Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh và những điều cần biết

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh là một hình thức giúp trẻ phòng ngừa bệnh lao vô cùng nguy hiểm do vi khuẩn lao gây ra. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về loại vaccine này trong bài viết dưới đây nhé!

TIêm phòng lao cho trẻ sơ sinh có vai trò gì?

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ mắc bệnh lao thuộc hàng cao nhất thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là vùng dịch tễ của bệnh lao. Do đó, việc tiêm phòng lao, đặc biệt là phòng ngừa lao ở trẻ sơ sinh trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết để giảm thiểu tỉ lệ mắc lao ở nước ta, giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế.

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp có nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Bệnh có khả năng lây nhiễm trực tiếp qua không khí, qua giọt bắn và qua hệ hô hấp khi tiếp xúc với người mang bệnh.

Tỉ lệ mắc bệnh hiện nay ngày càng tăng cao và có xu hướng mở rộng độ tuổi mắc bệnh. Để hạn chế con số này các tổ chức y tế đã đưa vaccine ngừa lao vào chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho tất cả các trẻ em từ giai đoạn sơ sinh. 

Lứa tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Do đó trẻ sơ sinh cần được bảo vệ bằng vaccine càng sớm càng tốt. Hơn nữa, lượng kháng thể trẻ nhận từ mẹ truyền sang trong thai kỳ và qua sữa mẹ chỉ mang tính chất tạm thời và không có khả năng bảo vệ hoàn toàn trước những mầm bệnh. Vì vậy, trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ bắt đầu ngay từ lúc sơ sinh cho tới những năm về sau theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine phòng lao cho trẻ sơ sinh BCG (Bacillus de Calmette – Guérin: BCG) được chế tạo từ vi khuẩn sống bất hoạt là một phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay trong công cuộc đẩy lùi bệnh lao. Loại vaccine này có tác dụng phòng ngừa bệnh lao rất mạnh. 

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào?

Trong vaccine BCG có chứa kháng nguyên BCG, do đó khi thuốc được đưa vào cơ thể sẽ kích thích hoạt động của hệ miễn dịch để chủ động sinh ra các kháng thể chống lại kháng nguyên xâm nhập.

Với mũi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh thì tác nhân vi khuẩn đã được làm suy yếu đi hoặc bị bất hoạt nên không thể gây ra bệnh lý cho cơ thể như vi khuẩn bình thường còn mang hoạt tính. Theo một số thống kê cho thấy có khoảng 1/1.000.000 trường hợp tiêm phòng lao bị nhiễm BCG và toàn bộ ca nhiễm đều ghi nhận ở bệnh nhân nhiễm HIV hay những đối tượng bị suy giảm miễn dịch.

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh kích thích tạo kháng thể bằng cơ chế miễn dịch qua trung gian tế bào. Phản ứng tuberculin trong da chuyển đổi từ âm tính thành dương tính chỉ với 1 liều tiêm ở trẻ sơ sinh trong 28 ngày đầu đời. Trẻ đã tiêm 1 liều BCG không cần tiêm nhắc lại, liều này chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau khi chào đời và không nên sử dụng cho trẻ quá 1 tuổi.

Vậy tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh muộn có thể gây ra hậu quả gì? Đầu tiên là chậm trễ thời gian tiêm vaccine sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm ngừa đầy đủ, thậm chí nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh. Đối với trẻ sơ sinh chưa được tiêm vì hoãn tiêm theo chỉ định thì sau đó có thể tiêm phòng lao nhưng chỉ tiêm khi trước đó bé chưa từng nhiễm lao. Còn các trường hợp nếu đã chẩn đoán chính xác trẻ nhiễm lao thì không tiêm phòng nữa.

Tiêm BCG phòng lao cho trẻ ngoài giai đoạn sơ sinh (>1 tháng tuổi) được gọi là tiêm phòng lao muộn. Trực khuẩn lao có khả năng lây qua đường hô hấp do đó trẻ chưa được tiêm phòng trong giai đoạn sơ sinh trước đó có thể bị nhiễm lao tự nhiên từ môi trường sống.

Như vậy, vaccine không thể bảo vệ trẻ và cũng góp phần làm tăng nguy cơ phản ứng phụ như viêm hạch sau tiêm. Phản ứng viêm hạch phụ thuộc vào kĩ thuật tiêm của nhân viên y tế có chính xác không và khả năng đáp ứng của cơ thể với vaccine. Khi trẻ quá tuổi sơ sinh có thể tiến hành xét nghiệm Mantoux hoặc đo kháng thể kháng lao để loại trừ trường hợp trẻ đã bị nhiễm lao tự nhiên trước khi quyết định cho trẻ tiêm BCG.

Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra một lịch trình tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh đã bỏ lỡ các mũi vaccine trước đó. Nếu trẻ đã bỏ lỡ những lần tiêm chủng theo khuyến cáo thì bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về lịch tiêm chủng bổ sung.

Sau khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh thì tỉ lệ khoảng 1/100 trẻ sẽ có phản ứng viêm hạch nách, hạch cổ hay hạch dưới đòn bên trái. Tiêm phòng lao cho trẻ muộn được ghi nhận rằng có nhiều khả năng dẫn đến phản ứng viêm hạch hơn tiêm đúng lịch. Hạch ban đầu sẽ nhỏ, sau đó to dần lên và phát hiện khi ba mẹ tắm cho bé.

Bản chất của hạch này đơn thuần là một dạng phản ứng sau tiêm chủng, không phải do bị nhiễm lao nên không cần dùng tới thuốc kháng lao để chữa trị. Hạch biểu hiện dưới 2 hình thức như sau:

  • Một hoặc nhiều hạch dính lại với nhau, mật độ cứng chắc, không đỏ, không đau và không sưng, thường không kèm theo sốt.
  • Hạch viêm sưng đỏ, lâu ngày hạch có thể vỡ và chảy mủ trong vài tháng rồi tự giới hạn sang thương.

Lưu ý khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Một câu hỏi hay được đặt ra khi ba mẹ tìm hiểu về việc tiêm ngừa lao cho con cái đó là tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh có bị sốt không. Câu trả lời là có thể có hoặc không, nếu có sốt thì đó cũng là một phản ứng bình thường của cơ thể.

  • Cho trẻ khám sàng lọc kỹ càng trước khi được tiêm để đảm bảo hiệu quả mũi tiêm và sự an toàn của bé. Lựa chọn trung tâm tiêm chủng uy tín, chất lượng.
  • Chuẩn bị cho bé trang phục quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, không quá no và cũng không để trẻ bụng đói để tránh trường hợp trẻ bị đầy bụng, nôn ói, hạ đường huyết khi tiêm.
  • Theo dõi trẻ trẻ tại cơ sở tiêm phòng tối thiểu 30 phút sau tiêm để kiểm tra liệu bé có phản ứng như phản vệ với thuốc tiêm hay có các dấu hiệu bất thường khác hay không.
  • Theo dõi liên tục trong 4 ngày đầu sau tiêm để phát hiện kịp thời các triệu chứng như sốt, nhiễm trùng vết tiêm, mưng mủ…
  • Khi phát hiện tẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể trẻ thì phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Docosan hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn đọc biết được tầm quan trọng của tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh trong công cuộc đẩy lùi bệnh lao. Các bậc cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ liệu trình sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Tuberculosis Vaccines, CDC.

Có thể bạn quan tâm