Tê bì chân tay do thiếu chất gì? Cách khắc phục hiệu quả

TS BS Lý Đại Lương
Tư vấn bệnh lý Thần Kinh
TS BS Lý Đại Lương
Trung Tâm Y Khoa Vạn Hạnh


Tê bì chân tay do thiếu chất gì? Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc khi gặp phải tình trạng này. Tê bì chân tay thường do thiếu các dưỡng chất quan trọng dẫn đến hệ thần kinh và tuần hoàn máu bị ảnh hưởng, từ đó gây nên cảm giác tê bì. Hãy cùng Docosan tìm hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây!

Tê bì chân tay do thiếu chất gì?

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất là một trong các nguyên nhân gây tê bì tay chân. Khi cơ thể không đủ các chất này, chức năng thần kinh có thể bị suy yếu, gây ra cảm giác tê bì. Nguyên nhân có thể do chúng ta bổ sung thiếu chất hay chức năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể gặp vấn đề. Một số vitamin và khoáng chất khi thiếu có thể gây tê bì tay chân được kể đến như sau:

Vitamin B12

Phẫu thuật đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất
Phẫu thuật đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của hệ thần kinh và sản xuất hồng cầu. Một số nguyên nhân có thể gây thiếu vitamin B12 là:

  • Lượng hấp thụ kém: Đôi khi điều này xảy ra ở những người theo chế độ ăn thuần chay, không tiêu thụ đủ nguồn vitamin B12 từ thực phẩm có nguồn gốc động vật.
  • Thuốc: Các loại thuốc như metformin (dùng cho người tiểu đường) và thuốc ức chế bơm proton (PPI, dùng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản) có thể làm gián đoạn quá trình hấp thụ vitamin B12.
  • Phẫu thuật đường tiêu hóa: Những người đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa, đặc biệt là phẫu thuật dạ dày hoặc ruột, có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12.
  • Thiếu máu ác tính: Đây là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể tấn công các tế bào trong dạ dày, làm giảm khả năng sản xuất yếu tố nội tại (intrinsic factor), một chất cần thiết để hấp thụ vitamin B12.

Vitamin E

Khi thiếu vitamin E, hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra các triệu chứng như tê bì tay chân, yếu cơ, mất thăng bằng và khó kiểm soát chuyển động. Loại vitamin này đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ sức khỏe mạch máu.

Thiếu vitamin E có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

  • Rối loạn hấp thụ chất béo: Vitamin E là loại tan trong dầu, nên những người gặp vấn đề về hấp thụ chất béo (như bệnh xơ nang hay các rối loạn tiêu hóa khác) thường có nguy cơ thiếu hụt.
  • Yếu tố di truyền: Một số bệnh di truyền, như abetalipoproteinemia, làm giảm khả năng vận chuyển vitamin E trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu hụt
  • Tác động của thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình bổ sung hoặc chuyển hóa vitamin E trong cơ thể.
  • Cải thiện khả năng hấp thụ chất béo: Đôi khi, việc cải thiện khả năng hấp thụ chất béo của cơ thể, thông qua thay đổi chế độ ăn uống hoặc điều trị các vấn đề tiêu hóa, có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu vitamin E.

Vitamin B6

Vitamin B6 là chất dinh dưỡng quan trọng, nhưng thiếu hay thừa loại vitamin này đều có thể gây ra vấn đề sức khỏe. Một dấu hiệu thường gặp là cảm giác tê, ban đầu ở chân rồi dần lan lên tay. Khi thiếu vitamin B6, bạn có thể cảm thấy khó chịu, bức bối trong cơ thể, và ở trẻ sơ sinh, tình trạng này thậm chí có thể dẫn đến co giật.

Để tránh tình trạng thiếu vitamin B6, hãy chú ý đến các nguyên nhân có thể gây ra vấn đề này, như chế độ ăn uống không cân đối hoặc các bệnh lý ảnh hưởng đến hấp thụ chất dinh dưỡng.

