Tê bì ngón chân út là tình trạng phổ biến trong cộng đồng, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Hãy cùng Docosan tìm hiểu những thông tin xoay quanh vấn đề tê bì ngón chân út trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Tê bì ngón chân út là gì?
Tê bì ngón chân út là hiện tượng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tê bì ngón chân út có thể không quá nghiêm trọng nhưng cũng cần lưu ý để loại trừ một số tình huống nguy hiểm.
Tình trạng này xuất hiện với những dấu hiệu như cảm giác tê, mất cảm giác ngón chân út hoặc cảm giác châm chích, có thể kèm theo cảm giác lạnh, đau buốt hoặc khó chịu.
Nguyên nhân khiến bạn bị tê bì ngón chân út
Nguyên nhân sinh lý
- Thói quen sai tư thế: Thực hiện các tư thế không đúng kỹ thuật như ngồi xổm, tư thế khi ngủ không hợp lý hoặc đứng quá lâu có thể tạo áp lực lên dây thần kinh và mạch máu của chân, gây cản trở lưu thông máu nuôi, gây triệu chứng tê, mỏi.
- Thay đổi thời tiết: Người có cơ địa dị ứng hoặc sức đề kháng yếu có thể xuất hiện cảm giác tê bì chân tay khi thay đổi thời tiết. Ở những người này, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện do những tác động khác từ môi trường hoặc thay đổi nhiệt độ.
- Thói quen mang giày hoặc quần áo quá chật: Sử dụng giày ,vớ quá chật hoặc mặc quần áo quá bó có thể tạo áp lực lớn, giảm sự lưu thông của máu nuôi vùng chân, hậu quả gây tê ngón chân út.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc trong quá trình sử dụng có thể gây tác dụng phụ làm tê bì ngón chân út.
Nguyên nhân bệnh lý
- Rối loạn chuyển hóa: Bất thường chuyển hóa các chất như mỡ máu có thể gây xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì, hậu quả gây tê các ngón chân, trong đó có ngón út.
- Thiếu hụt dưỡng chất: Thiếu hụt một số khoáng chất như vitamin B như B1, B2, acid folic, canxi, kali có thể dẫn đến tê ngón chân út. Đối tượng thường xảy ra sự thiếu hụt này là người lớn tuổi, nhiều bệnh nền, dinh dưỡng kém, trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Bệnh liên quan đến dây thần kinh: Bệnh lý thần kinh ngoại biên như tổn thương rễ dây thần kinh do chèn ép, thoát vị có thể gây đau, tê bì ngón chân út.
- Bệnh xương khớp: Các bệnh xương khớp như thoái hóa đốt sống, chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh có thể gây tê ngón chân út.
- Tác động của thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa đi từ thắt lưng và kết thúc bằng các nhánh chi phối ngón chân, vì vậy bất kỳ sự tổn thương thần kinh tọa và các nhánh của nó đều có thể gây ra tình trạng tê ngón chân út.
- Nhiễm độc và nhiễm trùng: Các loại hóa chất có tính ăn mòn cao như thủy ngân, chì, hoặc tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus (như bệnh lao, herpes zoster,…) cũng có thể gây tê nhức ngón chân út.
- Chấn thương đụng dập: Ngón út nằm ở ngoài cùng của bàn chân, dễ bị va chạm trong quá trình đi đứng.
Dấu hiệu tê bì ngón chân út
Các cảm giác bất thường ở ngón chân út như tê buốt, kim châm, mất cảm giác hoặc châm chích, như có kiến bò, ngứa râm ran ngón chân, một số người bệnh than phiền về tình trạng nóng hoặc lạnh hơn bình thường.
Tình trạng mất cảm giác tạm thời thường do ngồi sai tư thế lâu, ngồi khoanh chân hoặc do mang giày quá chật. Tình trạng này sẽ thuyên giảm khi đứng dậy vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi.
Tình trạng mất hoặc giảm cảm giác kéo dài, không giảm khi nghỉ ngơi có thể liên quan đến bất thường thần kinh hoặc tuần hoàn máu nuôi hoặc liên quan đến chấn thương.
Vận động khó khăn như khó cử động linh hoạt ngón chân út, cảm giác đứng không vững khi đi đứng có thể xuất hiện cùng với tình trạng tê bì ngón chân út.
Ngoài ra, các dấu hiệu đi kèm khác có thể gặp như đau nhức dọc theo bàn chân có thể lan lên cẳng chân, cảm giác tê lan rộng sang cả 2 chân, màu sắc và nhiệt độ da có thể thay đổi do rối loạn máu nuôi của vùng bàn chân.
Biện pháp phòng ngừa và điều trị bị tê ngón chân út
Dinh dưỡng cân đối
Chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp phòng ngừa các triệu chứng như tê bì ngón chân út. Đặc biệt, tăng cường vitamin B từ thực đơn ăn uống hoặc viên uống bổ sung có vai trò quan trọng.
