Căng thẳng thần kinh là tình trạng thường gặp của nhiều người. Giảm căng thẳng thần kinh giúp cải thiện hiệu suất làm việc, chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe tinh thần. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cách điều trị căng thẳng thần kinh trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Căng thẳng thần kinh (Stress) là gì?
Căng thẳng thần kinh (stress) là phản ứng của cơ thể khi xảy ra một tình huống khó khăn. Khi gặp phải tình trạng căng thẳng, cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách tiết ra một số hormone. Các hormone này đóng vai trò là các tín hiệu dẫn truyền, kích hoạt các cơ chế để đối mặt với các thử thách trong cuộc sống. Trong các phản ứng căng thẳng thần kinh, cơ thể sẽ tự động tăng tần số tim, huyết áp và nhịp tim.
Căng thẳng thần kinh nguy hiểm ra sao?
Căng thẳng xảy ra trong thời gian dài, ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, bao gồm:
- Vấn đề sức khỏe tâm lý: Trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách,…
- Bệnh lý tim mạch: Rối loạn chức năng cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,…
- Béo phì và các rối loạn ăn uống như cuồng ăn, cuồng uống.
- Rối loạn kinh nguyệt: Rong kinh, cường kinh, kinh nguyệt không đều,…
- Rối loạn chức năng sinh lý: Liệt dương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục.
- Các vấn đề về da, tóc: Mụn trứng cá, viêm da tiết bã, vẩy nến, chàm, rụng tóc.
- Các vấn đề về tiêu hóa: GERD (trào ngược dạ dày – thực quản), viêm dạ dày, viêm loét đại tràng và hội chứng ruột kích thích.
Cách giảm căng thẳng thần kinh hiệu quả
Tăng cường hoạt động thể chất
Các hoạt động thể chất có thể giúp giải tỏa căng thẳng một cách hiệu quả. Bạn không cần một chế độ tập luyện quá hà khắc hay mục tiêu vóc dáng quá cân đối, việc vận động tập thể dục mỗi ngày dù ở mức vừa phải cũng đã mang lại nhiều hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng.
Trong quá trình hoạt động thể chất, cơ thể sẽ tiết ra các endorphine tạo cảm giác thoải mái, đầu óc sẽ tập trung vào các chuyển động của cơ thể. Tập thể dục có thể xua tan mệt mỏi trong ngày, dù với hình thức nào, bài tập nào. Dù là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập thể hình đều có thể làm giảm căng thẳng. V
itamin B có thể hỗ trợ trong việc quản lý giảm stress bằng cách duy trì sức khỏe của các sợi thần kinh, từ đó làm giảm tỉ lệ mắc và đẩy lùi stress. Đảm bảo cơ thể luôn đầy đủ vitamin B cần thiết với Sản phẩm bổ sung Vitamin B để giảm tỉ lệ mắc stress.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem cực đoan sẽ cải thiện thiện dinh dưỡng cho bản thân. Từ đó tạo cảm giác thoải mái, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống.
Ngủ đủ giấc
Xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ, không thức khuya, không sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều trước khi ngủ sẽ giúp bạn có chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Từ đó, tình trạng căng thẳng thần kinh có thể cải thiện một cách lành mạnh.
Hạn chế tối đa các thói quen không lành mạnh
Một trong những giải pháp thường được chọn khi gặp phải tình trạng căng thẳng đó là thói quen sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, caffein, đồ ngọt,… Nhưng chính thói quen này có thể gây hại đến sức khỏe của bạn một cách trực tiếp và làm nặng thêm tình trạng căng thẳng.
Người gặp phải tình trạng stress nên tập trung xây dựng lối sống lành mạnh: ăn uống đủ chất, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi ngủ đúng giờ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế các thói quen xấu như thức khuya, sử dụng điện thoại nhiều trước khi ngủ, tránh ăn quá nhiều vào ban đêm.
