Thoái hoá đốt sống cổ là tình trạng phổ biến và có thể gây ra nhiều đau đớn, khó chịu, đặc biệt là khi ngủ. Vì vậy, lựa chọn đúng tư thế ngủ cho người thoái hóa đốt sống cổ có thể hỗ trợ giảm bớt cơn đau, giúp người bệnh dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Tư thế nằm ảnh hưởng như thế nào đến thoái hoá đốt sống cổ?
Cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ có thể xuất phát từ các thói quen vận động và tư thế nghỉ ngơi của người bệnh. Việc duy trì đúng tư thế khi nằm và ngồi không chỉ giúp giảm đau hiệu quả mà còn cải thiện giấc ngủ, hỗ trợ quá trình phục hồi và điều trị thoái hóa đốt sống cổ nhanh chóng hơn.
Các chuyên gia cũng cho biết rằng tư thế ngủ không đúng có thể gia tăng áp lực lên cột sống cổ. Điều này làm chèn ép dây thần kinh, gây căng thẳng và cản trở lưu thông máu. Kết quả là bệnh nhân có thể gặp cơn đau dữ dội hơn và cảm giác tê mỏi ở cổ, cánh tay. Do đó, người mắc thoái hóa đốt sống cổ cần đặc biệt lưu ý đến tư thế ngủ để giảm thiểu các triệu chứng trên.
Các tư thế nằm cho người thoái hóa đốt sống cổ
Tư thế nằm ngửa
Nằm ngửa là tư thế giúp phân bố trọng lượng cơ thể đều, giảm áp lực lên các đốt sống cổ và hạn chế nguy cơ tổn thương. Người bệnh nên chọn tư thế nằm ngửa khi ngủ, đồng thời đặt thêm một chiếc gối dưới thắt lưng để hỗ trợ tốt hơn.
Bên cạnh đó, kê một chiếc gối dưới đầu gối cũng giúp duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, góp phần giảm thiểu cảm giác đau nhức. Riêng với gối đầu, việc lựa chọn độ cao và độ mềm phù hợp rất quan trọng. Một chiếc gối quá mềm có thể khiến cổ lún sâu, làm lệch tư thế cột sống, trong khi gối quá cứng dễ gây khó chịu khi nằm.
Nằm nghiêng với gối
Việc duy trì một tư thế ngủ quá lâu cũng có thể gây đau nhức vùng cổ. Vì vậy, người bị thoái hóa đốt sống cổ nên thay đổi tư thế ngủ thường xuyên. Nếu có cảm giác đau nhức, có thể chuyển sang tư thế nằm nghiêng và sử dụng gối hỗ trợ.
Khi chọn gối, nên ưu tiên loại dài hơn chiều rộng vai để tạo sự thoải mái. Ở tư thế nghiêng, cơ thể nên giữ một góc khoảng 120 độ với mặt giường. Tránh nằm nghiêng ở góc 90 độ vì điều này có thể gây áp lực lên cổ, dẫn đến chèn ép dây thần kinh.
Ngoài ra, để hỗ trợ cột sống tốt hơn, người bệnh có thể kê thêm gối sau lưng và giữa hai đùi. Cách này giúp duy trì độ cong tự nhiên của cột sống, giảm áp lực và ngăn ngừa cảm giác đau nhức khi ngủ.
Tư thế nằm không tốt cho người bị thoái hóa đốt sống cổ
Nằm sấp là tư thế ít có lợi nhất cho cột sống, vì tư thế này làm thay đổi độ cong tự nhiên và khiến lưng phải uốn cong không tự nhiên, gây tăng thêm áp lực. Tư thế này khiến việc duy trì cột sống ở trạng thái cân bằng trở nên khó khăn, làm lệch cột sống suốt đêm. Thay vì được nghỉ ngơi, các cấu trúc hỗ trợ cột sống sẽ căng thẳng và chịu áp lực.
Tuy nhiên, nếu việc từ bỏ thói quen ngủ sấp quá khó khăn, bạn có thể bắt đầu bằng việc thử đặt một chiếc gối dưới bụng và hông để cải thiện độ thẳng của cột sống khi nằm sấp. Sự điều chỉnh đơn giản này có thể giúp giảm bớt áp lực lên cột sống của bạn.
Một số lưu ý về tư thế nằm cho người thoái hóa đốt sống cổ
Lựa chọn gối cho người thoái hoá đốt sống cổ
Gối chuyên dụng cho người bị thoái hóa đốt sống cổ không chỉ an toàn mà còn giúp giảm đau đáng kể ở vùng cổ gáy, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị và phục hồi thoái hóa đốt sống cổ.
Khi chọn gối hỗ trợ điều trị, gối cao su non hoặc gối hồng ngoại là những lựa chọn phù hợp nhất. Trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể để bạn chọn được được loại gối tốt nhất.