  • Suy dinh dưỡng, bổ sung thiếu các dưỡng chất;
  • Những người đang chạy thận nhân tạo;
  • Sử dụng quá nhiều rượu bia;
  • Đang sử dụng một số thuốc như thuốc kháng sinh.

Vitamin B1

Lạm dụng rượu bia hay có bệnh lý đường tiêu hóa có thể làm giảm hấp thu vitamin B1 gây tê bì tay chân
Lạm dụng rượu bia hay có bệnh lý đường tiêu hóa có thể làm giảm hấp thu vitamin B1 gây tê bì tay chân

Thiếu vitamin B1 (thiamine) có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thần kinh, bao gồm tê bì tay chân, yếu cơ và các triệu chứng thần kinh khác. Nguyên nhân thiếu vitamin B1 thường gặp gồm:

  • Chế độ ăn thiếu vitamin B1: Những người ăn chế độ ăn nghèo B1, đặc biệt là những người chỉ ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm tinh chế (như gạo trắng) sẽ có nguy cơ thiếu vitamin B1 cao.
  • Lạm dụng rượu bia: Rượu có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B1 trong dạ dày, đồng thời ức chế quá trình chuyển hóa vitamin B1 trong cơ thể.
  • Bệnh lý tiêu hóa: Những người mắc bệnh lý đường tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc viêm dạ dày mạn tính có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B1.
  • Các tình trạng bệnh lý khác: Một số bệnh lý như suy tim hoặc suy dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B1 trong cơ thể.

Vitamin B7 (Biotin)

Thiếu vitamin B7 (biotin) có thể gây ra các vấn đề về da, tóc và móng, cũng như làm giảm chức năng thần kinh. Một trong những triệu chứng phổ biến là rụng tóc, viêm da và tê bì tay chân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu biotin có thể là do không nạp đủ lượng cần thiết trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, những người nghiện rượu hay thiếu hụt enzyme biotinidase hoặc cũng có thể gặp ở người mắc bệnh crohn.

Canxi

Thiếu canxi có thể gây ra tê bì tay chân, chuột rút cơ, yếu cơ và các vấn đề về xương. Canxi rất quan trọng cho sức khỏe xương và chức năng thần kinh. Một số nguyên nhân có thể gây thiếu canxi là:

  • Nồng độ vitamin D trong cơ thể thấp.
  • Một số bệnh lý về gan, thận hay tụy.
  • Rối loạn nồng độ diện giải trong cơ thể như nồng độ magie thấp hoặc nồng độ phospho cao.

Đồng

Thiếu đồng có thể gây ra các triệu chứng như tê bì tay chân, yếu cơ, mệt mỏi, và trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây rối loạn thần kinh. Một số nguyên nhân phổ biến gây tình trạng thiếu hụt đồng bao gồm:

  • Thừa kẽm: Việc bổ sung kẽm liều cao kéo dài có thể cản trở khả năng hấp thụ đồng.
  • Phẫu thuật dạ dày: Các phẫu thuật như cắt bỏ dạ dày hoặc đường tiêu hóa trên có thể làm giảm khả năng hấp thụ đồng.

Magie

Magie có vai trò quan trọng trong việc cân bằng kali và canxi, giúp duy trì hoạt động của cơ bắp và thần kinh. Khi thiếu magie, các triệu chứng như ngứa ran quanh miệng, yếu cơ, chuột rút và nhịp tim bất thường có thể xuất hiện.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt magie bao gồm lạm dụng rượu trong thời gian dài, tiêu chảy mạn tính hoặc dùng thuốc như aminoglycoside (gentamycin) và thuốc lợi tiểu (furosemide). Bổ sung magie không chỉ cải thiện nồng độ magie mà còn giúp cân bằng lại kali và canxi, làm giảm nhanh các triệu chứng kể trên.

Cách khắc phục tình trạng hay bị tê chân tay do thiếu hụt dưỡng chất

Bổ sung từ thực phẩm

Đi kèm với việc trả lời cho câu hỏi tê bì chân tay do thiếu chất gì thì các nhân viên y tế cũng sẽ cung cấp thêm thông tin về các loại thực phẩm giàu các vitamin và khoáng chất cần thiết để bổ sung thông qua bữa ăn.

