Các cấp độ suy thận có dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm khác nhau, dẫn đến tiên lượng bệnh và cách điều trị thay đổi dựa vào từng cấp độ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về cách phân độ suy thận trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Có bao nhiêu các cấp độ suy thận?
Suy thận có mấy cấp độ là câu hỏi được quan tâm khi tìm hiểu về bệnh lý suy thận. Cách phân chia độ suy thận hiện nay dựa vào khả năng đào thải độc chất và bài tiết của thận. Trước khi tìm hiểu về các cấp độ suy thận, hãy điểm lại các thông tin tổng quát về bệnh suy thận để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé.
Suy thận là bệnh lý xảy ra khi thận không thể loại bỏ được các chất thải như bình thường, đồng thời lượng nước cũng không được bài tiết tối ưu. Đây là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt khi bệnh xảy ra ở giai đoạn cuối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người bệnh, chi phí điều trị tốn kém. Các cấp độ suy thận mức độ nhẹ (độ 1,2) thường không gây ra triệu chứng, khó phát hiện. Đa số bệnh nhân phát triệu chứng khi đã ở cấp độ nặng.
Nguyên nhân gây suy thận:
- Nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy thận hiện nay là bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
- Các bệnh lý nguyên phát tại thận như viêm cầu thận, nhiễm trùng thận, sỏi thận và thận đa nang cũng là những yếu tố nguy cơ gây suy thận.
- Một số loại thuốc thải qua đường niệu có thể gây suy thận nếu sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng quá liều.
Các cấp độ suy thận theo tiểu chuẩn:
- Suy thận độ 1: GFR bình thường hoặc cao (GFR> 90 ml/phút/1,73m²)
- Suy thận độ 2: GFR 60 – 89 ml/phút/1,73m²
- Suy thận độ 3: gồm độ 3A (GFR trong khoảng 45 – 59 ml/phút/1,73m²) và 3B (GFR 30 – 44 ml/phút/1,73m²)
- Suy thận độ 4: GFR trong khoảng 15 – 29 ml/phút/1,73m²
- Suy thận độ 5: GFR <15 ml/phút/1,73m²
Nhận biết các cấp độ suy thận như thế nào?
Suy thận độ 1
Đây là độ suy thận nhẹ nhất, người bệnh hầu như không xuất hiện triệu chứng và tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát hoặc xét nghiệm vì một bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu đã phát hiện suy thận cấp độ 1, người bệnh cần phải duy trì lôi sống lành mạnh và thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe để bệnh không gây bệnh độ nặng hơn.
Suy thận độ 2
Thận yếu độ 2 cũng được xem như trong giai đoạn nhẹ, triệu chứng ít xuất hiện tuy nhiên người bệnh cần cảnh giác cao hơn độ 1. Biện pháp điều trị là duy trì lối sống lành mạnh, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để theo dõi sức khỏe thường xuyên, thực hiện điều trị khi cần thiết.
Suy thận độ 3
Suy thận ở cấp độ 3 được xem là bệnh mức độ vừa, triệu chứng có thể xuất hiện với tần số cao hơn độ 2. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt tương đối bình thường trong cấp độ 3 tuy nhiên kiểm soát về các biện pháp điều trị chặt chẽ hơn, vì nếu bệnh tiến sang độ 4 sẽ ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân có thể bị phù tay chân, cảm giác ngứa thường xuyên, đau lưng và đi tiểu nhiều lần trong giai đoạn này.
Suy thận độ 4
Bệnh thận cấp độ 4 được coi là suy thận mức độ nặng. Chức năng thận trong giai đoạn này đã suy yếu đáng kể nhưng chưa suy giảm hoàn toàn. Tùy vào cụ thể từng case bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ có phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Trong giai đoạn này bệnh có thể gây các biến chứng như tăng huyết áp, thiếu máu, biến chứng xương khớp, hạ natri máu,…
Suy thận độ 5
Bệnh thận cấp độ 5 thận của người bệnh bị suy hoàn toàn. Đặc trưng trong cấp độ 5 là người bệnh sẽ mắc phải hội chứng tăng ure huyết gây rối loạn chuyển hóa ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Trong các cấp độ suy thận thì độ 5 là nặng nề nhất, yêu cầu điều trị can thiệp chuyên sâu như chạy thận lọc máu, ghép thận.
Mức độ nguy hiểm các cấp độ suy thận?
Các cấp độ suy thận khác nhau sẽ gây ra các biến chứng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu độ 1,2 bệnh ở thể nhẹ, không thật sự nguy hiểm nếu người bệnh duy trì các nguyên tắc điều trị như duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên ở mức độ 3, đặc biệt là độ 4 và 5 bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:
Thiếu máu
Thiếu máu là biến chứng phổ biến ở các cấp độ suy thận 3, 4 và 5. Bệnh nhân có thể thiếu máu nhẹ thoáng qua trong giai đoạn đầu, nhưng ở giai đoạn cuối nên không can thiệp điều trị kịp thời sẽ gây thiếu máu nặng, ảnh hưởng sức khỏe tim mạch và chức năng sống của cơ thể. Nguyên nhân thiếu máu là do thận đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tạo ra hồng cầu, khi thận suy chức năng này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Bệnh lý xương khớp
Thận khỏe mạnh giúp cân bằng các chất canxi, vitamin D, phosphor để giúp cho hệ xương khớp chắc khỏe. Khi thận suy yếu, chức năng này bị suy giảm, làm mất cân bằng các yếu tố tạo xương và hủy xương do hàm lượng các chất kể trên không được duy trì ổn định. Đặc biệt tích tụ canxi sẽ gây vôi hóa, nguy hiểm nhất là vôi hóa mạch máu gây tắc mạch. Tăng phosphor cũng là biến chứng nguy hiểm trong suy thận.
Bệnh lý tim mạch
Thận và tim mạch là hai cơ quan mật thiết với nhau do đó khi mắc phải bệnh thận hệ tim mạch có khả năng cao bị ảnh hưởng. Thường xuyên gặp phải đó là tăng huyết áp, thiếu máu , giảm oxy máu, tắc mạch và các bệnh tim mạch khác. Biến chứng tim mạch dễ gây tử vong ở bệnh nhân suy thận do đó cần kiểm tra theo dõi sức khỏe tim mạch của bệnh nhân suy thận.
Tích trữ nước trong cơ thể
Khi thận suy yếu sẽ giảm khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa và các chất độc ra khỏi cơ thể. Từ đó gây tích tụ dịch ở nhiều nơi, tích trữ nước ở gian bào gây phù. Điều này có thể dẫn tới các biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, phù phổi cấp,… Người bệnh thận cần kiêng và ăn ít muối để tránh làm cho các biến chứng này nặng nề hơn.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Các cấp độ suy thận: dấu hiệu và mức độ nguy hiểm”. Dù mắc bệnh ở cấp độ nào, người bệnh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị để cải thiện sức khỏe, làm chậm diễn tiến bệnh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: healthline.com