Chọn và sử dụng nệm
Người bệnh nên chú ý chọn nệm có độ mềm và đàn hồi phù hợp. Nệm cũng cần phải tương thích với trọng lượng và kích thước cơ thể. Nệm cao su là một lựa chọn tốt, vì loại nệm này mang lại độ đàn hồi thích hợp. Dưới đây là một số tiêu chí khi chọn nệm:
- Nên chọn nệm có độ cứng vừa phải để giữ cho cột sống luôn thẳng theo trục sinh lý tự nhiên. Tránh sử dụng nệm quá mềm, vì điều này sẽ làm cho lưng và hông bị lún, gây áp lực lên cột sống và làm tăng cường triệu chứng đau lưng.
- Lựa chọn nệm được làm từ chất liệu thoáng khí để tạo cảm giác dễ chịu và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Không nên sử dụng nệm quá lâu, vì tuổi thọ trung bình của nệm là từ 8 đến 10 năm. Do đó, đến thời điểm này, bạn cần thay nệm để đảm bảo sức khỏe.
- Cuối cùng, hãy mua nệm tại những cửa hàng uy tín để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Tắm nước ấm
Tắm nước ấm trước khi đi ngủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng và stress, giãn cơ, cũng như làm giảm đau nhức xương khớp.
Hơn nữa, việc tắm vào buổi tối sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, cần chú ý không nên tắm quá muộn; thời gian lý tưởng là trước 23h và ít nhất 1,5 đến 2 giờ trước khi đi ngủ để có được giấc ngủ ngon.
Tư thế thức dậy
Trong trường hợp thoái hóa đốt sống cổ, bệnh nhân nên tránh việc đứng dậy hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột. Những thay đổi này có thể dẫn đến mất thăng bằng hoặc chóng mặt, đặc biệt là đối với những người có tình trạng nặng.
Cách an toàn nhất là nằm nghiêng trong khoảng 3 – 5 phút trước khi từ từ ngồi dậy. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng sức mạnh của tay để đẩy cơ thể lên, giúp hạn chế sự thay đổi tư thế đột ngột.
Kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống, luyện tập khoa học
Ngoài việc điều chỉnh tư thế nằm một cách hợp lý, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ làm việc, nghỉ ngơi và ăn uống khoa học.
Về dinh dưỡng, những người bị thoái hóa đốt sống cổ nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu canxi cùng các vitamin A, B12, C, D, K, và omega-3. Những dưỡng chất này có thể tìm thấy trong rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, cá béo và quả bơ.
Đặc biệt, bệnh nhân có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe xương khớp và sản phẩm bổ sung Vitamin B nhằm tăng cường khả năng tái tạo sụn.
Ngoài ra, việc kết hợp điều trị bằng thuốc với các bài tập như yoga, những bài tập nhẹ nhàng và vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Xem thêm:
- 8 bài tập cho người bị thoái hóa đốt sống cổ và cách cải thiện tại nhà
- Hướng dẫn cách ngủ nhanh trong 1 phút đơn giản, hiệu quả tại nhà
- 10 cách giảm căng thẳng thần kinh an toàn, đơn giản và hiệu quả
- 11 cách giảm stress nơi công sở hiệu quả, an toàn cho dân văn phòng
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề về thoái hóa đốt sống cổ, hãy thử áp dụng những lời khuyên trên trong việc thay đổi tư thế ngủ và cảm nhận sự khác biệt. Nếu bạn cảm thấy thông tin hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ cho người thân và bạn bè của mình bạn nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Role of Sleeping Posture in Cervical Spondylosis
- Link tham khảo: https://www.orthocure.co.in/role-of-sleeping-posture-in-cervical-spondylosis/
- Ngày tham khảo: 30/10/2024
2. How To Sleep With Cervical Spondylosis
- Link tham khảo: https://www.groovepillows.co.uk/blogs/how-to-sleep-with-cervical-spondylosis
- Ngày tham khảo: 30/10/2024
3. Is Your Sleeping Position Harming Your Spine?
- Link tham khảo: https://www.southeasttexasspine.com/blog/is-your-sleeping-position-harming-your-spine
- Ngày tham khảo: 30/10/2024
4. The Best Sleeping Positions to Wake Up Pain-Free
- Link tham khảo: https://innovativeptsolutions.com/best-sleeping-positions-wake-pain-free/
- Ngày tham khảo: 30/10/2024
5. 4 nguyên tắc phòng ngừa thoái hóa cột sống cần biết
- Link tham khảo: https://yte.nghean.gov.vn/tin-chuyen-nganh/4-nguyen-tac-phong-ngua-thoai-hoa-cot-song-can-biet-581389
- Ngày tham khảo: 30/10/2024