Mất ngủ ngủ không sâu giấc là biểu hiện thường gặp trong các bệnh lý thần kinh hoặc khi người bệnh có tình trạng lo âu, căng thẳng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu triệu chứng mất ngủ ngủ không sâu giấc và cách cải thiện tình trạng mất ngủ giấc ngủ không sâu trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Triệu chứng mất ngủ, ngủ không sâu giấc
Mất ngủ là tình trạng khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ kéo dài. Người bệnh mất ngủ có thể tỉnh dậy vào lúc nửa đêm hoặc vào buổi sáng sớm và khó ngủ trở lại. Đặc biệt người bệnh có thể gặp tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất tập trung vào ngày hôm sau. Ngủ không sâu giấc nghĩa là người bệnh có thể ngủ nhưng không đạt được các giai đoạn ngủ sâu, không thể chìm hoàn toàn vào trong giấc ngủ. Sau khi thức dậy người bệnh không thấy cảm giác vừa được nghỉ ngơi, trong đêm thức giấc nhiều lần, mệt mỏi vào buổi sáng hôm sau.
Mất ngủ, ngủ không sâu giấc có thể là biểu hiện của bệnh lý gì?
Bệnh mất ngủ
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc thường gặp nhất là bệnh mất ngủ. Tình trạng giấc ngủ không đạt chất lượng hiệu quả có thể kéo dài vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng, trở thành bệnh mất ngủ mạn tính. Các triệu chứng của mất ngủ bao gồm khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ, tỉnh dậy với cảm giác chới với, uể oải, giấc ngủ kém chất lượng, không thể duy trì thời gian giấc ngủ như mong muốn.
Các triệu chứng mất ngủ mạn tính có thể gặp là tình trạng khó ngủ ngày càng nghiêm trọng, thay đổi tâm trạng, tính tình, ảnh hưởng đến trí nhớ và độ tập trung, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất làm việc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mất ngủ mạn tính là một vấn đề giấc ngủ phổ biến trong cộng đồng và thường bị bỏ sót, dẫn đến điều trị không đầy đủ.
Stress, căng thẳng
Lo lắng về học tập, công việc, tiền bạc, sức khỏe hoặc vấn đề gia đình có thể làm cho tâm trí bạn căng thẳng, tâm lý lo âu kéo dài về đêm khiến cho việc đi vào giấc ngủ gặp nhiều khó khăn. Những sự kiện đau thương mất mát hoặc căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, bệnh tật, ly hôn, thất nghiệp có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh lý tâm thần có thể làm gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Không buồn ngủ vào ban đêm hoặc mất cảm giác an toàn vào ban đêm, tỉnh dậy quá sớm vào buổi sáng là một trong những biểu hiện của trầm cảm. Hàng loạt suy nghĩ xuất hiện trong đầu, trong đó có cả ý định làm tổn thương bản thân cũng có thể xuất hiện khiến người bệnh trầm cảm khó chìm vào giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
Chứng rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có thể gây mất ngủ ngủ không sâu giấc do các triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, không thoải mái khi thay đổi tư thế, khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, cảm giác lo âu về tình trạng sức khỏe cũng khiến người bệnh cảm thấy căng thẳng, khó để đi vào giấc ngủ sâu. Những cơn đau đầu, khó chịu do rối loạn tiền đình cũng có làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cho người bệnh tỉnh dậy nhiều lần.
Khi giấc ngủ kém chất lượng thì các triệu chứng rối loạn tiền đình càng trở nên nghiêm trọng hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến người bệnh mất ngủ nghiêm trọng hơn. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần điều trị nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngoài ra người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp thư giãn tại nhà, tránh tạo áp lực căng thẳng cho bản thân.
Thiểu năng tuần hoàn não
Giảm tuần hoàn máu não có thể gây ra tình trạng mất ngủ và ngủ không sâu giấc do việc não bị giảm tưới máu, giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để não bộ hoạt động trơn tru, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và khó chịu.
Người bệnh bị giảm tuần hoàn máu não có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu và giảm độ tập trung, điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thư giãn của cơ thể mà còn làm gia tăng lo âu, căng thẳng, khiến việc đi vào giấc ngủ của người bệnh trở nên khó khăn. Khi người bệnh nằm ngủ có thể gặp tình trạng không thoải mái hoặc tê bì, khiến người bệnh tỉnh dậy nhiều lần trong đêm.
Ngoài ra, thiếu ngủ kéo dài do thiểu năng tuần hoàn máu não có thể khiến người bệnh mệt mỏi vào ngày hôm sau, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc của người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, điều trị nguyên nhân, cải thiện tưới máu não, khắc phục tình trạng thiểu năng tuần hoàn máu não đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng là điều rất cần thiết.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ do đường hô hấp bị ảnh hưởng, thường gặp ở bệnh nhân béo phì hay có bệnh phổi hạn chế. Một người bị ngưng thở khi ngủ được định nghĩa là có tình trạng ngừng thở trong khi ngủ, được chẩn đoán khi oxy máu giảm lúc ngủ hoặc bằng chứng đo điện não đồ khi ngủ, dẫn đến việc hít thở nhanh hơn bình thường. S
ự ngừng và khởi động lại quá trình hô hấp này làm có thể làm gián đoạn giấc ngủ sâu. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là các rối loạn về tim mạch và đột quỵ.
