Tuyến tùng: Vai trò, cấu tạo và chức năng

Tuyến tùng là bộ điều khiển của đồng hồ sinh học bên trong cơ thể chúng ta. Tuyến tùng giúp cơ thể điều chỉnh nhịp sinh học bao gồm các tín hiệu để chúng ta cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, thức dậy và tỉnh táo ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Hãy để Docosan giúp bạn trả lời câu hỏi này thong qua bài viết này nhé.

Tuyến tùng là gì?

Tuyến tùng là một tuyến nhỏ, hình hạt đậu nằm ở trong não. Tuyến tùng phát triển từ mái màng não, một phần của não, nằm sau não thất thứ ba ở đường giữa não (giữa hai bán cầu đại não). Tên của nó có nguồn gốc từ hình dạng tương tự như một cây tùng (Latin pinea). Ở người trưởng thành, kích thước của tuyến tùng khoảng 0,8 cm (0,3 inch) và nặng khoảng 0,1 gam (0,004 ounce).

Tuyến tùng có nguồn cung cấp dồi dào dây thần kinh adrenergic (các tế bào thần kinh nhạy cảm với hormone tuyến thượng thận epinephrine) có ảnh hưởng lớn đến chức năng của nó. Tuyến tùng chứa chủ yếu là tế bào tùng (pinealcytes), là những tế bào sản xuất hormon melatonin và các tế bào thần kinh đệm-một loại tế bào đặc biệt hỗ trợ tế bào thần kinh (các tế bào truyền thông tin đến các tế bào khác).

Ở người lớn, lượng canxi lắng đọng nhỏ thường làm cho thể tùng có thể nhìn thấy trên X-quang (Tuyến tùng cuối cùng bị vôi hóa ít nhiều ở hầu hết các trường hợp).

Chức năng của tuyến tùng

Chức năng của nó chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó sản xuất và điều chỉnh một số hormone của cơ thể, trong đó có melatonin. Melatonin được biết đến với vai trò điều hòa giấc ngủ. Các mô hình giấc ngủ còn được gọi là nhịp sinh học. Tuyến tùng đóng một vai trò trong việc điều chỉnh nồng độ hormone ở nữ và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như chu kỳ kinh nguyệt.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy melatonin cũng có thể giúp chống lại các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm về các chức năng của melatonin.

Sức khỏe tim mạch: cũng trong một nghiên cứu năm 2016 các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng khẳng định melatonin được sản xuất bởi tuyến tùng có thể có tác động tích cực đến tim và huyết áp của con người. Họ kết luận rằng melatonin có thể được sử dụng để điều trị bệnh tim mạch, tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm.

Hormone của phụ nữ: một số nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng và mức melatonin liên quan có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Lượng melatonin giảm cũng có thể đóng một vai trò trong hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt không đều. Các nghiên cứu còn hạn chế và thực hiện cách đây quá lâu, vì vậy cần có những nghiên cứu mới hơn.

Ổn định tâm trạng cảm xúc: một nghiên cứu cho thấy rằng thể tích tuyến tùng nhỏ hơn bình thường có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm trạng khác.

Rối loạn chức năng tuyến tùng là gì?

Nếu tuyến tùng bị rối loạn chức năng, nó có thể dẫn đến sự mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến các hệ thống khác trong cơ thể của bạn. Ví dụ, mô hình giấc ngủ thường bị gián đoạn bị rối loạn chức năng. Điều này có thể xuất hiện trong các trường hợp như trễ máy bay hay mất ngủ. Ngoài ra, do melatonin có mối liên hệ với nội tiết tố nữ, các biến chứng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản.

Tuyến tùng nằm gần nhiều cấu trúc quan trọng khác và nó tương tác nhiều với máu và các chất lỏng khác. Nếu bạn mắc phải một khối u tuyến tùng, điều này có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác trong cơ thể của bạn.

Triệu chứng rối loạn chức năng của tuyến tùng

Nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tuyến tùng không sản xuất đúng lượng melatonin cần thiết. Một số nhà y học tin rằng có thể giải độc và kích hoạt tuyến tùng để cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những tuyên bố này.

Triệu chứng chính của rối loạn chức năng tuyến tùng là sự thay đổi nhịp sinh học. Điều này làm người bệnh rơi vào trạng thái ngủ quá nhiều hoặc quá ít, cảm thấy nhộn nhào, thậm chí là tăng động và bồn chồn vào buổi tối hoặc cảm thấy buồn ngủ vào nhiều thời điểm khác trong ngày. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:

  • Nhức đầu, chóng mặt
  • Buồn nôn, nôn
  • Run rẩy
  • Khó khăn về định hướng bản thân, định hướng không gian
  • Rối loạn chức năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt hoặc rụng trứng bất thường
  • Loãng xương bệnh lý.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải cảnh giác với u tuyến tùng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của u tuyến tùng là hội chứng tăng áp lực nội sọ và rối loạn thị giác.

  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ: khối u tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy làm áp lực trong sọ tăng lên bất thường. Biểu hiện là đau đầu, buồn nôn , nôn và rối loạn nhịp thở. Vì vậy, đôi khi bệnh dễ bị lầm tưởng với những rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn thông thường. Bệnh nhân thường có hội chứng Cushing, mạch chậm, tăng huyết áp và rối loạn nhịp thở.
  • Rối loạn thị giác: do khối u chèn ép vào các mảnh chất trắng của não gây nên, biểu hiện bằng nhìn mờ ,nhìn đôi, khó ngước mắt lên, mất tập trung 2 nhãn cầu, khó tập trung, rối loạn tính cách, rối loạn tâm thần, mất phối hợp động tác, rối loạn nội tiết do khối u chèn ép cấu trúc xung quanh hoặc xâm lấn vào cấu trúc lân cận vùng tuyến tùng.
  • Đau đầu mạn tính, suy giảm tri giác nhanh hoặc hôn mê, đau lưng, đau sau gáy, đái tháo nhạt, làm tăng nồng độ HCG và khiến bệnh nhân dậy thì sớm, thường trước 10 tuổi tùy vào vị trí khối u ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác nhau sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.

Qua bài viết này, có thể thấy rằng tuyến tùng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của cơ thể, là chìa khóa cho việc điều chỉnh nhịp sinh học. Khi xảy ra rối loạn chức năng tuyến tùng, triệu chứng thường xảy ra âm thầm và không đặc hiệu. Do đó người bệnh không được chủ quan mà hãy đi khám khi thấy bản thân mắc phải các triệu chứng trên.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Tuyến tùng và những thông tin mà bạn cần biết”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về tuyến tùng – một trong những tuyến quan trọng của cơ thể.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS