Tiêm phòng viêm gan A như thế nào? Có cần thiết không?

Tiêm phòng viêm gan A là biện pháp phòng bệnh quan trọng, giúp ngắn ngừa mắc bệnh Viêm gan A do virus viêm gan A gây ra và lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Hiện nay có 2 nhóm vắc-xin phòng viêm gan A đã được đưa vào sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng, đó là vắc-xin phòng viêm gan A đơn thuần và vắc-xin phối hợp phòng viêm gan A và viêm gan B. Hãy cùng Docosan tìm hiểu kĩ hơn về tiêm phòng viêm gan A qua bài viết dưới đây.

Vì sao cần tiêm phòng viêm gan A?

Viêm gan A là một bệnh viêm gan cấp tính gây ra bởi virus viêm gan A (HAV).

tiêm phòng viêm gan a
Tiêm phòng viêm gan A như thế nào? Có cần thiết không?

HAV lây từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa từ thực phẩm, nước hoặc các vật thể bị nhiễm HAV hoặc do tiếp xúc với phân của người bị nhiễm bệnh nếu họ không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.

Các triệu chứng của viêm gan A có thể bao gồm:

  • Triệu chứng toàn thân: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn và/hoặc đau khớp;
  • Đau bụng và tiêu chảy nghiêm trọng nhưng chủ yếu gặp nhiều ở trẻ em;
  • Vàng da hoặc mắt, nước tiểu sẫm màu, phân có màu đất sét.

Sau khi virus xâm nhập cơ thể, bệnh nhân thường không có biểu hiện gì nổi bật. Những triệu chứng kể trên sẽ thường xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi tiếp xúc và thường kéo dài dưới 2 tháng, mặc dù một số người có thể bị bệnh trong vòng 6 tháng.

Viêm gan A cấp tính khiến bệnh nhân trở nên ốm yếu, mệt mỏi. Virus viêm gan A làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng gan. Nếu không được phòng ngừa và phát hiện kịp thời, bệnh sẽ có thể dẫn đến suy gan cấp và tử vong, đặc biệt phổ biến ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và có kèm theo một số bệnh gan khác như viêm gan B hay viêm gan C.

Cho đến nay, vẫn cho chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm gan A. Thay vào đó, mục tiêu điều trị chủ yếu vẫn là đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và tránh tổn thương gan vĩnh viễn.

Từ cách lây lan dễ dàng đến những hậu quả nặng nề do bệnh mang lại và cách điều trị vẫn chưa cụ thể thì ta có thể thấy việc tiêm phòng viêm gan A là cần thiết để tránh rủi ro đồng thời bệnh không trở nặng nếu chẳng may bị lây nhiễm các loại viêm gan khác.

Tiêm phòng viêm gan A đã giúp giảm thiểu đáng kể số lượng ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Ở Hoa Kỳ, lượng người nhiễm virus HAV đã giảm tới 95% kể từ khi vắc-xin phòng viêm gan A được đưa vào sử dụng năm 1995.

Vắc-xin phòng viêm gan A có chứa virus viêm gan A đã được phân lập và làm bất hoạt. Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết và sinh ra các kháng thể. Sau khi đã có kháng thể, cơ thể chúng ta sẽ “ghi nhớ” loại virus này.

Nếu trong quá trình sống, tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ lây nhiễm, virus viêm gan A xâm nhập vào cơ thể, các tế bào sẽ có thể nhận biết và sản sinh nhanh chóng kháng thể chống lại virus viêm gan A, virus sẽ không có cơ hội để nhân lên và gây bệnh. Nhờ đó, người đã tiêm đúng và đủ liều vắc-xin phòng viêm gan A trước đó sẽ không bị mắc bệnh.

Vắc-xin phòng viêm gan A được chứng nhận là chế phẩm an toàn bởi có ít tác dụng phụ nghiêm trọng, nếu có thì cũng nhẹ và có thể tự hết sau vài ngày. Các tác dụng phụ thường gặp có thể là: Đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm; sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… thường rất hiếm gặp.

