Đau đầu vận mạch là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Đau đầu vận mạch là một bệnh phổ biến hơn bạn tưởng, có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn cả là độ tuổi dậy thì và thanh niên. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng xấu tới tinh thần, công việc và sức khỏe thể chất. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách phòng ngừa căn bệnh này nhé.

Đau đầu vận mạch là gì?

Đau đầu vận mạch là một bệnh thuộc nhóm đau đầu mạn tính có nguồn gốc từ những rối loạn nguyên phát ở não và có tính chất gia đình. Đau đầu vận mạch còn được biết đến với những tên gọi khác như đau đầu migraine, đau nửa đầu. Bệnh biểu hiện đặc trưng bởi những cơn đau đầu mạnh thường xảy ra ở một bên.

Đây là một bệnh thường gặp hơn chúng ta tưởng. Mỗi người chúng ta đều đã có thể mắc phải ít nhất một lần trong đời. Đa số trường hợp không ảnh hưởng tính mạng, nhưng vì tính chất kéo dài nên đau đầu vận mạch có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái lo lắng kéo dài, ảnh hưởng tới năng suất công việc và chất lượng cuộc sống.

đau đầu vận mạch
Đau đầu vận mạch là gì?

Triệu chứng

Thông thường, người bệnh sẽ có những triệu chứng báo trước báo hiệu cho cơn đau đầu sắp đến (được gọi là tiền triệu). Các tiền triệu thường kéo dài từ 20 đến 60 phút, có thể kể đến như:

  • Thay đổi khí sắc, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn
  • Rối loạn thị giác: ánh sáng lấp lóe hai mắt, các quầng sáng hồ quang, ám điểm trung tâm, các đường zigzag sáng
  • Dị cảm và tê bì: bàn tay, cánh tay và mặt cùng bên
  • Rối loạn ngôn ngữ: nói khó, không hiểu lời nói
  • Chứng mất ngủ, nhầm lẫn, lú lẫn: có thể xảy ra nhưng ít gặp

Khi cơn đau đầu vận mạch diễn ra, nó có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và thường đỡ khi đi ngủ. Đau đầu thường một bên nhưng cũng có thể ở hai bên, cơn đau có thể dữ dội, thường gặp nhất là ở vùng trán – thái dương. Người bệnh thường mô tả kiểu đau theo mạch đập hay đau nhói.

Trong cơn đau đầu, những triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như:

  • Buồn nôn (đôi khi có nôn)
  • Chóng mặt
  • Sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ mùi khó chịu
  • Khó tập trung làm việc trong cơn đau đầu
  • Đau đầu tăng khi vận động thể lực

Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân của đau đầu vận mạch vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng có một giả thuyết được nhiều chuyên gia đồng thuận và nội dung của nó cũng giải thích cho tên gọi “đau đầu vận mạch”. 

Theo đó, đau đầu vận mạch xuất phát từ căn nguyên mạch máu não xảy ra do sự thay đổi cơ chế vận mạch làm co giãn bất thường của hệ thống mạch máu não một bên. Người ta cũng cho rằng có vai trò của yếu tố di truyền và tác động của môi trường lên sự co giãn bất thường các mạch máu não này. 

Tuy nguyên nhân chưa được xác định rõ, nhưng các chuyên gia đã tìm được một số tác nhân gây kích hoạt cơn đau đầu vận mạch, bao gồm:

  • Uống rượu bia, đặc biệt rượu vang đỏ
  • Bỏ bữa ăn
  • Stress, căng thẳng quá mức, lo âu
  • Mất ngủ, thiếu ngủ
  • Thay đổi thời tiết
  • Thay đổi hormon trong cơ thể, đặc biệt là kinh nguyệt ở phụ nữ
  • Một số thức ăn
đau đầu vận mạch
Uống nhiều rượu bia có thể gây đau đầu vận mạch

Một số chấn thương cơ học có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm đau đầu vận mạch như: chấn thương đầu, đau cổ, rối loạn chức năng khớp thái dương – hàm.

Ai là người dễ bị đau đầu vận mạch?

Bệnh này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là bắt đầu độ tuổi dậy thì hoặc tuổi thanh niên. Bệnh thường giảm đi sau tuổi 50. Nhìn chung, bệnh hiếm gặp ở trẻ em và người lớn tuổi và thường gặp ở nữ giới hơn. 

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy đau đầu vận mạch có tính chất gia đình. Điều này nghĩa là nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng đau đầu này, khả năng bạn cũng mắc sẽ cao hơn.

đau đầu vận mạch
Đau đầu vận mạch thường gặp ở người trẻ tuổi và nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất

Bệnh này có nguy hiểm không?

