Suy thận cấp có nguyên nhân rất đa dạng và diễn tiến của bệnh này có thể rất nghiêm trọng. Bệnh thường gặp nhất ở người nhiều bệnh nền, đặc biệt những bệnh nhân nặng đang điều trị trong bệnh viện. Nếu bạn muốn biết thêm về triệu chứng của suy thận cấp, cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh này, đây chính là bài viết dành cho bạn.
Tóm tắt nội dung
Bệnh suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) xảy ra khi thận đột ngột mất chức năng lọc các chất trong máu trong khoảng thời gian rất ngắn, thường là từ vài giờ đến vài ngày. Khi đó, nồng độ các chất độc trong máu tăng dần và đến một ngưỡng nhất định sẽ gây hại các cơ quan khắp cơ thể.
Đối tượng thường gặp nhất của bệnh suy thận cấp là những bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, đặc biệt là những bệnh nhân nặng cần chăm sóc tích cực. Suy thận cấp có thể rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và cần thái độ xử trí rất tích cực của bác sĩ.
Tuy nhiên, tình trạng gây ra bởi suy thận cấp có thể đảo ngược được. Nếu bạn có sức khỏe nền tốt, khả năng cao chức năng thận của bạn sẽ hồi phục như bình thường hoặc gần bình thường.
Xem thêm: Thận dương hư
Nguyên nhân của suy thận cấp
Suy thận cấp có thể xảy ra vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Hoại tử ống thận cấp
- Mất nước nặng và/hoặc đột ngột
- Thận bị tổn thương vì chất độc hoặc thuốc
- Các bệnh thận tự miễn
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
Giảm lưu lượng máu đi qua thận có thể tổn thương thận của bạn. Sau đây là những tình trạng gây giảm lưu lượng máu qua thận:
- Huyết áp thấp
- Bỏng nặng
- Mất nước nặng
- Xuất huyết nặng
- Chấn thương
- Sốc nhiễm trùng
- Phẫu thuật
- Bệnh nặng
Một số bệnh lý có thể gây hình thành huyết khối và làm tắc nghẽn các mạch máu thận, điều này cũng có thể dẫn đến suy thận cấp. Các bệnh lý này có thể kể đến như:
- Hội chứng urê huyết tán huyết
- Tăng huyết áp ác tính
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát
- Phản ứng do truyền dịch
- Xơ cứng bì
Một số nhiễm trùng, như nhiễm trùng máu hay viêm đài bể thận cấp do nhiễm trùng, có thể trực tiếp gây tổn thương thận.
Triệu chứng của suy thận cấp
Đôi khi suy thận cấp không gây ra triệu chứng gì và chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm khi khảo sát một vấn đề sức khỏe khác.
Nếu bạn có các triệu chứng, chúng sẽ phụ thuộc mức độ, thời gian mà thận của bạn mất chức năng và nguyên nhân gây ra suy thận cấp. Các triệu chứng bao gồm:
- Đi tiểu ít, thỉnh thoảng lượng nước tiểu vẫn bình thường
- Giữ nước trong cơ thể, gây sưng phù tay, chân, mắt cá
- Khó thở
- Chóng mặt
- Lú lẫn
- Buồn nôn
- Yếu cơ
- Nhịp tim bất thường
- Đau ngực hay nặng ngực
- Co giật, hôn mê trong những trường hợp nặng
Suy thận cấp nguy hiểm như thế nào?
Nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu suy thận cấp không được can thiệp kịp thời:
- Quá tải dịch trong cơ thể: nguy hiểm nhất là dịch tràn vào phổi, gây khó thở và suy hô hấp.
- Đau ngực: do dịch tràn vào những lá mạc bao quanh tim (ngoại tâm mạc) và gây viêm.
- Yếu cơ: tình trạng rối loạn điện giải do suy thận cấp làm cho cơ yếu đi.
- Tổn thương thận không hồi phục: đôi khi suy thận cấp dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn, hay bệnh thận giai đoạn cuối. Người mắc bệnh giai đoạn cuối sẽ cần phải chạy thận (lọc máu nhân tạo) hoặc ghép thận để tiếp tục sống.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương: các chất độc tăng dần trong máu và xâm nhập gây độc cho các tế bào trong hệ thần kinh trung ương.
