Thuốc Bisolvon hay thuốc ho Bisolvon là một trong những loại thuốc tiêu đờm cho người lớn và trẻ nhỏ phổ biến và tốt nhất hiện nay. Thuốc giúp chữa trị các bệnh lý hô hấp có tình trạng gia tăng đờm bất thường. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu sâu hơn về loại thuốc này trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Công dụng của thuốc Bisolvon
Thuốc Bisolvon có thành phần chính là Bromhexine, có tác dụng long đờm, tiêu đờm. Thuốc dùng để điều trị bệnh lý đường hô hấp có tăng tiết đờm và khó long đờm như viêm phế quản cấp và mãn tính, các dạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm hô hấp mãn tính, bụi phổi, giãn phế quản,… Ngoài ra thuốc tiêu đờm Bisolvon còn có ưu điểm không có tác dụng an thần, do vậy không gây cảm giác buồn ngủ cho người dùng.
Dược động học:
- Bromhexin được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa.
- Sinh khả dụng là tương đương sau khi uống dạng rắn và dung dịch.
- Lượng chất chuyển hóa lần đầu khoảng 75 – 80%.
- Dùng cùng thức ăn dẫn đến tăng nồng độ bromhexine trong huyết tương.
- Bromhexin chuyển hóa gần như hoàn toàn thành chất chuyển hóa hydroxy hóa đa dạng và thành axit dibromanthranilic.
Xem thêm: Cách trị ho có đờm
Thuốc Bisolvon liều dùng
Thuốc tiêu đờm Bisolvon dùng đường uống, có cả dạng viên nén và dạng siro. Nên dùng thuốc sau khi ăn để tránh bị kích ứng hệ tiêu hóa. Thời gian điều trị Bisolvon không quá 8 – 10 ngày.
Với dạng siro:
- Người lớn: liều dùng là 10ml mỗi lần và uống 3 lần mỗi ngày.
- Trẻ trên 12 tuổi, liều dùng tương đương liều người lớn. Có thể tăng liều lên đến 60ml trong trường hợp cần thiết.
- Trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi: liều dùng là 5ml mỗi lần.
- Trẻ từ 2 đến dưới 6 tuổi: liều dùng là 2,5ml mỗi lần uống. Với trẻ dưới 2 tuổi, liều dùng là 1,25ml mỗi lần.
Với dạng viên nén:
- Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 8mg (1 viên) 3 lần mỗi ngày.
- Trẻ em 6 – 12 tuổi: 4mg (1/2 viên) 3 lần mỗi ngày.
- Trẻ nhỏ 2 – 6 tuổi: 4mg (1/2 viên) 2 lần mỗi ngày.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều? Cho đến nay chưa ghi nhận các triệu chứng đặc hiệu do quá liều ở người. Dựa trên các báo cáo về quá liều một cách tình cờ hoặc dùng thuốc sai, các triệu chứng quan sát thấy phù hợp với các tác dụng phụ đã biết của thuốc Bisolvon tại liều khuyến cáo và có thể cần điều trị triệu chứng.
Làm gì khi quên 1 liều? Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ của thuốc Bisolvon
- Ít gặp, tỷ lệ từ 1/1000 đến 1/100: Rối loạn dạ dày ruột: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng trên.
- Hiếm gặp, tỷ lệ ít hơn 1/1000: phát ban trên da
- Không rõ tần suất: rối loạn hệ miễn dịch: sốc phản vệ, phản ứng phản vệ; rối loạn hệ hô hấp, ngực và trung thất: co thắt phế quản; rối loạn da và mô dưới da: phù mạch, nổi mề đay, ngứa.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Bisolvon
- Bisolvon không nên dùng cho những bệnh nhân đã biết quá mẫn với Bromhexine hoặc các thành phần khác của thuốc. Chống chỉ định trong những trường hợp bệnh di truyền hiếm gặp có thể không dung nạp với một tá dược nào của thuốc.
- Các loại thuốc long đờm, tiêu đờm như thuốc Bisolvon, Acemuc, Ambroxol,… đều có thể làm tăng lượng dịch tiết ở cổ họng trong một thời gian, người sử dụng không cần quá lo lắng.
- Ho là yếu tố cơ bản để bảo vệ phế quản và phổi, để tống đờm ra ngoài. Do đó nếu người bệnh bị giảm khả năng ho hoặc không thể ho, khạc đờm ra ngoài được hãy cẩn trọng trước khi dùng hoặc thông báo với bác sĩ trước khi kê đơn.
- Thuốc Bisolvon có thể làm loãng dịch dạ dày nên cần thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng. Nôn và buồn nôn do thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân đã có bệnh lý này từ trước.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, theo hướng dẫn trên tờ thông tin thuốc, không được lạm dụng thuốc, không dùng quá 10 ngày vì dễ gặp tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, phát ban, mẩn ngứa.
Ảnh hưởng của thuốc Bisolvon lên một số đối tượng đặc biệt
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Chưa nghiên cứu ảnh hưởng của Bisolvon đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
- Thời kỳ mang thai: Dữ liệu sử dụng Bromhexine cho phụ nữ mang thai còn giới hạn. Những nghiên cứu trên động vật không cho thấỵ tác dụng gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp liên qụan đến độc tính sinh sản. Tuy nhiên vẫn nên thận trọng bằng cách tránh sử dụng Bisolvon trong thời kỳ mang thai.
- Thời kỳ cho con bú: Chưa rõ liệu Bromhexine/các chất chuyển hóa có được tiết vào sữa người mẹ hay không. Dữ liệu có được về dược lực học/độc tính trên động vật cho thấy sự bài tiết của Bromhexine/các chất chuyển hóa vào sữa con mẹ. Do đó không thể loại trừ nguy cơ đối với trẻ bú mẹ, không nên dùng thuốc Bisolvon trong thời gian mẹ đang cho con bú.
- Khả năng sinh sản: Chưa tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Bisolvon đến khả năng sinh sản ở người. Dựa trên kinh nghiệm tiền lâm sàng, không có dấu hiệu cho thấy Bromhexine có thể tác động đến khả năng sinh sản.
Thuốc Bisolvon thường được chỉ định làm loãng đờm trong các bệnh phế quản phổi cấp và mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn, bụi phổi, lao, giãn phế quản,… Tuy thuốc có thể bán không kê đơn nhưng hãy thận trọng tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng, nhất là những đối tượng như mẹ bầu và mẹ bỉm sữa, người suy gan thận nặng, bệnh nhân loét dạ dày-tá tràng, thể trạng yếu, suy nhược không thể ho, khạc đàm.
Xem thêm:
- Cách tiêu đờm hiệu quả tại nhà
- Cách trị tiêu đờm cho người lớn
- Cách chữa trị ho có đờm kéo dài lâu ngày hiệu quả
- Cách xử trí khi trẻ ho có đờm
- Cách tiêu đờm cho trẻ
- Cách trị ho có đờm tại nhà
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: drugbank