Bệnh ngủ rũ
Chứng ngủ rũ là một rối loạn thần kinh gây ra bởi sự bất thường các tín hiệu hóa học của não và rối loạn trong khả năng kiểm soát sự tỉnh táo cũng như cơn buồn ngủ. Người mắc chứng ngủ rũ trải qua nhiều triệu chứng, bao gồm giấc ngủ không yên vào ban đêm với nhiều lần thức dậy.
Bệnh cường giáp
Cường giáp có thể gây mất ngủ và ngủ không sâu giấc vì benehju làm tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, gây ra tình trạng lo lắng và hồi hộp, tim đập nhanh. Từ đó người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thư giãn và đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, hormon tuyến giáp dư thừa sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương gây cảm giác bồn chồn, khó chịu.
Người bệnh có thể cảm thấy năng động hơn bình thường nhưng đồng thời cũng gây ra sự thiếu ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng, làm cho việc ngủ càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, cường giáp có thể gây ra nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp, đặc biệt là tình trạng rung nhĩ, khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái khi ngủ. Cuối cùng, các triệu chứng thể chất khác như vã mồ hôi, run tay và cảm giác nóng bức trong người có thể làm cho giấc ngủ không sâu và dễ bị thức dậy nửa đêm. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên khám bác sĩ Nội tiết để ổn định nồng độ hormon giáp trong cơ thể. Khi tình trạng tuyến giáp ổn định, các triệu chứng thuyên giảm người bệnh có thể ngủ ngon hơn.
Rối loạn cơ xương khớp
Rối loạn cơ xương khớp có thể gây mất ngủ ngủ không sâu giấc do các cơn đau mạn tính từ các bệnh như viêm khớp, thoái hóa khớp. Các cơn đau do bệnh lý cơ xương khớp khiến người bệnh khó chịu, làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến người bệnh thường xuyên thức dậy giữa đêm. Cảm giác đau đớn các khớp và khó chịu khi nằm ngủ có thể làm giảm khả năng thư giãn, gây căng thẳng, gia tăng stress do đau dẫn đến việc khó chìm vào giấc ngủ sâu và không đạt được các giai đoạn ngủ sâu cần thiết.
Ngoài ra, các triệu chứng như co rút cơ, tê bì tay chân hoặc hạn chế vận động cũng góp phần làm cho giấc ngủ trở nên không thoải mái và không sâu. Để cải thiện tình trạng này, việc điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, tập vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp có thể giúp người bệnh đi ngủ dễ hơn.
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây mất ngủ và ngủ không sâu giấc do triệu chứng ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát, đau hoặc khó chịu ở vùng ngực và cổ họng. Những triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm, đặc biệt nếu người bệnh đi nằm ngay sau khi ăn no có thể khiến người bệnh khó chịu và tỉnh dậy thường xuyên vào giữa đêm.
Để cải thiện tình trạng này, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh ăn các đồ ăn cay, nóng, đồ ăn chua, nhiều gia vị, ăn uống đúng cữ, tránh ăn tối ăn khuya. Đồng thời, sau khi ăn không nên đi nằm ngay để giúp giảm triệu chứng trào ngược và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cần làm gì để cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc?
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Xây dựng giờ giấc đi ngủ và thức dậy hợp lý, giống nhau mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
- Thường xuyên tham gia hoạt động thường thể chất, thể dục thể thao, nâng cao đề kháng và sức khỏe.
- Ngủ trưa giấc ngắn hoặc không ngủ trưa.
- Không sử dụng các chất kích thích như caffeine, rượu và nicotine.
- Không ăn uống quá thịnh soạn hoặc uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ.
- Xây dựng phòng ngủ thoải mái, trang trí theo sở thích của bản thân để tạo không gian ấm cúng, dễ chịu, hỗ trợ người bệnh đi vào giấc ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, có thể sử dụng sản phẩm bổ sung vitamin để hỗ trợ cải thiện tình trạng này. Đặc biệt là vitamin B có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mất ngủ liên quan đến thiếu hụt vitamin B như rối loạn tâm trạng, căng thẳng, mệt mỏi, khó tập trung. Sản phẩm bổ sung Vitamin B cung cấp vitamin nhóm B giúp hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi cho người bị mất ngủ.
Xem thêm:
- Đau đỉnh đầu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý
- Thiếu máu não nên ăn gì? 15 thực phẩm chuyên gia khuyên dùng
- Trí nhớ kém – 7 cách khắc phục hiệu quả có thể bạn bất ngờ
Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề mất ngủ ngủ không sâu giấc. Tìm nguyên nhân mất ngủ, điều trị nguyên nhân, xây dựng lối sống lành mạnh và thói quen đi ngủ khoa học là cách điều trị mất ngủ, ngủ không sâu giấc hiệu quả nhất. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Insomnia – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/symptoms-causes/syc-20355167
- Ngày tham khảo: 05/10/2024
2. What Is Restless Sleep? – VeryWellHealth
- Link tham khảo: https://www.verywellhealth.com/restless-sleep-symptoms-causes-and-treatment-5649715
- Ngày tham khảo: 05/10/2024