Vitamin B, đặc biệt là B1, B6, B12, có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa các hoạt động của hệ thần kinh và tuần hoàn máu, nuôi giúp giảm nguy cơ tê bì tay chân. Có thể bổ sung viên uống Vitamin B bên cạnh việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Việc bổ sung vitamin B uống cần được hướng dẫn, theo dõi bởi bác sĩ để xác định liều lượng cần bổ sung mỗi ngày. Bổ sung vitamin B đúng cách không chỉ ngăn ngừa tê ngón chân út mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể, ngừa thiếu máu.
Tập thể dục đều đặn
Thường xuyên tập thể dục hoặc vận động nhẹ nhàng thông qua các bộ môn đi bộ, yoga, các bài tập kéo dãn cơ có thể giúp cải thiện tuần hoàn màu nuôi và ngừa các triệu chứng liên quan đến thần kinh, mạch máu.
Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể thon gọn, săn chắc, khỏe mạnh, từ đó làm giảm áp lực lên các dây thần kinh và hệ thống thương khớp, ngăn ngừa tình trạng cứng cơ và tê bì tay chân.
Xoa bóp rượu gừng
Xoa bóp chân bằng rượu gừng ấm giúp tăng cường lưu thông máu nuôi, làm ấm cơ thể và giảm cảm giác tê bì. Gừng có đặc tính kháng viêm, kết hợp với rượu làm giãn mạch, giúp hệ thống dây thần kinh thư giãn và giảm nhanh các triệu chứng tê bì, đau nhức.
Nâng chân cao khi ngủ
Nâng chân cao hơn phần thân cơ thể khi ngủ bằng cách kê gối hoặc mền dưới chân giúp cải thiện tuần hoàn, giảm phù nề và tình trạng tê ngón chân út, đặc biệt đối với người thường xuyên đứng lâu hoặc mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Massage chân
Thực hiện massage chân nhẹ nhàng mỗi ngày giúp kích thích tuần hoàn máu, thư giãn cơ bắp và giảm áp lực lên dây thần kinh. Massage còn giúp phát hiện sớm những vùng đau hoặc nhạy cảm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Nếu người bệnh tê bì ngón chân út kéo dài hoặc diễn tiến nặng hơn, cần thăm khám bác sĩ ngay và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Việc tuân thủ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ giúp người bệnh tìm được nguyên nhân gây tê, hồi phục nhanh chóng và đề phòng biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Khi có chỉ định sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều. Các loại thuốc thường được kê là viên uống vitamin B giúp bổ thần kinh, thuốc giảm đau, giảm tê, thuốc điều trị bệnh lý liên quan như tiểu đường, thoái hóa khớp, giảm mỡ máu.
Lời khuyên phòng tránh đau ngón chân út
- Chọn giày dép phù hợp: Lựa chọn giày dép vừa chân, mang vớ rộng, thoải mái, giày có đế mềm, hỗ trợ tốt cho chân, giảm áp lực lên ngón chân út. Tránh mang giày chật, tránh mang giày cao gót trong thời gian dài, gót giày càng cao càng không nên mang lâu.
- Duy trì tư thế đúng: Tránh ngồi khoanh chân hoặc đứng lâu trong một tư thế để giảm áp lực, tránh làm chèn ép dây thần kinh và giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Tập thể dục thường xuyên: Nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập kéo giãn cơ, đi bộ hoặc tập yoga giảm căng cơ, tránh đau nhức, tránh tê bì ngón chân út.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng trong đó đặc biệt các thực phẩm giàu vitamin B như ngũ cốc, các loại hạt, thịt, cá, trứng, sữa,…
- Tránh chấn thương: Khi tham gia các hoạt động thể thao, vận động thể chất cần thận trọng, hạn chế tối đa các tình huống nguy hiểm để giảm nguy cơ chấn thương và nên sử dụng trang phục bảo hộ nếu cần.
Bài viết đã cung cấp thông tin về vấn đề tê bì ngón chân út. Tình trạng tê này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, người bệnh cần thăm khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài, đồng thời bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là nhóm vitamin B. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Xem thêm:
- Thoái hoá đốt sống cổ dẫn đến tê tay phải làm sao? Cách điều trị hiệu quả
- Vitamin E bảo vệ thần kinh: Giúp não bộ hoạt động hiệu quả
- Đau lưng mỏi gối tê tay là dấu hiệu của bệnh gì? Cách chữa trị
- Tư thế ngủ cho người thoái hoá đốt sống cổ giúp nhanh hồi phục
Nguồn tham khảo:
1. What can cause toes to go numb? – Medical News Today
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/326588
- Ngày tham khảo: 28/11/2024
2. Toe Numbness: What to Do – Newtown Foot&Ankles
- Link tham khảo: https://www.newtownpodiatry.com/2021/08/20/toe-numbness-what-to-do/
- Ngày tham khảo: 28/11/2024