Tiêm phòng viêm gan A như thế nào?

tiêm phòng viêm gan a
Tiêm phòng viêm gan A như thế nào? Có cần thiết không?

Đối tượng nên tiêm

  • Trẻ em từ 12 tháng tuổi
  • Người đi du lịch đến vùng có dịch bệnh lưu hành
  • Trong gia đình có người mắc bệnh viêm gan A
  • Làm việc trong phòng thí nghiệm có nghiên cứu virus viêm gan A
  • Những đối tượng nghề nghiệp có nguy cơ phơi nhiễm: nhân viên làm công tác chăm sóc phục vụ trẻ em tàn tật, nhân viên xử lý nước thải và thực phẩm công nghiệp…
  • Những người đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm: truyền dịch nhiều lần, tiêm tĩnh mạch…
  • Khách du lịch đến các quốc gia – nơi viêm gan A phổ biến.
  • Gia đình và người chăm sóc người nhận con nuôi từ các quốc gia – nơi viêm gan A phổ biến.
  • Quan hệ tình dục (đồng giới hay khác giới) với nhiều hơn một bạn tình hoặc không biết rõ tình trạng bạn tình.
  • Người làm trong môi trường tiếp xúc với kim tiêm và máu: hộ lý, y tá, bác sĩ, sinh viên y khoa.
  • Những người bị bệnh gan mãn tính hoặc lâu dài, bao gồm viêm gan B hoặc viêm gan C.
  • Người bị rối loạn yếu tố đông máu.
  • Sử dụng ma túy.
  • Hoặc bất cứ ai muốn có được miễn dịch phòng bệnh viêm gan A.

Đối tượng không nên tiêm

  • Người có tiền sử hoặc nguy cơ dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin ngừa viêm gan A hay bất kì loại vắc-xin nào.
  • Người đang mắc các bệnh cấp tính, sốt cao.
  • Người vừa được điều trị hoặc đang điều trị bằng bất cứ loại thuốc nào cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin.

Thời điềm tiêm và số mũi cần tiêm

Theo khuyên cáo lịch tiêm viêm gan A cho trẻ và người lớn như sau:

  • Người lớn: tiêm 2 mũi, trong đó mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên 6-12 tháng.
  • Trẻ em: tiêm mũi đầu tiên lúc trẻ từ 1 tuổi đến 15 tuổi, mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên 6-18 tháng.
tiêm phòng viêm gan a
Tiêm phòng viêm gan A như thế nào? Có cần thiết không?

Tiêm phòng viêm gan A giá bao nhiêu?

Tùy vào loại vắc-xin mà bạn lựa chọn cũng như tùy thuộc vào nơi bạn tiêm ngừa giá cả sẽ có sự chênh lệch. Tuy nhiên nhìn chung, các mũi tiêm phòng viêm gan A sẽ có giá dao động như sau:

  • Havax (Việt Nam): Vắc-xin phòng viêm gan A: từ 230.000 đồng
  • Avaxim 80UI (Pháp): Vắc-xin phòng viêm gan A trẻ em: từ 470.000 đồng
  • Twinrix (Bỉ): Vắc-xin phòng viêm gan A + viêm gan B: từ 550.000 đồng

Viêm gan A là một bệnh viêm gan cấp tính gây ra bởi virus viêm gan A (HAV). Khả năng lây lan nhanh, hậu quả khó tránh đặc biệt là ở người trên 50 tuổi, phương pháp điều trị chưa đặc hiệu là những yếu tố cho thấy việc tiêm phòng viêm gan A là vô cùng quan trọng. Trẻ em từ đủ 12 tháng tuổi đến người lớn chưa có kháng thể phòng bệnh nên tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm gan A ngay nhé.

Nguồn: vnvc.vn