Thuốc đau răng sâu nào hiệu quả? Cách dùng và lưu ý

Đau răng sâu là một vấn đề phổ biến không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống. Sử dụng thuốc đau răng là một trong những biện pháp phổ biến và hiệu quả nhất giúp khắc phục và làm giảm tình trạng này. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số loại thuốc chữa đau răng qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu về đau răng

Đau răng là gì?

Đau răng là tình trạng đau ở trong hoặc xung quanh răng. Đau răng mức độ nhẹ có thể xảy ra do kích ứng nướu tạm thời và có thể điều trị tại nhà. Đau răng mức độ nghiêm trọng hơn thường là do sâu răng, nhiễm trùng hoặc các tình trạng răng miệng khác không thể tự khỏi. Người bị đau răng nghiêm trọng sẽ cần đến phòng khám nha khoa để thăm khám và điều trị.

Đau răng là tình trạng đau ở trong hoặc xung quanh răng

Nguyên nhân phổ biến gây đau răng

Tình trạng đau răng thường xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Bệnh về nướu.
  • Sâu răng.
  • Viêm tủy.
  • Suy yếu sức đề kháng.
  • Mọc răng khôn.
  • Mòn cổ chân răng.
  • Các nguyên nhân khác: Răng bị áp xe, răng bị nứt, phục hình răng bị hỏng, thói quen nghiến răng,…
Tình trạng đau răng thường xảy ra do bệnh về nướu, sâu răng hoặc viêm tủy
Tình trạng đau răng thường xảy ra do bệnh về nướu, sâu răng hoặc viêm tủy

Đau răng có nguy hiểm không? Biến chứng

Đau nhức răng kéo dài có thể mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ban đầu cơn đau răng chỉ xuất hiện ở mức độ nhẹ, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị đúng cách, răng có thể bị nhiễm trùng và lây lan sang các vị trí khác trong cơ thể, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng nghiêm trọng của đau răng thường xuất phát từ sự lây lan của nhiễm trùng từ vùng bên cạnh răng đến các mô gần đó.

  • Nhiễm trùng từ răng hàm trên có thể lan đến xoang mũi gây viêm xoang hoặc đến tĩnh mạch lớn ở gốc não gọi là xoang hang, gây ra huyết khối xoang hang.
  • Nhiễm trùng ở răng hàm dưới có thể lan xuống dưới lưỡi.
  • Nhiễm trùng ở sàn miệng dưới lưỡi có thể gây sưng dẫn đến đóng đường thở của người bệnh.
Nhiễm trùng ở răng hàm dưới có thể lan xuống dưới lưỡi
Nhiễm trùng ở răng hàm dưới có thể lan xuống dưới lưỡi

Các loại thuốc giảm đau răng hiệu quả

Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs)

Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (thường viết tắt là NSAID) là một nhóm thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. NSAID được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình phát sinh từ nhiều bệnh lý khác nhau như đau đầu, kinh nguyệt, đau nửa đầu, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, bong gân, căng cơ và đau răng.

Một số loại thuốc NSAID phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm: Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam, Naproxen, Indomethacin, Sulindac,…

NSAID là một trong những nhóm thuốc được kê đơn rộng rãi nhất, tuy nhiên chúng cũng có một số tác dụng phụ nghiêm trọng:

  • NSAID có thể làm tăng nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ. Nguy cơ này tăng theo liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Những người có tiền sử mắc bệnh tim thường có nguy cơ cao hơn và một số NSAID, chẳng hạn như Diclofenac và Celecoxib, có liên quan nhiều đến tác dụng phụ trên tim hơn những loại khác. Do đó, không bao giờ được sử dụng NSAID ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
  • Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của NSAID cũng rất phổ biến, thường liên quan đến liều lượng và thời gian điều trị. Người cao tuổi hoặc những người dùng các loại thuốc khác gây kích ứng dạ dày có nhiều khả năng gặp phải các tác dụng phụ đường tiêu hóa đe dọa tính mạng khi sử dụng NSAID, chẳng hạn như chảy máu dạ dày hoặc ruột.

Ngoài ra, hầu hết các NSAID không phù hợp với trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Ibuprofen là NSAID duy nhất được chấp thuận cho trẻ em từ ba tháng tuổi trở lên. Aspirin có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye nếu dùng cho trẻ em mắc bệnh do virus.

Hầu hết các loại NSAID không được khuyến cáo dùng trong ba tháng cuối thai kỳ hoặc trong thời gian cho con bú, trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.