Với một số bệnh nhân, cơn đau đầu vận mạch gây cảm giác khó chịu nhưng vẫn chịu được. Nhưng với nhiều người khác, sự kéo dài của tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của họ. 

Ở nhóm học sinh và sinh viên mắc phải chứng đau đầu này, họ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý, ảnh hưởng khả năng tập trung, học tập, giảm các hoạt động xã hội. 

Nếu không được điều trị đúng cách, đau đầu vận mạch có thể gây mệt mỏi, căng thẳng kéo dài, suy nhược cơ thể, trầm cảm, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung…

Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau (như thuốc NSAIDs) có thể dẫn tới các vấn đề khác như viêm loét dạ dày tá tràng, lạm dụng thuốc giảm đau.

Đau đầu vận mạch được điều trị thế nào?

Bạn cần đến gặp bác sĩ của mình khi có triệu chứng của đau đầu vận mạch, chúng tôi không khuyến cáo bạn tự ý điều trị mà không có sự tư vấn của bác sĩ. 

Điều trị bệnh này có thể chia thành 3 bước: 

  • Điều trị cắt cơn đau: khi đang có cơn đau
  • Điều trị nền: khi số lượng cơn đau nhiều
  • Điều trị tránh tái phát: đây là nguyên tắc quan trọng, bao gồm việc tìm ra các tác nhân kích thích trong đời sống của người bệnh và chấm dứt chúng. 

Mọi bước điều trị liên quan đến việc dùng thuốc cần có sự tư vấn và theo dõi bởi bác sĩ. Đối với những cơn đau đầu nhẹ, bạn có thể được cho dùng acetaminophen (còn biết đến với tên paracetamol) hoặc các thuốc NSAIDs. Với các cơn đau đầu nặng, bạn có thể được cho dùng triptans và dihydroergotamine cùng với thuốc chống nôn đối vận với dopamin.

đau đầu vận mạch
Điều trị đau đầu vận mạch bằng thuốc Acetaminophen

Với những trường hợp đau đầu vận mạch mạn tính, các thuốc ở trên cũng được áp dụng. Ngoài ra một số thuốc khác có thể được dùng như: onabotulinumtoxinA và topiramate.

Bạn còn có thể được yêu cầu viết nhật ký các cơn đau để ghi lại số lượng và thời gian các cơn đau, cũng như các kích thích nghi ngờ trước đó và đáp ứng với thuốc giảm đau. Đây là cơ sở quan trọng để bác sĩ tìm ra yếu tố kích thích và điều chỉnh lộ trình điều trị phù hợp cho bạn. 

Khi nào thì nên đến gặp bác sĩ ngay?

Bạn không được chủ quan với tình trạng đau đầu của mình. Vì đây là một triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh lý, từ lành tính đến nguy cấp và có thể không chỉ đơn thuần là bệnh. 

Bạn cần đến phòng khám cấp cứu ngay nếu có một trong những triệu chứng sau, vì nó cảnh báo cho một bệnh lý nghiêm trọng:

  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Đau đầu kèm sốt
  • Đau đầu kèm cứng gáy, cứng cổ
  • Đau đầu kèm nôn ói dữ dội
  • Đau đầu xuất hiện dữ dội ở những người trên 50 tuổi
  • Đau đầu kèm những vấn đề về thăng bằng, vận động, nhìn đôi, nói khó và đặc biệt là khác hẳn những triệu chứng trước đây
đau đầu vận mạch
Khi nào thì nên đến gặp bác sĩ ngay?

Phòng ngừa đau đầu vận mạch như thế nào?

Các phòng bệnh hiệu quả là bạn cần tránh những yếu tố có thể kích thích khởi phát cơn đau đầu vận mạch. Những biện pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng như:

  • Tránh hoặc giảm bớt những căng thẳng tâm lý như thường xuyên thư giãn, nghỉ ngơi, không làm việc với cường độ quá nặng.
  • Tập thói quen rèn luyện thể chất hằng ngày bằng những bài tập đơn giản như chạy bộ, yoga, hoặc chơi các môn thể thao.
  • Ăn uống điều độ, lành mạnh và chăm sóc giấc ngủ của bản thân.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích có hại.
  • Tránh nơi có nhiều tiếng ồn, ánh sáng mạnh, mùi nồng,…
đau đầu vận mạch
Chăm tập thể dục phòng ngừa đau đầu vận mạch

Tổng kết

Đau đầu vận mạch là một bệnh thường gặp và thường là lành tính. Bài viết của Docosan chỉ mang tính chất tham khảo, mọi quyết định về điều trị của bạn nên có sự tư vấn của bác sĩ. Bệnh này có thể điều trị và phòng ngừa được. Hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo của đau đầu để có thể đến cơ sở uy tín kịp thời nhé.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.