Amitriptylin là thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) nổi bật với chỉ định điều trị mất ngủ trong nhiều khuyến cáo. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu về thuốc Amitriptylin chữa mất ngủ và cách sử dụng thuốc này đối với chỉ định trên nhé.
Tóm tắt nội dung
- 1 Mất ngủ là gì? Triệu chứng bệnh mất ngủ
- 2 Amitriptylin là thuốc gì?
- 3 Khi nào nên sử dụng thuốc Amitriptylin điều trị mất ngủ?
- 4 Cách sử dụng thuốc Amitriptylin trong điều trị mất ngủ
- 5 Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Amitriptylin
- 6 Tác dụng phụ của thuốc Amitriptylin
- 7 Một số phương pháp trị mất ngủ không dùng thuốc khác
Mất ngủ là gì? Triệu chứng bệnh mất ngủ
Mất ngủ là một dạng rối loạn khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc giữa đêm hoặc thức dậy sớm hơn mong muốn và không thể ngủ lại được. Tình trạng mất ngủ gây mệt mỏi khi thức dậy, cảm giác cạn kiệt năng lượng và ảnh hưởng lớn đến tâm trạng, sức khoẻ, hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Thông thường, người trưởng thành cần ngủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Bạn có thể bị mất ngủ ngắn hạn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần do căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý nào đó. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trên 3 tháng, khả năng cao bạn đã bị mất ngủ mạn tính và cần được điều trị để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Các triệu chứng của bệnh mất ngủ bao gồm:
- Khó ngủ vào ban đêm.
- Thức giấc lúc nửa đêm.
- Thức dậy sớm hơn dự định.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ban ngày.
- Thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh, chán nản hoặc lo lắng.
- Gặp khó khăn trong việc tập trung, chú ý, giảm khả năng ghi nhớ.
- Thường xuyên mắc lỗi hoặc gặp tai nạn trong lúc lái xe hoặc khi thực hiện các hoạt động thường nhật.
- Thường xuyên lo lắng về vấn đề giấc ngủ của bản thân.
Amitriptylin là thuốc gì?
Amitriptylin là thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) được dùng để điều trị các triệu chứng trầm cảm (đã được FDA chấp thuận) và là chỉ định “off-label” cho các trường hợp mất ngủ, phòng ngừa chứng đau nửa đầu, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ăn uống, rối loạn lưỡng cực và giảm đau.
Amitriptylin được FDA chấp thuận vào năm 1961. Amitriptylin giúp tăng cường các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine có chức năng truyền thông tin giữa các tế bào não, đồng thời, hỗ trợ điều chỉnh tâm trạng người bệnh.
Hiện tại, amitriptylin được phối hợp với chlordiazepoxide để điều trị cho bệnh nhân trầm cảm có lo âu mức độ trung bình đến nặng. Ngoài ra, amitriptylin kết hợp với perphenazin đã được FDA chấp thuận cho các trường hợp lo âu và/hoặc kích động nghiêm trọng.
Khi nào nên sử dụng thuốc Amitriptylin điều trị mất ngủ?
Amitriptylin có chỉ định chính là an thần, giảm âu lo cho bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc có thể dùng để kiểm soát tình trạng mất ngủ.
Trên lâm sàng, các bác sĩ thường kê đơn amitriptylin cho bệnh nhân đau xơ cơ bị mất ngủ. Các nghiên cứu cho thấy, amitriptylin có hiệu quả kiểm soát giấc ngủ tốt hơn so với thuốc duloxetin hoặc milnacipran (nhóm SSRI). Đối với bệnh nhân bị đau kèm rối loạn giấc ngủ, amitriptylin có thể điều trị cả hai triệu chứng trên.
Người bị mất ngủ nên bình tĩnh xem xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước tiên, bệnh nhân cần ưu tiên các biện pháp thay đổi lối sống để cải thiện giấc ngủ. Nếu tình trạng mất ngủ vẫn tiếp diễn, lúc này, người bệnh mất ngủ mới cần điều trị bằng thuốc.
Hiện nay, amitriptylin là thuốc thường được các bác sĩ kê đơn để điều trị chứng mất ngủ do ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc trị mất ngủ truyền thống như benzodiazepin/ non-benzodiazepin, đặc biệt trên những bệnh nhân có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện.
Thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai và đang cho con bú do amitriptylin có thể đi qua nhau thai và sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Cách sử dụng thuốc Amitriptylin trong điều trị mất ngủ
Amitriptylin được sử dụng bằng đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc uống từ 1 – 4 lần mỗi ngày. Trường hợp bệnh nhân uống 1 lần/ngày, nên uống trước khi đi ngủ 1 tiếng để tránh buồn ngủ vào ban ngày.
Liều lượng dùng amitriptylin tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và đáp ứng của bệnh nhân với thuốc. Thông thường, amitriptylin khởi đầu với liều 25 mg, dùng vào buổi tối. Thuốc có thể kết hợp với 10 mg Sulpirid (uống 2 lần sáng/chiều) để giảm bớt tình trạng mệt mỏi, thiếu tỉnh táo của bệnh nhân vào ngày hôm sau.
Bệnh nhân nên tăng liều từ từ để hạn chế các tác dụng phụ của amitriptylin như buồn ngủ, khô miệng, chóng mặt. Thuốc có thể phát huy tác dụng chỉ sau vài giờ.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, không được ngưng thuốc đột ngột hoặc tăng liều mà không có ý kiến của chuyên gia. Trong quá trình dùng thuốc, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xem xét và điều chỉnh phác đồ phù hợp.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Amitriptylin
Khi sử dụng amitriptylin để điều trị mất ngủ, bạn cần chú ý những điều sau:
- Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu thuốc khiến bạn buồn ngủ, hãy thông báo cho bác sĩ và đề xuất dùng thuốc vào buổi chiều hoặc tối để giảm tình trạng mệt mỏi, uể oải vào ngày hôm sau.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, trao đổi ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc trong quá trình dùng thuốc.
- Không dừng thuốc đột ngột do nguy cơ xuất hiện triệu chứng cai thuốc. Để tránh tình trạng này, bệnh nhân nên giảm liều từ từ trong nhiều tuần.
- Thông báo cho bác sĩ nếu tình trạng mất ngủ của bạn trở nên trầm trọng hơn, có ý định tự tử hoặc hội chứng serotonin – đặc biệt trong vài tháng đầu điều trị. Đồng thời, cần báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện tác dụng phụ bất thường khi sử dụng thuốc.
- Amitriptylin có thể làm tăng nguy cơ bị cháy nắng. Do đó, bệnh nhân cần thoa kem chống nắng và che chắn cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Không dùng thuốc khác trong quá trình điều trị với amitriptylin. Nếu cần thiết, hãy thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra tương tác thuốc với amitriptylin trước khi sử dụng.
- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, có ý định mang thai hoặc đang cho con bú trước khi sử dụng amitriptylin.
Tác dụng phụ của thuốc Amitriptylin
Amitriptylin có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, trước khi dùng thuốc, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đã từng dị ứng với amitriptylin hoặc các thuốc khác và/hoặc từng có ý định tự tử. Các bệnh lý cần cân nhắc trước khởi động điều trị với amitriptylin gồm:
- Bệnh tim, gan hoặc bệnh thận.
- Bệnh tăng nhãn áp (do amitriptylin có thể làm tăng áp lực trong mắt).
- Bệnh tiểu đường (do amitriptylin có thể ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu, vì vậy bệnh nhân tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra đường huyết để kịp thời xử lý).
- Động kinh (do amitriptylin có thể làm tăng nguy cơ co giật).
- Rối loạn lưỡng cực, tăng hưng cảm hoặc tâm thần phân liệt.
- Đang mang thai, có ý định mang thai hoặc đang cho con bú.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng amitriptylin bao gồm: Khô miệng, đau đầu, tăng cân, táo bón, tiểu buốt, tiểu rắt, hạ huyết áp tư thế, buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt, run tay chân.
Các triệu chứng này có thể biến mất sau vài ngày. Thông báo cho bác sĩ nếu các tác dụng phụ trên kéo dài hoặc có xu hướng trở nên trầm trọng hơn.
Đặc biệt, nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu sau, cần liên hệ cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng:
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Đau ngực, khó thở (dự báo cơn đau tim).
