Đau đầu mất ngủ dường như là một bệnh lý phổ biến hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do vấn đề căng thẳng thần kinh hoặc do tác động từ môi trường bên ngoài. Vậy mối liên hệ nào giữa đau đầu và mất ngủ? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Mối liên hệ giữa đau đầu và mất ngủ
Mất ngủ và ngủ quá nhiều là những tác nhân gây đau đầu phổ biến. Ngủ đủ giấc và đều đặn có thể giúp giảm đau đầu. Các cơn đau đầu liên quan đến mất ngủ bao gồm 2 dạng là đau đầu khi thức dậy và đau đầu khi ngủ. Theo các nghiên cứu đã chỉ ra những người mắc chứng đau nửa đầu có khả năng mắc chứng rối loạn giấc ngủ cao hơn từ 2 đến 8 lần so với người ngủ đủ giấc nói chung.
Những người mắc chứng đau nửa đầu mãn tính có tỷ lệ mất ngủ cao gần gấp đôi so với những người bị đau đầu ít thường xuyên hơn. Tỷ lệ mất ngủ cao ở người mắc chứng đau nửa đầu có thể giải thích bởi các bệnh lý đi kèm và những thói quen sinh hoạt không lành mạnh đã khiến giấc ngủ của những người mắc bệnh này trở nên chập chờn và không sâu. Mặt khác, các vùng não và chất dẫn truyền thần kinh chi phối cả giấc ngủ, đau đầu và tâm trạng.
Vì vậy, khi giấc ngủ bị rối loạn, chẳng hạn như mất ngủ hoặc ngủ không sâu, nó không chỉ gây ra đau đầu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng. Điều này giải thích tại sao nhiều người bị đau nửa đầu thường đồng hành với các vấn đề về tâm lý như lo âu và trầm cảm.
Nguyên nhân gây đau đầu mất ngủ
Do căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống
Đau đầu do căng thẳng là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu, cùng với đó là chứng đau nửa đầu. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy giữa đau đầu do căng thẳng với vấn đề thiếu ngủ có một mối liên kết chặt chẽ. Đây là một mối quan hệ 2 chiều được giải thích như sau: đau đầu có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, ngược lại rối loạn giấc ngủ cũng dẫn đến kích hoạt các cơn đau đầu.
Do yếu tố môi trường và thay đổi thời tiết
Thay đổi thời tiết như bão, nắng nóng, thay đổi độ ẩm, … cũng là lý do thường gặp có thể khiến bạn đầu và mất ngủ. Các chuyên gia cho rằng những người bị đau đầu thường xuyên sẽ nhạy cảm hơn những thay đổi thời tiết hơn những người bình thường. Ngoài ra sự thay đổi về áp suất khi thay đổi thời tiết được xem là nguyên nhân tác động tới hoạt chất và điện não. Điều này kích thích tới dây thần kinh và dẫn đến đau đầu và kèm theo mất ngủ.
Do sự thay đổi hormone cơ thể
Sự thay đổi hormone trong những giai đoạn như: thai kỳ, thời kỳ mãn kinh hoặc trong các giai đoạn stress có thể dẫn đến đau đầu và mất ngủ. Nguyên nhân của vấn đề này được giải thích là do sự mất cân bằng của hormone cortisol và melatonin, 2 loại hormone này liên quan đến cảm xúc và giấc ngủ.
Sử dụng thuốc
Đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu tập trung là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng,… Nếu nhận thấy sau khi sử dụng thuốc có những triệu chứng đau đầu và mất ngủ, hãy thông báo với bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu hơn.
Do bệnh lý
Đau đầu mất ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý, trong đó thường thấy nhất là các bệnh mãn tính như:
- Bệnh đái tháo đường: Mất kiểm soát đường huyết, đặc biệt ở những người mắc bệnh tiểu đường, có thể gây ra đau đầu và mất ngủ. Sự dao động không ổn định của đường huyết làm ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi của cơ thể, khiến giấc ngủ trở nên chập chờn và kém sâu.
- Bệnh thận: Các vấn đề về thận như viêm thận, sỏi thận hoặc tổn thương thận cũng có thể gây ra đau đầu và mất ngủ. Khi chức năng thận suy giảm, các chất độc tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra các triệu chứng trên.
- Bệnh tim mạch và huyết áp: Những người thường xuyên gặp cảm giác đau đầu và khó ngủ có thể đang đối mặt với nguy cơ cao về bệnh tim và huyết áp cao. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu sớm của vấn đề tim mạch.
