Sỏi niệu quản: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Sỏi niệu quản là một trong những căn bệnh thường gặp nhất của chuyên khoa ngoại tiết niệu. Bệnh đặc trưng bởi “cơn đau quặn thận” rất điển hình và có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh. Docosan mời bạn tham khảo bài viết này để biết thêm về cách phòng ngừa sỏi niệu quản cũng như phương tiện chẩn đoán và cách điều trị hiện nay đối với bệnh này.

Sỏi niệu quản là gì?

Sỏi niệu quản bản chất là những khối tinh thể thường được hình thành ở thận (gọi là sỏi thận) và bị kẹt lại ở trong lòng của một hoặc cả hai niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. 

Nhiều sỏi thận có kích thước rất nhỏ và khó nhìn thấy bằng mắt thường, dễ dàng đi theo nước tiểu ra ngoài cơ thể mà không gây vấn đề gì. Nếu viên sỏi đủ lớn, nó có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ra cơn đau dữ dội và có thể gây suy thận cấp nếu xử trí chậm trễ.

Ba vị trí sỏi niệu quản thường gặp nhất

Sỏi niệu quản gây ra triệu chứng gì?

Triệu chứng thường gặp và đặc trưng nhất của sỏi niệu quản là đau. Cơn đau điển hình là ở vùng bụng dưới hoặc vùng hông lưng, ngay bên dưới các xương sườn cuối cùng. Cơn đau có thể rất dữ dội, ngắt quãng (nên được gọi là “cơn đau quặn thận” hay “cơn đau bão thận”), nhưng đôi khi cũng đau nhẹ và không quặn từng cơn. 

Những triệu chứng khác có thể gặp:

  • Nôn, buồn nôn
  • Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu ra máu, nước tiểu có màu đỏ/nâu sậm
  • Sốt

Khi gặp một trong những triệu chứng trên, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Cơn đau quặn thận” hay “cơn đau bão thận”

Nguyên nhân của sỏi niệu quản là gì?

Sỏi niệu quản được hình thành khi những tinh thể trong nước tiểu tập hợp lại và tăng dần kích thước. Chúng thường được hình thành ở thận trước khi đi xuống phần thấp hơn của đường dẫn nước tiểu, bao gồm niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Không phải tất cả sỏi niệu quản đều tạo thành từ một loại tinh thể. Sỏi niệu quản (hay sỏi thận) có thể được tạo thành từ nhiều loại tinh thể với bản chất và màu sắc khác nhau. Biết được loại sỏi còn giúp điều trị tốt hơn và áp dụng được biện pháp phòng ngừa tái phát thích hợp. 

  • Sỏi calcium: loại sỏi phổ biến nhất, do cơ thể thiếu nước và chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất oxalate.
  • Sỏi acid uric: hình thành khi nước tiểu có tính acid, thường gặp ở nam và người mắc bệnh gout.
  • Sỏi struvite: liên quan những đợt nhiễm trùng đường tiểu tái đi tái lại và thường gặp ở nữ hơn.
  • Sỏi cystein: loại sỏi ít gặp nhất, gặp ở người mắc bệnh tiểu cystine, một bệnh di truyền.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc sỏi niệu (hay sỏi thận, sỏi niệu quản) bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình bạn có cha mẹ hoặc anh chị em mắc sỏi niệu, nguy cơ bạn cũng mắc sỏi sẽ cao hơn.
  • Thiếu nước: khi uống ít nước, nước tiểu trở nên rất cô đặc và các muối trong nước tiểu dễ kết tinh thành sỏi.
  • Chế độ ăn: nguy cơ mắc sỏi niệu cao hơn khi bạn ăn nhiều các thành phần như muối, đạm động vật, thực phẩm giàu chất oxalate (cải bó xôi, trà, sô cô la, các loại đậu), vitamin C.
  • Một số thuốc: một số loại thuốc lợi tiểu, steroid, thuốc và thực phẩm chức năng có hàm lượng canxi và vitamin C cao.
  • Một số bệnh lý: tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh ruột viêm, gout, cường tuyến cận giáp, béo phì, nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại.

