Viêm cầu thận: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm cầu thận có hai dạng là cấp tính và mạn tính với nguyên nhân, triệu chứng và tiến triển khác nhau. Viêm cầu thận có thể dẫn đến tổn thương thận không hồi phục, dẫn đến suy thận mạn. Docosan mời quý độc giả tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn về bệnh viêm cầu thận.

Viêm cầu thận là gì?

Mỗi thận tồn tại khoảng 1 triệu cầu thận, những cấu trúc tí hon với chức năng lọc các chất thải trong máu và đưa vào nước tiểu để bài trừ ra ngoài cơ thể. Viêm cầu thận xảy ra khi những cấu trúc lọc này bị viêm, tiến triển của bệnh có thể đột ngột (viêm cầu thận cấp tính) hoặc dần dần (viêm cầu thận mạn tính).

Viêm cầu thận có thể diễn ra do vấn đề của bản thân các cầu thận này, hoặc do một bệnh lý khác làm ảnh hưởng đến cầu thận như đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tình trạng viêm này nếu nặng nề hoặc kéo dài có thể gây tổn thương thận. Việc điều trị cũng tùy thuộc vào loại viêm cầu thận mà bạn mắc phải.

viem-cau-than
Hình ảnh viêm cầu thận

Nguyên nhân gây viêm cầu thận

Nguyên nhân gây ra hai thể của viêm cầu thận (cấp và mạn) có những khác biệt.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp có thể là một phản ứng từ một nhiễm trùng ở nơi khác như viêm họng do liên cầu hoặc áp-xe răng. Nó cũng có thể do rối loạn hệ thống miễn dịch trong cơ thể dẫn đến đáp ứng quá mức với tình trạng nhiễm trùng. Những trường hợp này có thể tự thoái lui mà không cần điều trị. Nếu không khỏi, việc can thiệp là cần thiết để tránh những tổn thương dài hạn cho thận.

Một số bệnh lý được biết đến như nguyên nhân gây ra viêm cầu thận cấp, bao gồm:

  • Viêm họng do liên cầu khuẩn
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là bệnh lupus)
  • Hội chứng Goodpasture, một bệnh tự miễn hiếm gặp với tình trạng các kháng thể tự tấn công thận và phổi chúng ta
  • Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis), xảy ra khi có những proteins bất thường gây sự tích tự các chất độc hại trong khắp các cơ quan và mô trong cơ thể
  • Bệnh u hạt với viêm đa mạch (trước đây được gọi là bệnh u hạt Wegener), một bệnh hiếm gặp gây viêm các mạch máu
  • Bệnh viêm nút quanh động mạch (hay viêm đa động mạch nút), xảy ra khi hệ thống miễn dịch rối loạn và tấn công vào các động mạch.

Việc lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như ibuprofen (Advil) hay naproxen (Aleve) cũng có thể là một yếu tố nguy cơ. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về liều lượng và thời gian điều trị trong một đợt với những thuốc này, và tốt nhất là nên có sự giám sát của bác sĩ.

Nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn

Thể mạn tính của viêm cầu thận có thể phát triển hàng năm trời mà không có hoặc có rất ít triệu chứng. Thể này có thể gây ra những tổn thương không hồi phục cho thận, cuối cùng dẫn đến suy thận hoàn toàn.

Không phải luôn tìm được nguyên nhân của viêm cầu thận mạn. Đôi khi nguyên nhân là một bệnh di truyền. Những trường hợp di truyền này thường gặp ở người nam trẻ tuổi với khả năng nghe và nhìn kém. Một số nguyên nhân khả dĩ khác bao gồm:

  • Bệnh rối loạn miễn dịch
  • Tiền sử ung thư
  • Phơi nhiễm với các dung môi hydrocarbon

Bên cạnh đó, việc mắc những đợt viêm cầu thận cấp làm tăng khả năng tiến triển thành viêm cầu thận mạn sau này.

Triệu chứng viêm cầu thận

Triệu chứng của viêm cầu thận cấp tính

Dạng cấp tính phát triển đột ngột. Viêm cầu thận cấp tính có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng ở cổ họng hoặc trên da. Đôi khi, bạn có thể tự mình hồi phục. Nhưng nếu không may mắn, thận của bạn có thể ngừng hoạt động đột ngột, trừ khi được điều trị kịp thời. Các triệu chứng ban đầu của một bệnh cảnh cấp tính là:

  • Sưng phù vùng mặt vào buổi sáng
  • Tiểu ra máu (nước tiểu màu nâu như nước xá xị)
  • Đi tiểu ít hơn bình thường

Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở hoặc ho vì lượng dịch dư thừa bị tích tụ trong phổi. Huyết áp của bạn cũng có thể tăng cao. Nếu trải qua những triệu chứng này, bạn hãy liên hệ hỗ trợ y tế ngay.