- Yếu một bên cơ thể hoặc nói ngọng (dự báo cơn đột quỵ).
Một số phương pháp trị mất ngủ không dùng thuốc khác
Dưới đây là một số phương pháp trị mất ngủ không dùng thuốc mà bạn có thể áp dụng trước khi quyết định điều trị với amitriptylin:
- Thực hành thiền hoặc chánh niệm: Bao gồm thở chậm và đều trong môi trường yên lặng. Hãy cố gắng thiền ít nhất 15 phút vào buổi sáng hoặc tối. Nhiều nghiên cứu chứng minh thiền có thể giúp cải thiện đáng kể chứng mất ngủ nói chung.
- Lặp lại thông điệp tích cực: Hành động này có thể giúp bạn tập trung và ổn định tâm trí. Lặp lại các thông điệp này mỗi ngày trong đầu hoặc đọc thành tiếng để thư giãn đầu óc, từ đó dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Yoga: Bạn nên tập trung vào các bài tập chuyển động hoặc kiểm soát nhịp thở hơn là các bài tập phức tạp. Cố gắng tập yoga ít nhất 20 phút mỗi ngày để thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
- Hoạt động thể chất: Vận động giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, từ đó cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Bạn nên tập thể dục ít nhất 20 phút mỗi ngày, tập kháng lực hoặc aerobics ít nhất 2 ngày/tuần để có tác động tích cực đến giấc ngủ.
- Massage: Theo nhiều nghiên cứu, liệu pháp massage có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm đau, xoa dịu tâm trí, giảm lo lắng và trầm cảm.
- Bổ sung magie: Nghiên cứu cho thấy, bổ sung 500 mg magie mỗi ngày trong 2 tháng giúp hạn chế triệu chứng mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Bạn có thể bổ sung magie cho cơ thể qua thực phẩm chức năng hoặc chế độ ăn uống. Liều magie thông thường là 400 mg/ngày (nam giới) và 300 mg/ngày (nữ giới).
- Sử dụng tinh dầu hoa oải hương: Bạn có thể uống từ 20 – 80 mg/ngày chế phẩm dầu oải hương (Silexan) hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, kết hợp với tinh dầu hoa oải hương khuếch tán trong không khí hoặc xịt lên gối. Trà hoa oải hương cũng là một lựa chọn hiệu quả để cải thiện giấc ngủ và giảm đau.
- Melatonin: Liều dùng melatonin từ 1 – 5 mg/ngày, trước khi đi ngủ 30 phút – 2 giờ. Bạn nên khởi đầu với liều thấp nhất và tăng dần liều theo đáp ứng cơ thể. Quá liều melatonin có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như thức giấc giữa đêm, trầm cảm, chóng mặt, đau đầu,… Thuốc an toàn nếu sử dụng trong thời gian ngắn.
Xem thêm:
- Top 8 cách gây buồn ngủ đơn giản, ngủ ngon hơn.
- 10 cách chữa mất ngủ không dùng thuốc đơn giản và hiệu quả.
- Mách bạn cách tìm bác sĩ giỏi chữa mất ngủ uy tín.
Amitriptylin trị mất ngủ với hiệu quả cao, tác động nhanh nên được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn để chỉ định điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần ưu tiên các biện pháp thay đổi thói quen ngủ, điều chỉnh lối sống trước khi quyết định điều trị mất ngủ bằng thuốc. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng được đọc nhé!
Link tham khảo:
1. Insomnia.
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/symptoms-causes/syc-20355167.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
2. Amitriptyline.
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/amitriptyline.html.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
3. Amitriptyline for sleep: a common off-label use.
- Link tham khảo: https://ro.co/health-guide/amitriptyline-for-sleep/.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
4. Amitriptyline HCL – Uses, Side Effects, and More.
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/drugs/2/drug-8611/amitriptyline-oral/details.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
5. What You Need to Know Before Taking Amitriptyline for Sleep.
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/sleep/amitriptyline-for-sleep#side-effects.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.
6. Home Remedies for Insomnia.
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/healthy-sleep/insomnia-home-remedies.
- Ngày tham khảo: 21/09/2024.