Ngoài ra, đau đầu mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng của các bệnh sau: thiếu máu não, suy nhược thần kinh, hay lupus ban đỏ, rối loạn tiền đình,…
Cách điều trị chứng đau đầu mất ngủ
Xác định nguyên nhân và chữa trị
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau đầu mất ngủ, bạn cần xác định đâu là nguyên nhân chính. Nếu bệnh bắt nguồn từ đau đầu thì cần tập trung chữa đau đầu trước, từ đó vấn đề mất ngủ cũng sẽ được cải thiện theo. Ngược lại nếu mất ngủ gây ra đau đầu thì cần khắc phục mất ngủ trước để ngăn ngừa các cơn đau. Một số bí quyết nhỏ có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng này như:
- Tránh bị căng thẳng, lo lắng khi đi ngủ.
- Ngủ và thức dậy cố định một khung giờ mỗi ngày.
- Giữ không gian phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh.
- Không tiếp xúc với các thiết bị điện tử gần trước giờ ngủ.
- Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn.
- Vận động thể chất, thể dục thể thao điều độ và đều đặn vào ban ngày.
Bổ sung thực phẩm hỗ trợ điều trị đau đầu mất ngủ
Người bị đau đầu và mất ngủ có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách bổ sung các thực phẩm phù hợp vào bữa ăn hàng ngày. Điều này giúp tăng cường dinh dưỡng và hỗ trợ giảm cơn đau đầu và mất ngủ. Một số thực phẩm giàu calci, vitamin B6, melatonin, magie,… sẽ hỗ trợ để bạn có một giấc ngủ ngon và chất lượng, bao gồm:
- Cá béo.
- Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó,…
- Các loại trái cây như chuối, bơ.
- Trứng và các sản phẩm từ sữa.
- Yến mạch.
Ngoài ra, có thể cân nhắc dùng thêm sản phẩm bổ sung vitamin B để giúp phòng ngừa hiệu quả các vấn đề như đau đầu và mất ngủ. Các vitamin B, đặc biệt là B6 và B12, hỗ trợ hệ thần kinh, giúp giảm căng thẳng và lo âu – hai yếu tố chính gây ra đau đầu và mất ngủ.
Bên cạnh đó, Vitamin B6 giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, làm dịu tâm trạng và cải thiện giấc ngủ. Vitamin B12 thúc đẩy tuần hoàn máu và duy trì sức khỏe thần kinh, giảm nguy cơ đau đầu do căng thẳng hoặc mệt mỏi. Vì vậy, việc bổ sung vitamin B đều đặn sẽ giúp người dùng giảm thiểu các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi và duy trì giấc ngủ ngon.
Xây dựng thói quen ngủ khoa học để ngăn ngừa đau đầu
Doccosan gợi ý cho bạn một số bước để có một giấc ngủ ngon, ngăn ngừa đau đầu như sau:
- Tránh ăn quá no trước khi đi ngủ.
- Đừng cố ép bản thân đi vào giấc ngủ khi chưa thực sự buồn ngủ. Điều này càng làm cho tinh thần mệt mỏi, khó ngủ hơn.
- Giữ không gian phòng ngủ tối, mát mẻ, yên tĩnh.
- Giữ giờ đi ngủ ổn định.
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Xem thêm:
- Cách chẩn đoán và điều trị 5 chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất.
- Buồn phiền, mất ngủ…là dấu hiệu sức khỏe tinh thần gặp vấn đề.
- Mất ngủ kéo dài: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.
Mất ngủ và đau đầu có thể dẫn đến ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ như mệt mỏi, uể oải, mất tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài, không thuyên giảm mặc dù đã thử sử dụng các phương pháp cải thiện tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị chuyên sâu hơn. Cùng chia sẻ bài viết hữu ích này đến mọi người xung quanh nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. Sleep Disorders and Headache
- Link tham khảo: https://americanmigrainefoundation.org/resource-library/sleep/
- Ngày tham khảo: 18/10/2024
2. Sleep disturbances in tension-type headache and migraine
- Link tham khảo: https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/1756285617745444
- Ngày tham khảo: 18/10/2024
3. Can Changes in Weather Trigger Migraine and Other Headaches?
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/migraines-headaches/headache-and-migraine-trigger-weather
- Ngày tham khảo: 18/10/2024