Triệu chứng của viêm cầu thận mạn tính

Dạng mạn tính thường tiến triển âm thầm (không có triệu chứng) trong nhiều năm. Nó thường dẫn đến suy thận hoàn toàn. Những dấu hiệu sớm bao gồm:

  • Có máu hoặc đạm trong nước tiểu (tiểu máu, tiểu đạm)
  • Cao huyết áp
  • Sưng phù vùng mắt cá chân hoặc mặt
  • Đi tiểu đêm thường xuyên
  • Nước tiểu có rất nhiều bọt

Triệu chứng của suy thận

  • Chán ăn
  • Buồn nôn, nôn
  • Mệt mỏi kéo dài
  • Khó ngủ
  • Da khô và ngứa
  • Vọp bẻ cơ vào ban đêm

Biến chứng của viêm cầu thận có thể gặp phải

Một số biến chứng mà viêm cầu thận gây nên là:

  • Suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp)
  • Suy thận mạn (hay bệnh thận mạn)
  • Tăng huyết áp
  • Hội chứng thận hư

Chẩn đoán viêm cần thận như thế nào

Cơ sở để chẩn đoán bệnh viêm cầu thận là dựa vào triệu chứng người bệnh cảm thấy và các dấu hiệu bác sĩ phát hiện khi khám. Dấu hiệu khác là tìm ra máu hoặc protein trong nước tiểu. Xét nghiệm máu là cần thiết để bác sĩ xác định được bệnh và mức độ tổn thương chức năng thận.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh trong một số trường hợp, việc sinh thiết thận là cần thiết. Trong thủ thuật này, một mẫu mô nhỏ từ thận của người bệnh sẽ được lấy ra ngoài bằng một cây kim đặc biệt, sau đó được quan sát dưới kính hiển vi. Việc sinh thiết còn giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Điều trị viêm cầu thận ra sao ?

Viêm cầu thận cấp có thể tự thoái lui. Nhưng nhiều trường hợp vẫn cần can thiệp y tế như thuốc hoặc thậm chí lọc máu nhân tạo (chạy thận) tạm thời để loại trừ các chất thải độc hại trong cơ thể và để kiểm soát huyết áp cao và suy thận. 

Kháng sinh có thể cần thiết trong những trường hợp viêm cầu thận cấp liên quan đến nhiễm trùng. Nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc liều cao, nhưng có tác dụng phụ là ức chế hệ miễn dịch. 

Không có điều trị đặc hiệu dành cho dạng mạn tính của bệnh này. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn như sau:

  • Ăn ít đạm, muối và kali
  • Kiểm soát huyết áp 
  • Uống thuốc lợi tiểu để trị chứng sưng phù
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung calcium 

Bác sĩ chữa viêm cầu thận giỏi

Cách phòng tránh viêm cầu thận

Hiện tại rất khó để khẳng định có thể phòng tránh hoàn toàn viêm cầu thận. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp ích:

  • Điều trị thích hợp đối với những nhiễm trùng liên cầu khuẩn ở họng hoặc da
  • Kiểm soát bệnh tăng huyết áp (nếu có) sẽ giúp giảm tổn thương cho thận
  • Kiểm soát đường huyết để ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến của bệnh thận đái tháo đường
  • Để ngăn ngừa nhiễm trùng có thể dẫn đến một số dạng viêm cầu thận, chẳng hạn như HIV và viêm gan, hãy tuân thủ các hướng dẫn về sinh hoạt tình dục an toàn và tránh sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch.

Viêm cầu thận cấp đôi khi có thể tự khỏi, nhưng vẫn có nhiều trường hợp nghiêm trọng cần can thiệp y tế. Trong khi viêm cầu thận mạn tính diễn tiến âm thầm và có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng thận không hồi phục. Hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích giúp bạn nhận biết những dấu hiệu sớm của viêm cầu thận cấp và mạn tính để tham vấn bác sĩ kịp thời.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Nguồn tư liệu tham khảo