cần duy trì sức khỏe bằng các bài thể dục điều độ, ngủ đủ giấc, người thiếu ngủ cũng dễ bị chóng mặt.
Riêng đối với người hay bị chóng mặt, cần tránh và hạn chế rượu bia, để tránh ảnh hưởng đến sự thăng bằng của tiền đình và đảm bảo chức năng não bộ. Nếu chức năng não bộ suy giảm thì các cơn chóng mặt sẽ dễ xảy ra hơn. Vận động thể dục để duy trì thể lực là cần thiết, tuy nhiên, người đã từng bị chóng mặt cần tránh các động tác cúi đầu, thay đổi vị trí đầu nhanh chóng như xoay đầu lắc đầu, đột ngột đứng lên ngồi xuống.
Đối với những người đã được chẩn đoán có bênh lý về rối loạn tiền đình, cần tái khám thường xuyên để bác sĩ kiểm tra hiệu quả của các bài tập tiền đình đã hướng dẫn, điều chỉnh và thay đổi để cải thiện bênh lý, hạn chế tái phát. Việc điều trị chóng mặt do bệnh lý tiền đình cần dùng thuốc kê đơn và tái khám đúng hẹn. Ngoài ra, tùy nhu cầu, bệnh nhân có thể dùng thêm một số loại thảo dược như cao bạch quả để điều hòa tuần hoàn máu não, đề phòng chóng mặt tái phát.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.