Bí tiểu ở người già: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Bí tiểu ở người già hiện nay ngày càng trở nên phổ biến, tưởng như đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng nghiêm trọng nếu không được khám và điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân bí tiểu cấp ở người già là gì? Cách chữa bí tiểu ở người già ra sao? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về bệnh bí tiểu ở người già

Bí tiểu là một tình trạng có thể xảy ra với cả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn những người lớn tuổi, nhất là nam giới.

Khi già đi, con người có xu hướng mắc phải những vấn đề sức khỏe nhiều hơn, trong đó những  bệnh lý về đường tiết niệu phổ biến thứ ba ở nhóm bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên. Thống kê cho thấy, tỉ lệ bí tiểu ở người già (từ 40 đến 83) được ước tính là 4,5 – 6,8 người trong mỗi 1.000 người hàng năm. Ở những người 80 trở lên, tỉ lệ bí tiểu chiếm hơn 30%.

Bí tiểu ở người già được định nghĩa là tình trạng bàng quang không thể đào thải hết lượng nước tiểu ra ngoài, được phân thành hai loại dựa vào thời gian kéo dài của chúng là cấp và mãn tính như sau:

  • Bí tiểu cấp tính: diễn ra đột ngột, kéo dài trong thời gian rát ngắn, bệnh nhân hoàn toàn không đi tiểu được dù đã có cảm giác căng tức bàng quang. Bí tiểu cấp tính phổ biến ở nhóm đối tượng  nam giới lớn tuổi. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bí tiểu cấp tính là 10%  nam giới trên 70 tuổi và  khoảng 33% nam giới ở trên 80 tuổi.
  • Bí tiểu mãn tính: diễn tiến từ từ, thầm lặng theo thời gian. Bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu nhưng mỗi lần tiểu không thải hết được lượng nước tiểu ra ngoài. Vì triệu chứng diễn ra âm thầm không rầm rộ, nhiều người thậm chí không biết là mình mắc bệnh vì không phát hiện được bất kì triệu chứng bí tiểu nào.

Độ nghiêm trọng của bí tiểu ở người già:

Bí tiểu ở người già cấp tính là một tình trạng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân. Dòng chảy tự nhiên của nước tiểu bị gián đoạn và ảnh hưởng đến chức năng bình thường của hệ tiết niệu, hậu quả là những cơn đau quặn bụng dữ dội do bàng quang chứa đầy nước tiểu và liên tục bị căng ra.

Mặt khác, bí tiểu mãn tính diễn ra thầm lặng và từ từ, nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm trùng tiết niệu: Nước tiểu nếu không được thải toàn bộ ra ngoài sẽ là tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn thường trú vô hại ở niệu đạo sinh sôi và đi ngược lên bàng quan gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Tổn thương bàng quang: bàng quang bị căng giãn quá mức trong thời gian dài (do phải chứa lượng nước tiểu sót lại sau mỗi lần đi tiểu), về lâu về dài sẽ gây tổn thương các cơ trong bàng quang và không còn khả năng co bóp chính xác như trước.
  • Tiểu không tự chủ: Khi bàng quang không thải được hoàn toàn lượng nước tiểu, đồng thời các cơ vòng cổ bàng quang đã bị giảm chức năng, có thể dẫn đến tình trạng rò rỉ nước tiểu liên tục ra bên ngoài, còn gọi là bệnh tiểu không tự chủ.
  • Thận ứ nước: nước tiểu còn sót lại sau mỗi lần tiểu không hết sẽ tích tụ dần và trào ngược qua niệu quản, lên thận và dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh thận mạn, thậm chí suy thận.

Chính vì thế, bí tiểu ở người già là một bệnh lý rất cần được quan tâm.

Bí tiểu ở người già
Thận ứ nước

Nguyên nhân bí tiểu ở người già

Các nguyên nhân gây bí tiểu ở người già được phân loại thành những nhóm chính như sau:

Tắc nghẽn

Khi có sự tắc nghẽn ở đường tiểu dưới hoặc ở cổ bàng quang, có thể dẫn đến tình trạng bí tiểu. Nguyên nhân tắc nghẽn có thể do phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, sỏi bàng quang hoặc một khối u tử cung chèn ép vào cổ bàng quang làm tắc nghẽn đường ra của nước tiểu. Ở người cao tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn niệu đại là phì đại tiền liệt tuyến.

Bí tiểu ở người già
Bí tiểu do phì đại tuyến tiền liệt

Do viêm và nhiễm trùng

Bất kì nhiễm trùng tiết niệu nào cũng có khả năng dẫn đến bí tiểu ở người già. Một số tình trạng nhiễm trùng có thể gây bí tiểu ở người già bao gồm: viêm bao quy đầu; viêm tuyến tiền liệt; áp xe tuyến tiền liệt; viêm âm đạo; pemphigus âm đạo; lichen phẳng âm đạo; nhiễm sán máng; nhiễm herpes simplex; viêm bàng quang; viêm niệu đạo;…

Tổn thương thần kinh

Khi lớn tuổi, chúng ta dễ bị bí tiểu do các tổn thương thần kinh vì chúng sẽ lão hóa theo thời gian. Khi đó, việc hoạt động không chính xác của các dây thần kinh làm rối loạn điều hòa co bóp cơ bàng quang, khiến nó không thể co bóp đúng như ý muốn và không thải được hết lượng nước tiểu ra ngoài.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây bí tiểu ở người già, chúng tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh, các thụ thể cholinergic và muscarinic, bao gồm các loại sau:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc cường hệ adrenergic
  • Thuốc kháng histamin
  • Thuốc chống loạn nhịp tim
  • Thuốc trị tăng huyết áp
  • Thuốc giãn cơ

Nguyên nhân còn lại:

  • Chấn thương gãy hoặc rách dương vật
  • Rối loạn hoạt động cơ vòng niệu đạo
  • Chấn thương vùng chậu gây đứt cổ bàng quang và niệu đạo sau; biến chứng hậu phẫu.

