Đau thần kinh ngoại biên là đau ở đâu? Nguyên nhân và cách điều trị

BSCKI Đặng Thế Ân
Tư vấn bệnh lý Thần Kinh
BSCKI Đặng Thế Ân
Phòng Khám Chuyên Khoa Tâm Thần Kinh


Bạn có từng cảm thấy tê bì hoặc đau nhói ở bàn tay, bàn chân? Đây có thể chính là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên – một tình trạng thường xảy ra khi gặp chấn thương, rối loạn chuyển hóa hoặc mắc các tình trạng viêm. Đau dây thần kinh ngoại biên không chỉ ảnh hưởng đến chức năng cảm giác ở tay và chân, mà còn có thể gây ra những rối loạn về ruột, bàng quang và tăng tiết mồ hôi. Hãy cùng Docosan tìm hiểu “đau thần kinh ngoại biên là đau ở đâu” cũng như các vấn đề khác xoay quanh chủ đề này.

Dây thần kinh ngoại biên là gì?

Dây thần kinh ngoại biên là cầu nối các tín hiệu thần kinh giữa não và các bộ phận khác của cơ thể
Dây thần kinh ngoại biên là cầu nối các tín hiệu thần kinh giữa não và các bộ phận khác của cơ thể

Dây thần kinh ngoại biên là các dây thần kinh nằm ngoài hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), thuộc hệ thần kinh ngoại biên (PNS – Peripheral Nervous System). Các dây thần kinh này đóng vai trò như “cầu nối” truyền tín hiệu giữa hệ thần kinh trung ương và các cơ quan, cơ bắp, da và các mô khác trên khắp cơ thể.

Hệ thần kinh ngoại biên được chia thành hai hệ chính:

  • Hệ thần kinh tự chủ: Điều khiển các hoạt động tự động mà não thực hiện mà không cần suy nghĩ (nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, tiết mồ hôi,…)
  • Hệ thần kinh thân thể: Điều khiển các chức năng mà bạn có thể kiểm soát bằng ý thức (cảm giác và cử động cơ thể)

Đau thần kinh ngoại biên là đau ở đâu?

Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì và châm chích ở bàn chân
Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì và châm chích ở bàn chân

Đau thần kinh ngoại biên có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nơi có dây thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, những khu vực thường bị ảnh hưởng nhất là bàn chân, ngón tay, cánh tay, cẳng tay, mặt, đầu, lưng và cột sống.

Triệu chứng của bệnh đau thần kinh ngoại biên bao gồm:

  • Tê, châm chích hoặc cảm giác như kiến bò ở bàn chân hoặc bàn tay, bắt đầu dần dần và có thể lan lên chân hoặc cánh tay.
  • Đau nhói, đau nhức dữ dội, hoặc cảm giác như bị bỏng.
  • Nhạy cảm quá mức khi bị chạm nhẹ.
  • Đau xuất hiện trong các hoạt động bình thường không gây đau, chẳng hạn như đau ở bàn chân khi đặt trọng lượng lên hoặc khi đắp chăn.
  • Mất phối hợp vận động, dễ té ngã.
  • Cơ yếu.
  • Cảm giác như đang đeo găng tay hoặc vớ, dù không hề đeo.
  • Không thể di chuyển nếu dây thần kinh vận động bị ảnh hưởng.

Nếu dây thần kinh tự chủ bị ảnh hưởng, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Không chịu được nhiệt độ cao.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc không thể đổ mồ hôi.
  • Các vấn đề về ruột, bàng quang hoặc tiêu hóa.
  • Tụt huyết áp, gây chóng mặt hoặc choáng váng.

Các dạng đau thần kinh ngoại biên:

  • Ảnh hưởng đến một dây thần kinh: gọi là đơn dây thần kinh (mononeuropathy), ví dụ như hội chứng ống cổ tay.
  • Ảnh hưởng đến hai hoặc nhiều dây thần kinh ở các khu vực khác nhau: gọi là đa dây thần kinh khu trú (multiple mononeuropathy).
  • Ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh: gọi là đa dây thần kinh toàn thể (polyneuropathy), đây là dạng phổ biến nhất.

