Mất ngủ ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục

Mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý hoặc do lão hóa chức năng thần kinh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Bệnh mất ngủ ở người già có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chế độ nghỉ ngơi của người bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân mất ngủ ở người già là gì và cách chữa chứng mất ngủ ở người già trong bài viết dưới đây nhé!

Người cao tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Nhu cầu giấc ngủ của người cao tuổi thường ít hơn so với người trẻ nhưng việc đảm bảo giấc ngủ ngon vẫn rất quan trọng đối sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người lớn tuổi thường cần từ 7 đến 9 giờ ngủ mỗi đêm, giảm dần theo tuổi, nhiều người lớn tuổi chỉ ngủ khoảng 6 đến 7 giờ mỗi ngày. Ngủ không đủ giấc, không đảm bảo chất lượng do mất ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả suy giảm trí nhớ và chất lượng cuộc sống.

Người lớn tuổi có thể ngủ khoảng 7 tiếng mỗi đêm là đủ.
Người lớn tuổi có thể ngủ khoảng 7 tiếng mỗi đêm là đủ.

Triệu chứng mất ngủ ở người già

Một số triệu chứng mất ngủ điển hình ở người cao tuổi như:

  • Khó khăn khi ngủ: Người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ.
  • Thức giấc giữa đêm: Thức dậy nhiều lần trong đêm, có thể do đi tiểu hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Thức dậy quá sớm: Người lớn tuổi có thể gặp phải tình trạng thức dậy quá sớm và không thể trở lại giấc ngủ tiếp.
  • Ngủ không sâu: Thời gian giấc ngủ không được sâu, dễ bị đánh thức.
  • Mệt mỏi ban ngày: Cảm giác mệt mỏi, ngủ chưa thẳng giấc, buồn ngủ hoặc uể oải vào ngày hôm sau.
  • Thay đổi tâm trạng: Tâm trạng người cao tuổi mắc bệnh mất ngủ có thể bị ảnh hưởng, ví dụ như cảm giác lo âu hoặc căng thẳng thần kinh.
Thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc thức dậy quá sớm đều có thể gặp trong tình trạng mất ngủ ở người già.
Thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc thức dậy quá sớm đều có thể gặp trong tình trạng mất ngủ ở người già.

Nguyên nhân gây mất ngủ ở người già

Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát

Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát ở người cao tuổi là tình trạng mất ngủ không gây ra bởi các nguyên nhân bệnh lý hay do thuốc, thường không rõ ràng. Thông thường các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ mạn tính hoặc sự lão hóa các cấu trúc của hệ thần kinh có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ thứ phát (bệnh lý)

Các bệnh lý có thể gây ra tình trạng mất ngủ thường gặp là bệnh tim như suy tim, đau thắt ngực,… bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, viêm khớp, thoái hóa khớp,… Bất cứ bệnh lý nào cũng có thể ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi của người bệnh, từ đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, các rối loạn về mặt tâm lý như lo âu, trầm cảm, căng thẳng thần kinh cũng có thể làm người cao tuổi mất ngủ, ngủ không ngon giấc.

Thuốc

Một số thuốc có tác dụng phụ làm ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Ví dụ như thuốc lợi tiểu điều trị bệnh lý tim mạch có thể làm người bệnh đi tiểu nhiều lần, thức giấc giữa đêm, thuốc dị ứng có thể làm thay đổi thời gian giấc ngủ của người bệnh, thuốc điều trị bệnh lý tâm thần cũng làm ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

Nguyên nhân khác

Thói quen đi ngủ không đúng chu kỳ, lối sống không lành mạnh như ăn uống không điều độ, không thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất,… về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người già. Sử dụng các chất kích thích cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như rượu, bia, ma túy, thuốc lá,… Ngoài ra, môi trường ngủ không đảm bảo như nhiều tiếng ồn, ánh sáng chói, nhiệt độ phòng ngủ không phù hợp cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ ở người già.

Mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Hậu quả của mất ngủ đối với sức khỏe người già

  • Giảm chức năng nhận thức: Mất ngủ kéo dài có thể làm suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung và xử lý thông tin ở người lớn tuổi.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Tình trạng mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và cảm giác căng thẳng thần kinh.
  • Mệt mỏi: Mất ngủ trong một đêm cũng có thể gây mệt mỏi và thiếu năng lượng trong suốt cả ngày hôm sau.
  • Nguy cơ té ngã: Mất ngủ làm mất khả năng tập trung, gây cảm giác uể oải, từ đó làm tăng nguy cơ té ngã do mất thăng bằng. Đây được xem là vấn đề rất nguy hiểm ở người cao tuổi.
  • Sức khỏe tổng trạng giảm sút: Giấc ngủ ở người cao tuổi có vai trò rất quan trọng, vì thế tình trạng mất ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh hiện tại, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Mất ngủ ở người già có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Mất ngủ ở người già có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của người bệnh.

