Thuốc PrEP là gì? Độ hiệu quả như thế nào và cách sử dụng

Thuốc PrEP là phương pháp điều trị khẩn cấp cho HIV được chỉ định sử dụng sau khi một người có tiếp xúc với virus. Mục đích của phương pháp này là loại bỏ nguy cơ nhiễm HIV cho đối tượng đó. Để trả lời rõ hơn cho câu hỏi “PrEP là gì?”, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thuốc PrEP là gì?

PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Pre-Exposure Prophylaxi”, có nghĩa là “điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV”. Liệu pháp này sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới.

PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Pre-Exposure Prophylaxi”, có nghĩa là “điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV”
PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Pre-Exposure Prophylaxi”, có nghĩa là “điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV”

Thuốc PrEP có độ hiệu quả như thế nào?

Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy.

PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa HIV khi dùng theo chỉ định. PrEP có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khoảng 99% và giảm nguy cơ nhiễm HIV do tiêm chích ma túy ít nhất 74%. Tuy nhiên, PrEP sẽ kém hiệu quả hơn nếu không được dùng theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, vì PrEP chỉ bảo vệ cơ thể chống lại HIV nên việc sử dụng bao cao su vẫn rất quan trọng để bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Ngoài ra, việc sử dụng bao cao su cũng rất quan trọng để giúp ngăn ngừa HIV nếu PrEP không được sử dụng theo đúng quy định.

Thêm một lưu ý quan trọng là người dùng PrEP cần phải xét nghiệm HIV 3 tháng một lần. Nếu người dùng gặp khó khăn khi tuân thủ PrEP hàng ngày hoặc muốn ngừng dùng PrEP, cần trao đổi chi tiết với bác sĩ điều trị.

PrEP có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khoảng 99%
PrEP có khả năng làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục khoảng 99%

Những loại thuốc nào được chấp thuận cho PrEP?

PrEP có thể ở dạng viên uống hoặc thuốc tiêm. Có hai loại thuốc được chấp thuận sử dụng hàng ngày như PrEP và chúng thường được phối hợp trong cùng một viên thuốc để đảm bảo tính tiện lợi cho người dùng:

  • Truvada (Emtricitabine/ Tenofovir Disoproxil Fumarate) dành cho tất cả những người có nguy cơ mắc HIV thông qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy.
  • Descovy (Emtricitabine/ Tenofovir Alafenamide) dành cho nam giới hoạt động tình dục và phụ nữ chuyển giới có nguy cơ mắc HIV. Thuốc Descovy không dành cho những người được chỉ định là nữ khi sinh ra có nguy cơ mắc HIV thông qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo.

Ngoài ra, một dạng thuốc tiêm PrEP tác dụng kéo dài cũng đã được FDA chấp thuận:

  • Apretude (Cabotegravir) dành cho những người có nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và nặng ít nhất 35 kg. Đây là thuốc tiêm với tần suất tiêm hai tháng một lần thay vì uống thuốc viên hàng ngày, giúp người dùng dễ dàng tuân thủ điều trị hơn. Thuốc Apretude được chấp thuận cho tất cả người lớn và thanh thiếu niên có bất kỳ nguy cơ lây nhiễm HIV tình dục nào.
Thuốc Truvada dành cho tất cả những người có nguy cơ mắc HIV thông qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy
Thuốc Truvada dành cho tất cả những người có nguy cơ mắc HIV thông qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy

Ưu và nhược điểm của liệu pháp HIV PrEP

Ưu điểm của thuốc PrEP

PrEP rất hiệu quả khi người dùng tuân thủ điều trị. Liệu pháp này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục khoảng 99%. Ở những người tiêm chích ma túy, PrEP làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ít nhất 74%. Bên cạnh đó, PrEP là liệu pháp rất an toàn, không có tác dụng phụ đối với 90% người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

Nhược điểm của thuốc PrEP

Một người cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu PrEP hoặc khi tái sử dụng PrEP sau khi đã dừng một thời gian. Nguyên nhân là do chỉ được dùng PrEP khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính, liệu pháp này không dùng để điều trị cho người đã nhiễm HIV. Dùng PrEP ở những người đã nhiễm HIV có thể dẫn đến kháng thuốc, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều trị sau này.

