Hồng trà hay còn gọi là trà đen chiếm sản lượng cao nhất trong tổng sản lượng trà được tiêu thụ toàn cầu. Hồng trà có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, giàu chất chống oxy hóa, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Thế nhưng uống hồng trà có mất ngủ không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu thêm về hồng trà qua bài viết này nhé!
Tóm tắt nội dung
Hồng trà là gì?
Hồng trà (trà đen) xuất phát từ việc lá trà bị oxy hóa từ màu xanh sang màu nâu đen khi tiếp xúc với không khí. Hồng trà có hương vị thơm ngon, ngọt, một chút chát nhẹ khi uống nóng hoặc lạnh. Ngoài ra, trên thị trường còn có một số thực phẩm bổ sung có lợi cho sức khỏe chiết xuất từ hồng trà như vitamin, thảo dược, khoáng chất.
Tác dụng của hồng trà với sức khỏe
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Hồng trà đã được chứng minh có tác dụng tốt đối với sức khỏe tim mạch. Trong thành phần hồng trà có theaflavin giúp giảm cholesterol máu và flavonoid, một hợp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do stress oxy hóa. Theo nhiều nghiên cứu, uống một tách hồng trà mỗi ngày sẽ phòng ngừa được các biến cố tim mạch, cải thiện đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Giảm nguy cơ đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng mạch máu nuôi dưỡng phần não bị tắc nghẽn. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Theo nghiên cứu, uống hồng trà hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ lên tới 16% so với những người không uống.
Tăng cường sự tập trung
Hồng trà đặc biệt hơn các loại trà khác do chúng chứa đồng thời caffeine và acid amin L-theanine. Hàm lượng caffeine trong hồng trà cũng thấp hơn nhiều so với trà thông thường, cùng với sự có mặt của L-theanine, giúp chúng ta tăng cường sự tập trung mà không bị bồn chồn, tim đập nhanh.
Giảm lượng đường trong máu
Uống hồng trà không thêm đường, không quá ngọt rất có ích cho sức khỏe của bệnh nhân đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hồng trà có tác dụng hỗ trợ cải thiện đường huyết hiệu quả, giúp kiểm soát tốt đường huyết sau ăn và giảm nguy cơ mắc đái tháo đường ở người bình thường.
Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Hợp chất polyphenol, chất chống oxy hóa có trong hồng trà có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Theo các nhà khoa học, hồng trà giúp giảm nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào da, ngăn ngừa ung thư khoang miệng. Hiện đang có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về công dụng của hồng trà trong việc phòng ngừa các bệnh ung thư khác như ung thư giáp, ung thư vú, ung thư phổi,…
Uống hồng trà có mất ngủ không?
Hồng trà có chứa Theine, một loại caffeine, có khả năng giúp chúng ta tỉnh táo, tập trung và dễ gây tình trạng mất ngủ. Vì vậy, người mất ngủ lâu năm hoặc nhạy cảm với caffeine thì nên uống trà vào buổi sáng, hạn chế uống vào buổi chiều tối để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Uống nhiều hồng trà có sao không?
Tình trạng lạm dụng trà, cà phê để tăng sự tỉnh táo, tập trung hiện rất phổ biến ở nhiều người trưởng thành. Thế nhưng, điều này có thể khiến bạn mắc một số tác dụng phụ do caffein gây ra như:
- Mất ngủ, lo lắng.
- Thở nhanh, thở gấp.
- Đau đầu.
- Đi tiểu nhiều.
- Cảm giác buồn nôn, nôn.
- Ù tai.
- Tăng huyết áp.
- Thiếu máu.
Nên uống bao nhiêu hồng trà mỗi ngày?
Theo các nghiên cứu, bạn chỉ nên uống khoảng 4 tách hồng trà, tương đương với khoảng 10g caffeine một ngày. Uống một lượng hồng trà vừa đủ sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, tập trung, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bị tác dụng phụ do caffeine gây ra.
Lưu ý khi dùng hồng trà
Hồng trà đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, một vài đối tượng sau đây nên cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Mẹ uống quá nhiều trà sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, hội chứng đột tử sau sinh, bé sinh ra bị nhẹ cân. Ngoài ra, caffeine còn có thể làm rối loạn nhu động ruột của trẻ đang bú sữa mẹ.
- Người bị trầm cảm, rối loạn lo âu: Người bị vấn đề tâm lý không nên uống quá nhiều hồng trà vì có thể gây bồn chồn, hội hộp, làm trầm trọng thêm bệnh tình.
- Người bị rối loạn đông máu: Caffeine có thể ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp các yếu tố đông máu tại gan. Do đó những người bị bệnh đông máu không nên uống quá nhiều trà.
- Người mắc các bệnh tim mạch: Trà làm tăng nhịp tim, gây thở nhanh, thở gấp, vì thế sẽ không tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.
- Người bị rối loạn tiêu hóa: Trà đen có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy, tiêu chảy nặng hơn, khó kiểm soát.
- Bệnh nhân động kinh, co giật: Caffeine trong các loại trà có thể tương tác với các thuốc phòng ngừa co giật, trị động kinh. Vì lẽ đó, người có tiền sử co giật không nên uống quá nhiều trà trong ngày.
- Bệnh nhân tăng nhãn áp: Theo nhiều nghiên cứu, trà làm tăng nhãn áp sau khi uống 30 phút và kéo dài trong vòng 90 phút.
- Bị ung thư vú, cổ tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung: Phụ nữ mắc các loại ung thư này sẽ có nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn người bình thường. Và caffein có thể hoạt động giống như một estrogen, làm các khối u phát triển nhanh hơn.
- Người bị loãng xương: Nếu bạn bị loãng xương, bạn không nên uống quá 3 tách hồng trà một ngày do trà sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, khiến xương không còn vững chắc.
Xem thêm:
- Gợi ý 5 loại trà cho người đái tháo đường
- Mất ngủ do stress: Nguyên nhân, cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả
- Thiếu máu não nên ăn gì? 15 thực phẩm chuyên gia khuyên dùng
Ngoài ra, việc bổ sung vitamin B có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng mất ngủ liên quan đến thiếu hụt vitamin B, như rối loạn tâm trạng, căng thẳng, mệt mỏi, khó tập trung. Sản phẩm bổ sung Vitamin B cung cấp vitamin nhóm B giúp hỗ trợ chức năng thần kinh, cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và mệt mỏi cho người bị mất ngủ. Qua bài viết này, Docosan mong rằng các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các công dụng của hồng trà đối với sức khỏe chúng ta. Hãy nhớ rằng bạn chỉ nên uống một lượng trà vừa đủ mỗi ngày để có hiệu quả tốt nhất. Đừng quên chia sẻ những thông tin trên với người thân, bạn bè của mình bạn nhé! Tài liệu tham khảo: 1. 6 health benefits of drinking black tea
- Link tham khảo: https://www.uclahealth.org/news/article/6-health-benefits-of-drinking-black-tea
- Ngày tham khảo: 6/10/2024
2. Can we drink black tea at night?
- Link tham khảo: https://www.thes-traditions.com/en/content/can-we-drink-black-tea-at-night
- Ngày tham khảo: 6/10/2024
3. Black Tea
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/vitamins-and-supplements/black-tea-uses-and-risks
- Ngày tham khảo: 6/10/2024
4. Black Tea – Uses, Side Effects, and More
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-997/black-tea
- Ngày tham khảo: 6/10/2024