Cách chẩn đoán bệnh mất ngủ ở người cao tuổi

Cách chẩn đoán mất ngủ ở người già có thể dựa vào các phương pháp sau:

  • Thăm khám bác sĩ: Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát và tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Sử dụng bảng câu hỏi: Sử dụng các câu hỏi để thu thập thông tin về thói quen ngủ, thời gian ngủ, triệu chứng và tác động của tình trạng mất ngủ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Từ đó đánh giá được mức độ mất ngủ và sử dụng biện pháp can thiệp phù hợp.
  • Theo dõi giấc ngủ: Theo dõi và ghi lại nhật ký giấc ngủ để theo dõi chất lượng giấc ngủ, thời gian đi ngủ và thức dậy, từ đó có thể đánh giá đáp ứng của biện pháp điều trị.
  • Đo điện não đồ (EEG): Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần thực hiện nghiên cứu giấc ngủ để đánh giá hoạt động não trong khi ngủ.
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán mất ngủ ở người cao tuổi như hỏi bệnh, theo dõi nhật ký giấc ngủ,...
Có nhiều phương pháp để chẩn đoán mất ngủ ở người cao tuổi như hỏi bệnh, theo dõi nhật ký giấc ngủ,..

Điều trị mất ngủ ở người già

Điều trị mất ngủ ở người già bằng thuốc điều trị

Trong một số trường hợp mất ngủ mới khởi phát, sau khi đã loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc ngủ cho người bệnh nếu không có các chống chỉ định. Người bệnh có thể gặp các loại thuốc ngủ được kê đơn như Zopistad, Seduxen,… Thông thường thuốc ngủ chỉ được dùng ở liều thấp, trong thời gian ngắn và phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách hỗ trợ trị mất ngủ cho người già tại nhà

Trong thời gian điều trị mất ngủ tại nhà, người bệnh cần xây dựng thói quen đi ngủ lành mạnh, hạn chế thức quá khuya, tuân thủ dặn dò điều trị của bác sĩ. Người bệnh nên ăn uống đầy đủ, tuân thủ điều trị các bệnh lý khác đi kèm nếu có. Người cao tuổi có thể vận động nhẹ nhàng tại nhà, tập luyện các bài tập phù hợp độ tuổi như đi bộ, ngồi thiền,… thả lỏng cơ thể, giảm thiểu tối đa lo âu, căng thẳng để có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Thuốc ngủ có thể được kê trong một số trường hợp cần thiết và không có chống chỉ định.
Thuốc ngủ có thể được kê trong một số trường hợp cần thiết và không có chống chỉ định.

Cách phòng ngừa mất ngủ ở người cao tuổi

Cách phòng ngừa mất ngủ ở người cao tuổi bao gồm các biện pháp sau:

  • Thiết lập thói quen ngủ đúng giờ, đúng giấc: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, duy trì giấc ngủ khoảng 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, có thể điều chỉnh để phù hợp với tình trạng của mỗi người.
  • Tạo môi trường ngủ thoải mái: Đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn tối đa từ môi trường xung quanh, phòng ngủ đủ tối và có nhiệt độ phù hợp.
  • Hạn chế sử dụng caffeine và rượu: Tránh sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là vào buổi chiều và tối, vì chúng có thể làm rối loạn giấc ngủ, đồng thời làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý khác trong cơ thể như bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan,…
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất nhẹ nhàng thường xuyên có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng không nên tập luyện quá gần giờ đi ngủ.
  • Thực hiện các biện pháp thư giãn: Ngồi thiền, tập hít thở sâu hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trước khi đi ngủ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người cao tuổi.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh ăn quá no trước khi đi ngủ sẽ giúp hạn chế tình trạng mất ngủ.
Rèn luyện thể chất có thể duy trì tình trạng giấc ngủ ngon ở người cao tuổi.
Rèn luyện thể chất có thể duy trì tình trạng giấc ngủ ngon ở người cao tuổi.

Bên cạnh việc xây dựng lối sống lành mạnh, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện giấc ngủ, đặc biệt là vitamin nhóm B. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu hụt vitamin B có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, mệt mỏi và khó tập trung.

Sản phẩm bổ sung Vitamin B là một giải pháp hiệu quả giúp bổ sung vitamin nhóm B, hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng. Sản phẩm chứa vitamin B1, B2, B6, B12 với hàm lượng đủ, giúp giảm căng thẳng thần kinh, hỗ trợ sản xuất melatonin – hormone điều hòa giấc ngủ, đồng thời điều hòa chu kỳ ngủ-thức, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp những thông tin về vấn đề mất ngủ ở người già. Mất ngủ ở người cao tuổi có thể do nguyên nhân bệnh lý hoặc do sự lão hóa của cơ thể. Việc thay đổi thói quen đi ngủ, xây dựng lối sống lành mạnh có vai trò rất lớn trong việc điều trị. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!

Nguồn tham khảo:

1. What to know about insomnia in the elderly – Medical News

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/insomnia-in-the-elderly
  • Ngày tham khảo: 05/10/2024

2. Insomnia and Older Adults – Sleep Foundation

  • Link tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/insomnia/older-adults
  • Ngày tham khảo: 05/10/2024
Contact Me on Zalo