Triệu chứng bí tiểu ở người già

Bí tiểu ở người già cấp tính

  • Tình trạng bí tiểu xảy ra đột ngột
  • Người bệnh cảm giác buồn tiểu những không thể tiểu được
  • Xuất hiện nhũng cơn đau quặn dữ dội và gây khó chịu vùng hạ vị (bụng dưới)
  • Khi thăm khám, người bệnh có thể sờ thấy bàng quang căng phồng, căng tức bụng dưới
  • Có thể hôn mê hoặc sốt cao (biểu hiện tình trạng nhiễm trùng)

Bí tiểu ở người già mãn tính

  • Tình trạng bí tiểu xuất hiện âm thần và tiến triển trong thời gian dài
  • Người bệnh đi tiểu nhiều lần trong ngày, trung bình khoảng trên 8 lần
  • Lượng nước tiểu ít
  • Cảm giác buồn tiểu xảy ra ngay sau khi vừa mới tiểu xong
  • Mất ngủ do phải thức giấc nhiều lần ban đêm để đi tiểu
  • Hay bị ướt quần do nước tiểu rịn ra từ từ
  • Không biết cảm giác khi bàng quang đầy nước.
Bí tiểu ở người già
Mất ngủ do tiểu đêm

Điều trị bí tiểu ở người già

Điều trị bí tiểu cấp tính ở người già

Bí tiểu cấp tính ở người già là tình trạng khẩn cấp, bác sĩ sẽ đặt ống một thông tiểu để giải áp cho bàng quang bằng cách thải nước tiểu từ từ ra ngoài.

Với những bệnh nhân có chống chỉ định đặt thông tiểu như phẫu thuật đường tiết niệu gần đây, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật tái tạo niệu đạo thì có phương pháp thay thế đó là chọc hút nước tiểu trên xương mu để giải áp cho bàng quang.

Sau khi đã giải áp, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu trở lại, và ổn định thể trạng. Sau đó bác sĩ mới tiến hành hỏi kỹ lại bệnh sử, thăm khám và cho một số xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị phù hợp với nguyên nhân.

Bí tiểu ở người già
Điều trị bí tiểu cấp tính ở người già

Điều trị bí tiểu mãn tính ở người già

Bí tiểu mãn tính ở người già sẽ được cân nhắc điều trị nếu các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhất là người đang gặp các biến chứng ở đường tiết niệu. Những phương pháp điều trị bí tiểu mãn tính bao gồm:

  • Đặt ống thông tiểu: giống như bí tiểu cấp tính, người bệnh cần được đặt ống để có thể thải toàn bộ lượng nước tiểu khỏi bàng quang của mình, trừ khi nguyên nhân gây bí tiểu là tắc nghẽn hoặc bị chèn ép. Tuy nhiên, việc lưu ống thông tiểu trong thời gian dài có thể gây nhiễm trùng tiểu cho bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cố không giữ ống thông tiểu quá lâu mà sẽ cân nhắc rút càng sớm càng tốt.
  • Nong niệu đạo, đặt stent: Phương pháp này nhằm mở rộng niệu đạo bị hẹp, từ đó giúp nước tiểu thải ra ngoài dễ hơn.
  • Nội soi bàng quang: Thủ thuật tìm các nguyên nhân tắc nghẽn như sỏi và dị vật trong bàng quang, niệu đạo để gắp bỏ chúng, nhằm làm thông thoáng đường ra của nước tiểu.
  • Thuốc: bác sĩ có thể cho bệnh nhân bí tiểu sử dụng các loại thuốc như: kháng sinh khi nhiễm trùng tiết niệu, thuốc làm giãn cơ vòng niệu đạo, thuốc làm giảm kích thước của tuyến tiền liệt.
  • Thay đổi hành vi: Bệnh nhân cần uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày, tập các bài tập cơ sàn chậu, ăn uống các thức ăn có lợi cho sức khỏe….
  • Phẫu thuật: Nếu các liệu pháp điều trị nêu trên không hiệu quả, có thể bác sĩ sẽ phẫu thuật khắc phục nguyên nhân gây bí tiểu cho bệnh nhân. Việc có thực hiện phẫu thuật hay không còn phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân, độ tuổi và nguyên nhân gây bí tiểu.
Bí tiểu ở người già
Đặt thông tiểu điều trị bí tiểu ở người già

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về Bí tiểu ở người già: 1 số nguyên nhân, triệu chứng, điều trị tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.comwebmd.com

Contact Me on Zalo