Nguyên nhân của bệnh đau dây thần kinh ngoại biên

Chấn thương có thể dẫn đến đau dây thần kinh ngoại biên
Chấn thương có thể dẫn đến đau dây thần kinh ngoại biên

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh ngoại biên, chủ yếu có thể chia thành 4 loại nguyên nhân chính, bao gồm:

  • Chấn thương và tổn thương cơ học: Dây thần kinh ngoại biên rất dễ bị tổn thương khi gặp các chấn thương hoặc áp lực trực tiếp, chẳng hạn người khi gặp tai nạn hoặc người chịu áp lực kéo dài lên dây thần kinh trong hội chứng ống cổ tay.
  • Do bệnh lý và tình trạng y khoa khác: Một số bệnh lý và tình trạng y khoa khác đã được biết đến là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dây thần kinh ngoại biên như: bệnh tiểu đường, các bệnh viêm (lupus ban đỏ, hội chứng đa xơ cứng, viêm da động mạch,…), nhiễm trùng (thủy đậu, zona, HIV/AIDS, bệnh phong, giang mai,…), ung thư dây thần kinh, thiếu vitamin B, suy dinh dưỡng,….
  • Tác động từ yếu tố bên ngoài: Một số yếu tố bên ngoài cũng gây tổn thương dây thần kinh như việc uống rượu, tiếp xúc với các chất hóa học, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… có thể làm tổn thương thần kinh ngoại theo thời gian. Ngoài ra, thuốc hóa trị ung thư cũng có khả năng gây đau dây thần kinh như một tác dụng phụ của thuốc.
  • Yếu tố di truyền: Các bệnh viêm mạn tính, tiểu đường hoặc tổn thương thần kinh ngoại vi đều có thể liên quan đến nguyên nhân di truyền. Do đó, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh thì khả năng phát triển viêm và tổn thương dây thần kinh cũng có thể tăng lên.

Điều trị bệnh đau dây thần kinh ngoại biên

Bệnh đau thần kinh ngoại biên thường được điều trị bằng thuốc
Bệnh đau thần kinh ngoại biên thường được điều trị bằng thuốc

Mục tiêu điều trị là điều trị các nguyên nhân nền gây ra bệnh thần kinh ngoại biên và làm giảm các triệu chứng như đau đớn. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thần kinh: Những thuốc này làm giảm kích thích bất thường trong dây thần kinh, thường được dùng cho đau thần kinh mạn tính (bệnh nhân tiểu đường hoặc hóa trị). Chẳng hạn như gabapentin và pregabalin được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh do tiểu đường, zona, đau dây thần kinh tọa,… hoặc carbamazepin thường dùng trong đau dây thần kinh sinh ba.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm như amitriptylin, nortriptylin, duloxetin và venlafaxin cũng có thể được sử dụng để giảm các cơn đau ở người đau thần kinh mạn tính. Các thuốc này giúp điều chỉnh nồng độ hormon dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin, từ đó làm giảm cảm giác đau.
  • Miếng dán giảm đau vào da: Các miếng dán này chứa 1 lượng thuốc giảm đau nhất định (thường là lidocain), có tác dụng làm giảm triệu chứng đai, tê bì và cảm giác châm chích tại chỗ, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để giải phóng sự chèn ép ở bệnh nhân bị bệnh thần kinh ngoại biên do chèn ép như khối u, thoát vị đĩa đệm,…Tuy nhiên việc phẫu thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng và được đánh giá của các bác sĩ chuyên môn.

Cuối cùng, bác sĩ cũng sẽ khuyến khích bệnh nhân thực hiện thay đổi lối sống như một phương pháp điệu trị phối hợp với việc dùng thuốc. Cụ thể:

  • Ngưng hút thuốc lá, rượu bia làm ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu và làm nặng hơn tình trạng bệnh.
  • Kiểm soát tốt đường huyết để đảm bảo lượng đường máu dưới ngưỡng cho phép, đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cần chăm sóc tốt bàn chân để tránh biến chứng gây viêm loét, hoại tử.
  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
  • Ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể không thiếu các chất khoáng vi lượng và các vitamin gây bệnh.

