Ung thư não: Dấu hiệu cảnh báo

U não là một loại u thuộc hệ thần kinh trung ương và có thể gặp ở bất kì vị trí nào trong não bộ. U não có u lành tính và u ác tính. Ung thư não là khối u não có bản chất ác tính và có thể phát triển nhanh, tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 5, xếp sau ung thư phổi, gan, dạ dày và thực quản.

Ung thư não khá hiếm gặp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua và xem nhẹ những dấu hiệu cảnh báo ung thư não tưởng chừng như bình thường, bởi vì nếu ung thư não được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ góp phần cải thiện dự hậu cho người bệnh.

Ung thư não là gì ?

Về nguồn gốc, u não ác tính bao gồm 2 loại chính là:

  • Ung thư não nguyên phát:  khối u xuất phát từ chính các cấu trúc thuộc não bộ.
  • Ung thư não thứ phát: tế bào ung thư từ một cơ quan khác trong cơ thể (chủ yếu từ phổi, vú…) di căn đến não.

Tuỳ vào bản chất mô bệnh học của u, kích thước khối u, số lượng u, vị trí khối u, độ tuổi của người bệnh, khả năng phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… mà ung thư não có mức độ tiên lượng khác nhau trên mỗi bệnh nhân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư não

Cho đến thời điểm thực hiện bài viết này, nguyên nhân chính xác của ung thư não vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ hình thành u não ác tính có thể kể đến như:

  • Tuổi cao.
  • Hút thuốc lá trong một thời gian dài.
  • Tiếp xúc kéo dài với các chất độc hại: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón.
  • Làm việc trong điều kiện phơi nhiễm với các chất có thể gây ung thư như chì, nhựa, cao su, dầu mỏ, và một số nguyên vật liệu ngành dệt may.
  • Nhiễm virus Epstein-Barr hoặc bị tăng bạch cầu đơn nhân.
  • Tiếp xúc với liều lượng cao của bức xạ ion hoá, ví dụ những bệnh nhân ung thư phải xạ trị hoặc người sống trong khu vực ảnh hưởng của bom nguyên tử.
  • Tền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư não.

Các tế bào ung thư từ các cơ quan khác, di căn đến hình thành khối u ác tính ở não, đây được gọi là ung thư não di căn. Các bệnh ung thư thường di căn đến não, bao gồm:

  • Ung thư phổi.
  • Ung thư vú.
  • Ung thư thận.
  • Ung thư bàng quang.
  • Ung thư tế bào hắc tố da (melanoma).

Dấu hiệu cảnh báo ung thư não

Các dấu hiệu/triệu chứng của ung thư não rất đa dạng và phong phú. Bệnh có thể diễn ra âm thầm nhiều tháng, nhiều năm, cũng có thể xuất hiện triệu chứng đột ngột tựa như tai biến mạch máu não. 

Về cơ bản, các triệu chứng của khối u não ác tính xuất phát từ hội chứng tăng áp lực nội sọ. Có thể hình dung như sau : bên trong hộp sọ là một khoảng không gian kín, chứa não bộ, các thành phần dịch não tủy, mạch máu… bên ngoài là khối xương sọ vững chắc, liền mạch. Vì thế, áp lực bên trong hộp sọ ít thay đổi. Khi xuất hiện một khối bất thường (trong trường hợp này là khối u), sẽ chiếm một khoảng không gian bên trong hộp sọ, dẫn đến sự chèn ép, làm tăng áp lực nội sọ, biểu hiện ra ngoài bởi các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, động kinh…

Sau đây là những dấu hiệu cụ thể, thường gặp mà chúng ta cần nghĩ đến căn bệnh ung thư não:

  • Đau đầu: Là triệu chứng thường gặp nhất, nhưng cũng rất dễ bỏ sót, xem nhẹ. Đau đầu do u não được bệnh nhân mô tả là những cơn đau nhức đầu âm ỉ kéo dài và tăng dần. Đau đầu thường tăng vào đêm và gần sáng. Ban đầu người bệnh cảm thấy đau đầu khu trú tại một vùng nào đó và sau đó lan toả toàn bộ đầu. Triệu chứng này đôi lúc giảm, nhưng kém đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường, ví dụ như paracetamol.
  • Buồn nôn và nôn: Nôn và buồn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu là biểu hiện đặc trưng của u não. Nôn có thể liên quan đến việc thay đổi tư thế, nôn đột ngột và không liên quan tới bữa ăn. Nôn và buồn nôn thường không đáp ứng với thuốc chống nôn.
  • Giảm khả năng phối hợp động tác: Bệnh nhân đột nhiên cảm thấy khó khăn trong thực hiện các công việc, sinh hoạt đã quen thuộc trước đây.
  • Đi lại khó khăn, mất thăng bằng: Một khối u ở não có thể tác động đến các vùng não bộ điều khiển việc giữ thăng bằng, co cơ các chi ở trên cơ thể bạn.
  • Sa sút trí tuệ, khó suy nghĩ, có vấn đề về ngôn ngữ: Khi phát hiện bản thân gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ để diễn đạt, hoặc bạn bè, người thân thấy người bệnh gọi nhầm tên họ, cần đưa người bệnh đến bác sĩ để kiểm tra về tình trạng này.
  • Có vấn đề về thị lực: Nếu bệnh nhân thấy mờ mắt, song thị (nhìn một vật mà ra hai), mất thị lực, xuất hiện hình dạng và đốm ảo, cần phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng nguyên nhân.
  • Thay đổi tính cách, tâm trạng: Thuỳ trán là khu vực não kiểm soát tính cách, nếu có một khối u ở vùng này, có thể làm thay đổi tâm trạng của bệnh nhân. Người bệnh có thể có những hành động khác lạ, thay đổi hành vi mà chính bản thân họ không nhận ra.
  • Co giật, động kinh: Khi não bộ có “vấn đề”, có rối loạn trong quá trình truyền tín hiệu, có thể sẽ biểu thị ra ngoài bằng những cơn co giật. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đánh giá vấn đề này.
  • Một số triệu chứng khác như: rung giật cơ, ngất xỉu, ngủ nhiều, đi tiểu/đi cầu không tự chủ, liệt nửa người, sụp mi, khó nuốt, nuốt sặc… hoặc nặng hơn như rối loạn ý thức: lơ mơ, hôn mê… cũng được ghi nhận ở người bệnh có khối u ở não.
  • Bên cạnh đó, các biểu hiện ngoài hệ thần kinh, gợi ý các cơ quan có khối ung thư nguyên phát như : phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng…