NSAID được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình
NSAID được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình phát sinh từ nhiều bệnh lý khác nhau như đau đầu, kinh nguyệt, đau nửa đầu, viêm xương khớp, đau răng,…

Paracetamol

Paracetamol (Panadol, Calpol, Alvedon) là thuốc giảm đau và hạ sốt được sử dụng để làm giảm tạm thời cơn đau và sốt nhẹ đến trung bình. Thuốc này thường được đưa vào như một thành phần trong thuốc cảm lạnh, cảm cúm hoặc có thể được sử dụng riêng.

Paracetamol có bán không cần đơn (OTC) và cũng có thể bán theo đơn. Thuốc được dùng để làm giảm các tình trạng:

  • Đau đầu.
  • Đau đầu do căng thẳng.
  • Đau nửa đầu.
  • Đau lưng.
  • Đau nhức cơ và thấp khớp.
  • Viêm khớp nhẹ.
  • Thoái hóa khớp.
  • Đau răng.
  • Đau bụng kinh.
  • Triệu chứng cảm lạnh và cúm.
  • Đau họng.
  • Đau xoang.
  • Đau sau phẫu thuật.
  • Sốt.

Một lưu ý quan trọng là người bệnh không được dùng Paracetamol nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn nào khác có chứa Paracetamol hoặc Acetaminophen. Ngoài ra, cần đặc biệt thận trọng khi dùng Paracetamol để điều trị bệnh trên các đối tượng sau:

  • Người bị viêm khớp nhẹ và cần giảm đau mỗi ngày.
  • Người có vấn đề về gan hoặc thận.
  • Người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng.
  • Người uống rượu thường xuyên. Rượu có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của Paracetamol trên người bệnh.
  • Người bị nhiễm trùng nặng. Sử dụng paracetamol trên khi đang bị nhiễm trùng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa, dẫn đến các dấu hiệu gồm: thở sâu, nhanh, khó khăn, buồn nôn, nôn, chán ăn.
  • Người bị thiếu hụt Enzyme Glucose-6-phosphate dehydrogenase.
  • Người bị hen suyễn và nhạy cảm với Aspirin.
  • Người bị thiếu máu tan máu.

Khoảng cách giữa các liều Paracetamol ít nhất là 4 giờ. Không dùng quá 4 liều trong vòng 24 giờ và không được dùng liên tiếp quá 3 ngày, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt được dùng để làm giảm tạm thời cơn đau và sốt nhẹ đến trung bình
Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt được dùng để làm giảm tạm thời cơn đau và sốt nhẹ đến trung bình

Thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây tê tại chỗ là thuốc dùng để làm tê một phần nhỏ cơ thể, thường được dùng trong các ca phẫu thuật hoặc thủ thuật nhỏ, chẳng hạn như sinh thiết hoặc chăm sóc răng miệng.

Một số loại thuốc gây tê tại chỗ thường được sử dụng bao gồm: Lidocaine, Carbocaine, Bupivacaine, Mepivacaine, Cocaine, Naropin, Tetracaine,…

Khi sử dụng thuốc gây tê tại chỗ trên một khu vực, có thể mất đến vài giờ để có cảm giác trở lại. Chính vì vậy, người dùng cần phải cẩn thận để không làm tổn thương hoặc bỏng khu vực đó.

Ngoài ra, một số người có thể có phản ứng nghiêm trọng với thuốc gây tê. Thuốc có thể chảy ra ngoài vùng cần gây tê hoặc dùng quá nhiều thuốc. Những vấn đề này có thể gây ra thương tích nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, cần thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các dị ứng của người dùng, bao gồm cả tiền sử dị ứng thuốc gây tê của các thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh đó, bác sĩ cần nắm được tất cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng để chỉ định tạm ngừng thuốc khi cần thiết.

Thuốc gây tê tại chỗ là thuốc dùng để làm tê một phần nhỏ cơ thể, thường được dùng trong các ca phẫu thuật hoặc thủ thuật nhỏ
Thuốc gây tê tại chỗ là thuốc dùng để làm tê một phần nhỏ cơ thể, thường được dùng trong các ca phẫu thuật hoặc thủ thuật nhỏ

Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau răng

Khi sử dụng thuốc giảm đau răng, người bệnh cần lưu ý:

  • Dùng thuốc đúng liều, đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngưng uống rượu khi dùng thuốc.
  • Chỉ dùng thuốc cho trẻ em khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường trên dạ dày, nhất là ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc đang dùng thuốc chống đông, steroid,…
  • Kiểm tra chức năng thận định kỳ.
  • Không sử dụng thuốc quá 10 ngày nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ: không lái xe, vận hành máy móc,… sau khi uống thuốc.
  • Không tự ý sử dụng các thuốc bán theo đơn khi không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không lạm dụng thuốc.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: đánh răng 2 lần/ ngày sau bữa ăn và kiểm tra sức khỏe răng miệng 6 tháng/ lần.
Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp với sử dụng thuốc giảm đau răng để đạt được hiệu quả tốt nhất
Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp với sử dụng thuốc giảm đau răng để đạt được hiệu quả tốt nhất

Khi nào cần đến nha sĩ?

Dấu hiệu nhận biết bất thường

Khi người bệnh cảm thấy đau răng nghiêm trọng kèm theo sốt và ớn lạnh, hãy gọi cho nha sĩ hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức. Mặc dù hiếm gặp, nhưng tình trạng nhiễm trùng trong miệng có thể lan sang các vùng khác của cơ thể, bao gồm cả não và máu.

Ngoài ra, khi cơn đau răng kéo dài hoặc đã chữa trị bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn còn xuất hiện một số dấu hiệu nguy hiểm sau đây, người bệnh cũng cần đến thăm khám và điều trị nha khoa:

  • Đau đầu.
  • Sốt.
  • Cơn đau răng kèm với đau ngực.
  • Khó nuốt hoặc đau nhiều hoặc chảy máu nướu răng.
Khi người bệnh cảm thấy đau răng nghiêm trọng kèm theo sốt và ớn lạnh, cần đến nha sĩ ngay lập tức
Khi người bệnh cảm thấy đau răng nghiêm trọng kèm theo sốt và ớn lạnh, cần đến nha sĩ ngay lập tức

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Nếu gặp bất kì tình trạng đau răng nào hoặc muốn kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ, bạn đọc có thể cân nhắc lựa chọn các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa nha uy tín dưới đây:

Một số câu hỏi liên quan

Uống thuốc đau răng bao lâu thì hết?

Thông thường, các cơn đau răng đều có thời gian kéo dài khác nhau tùy theo nguyên nhân và hướng điều trị. Ví dụ, nếu người bệnh bị kích ứng nướu tạm thời, cơn đau sẽ tự hết sau một hoặc hai ngày. Nhưng nếu bị sâu răng hoặc áp xe, cơn đau có thể kéo dài hơn và chỉ giảm nhẹ khi được điều trị hợp lý.

Đau răng nên làm gì?

Người bị đau răng ngoài đến gặp nha sĩ còn có thể thực hiện các biện pháp giúp làm giảm đau răng tại nhà, bao gồm:

  • Chườm lạnh hoặc chườm đá.
  • Súc miệng bằng nước muối.
  • Dùng thuốc giảm đau răng.
  • Trị đau răng với tỏi.
  • Sử dụng đinh hương để giảm đau răng.
  • Uống trà bạc hà trị đau răng.
  • Dùng tinh dầu cỏ xạ hương (thyme) chữa đau răng.
  • Sử dụng gel lô hội.
  • Sử dụng oxy già.

Đau răng nên ăn gì?

Người bị đau răng nên kiêng ăn các thực phẩm cứng, khó nhai, đồ ngọt và cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như:

  • Gừng.
  • Tỏi.
  • Sữa chua, sữa tươi, phô mai.
  • Các loại trái cây mềm.
  • Các món ăn loãng.
  • Trà xanh.

Xem thêm:

Đau răng là tình trạng thường gặp ở nhiều đối tượng nhưng tuyệt đối không được xem nhẹ vì nếu không được chữa trị kịp thời, cơn đau răng có thể diễn tiến sang nhiễm trùng các khu vực khác, gây nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và các nhóm thuốc điều trị đau răng để phòng ngừa biến chứng hiệu quả. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ đến gia đình và bạn bè để mọi người cùng biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Nguồn tham khảo: 

1. Toothache

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10957-toothache
  • Ngày tham khảo: 16/09/2024

2. Nonsteroidal anti-inflammatory drugs

  • Link tham khảo: https://www.drugs.com/drug-class/nonsteroidal-anti-inflammatory-agents.html
  • Ngày tham khảo: 16/09/2024

3. Paracetamol

  • Link tham khảo: https://www.drugs.com/paracetamol.html
  • Ngày tham khảo: 16/09/2024

4. Local Anesthesia

  • Link tham khảo: https://www.drugs.com/cg/local-anesthesia.html
  • Ngày tham khảo: 16/09/2024
Contact Me on Zalo