Ngồi thiền, tập yoga
Ngồi thiền có thể làm lắng đọng dòng chảy suy nghĩ của bạn, giúp tập trung sự chú ý vào vô định, tạm thời quên đi căng thẳng. Ngồi thiền đem lại cảm giác bình tĩnh, thanh thản, lấy lại trạng thái cân bằng, từ đó giúp ích cho sức khỏe và cảm xúc tinh thần của bạn.
Tập luyện yoga giúp bạn lắng nghe cơ thể của mình nhiều hơn, tập trung vào các chuyển động của cơ thể. Việc tập yoga đối với người đang gặp phải tình trạng căng thẳng tâm lý được ví như liều thuốc bổ sau một ngày dài mệt mỏi.
Cười nhiều hơn
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, đây là bài học mà ông cha ta đã để lại cho đời sau. Nụ cười giúp xua tan đi những âu lo, muộn phiền, căng thẳng, lấy lại sự tự tin cho bản thân, là động lực để chúng ta không ngừng phấn đấu.
Khi cười cơ thể sẽ tiết hormone hạnh phúc, có thể xoa dịu những lo lắng, muộn phiền trong lòng. Từ đó sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh hiệu quả.
Kết nối với mọi người xung quanh
Khi gặp căng thẳng và áp lực nặng nề, đừng quên những người thân xung quanh sẽ lắng nghe câu chuyện của bạn, đồng cảm và thậm chí đưa ra những lời khuyên bổ ích. Do đó, hãy tạo kết nối với những người xung quanh.
Giao tiếp xã hội là một trong những cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả, giúp chúng ta quên đi những lo lắng, căng thẳng hiện hữu. Do đó, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi có vấn đề trong cuộc sống.
Tập thói quen viết nhật ký
Giải tỏa những cảm xúc của bản thân qua những trang giấy là một trong những cách giảm căng thẳng, muộn phiền hữu ích. Bất cứ niềm vui, nỗi niềm nào bạn đều có thể ghi lại, cứ để cảm xúc của bản thân tuôn theo những dòng chữ. Viết ra suy nghĩ và cảm xúc của bạn có thể là cách giải tỏa tốt cho những cảm xúc bị dồn nén.
Đừng nghĩ về việc sẽ viết gì — hãy để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên nhất. Viết bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu bạn. Hãy để suy nghĩ của bạn tuôn chảy trên giấy hoặc trên màn hình máy tính. Khi đã hoàn thành nhật ký, bạn có thể buông bỏ những gì mình đã trải qua hoặc lưu lại để suy nghĩ về sau.
Nghe và chơi nhạc
Nghe nhạc hoặc chơi nhạc là cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Các phương tiện giải trí có thể giúp bạn xao nhãng căng thẳng tinh thần, giảm căng thẳng cơ bắp và giảm hormone gây căng thẳng. Tăng âm lượng và để tâm trí của bạn trôi theo những điệu nhạc, mọi buồn phiền sẽ trôi đi.
Tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý
Khi tình trạng căng thẳng kéo dài vượt tầm kiểm soát của bạn, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng công việc và cuộc sống, bạn có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tháo dỡ các áp sức ép tâm lý bạn đang gánh chịu, từ đó giúp giải tỏa căng thẳng.
Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ được kê một số thuốc hỗ trợ nếu tình trạng căng thẳng kéo dài, ngày càng nặng hơn.
Xem thêm:
- Thiếu máu não nên ăn gì? 15 thực phẩm chuyên gia khuyên dùng
- Tâm thần phân liệt – Top 5 triệu chứng đáng nghi
- Bệnh tâm thần – 8 điều cần biết về căn bệnh này có thể bạn chưa biết!
- Trí nhớ kém – 7 cách khắc phục hiệu quả có thể bạn bất ngờ
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề giải tỏa căng thẳng thần kinh. Tình trạng stress sẽ thuyên giảm khi bạn xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện thân thể và sắp xếp thời gian công việc, học tập một cách hợp lý. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Stress Symptoms – WebMD
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/balance/stress-management/stress-symptoms-effects_of-stress-on-the-body
- Ngày tham khảo: 20/09/2024
2. Stress relievers: Tips to tame stress – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/stress-relievers/art-20047257
- Ngày tham khảo: 19/09/2024