Khi có các dấu hiệu cảnh báo ung thư não kể trên, hoặc bạn có bất kì lo lắng nào, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện bệnh (nếu có) kịp thời.

Chẩn đoán ung thư não như thế nào ?

Nếu có các triệu chứng gợi ý khối u ở não, bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp để chẩn đoán chính xác được bệnh như :

  • Hỏi bệnh sử: hỏi về các dấu hiệu, quá trình diễn tiến bệnh và các yếu tố nguy cơ nếu có.
  • Thăm khám toàn diện để xác định coi có là khối u nguyên phát ở não hay di căn từ một cơ quan khác trong cơ thể

Một số phương tiện cận lâm sàng khác giúp ích cho việc chẩn đoán:

  • Chụp X-quang sọ não: Hiện nay ít sử dụng phương pháp này vì khả năng phát hiện bệnh thấp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) sọ não: Có hình ảnh khối tăng hoặc giảm đậm độ so với nhu mô não bình thường. Ngoài ra CT scan còn cho biết vị trí, kích thước và mức độ chèn ép của khối u đến các thành phần xung quanh.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có khả năng phát hiện u não cao hơn CT-Scan. Hình ảnh MRI kết hợp với đo phổ cộng hưởng từ sẽ giúp xác định tính chất ác tính của khối u não, phân biệt u não với tổn thương viêm, nhồi máu não.
  • Điện não đồ: để xác định nguyên nhân tình trạng co giật, động kinh
  • Chọc dò tủy sống thắt lưng để lấy dịch xét nghiệm tế bào: Nhằm phân biệt u với các bệnh lý viêm hay áp xe não. Thủ thuật này sẽ không được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ/ghi nhận có tình trạng tăng áp lực nội sọ ở người bệnh.
  • Xạ hình não : nhằm đánh giá và xác định được vị trí khối u não.
  • Xét nghiệm phân tử: Xác định đột biến gen có thể cần thiết để khảo sát nguyên nhân và tiên lượng cho người bệnh.

Từ các thăm khám và xét nghiệm trên sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng và đồng thời phân loại, đánh giá giai đoạn bệnh, xác định phương pháp điều trị thích hợp và tiên lượng bệnh.

MRI não là phương pháp chính xác để chẩn đoán ung thư não

Điều trị ung thư não như thế nào

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư não phụ thuộc nhiều vào bản chất khối u, vị trí, kích thước u và thể trạng của bệnh nhân tại thời điểm quyết định điều trị.

Điều trị ung thư não gồm có những phương pháp sau:

  • Phẫu thuật: Mục tiêu lấy bỏ được toàn bộ khối u mà không gây tổn thương hoặc gây tổn thương ở mức tối thiểu đến các tổ chức não lành xung quanh. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tiến bộ đã giúp ích rất nhiều cho phẫu thuật viên trong việc xác định vị trí, sự xâm lấn của khối u để phẫu thuật đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, không phải loại u nào cũng có thể lấy bỏ triệt để.
  • Xạ trị, hoá trị: Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị xạ trị sau mổ, hoá xạ trị đồng thời hoặc xạ trị đơn thuần. Hoặc việc xạ trị, hóa trị được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp việc loại bỏ u được thuận lợi hơn.
  • Quang động học: Chiếu tia laser vào vùng sau mổ lấy u. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ, để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
  • Điều trị đích: Sử dụng các thuốc có tác dụng vào các yếu tố tăng sinh mạch, tác dụng vào mức độ phân tử như gen và protein (Bevacizumab, Rituximab).
  • Điều trị nội tiết: Các khối u như u tuyến yên, u não có suy nội tiết, gây đái tháo nhạt, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, suy tuyến sinh dục… phải được bổ sung nội tiết tố phù hợp.

Trên đây là khái quát các phương pháp điều trị cho bệnh ung thư não. Trong điều trị bệnh, yếu tố cá thể hoá luôn được xem trọng, tức là với mỗi bệnh nhân, mỗi tình trạng bệnh khác nhau, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc, lựa chọn và phối hợp những phương pháp phù hợp và đem lại hiệu quả tối đa cho người bệnh.

Một số bác sĩ khám và điều trị bệnh ung thư não

Kết luận

Kết quả điều trị của bệnh ung thư não nói riêng, hay một khối u não nói chung phụ thuộc vào vị trí khối u, bản chất mô học, kích thước… Việc phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần nâng cao mức hiệu quả của các phương pháp điều trị. Vì thế, chúng ta cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư, khám sức khoẻ tầm soát định kì và đi khám bệnh khi nhận thấy có các dấu hiệu nghi ngờ để phát hiện bệnh sớm.



Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu (Ban hành kèm theo Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Brain Cancer – Healthline.com

Contact Me on Zalo