Quả bơ là loại thực phẩm có thể bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất
Quả bơ là loại thực phẩm có thể bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất

Các thực phẩm giàu các dưỡng chất thiết là:

  • Vitamin B: Có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, trứng, các loại đậu, trái cây họ cam quýt và quả bơ.
  • Vitamin E: Tìm thấy trong các loại hạt như hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt thông, cũng như bơ, bơ đậu phộng, ớt chuông và cá biển.
  • Canxi: Có trong sữa và các sản phẩm từ sữa (như sữa chua, phô mai), cá, quả sung, các loại hạt, đậu nành, rau xanh đậm màu như cải thìa, súp lơ.
  • Đồng: Nguồn thực phẩm phong phú bao gồm gan động vật, tảo xoắn, rau xanh, nấm hương, các loại hạt và đậu, hải sản (như hàu, tôm), và cả chocolate đen.
  • Magie: Có nhiều trong chocolate đen, bơ, các loại hạt và đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, chuối, và rau xanh.

Một chế độ ăn cân đối với các thực phẩm giàu dưỡng chất không chỉ giúp giảm tê bì tay chân mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể.

Sử dụng sản phẩm hỗ trợ

Ngoài việc hấp thụ vitamin và khoáng chất từ thực phẩm, bạn có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ để cung cấp dưỡng chất một cách đầy đủ và chính xác hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên lạm dụng. Việc sử dụng quá liều có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều lượng phù hợp với cơ thể bạn.

Nếu muốn bổ sung vitamin nhóm B, bạn có thể lựa chọn viên uống bổ sung Vitamin B. Sản phẩm này cung cấp đầy đủ các vitamin nhóm B như B1, B2, B6, B12, Biotin, axit folic, cùng với canxi, choline, và inositol. Những thành phần này hỗ trợ chức năng thần kinh và giúp giảm các triệu chứng tê bì tay chân, ngứa ran một cách hiệu quả.

Mua sản phẩm chính hãng tại:

Lưu ý dành cho người hay bị tê tay chân

Thiết kế thực đơn hằng ngày và kiểm soát cân nặng là 2 trong nhiều biện pháp hỗ trợ làm giảm tê bì tay chân
Thiết kế thực đơn hằng ngày và kiểm soát cân nặng là 2 trong nhiều biện pháp hỗ trợ làm giảm tê bì tay chân

Ngoài nguyên nhân thiếu các vitamin và khoáng chất thì tê bì tay chân còn có thể xảy ra ở một số bệnh lý như tiểu đường và bệnh thần kinh ngoại biên. Do đó, việc thay đổi lối sinh hoạt hàng ngày theo hướng tích cực có thể bảo vệ được dây thần kinh của bạn.

Một số cách phương pháp bạn có thể áp dụng như:

  • Kiểm soát cân nặng.
  • Thiết kế thực đơn ăn uống hằng ngày.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và thuốc là.
  • Tích cực tập thể dục thể thao.

Câu hỏi thường gặp

Tôi nên làm gì nếu tê bì kéo dài hơn một tuần?

Tê bì kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm hoặc rối loạn thần kinh. Hãy đi khám bác sĩ để được kiểm tra.

Có thực phẩm nào nên tránh nếu bị tê bì?

Hạn chế rượu bia vì chúng có thể gây tổn thương dây thần kinh và làm triệu chứng tê bì nghiêm trọng hơn.

Tôi có nên tự bổ sung vitamin không?

Không nên tự ý bổ sung vì việc dùng quá liều có thể gây hại. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Xem thêm

Như vậy, bài viết trên đã phần nào trả lời được câu hỏi tê bì tay chân do thiếu chất gì. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất kèm theo lối sống sinh hoạt hợp lý và tích cực có thể làm giải biểu hiện tê bì chân tay. Hãy đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như lựa chọn được phương pháp hỗ trợ và điều trị phù hợp với từng cá nhân.

Contact Me on Zalo