Bên cạnh đó, PrEP không phòng ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác ngoài HIV như giang mai, lậuChlamydia. Do vậy, bác sĩ điều trị thường sẽ yêu cầu xét nghiệm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khi có nghi ngờ mắc bệnh hoặc để tầm soát bệnh. Người dùng PrEP vẫn cần sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục để bảo vệ bản thân không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Chỉ được dùng PrEP khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính
Chỉ được dùng PrEP khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính

Cách sử dụng PrEP

Hiện nay, những người có chỉ định của bác sĩ cho dùng PrEP thường sử dụng theo một trong hai cách sau:

  • Uống PrEP mỗi ngày: Dùng cho tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV. PrEP uống hàng ngày đã chứng minh hiệu lực trên 95% đối với nhóm người quan hệ đồng tính nam trong một số thử nghiệm lâm sàng. Hiện nay, hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm có nguy cơ cao.
  • Uống theo tình huống (ED-PrEP): Được chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP, có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/ tuần và cần đảm bảo được việc dùng thuốc ARV trong vòng từ 2 đến 24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống về bản chất cũng là thuốc kháng virus có thành phần tương tự như PrEP hàng ngày.
Hiện nay có 2 cách dùng PrEP: PrEP mỗi ngày và PrEP theo tình huống
Hiện nay có 2 cách dùng PrEP: PrEP mỗi ngày và PrEP theo tình huống

Đối tượng chống chỉ định của PrEP

Mặc dù sử dụng PrEP có hiệu quả cao và an toàn, tuy nhiên không phải tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể dùng được PrEP. Những đối tượng sau đây cần lưu ý không dùng được PrEP:

Với PrEP uống hàng ngày, không chỉ định dùng PrEP cho:

  • Người có HIV dương tính.
  • Người có bệnh lý về thận.
  • Người có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV.
  • Người dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP.
  • Người nhẹ cân (dưới 35 kg).
  • Người phơi nhiễm với HIV trong vòng 72 giờ qua.
  • Nếu chỉ có một bạn tình duy nhất, xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV phát hiện dưới 200 bản sao/ml và tuân thủ điều trị tốt.

Với PrEP uống theo tình huống, PrEP cũng không phù hợp với:

  • Phụ nữ hoặc người chuyển giới nữ.
  • Người chuyển giới nam có quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
  • Nam quan hệ tình dục với nữ qua đường âm đạo/hậu môn.
  • Người có viêm gan B mạn tính.
  • Người tiêm chích ma túy.
Người có HIV dương tính không dùng được PrEP
Người có HIV dương tính không dùng được PrEP

Tác dụng phụ của thuốc PrEP

Chỉ khoảng 10% số người sử dụng PrEP gặp một số tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua lúc đầu như tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, đau quặn bụng, đầy hơi, chóng mặt hoặc đau đầu. Các tác dụng phụ này thường kéo dài trong vòng vài ngày hay vài tuần, nhưng thường không quá 1 tháng và người dùng không cần ngừng PrEP trong giai đoạn đó.

Những lưu ý khi sử dụng PrEP

Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng PrEP, người dùng cần lưu ý những điều sau:

  • Đối với người có nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng đủ 21 ngày thuốc ARV liên tục.
  • Đối với người nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: PrEP có hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên từ 2 đến 24 giờ trước khi quan hệ tình dục. Cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.
  • Đối với người quan hệ tình dục qua đường âm đạo và có nguy cơ lây nhiễm qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
Người nam quan hệ tình dục đồng giới cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng
Người nam quan hệ tình dục đồng giới cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng

Một số câu hỏi liên quan

PrEP cần sử dụng trong bao lâu?

Thời gian sử dụng PrEP tùy vào từng trường hợp, trước khi ngưng dùng thuốc người dùng cần trao đổi với bác sĩ. Sau khi bác sĩ thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nhận thấy nguy cơ lây nhiễm HIV không còn cao, người dùng có thể tạm dừng sử dụng thuốc.

Ngoài ra những tác dụng phụ không mong muốn, lộ trình sử dụng thuốc nghiêm ngặt cũng chính là nguyên nhân khiến không ít người từ bỏ PrEP. Tuy nhiên nếu ngừng dùng thuốc mà vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao, mọi người cần cần áp dụng các biện pháp phòng tránh thay thế như dùng bao cao su, không dùng chung kim tiêm,…

Dùng PrEP rồi thì có cần sử dụng bao cao su?