Chẩn đoán sỏi niệu quản có dễ không?

Sỏi thận “thầm lặng” thường không gây triệu chứng gì và thường được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm hình ảnh học (như siêu âm, x-quang, chụp cắt lớp vi tính) để khảo sát một vấn đề sức khỏe khác hay để khám sức khỏe định kỳ. 

Khi sỏi thận đi xuống thành sỏi niệu quản, triệu chứng cơn đau quặn khiến bệnh nhân đi khám. Bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm để chẩn đoán như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính. Bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác vị trí, kích thước và số lượng sỏi thông qua những công cụ hình ảnh học này.

Điều trị sỏi niệu quản như thế nào?

Phương thức điều trị phụ thuộc loại sỏi, thời gian và mức độ của các triệu chứng. Có nhiều cách điều trị sỏi niệu quản và bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình để chọn ra phương pháp tối ưu nhất. 

  • Chờ sỏi tự đi ra ngoài cơ thể: Bạn có thể chờ viên sỏi tự thoát ra ngoài qua đường tiểu trong vòng bốn đến sáu tuần, miễn là cơn đau có thể chịu được, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thận không bị tắc nghẽn hoàn toàn và viên sỏi đủ nhỏ. Trong thời gian này, bạn cần uống đủ nước.
  • Điều trị nội khoa: Dùng thuốc để hỗ trợ đưa sỏi ra ngoài, thuốc giảm buồn nôn và giảm đau nếu gây khó chịu cho người bệnh trong thời gian chờ.
  • Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ sẽ quyết định biện pháp can thiệp ngoại khoa thích hợp cho bạn.
    • Tán sỏi: Phương pháp sử dụng sóng xung kích hội tụ, năng lượng khí nén hoặc laser để làm vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ và tự thoát ra ngoài qua đường tiểu. Tán sỏi có thể thực hiện ngoài cơ thể, qua da hoặc ngược dòng qua đường tiểu. Tán sỏi ngược dòng là phương án tối ưu nhất, đòi hỏi tay nghề của bác sĩ rất cao. Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào niệu đạo, ngược lên bàng quang và niệu quản để làm vỡ sỏi. Ưu điểm của phương pháp này là ống soi có thể gắp các mảnh vỡ ra ngoài, bảo tồn tối đa chức năng thận và giúp người bệnh hồi phục nhanh.
    • Phẫu thuật lấy sỏi: Bác sĩ có thể lựa chọn phẫu thuật nội soi qua ổ bụng hay khoang phúc mạc để lấy sỏi ở niệu quản. Khi sỏi quá to hay có nhiều biến chứng (như nhiễm trùng nặng) thì phẫu thuật hở lấy sỏi sẽ được áp dụng.
    • Phẫu thuật cắt thận: Bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật này khi sỏi gây biến chứng làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.

Lưu ý, tình trạng sỏi niệu quản của bạn cần được đánh giá kỹ lưỡng và quyết định điều trị cần được đưa ra bởi một bác sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu. Việc tự ý điều trị có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Có thể phòng ngừa sỏi niệu quản không?

Bạn không thể thay đổi tiền sử gia đình của mình, nhưng vẫn còn nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc sỏi niệu, có thể kể đến như:

  • Uống nhiều nước
  • Chế độ ăn muối vừa phải
  • Hạn chế thức ăn giàu chất oxalate
  • Cân bằng tiêu thụ canxi 
  • Hỏi bác sĩ của bạn về các thuốc đang dùng

Tổng kết lại, sỏi niệu quản là bệnh phổ biến trong chuyên ngành ngoại tiết niệu. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc sỏi niệu quản, bao gồm tiền sử gia đình và những thói quen lối sống có thể thay đổi được. Nếu bạn biết mình có nguy cơ, hãy cố gắng uống nhiều nước, hạn chế thực phẩm giàu đạm, canxi, muối và oxalate. Nếu bạn có cơn đau điển hình của sỏi niệu quản, hãy lập tức đến khám ở một cơ sở y tế uy tín.

Nguồn tư liệu tham khảo