- Tử vong: những yếu tố sau làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy thận cấp:
- Bệnh phổi
- Đột quỵ gần đây
- Tuổi cao
- Mất máu
- Suy thận đang tiến triển
Chẩn đoán suy thận cấp
Để chẩn đoán bệnh suy thận cấp, bác sĩ cần xem xét tổng quát nhiều khía cạnh gồm triệu chứng, yếu tố thúc đẩy hay nguyên nhân nghi ngờ, cơ địa người bệnh, thậm chí hồ sơ bệnh án trong quá khứ, và kết hợp với các xét nghiệm quan trọng.
Bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng phù, đánh giá mức độ tỉnh táo (tìm dấu hiệu nặng), dùng ống nghe để khám phổi và tim. Tùy vào nguyên nhân nghi ngờ mà bác sĩ cần làm thêm những xét nghiệm khác nhau:
- Theo dõi lượng nước tiểu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu: nồng độ creatinin, urê, kali, natri, protein, albumin
- Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR)
- Công cụ hình ảnh học: siêu âm, x-quang, CT scan, MRI
Phân giai đoạn tổn thương thận cấp
Theo KDIGO 2012, dựa vào nồng độ creatinin huyết thanh hoặc lượng nước tiểu, suy thận cấp có thể được chia làm ba giai đoạn: 1, 2 và 3. Trong đó giai đoạn 3 có chỉ định điều trị lọc máu. Cách phân giai đoạn này chỉ thích hợp khi tình trạng dịch của bệnh nhân được tối ưu hóa và nhóm nguyên nhân tắc nghẽn hệ tiết niệu đã được loại trừ.
Điều trị suy thận cấp
Phương thức điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra suy thận cấp. Mục tiêu chung là phục hồi chức năng thận bình thường. Ngăn cản dịch và chất độc tích lũy thêm trong cơ thể trong khi thận phục hồi chức năng là điều quan trọng.
Điều trị suy thận cấp đòi hỏi phải nhập viện. Phần lớn trường hợp bệnh nhân đang nằm viện vì một vấn đề sức khỏe khác. Thời gian nằm viện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tốc độ phục hồi của thận.
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy thận cấp
Bác sĩ sẽ quản lý chặt chẽ chế độ ăn và lượng nước uống của bạn. Chế độ ăn giàu chất xơ, đường bột và ít chất đạm, muối và kali được khuyến khích áp dụng.
Thuốc điều trị suy thận cấp
- Kháng sinh: để điều trị hoặc dự phòng nhiễm trùng diễn ra đồng thời
- Thuốc lợi tiểu: giúp thận thải trừ bớt dịch trong cơ thể
- Canxi và insulin: giúp tránh tình trạng tăng kali máu đến mức nguy hiểm
Lọc máu nhân tạo
Trong những trường hợp nặng, chất độc tăng cao trong máu, bạn có thể cần được lọc máu nhân tạo (hay chạy thận) tạm thời để loại thải bớt chất độc và dịch trong cơ thể. Nói cách khác, máy lọc máu nhân tạo sẽ làm thay công việc của thận cho đến khi thận phục hồi về hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu thận bị tổn thương không hồi phục trong một số trường hợp (như bệnh thận giai đoạn cuối), quá trình lọc máu phải diễn ra dài hạn.
Bác sĩ khám và điều trị suy thận cấp
- BSCK1 Nguyễn Thị Thái Hà, hơn 15 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh
- BSCK1 Lê Ngọc Trân, hơn 10 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh
- Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, hơn 10 năm kinh nghiệm, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận
Như vậy qua bài viết này, Doctor có sẵn hi vọng có thể cung cấp thêm cho bạn những kiến thức bổ ích về bệnh suy thận cấp. Đây là một bệnh cấp cứu cần can thiệp y khoa khẩn cấp, người có dấu hiệu của suy thận cấp cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín ngay.
Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tư liệu tham khảo