Thuốc PrEP nói chung chỉ có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Còn bệnh lây lan qua đường tình dục khác như lậu, giang mai,… vẫn có thể bị lây nhiễm vì PrEP không có nhiều tác dụng. Do đó, bao cao su là biện pháp an toàn luôn cần được sử dụng song song với thuốc PrEP để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Nên bắt đầu sử dụng PrEP khi nào?

Nếu nhận thấy một người đang trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chương trình dự phòng PrEP. Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ yêu cầu người đó làm một số xét nghiệm tổng quát. Trường hợp xét nghiệm huyết học sơ bộ cho kết quả âm tính với HIV, bác sĩ sẽ bắt đầu kê đơn thuốc PrEP và hướng dẫn chế độ sử dụng.

Trong thời gian sử dụng thuốc, người dùng cần đến tái khám thường xuyên. Việc tái khám định kỳ sẽ giúp người dùng thuốc nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình. Trong trường hợp người dùng không phù hợp hoặc không đáp ứng đối với phác đồ cũ, bác sĩ có thể tư vấn chuyển sang phác đồ mới. Nếu như nhận thấy sức khỏe bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc hoặc khi muốn ngừng sử dụng thuốc, người dùng cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước.

PrEP có thực sự an toàn không?

Trước khi đưa vào lưu hành, những loại thuốc hỗ trợ dự phòng phơi nhiễm HIV đều phải trải qua thử nghiệm lâm sàng. Các tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn thường sẽ biến mất sau khoảng một tháng sử dụng. Nhìn chung, chúng không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe người dùng. Do đó, hiện nay PrEP là liệu pháp an toàn và hiệu quả để dự phòng nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

PrEP được cung cấp ở đâu?

Hiện nay, PrEP đã được cung cấp tại 26 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Với hiệu quả và tính an toàn của PrEP, Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai biện pháp điều trị dự phòng này ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong thời gian sắp tới.

Cần làm gì trước khi sử dụng PrEP?

Vì thuốc PrEP chỉ dành cho những người âm tính với HIV nên trước khi sử dụng PrEP, người dùng cần phải xét nghiệm HIV kết hợp xét nghiệm cả chức năng gan và thận.

PrEP có được bảo hiểm chi trả không?

Trong hầu hết các trường hợp, chi phí thuốc và dịch vụ PrEP đều được bảo hiểm chi trả. Theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, liệu pháp PrEP được áp dụng miễn phí theo hầu hết các chương trình bảo hiểm y tế.

Xem thêm:

Hiện nay, PrEP vẫn là liệu pháp dự phòng nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đạt hiệu quả và an toàn cao nhất. Do đó, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức về HIV và liệu pháp PrEP. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè để mọi người cùng biết cách phòng ngừa HIV.

Nguồn tham khảo:

1. HIV: PrEP and PEP

  • Link tham khảo: https://medlineplus.gov/hivprepandpep.html
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

2. PrEP- Tác dụng phụ và xử trí

  • Link tham khảo: https://vaac.gov.vn/prep-tac-dung-phu-va-xu-tri.html
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

3. Pre-Exposure Prophylaxis (PrEP)

  • Link tham khảo: https://www.cdc.gov/hiv/risk/prep/index.html
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

4. Pre-Exposure Prophylaxis (PrEP)

  • Link tham khảo: https://hivinfo.nih.gov/understanding-hiv/fact-sheets/pre-exposure-prophylaxis-prep
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

5. Lưu ý gì khi sử dụng PrEP?

  • Link tham khảo: https://vaac.gov.vn/luu-y-gi-khi-su-dung-prep.html
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

6. Thuốc PrEP là gì? Toàn tập thông tin cần biết về PrEP

  • Link tham khảo: https://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/chuyen-muc/thuoc-prep-la-gi-toan-tap-thong-tin-can-biet-ve-prep-cmobile16715-76837.aspx
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024

7. Pre-Exposure Prophylaxis

  • Link tham khảo: https://www.hiv.gov/hiv-basics/hiv-prevention/using-hiv-medication-to-reduce-risk/pre-exposure-prophylaxis
  • Ngày tham khảo: 20/09/2024
Contact Me on Zalo
Call Now Button