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể bổ sung thêm vitamin nhóm B từ thực phẩm bổ sung để hỗ trợ giảm viêm, giảm đau. Sản phẩm bổ sung Vitamin B là một trong những lựa chọn đáng cân nhắc. Tuy nhiên, liều lượng và loại vitamin cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Mua sản phẩm chính hãng tại:

Biến chứng của bệnh dây thần kinh ngoại biên

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh thần kinh ngoại biên có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Tổn thương da: Người bệnh mất cảm giác về nhiệt độ hoặc đau, dễ bị bỏng hoặc chấn thương mà không nhận ra.
  • Nhiễm trùng: Các vùng da mất cảm giác do tổn thương thần kinh thường không được chú ý, khiến vết thương nhỏ dễ bị nhiễm trùng nặng hơn.
  • Té ngã: Suy yếu cơ và mất cảm giác có thể làm giảm khả năng giữ thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã và chấn thương.
  • Biến chứng nghiêm trọng hơn: Ở giai đoạn tiến triển, một số dạng bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây yếu cơ hô hấp, dẫn đến khó thở hoặc suy hô hấp, đòi hỏi phải hỗ trợ bằng máy thở.

Cách phòng ngừa đau dây thần kinh ngoại biên

Bổ sung vitamin B giúp phòng ngừa bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bổ sung vitamin B giúp phòng ngừa bệnh lý thần kinh ngoại biên

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên là kiểm soát được các bệnh lý bạn đang gặp phải mà có nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên như: tiểu đường, nghiện rượu hoặc viêm khớp dạng thấp. Đồng thời, duy trì lối sống lành mạnh để hỗ trợ sức khỏe thần kinh như:

  • Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và thịt nạc để giữ cho thần kinh khỏe mạnh.
  • Bổ sung vitamin B12 từ thực phẩm như: ăn thịt, cá, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc. Nếu bạn là người ăn chay thì ngũ cốc sẽ là sự lựa chọn thay thế để bổ sung nguồn cung cấp vitamin B tốt.
  • Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn.
  • Tránh xa các yếu tố có thể gây tổn thương thần kinh như: hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, hút thuốc và uống quá nhiều rượu.

Câu hỏi liên quan

Đau thần kinh ngoại biên có chữa khỏi được không?

Điều này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do các nguyên nhân như chấn thương, thiếu vitamin B,… thì người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn khi nguyên nhân được loại bỏ.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là do tổn thương thần kinh không thể phục hồi, chẳng hạn như trong tiểu đường lâu năm hoặc bệnh lý di truyền thì việc chữa khỏi hoàn toàn thường rất khó khăn. Mục tiêu trong trường hợp này là kiểm soát triệu chứng, ngăn tổn thương tiến triển và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cần làm gì khi cảm thấy tê bì hoặc đau ở bàn chân?

Nếu cơn đau chỉ thoáng qua, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách xoa bóp hoặc ngâm chân với nước ấm. Tuy nhiên, trong trường hợp tê bì có kèm theo sưng, đổi màu da, mất cảm giác hoặc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tự miễn,… bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Vitamin nhóm B có thể bổ sung qua thực phẩm nào?

Vitamin B có mặt trong rất nhiều thực phẩm hằng ngày như: Gạo lức, ngũ cốc nguyên cám, thịt heo, thịt gà, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau xanh, khoai tây, chuối, cam và các loại hạt. Do đó, một chế độ ăn uống cân đối thường cung cấp đủ vitamin nhóm B cần thiết cho cơ thể.

Đau dây thần kinh ngoại biên là một căn bệnh gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc sẽ có một góc nhìn rõ hơn về việc đau dần thần kinh ngoại biên là đau ở đâu. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đừng chần chừ, hãy bảo vệ sức khỏe của mình ngay hôm nay!

Xem thêm: 

Nguồn tham khảo:

1. Peripheral Nervous System (PNS)

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/body/23123-peripheral-nervous-system-pns
  • Ngày tham khảo: 11/12/2024

2. Peripheral neuropathy

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-neuropathy/symptoms-causes/syc-20352061
  • Ngày tham khảo: 11/12/2024
Contact Me on Zalo