Lý do bạn tiểu đêm và 5 biện pháp phòng tránh

Tiểu đêm là một tình trạng rối loạn thói quen đi tiểu phổ biến trong dân số, đặc biệt ở người lớn tuổi. Tác hại điển hình của tiểu đêm là làm giảm chất lượng giấc ngủ và đời sống. Nhiều trường hợp tiểu đêm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Docosan thân mời bạn tham khảo bài viết này để hiểu hơn về nguyên nhân và cách phòng tránh hoặc giảm bớt tình trạng tiểu đêm.

Tiểu đêm là gì?

Tiểu đêm là khi bạn cần phải thức giấc trong đêm ngủ để đi tiểu. Bản thân tiểu đêm không phải một bệnh, mà là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe hay bệnh lý nào đó.

Theo định nghĩa chuyên môn, một người được xem là tiểu đêm khi người đó thức dậy để đi tiểu ít nhất một lần trong một đêm. Như vậy với tiêu chuẩn này, tiểu đêm sẽ rất phổ biến trong dân số. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy việc thức dậy một lần không phải là vấn đề để than phiền. 

Do đó, tiểu đêm có xu hướng gây khó chịu hơn khi một người thức giấc từ hai lần trở lên và/hoặc người đó cảm thấy khó ngủ trở lại.

Tiểu đêm là khái niệm không giống với tiểu dầm. Khác với tiểu đêm, tình trạng đòi hỏi sự thức giấc và nhận biết được nhu cầu đi tiểu, tiểu dầm điển hình sẽ xảy ra không tự chủ và không có cảm giác đầy bàng quang, hay cảm giác mắc tiểu.

tiểu đêm
Tiểu đêm thường làm người bệnh mất ngủ – Ảnh minh họa

Tiểu đêm phổ biến như thế nào?

Tiểu đêm là tình trạng khá phổ biến ở cả nam và nữ. Các nghiên cứu báo cáo rằng khoảng 69% nam giới và 76% nữ giới trên 40 tuổi đi tiểu ít nhất một lần mỗi đêm. Khoảng một phần ba người lớn trên 30 tuổi thức giấc và đi tiểu từ hai lần trở lên mỗi đêm.

Tình trạng này cũng có thể gặp ở người trẻ, nhưng tỷ lệ tăng dần theo tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi nam giới. Ước tính có khoảng 50% nam giới ở những năm 70 tuổi phải thức dậy ít nhất hai lần mỗi đêm để đi tiểu. Nhìn chung, tiểu đêm có thể ảnh hưởng lên đến 80% người cao tuổi. 

Triệu chứng của tiểu đêm

Nếu bạn phải thức dậy ít nhất hai lần mỗi đêm để đi tiểu, điều đó là không bình thường. Đây là dấu hiệu rất rõ của tiểu đêm. Cơ thể chúng ta bình thường có thể ngủ liên tục từ 6 đến 8 giờ mỗi đêm mà không cần đi tiểu.

Việc thức giấc giữa chừng để đi tiểu rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn, và thậm chí chất lượng đời sống. Hầu hết chúng ta không thể sinh hoạt và làm việc hiệu quả mà không có một giấc ngủ ngon. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và kém năng suất hơn suốt ngày hôm sau. Theo thời gian, chất lượng giấc ngủ kém có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Điều quan trọng bạn cần nhớ đó là tiểu đêm biểu hiện cho một bất thường nào đó đang diễn ra trong cơ thể của bạn. Bản thân nó không phải một bệnh lý. Khi đó, hãy đến bác sĩ của bạn để được tư vấn điều trị.

Nếu bạn mất khả năng rặn tiểu hoặc không còn khả năng kiểm soát đi tiểu, bạn nên khẩn cấp đi khám cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Nguyên nhân tiểu đêm là gì ?

Nguyên nhân của tình trạng tiểu đêm rất đa dạng, có thể từ lối sống của bạn cho đến những thuốc bạn dùng. Tiểu đêm thường phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. 

Các tình trạng bệnh lý

Có nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra triệu chứng tiểu đêm. Nguyên nhân phổ biến bao gồm các nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng bàng quang. Những nhiễm trùng này thường gây cảm giác nóng rát hoặc cảm giác tiểu gấp xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Điều trị những trường hợp này cần đến kháng sinh.

Một số vấn đề bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân, bao gồm:

  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt
  • Sa bàng quang
  • Bàng quang tăng hoạt 
  • Khối u ở bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc ở vùng chậu
  • Đái tháo đường
  • Lo lắng, trầm cảm 
  • Mất ngủ
  • Nhiễm trùng ở thận
  • Sưng phù ở chân
  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ 
  • Các bệnh ở hệ thần kinh, như đa xơ cứng, bệnh Parkinson, chèn ép tủy sống

Tiểu đêm cũng phổ biến ở bệnh nhân bị suy các cơ quan, như suy tim, suy gan.

Mang thai

Tiểu đêm có thể là một triệu chứng sớm của mang thai. Hiện tượng này khởi phát từ giai đoạn đầu của thai kỳ, nhưng cũng có thể xuất hiện trễ hơn, khi tử cung tăng dần kích thước và đè vào bàng quang.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc gây tiểu đêm như một tác dụng phụ. Điều này đặc biệt thấy rõ đối với thuốc lợi tiểu, một thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp.

Thói quen sống

Một nguyên nhân phổ biến khác là do uống quá nhiều nước và thức uống khác. Các thức uống có cồn và chất caffein có tính lợi tiểu, nghĩa là chúng làm cơ thể bạn sản xuất nhiều nước tiểu hơn. Uống quá nhiều thức uống chứa cồn và caffein có thể dẫn tới tiểu đêm. 

Những hậu quả của tiểu đêm là gì?

Tiểu đêm là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của những đợt ngắt quãng giấc ngủ. Đặc biệt là ở người lớn tuổi, nó là một trong những nguyên nhân gây giảm chất lượng giấc ngủ và tình trạng mất ngủ.

Cũng không ngạc nhiên khi biết được rằng tiểu đêm thường liên quan tới buồn ngủ quá mức vào ban ngày, điều này có thể dẫn đến suy giảm thể chất và tinh thần, thái độ cáu kỉnh và tăng nguy cơ các tai nạn trong sinh hoạt đời sống. 

Ở người lớn tuổi, tiểu đêm còn làm tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt khi họ gấp gáp đi vào nhà vệ sinh. Các báo cáo cho thấy nguy cơ gãy xương tăng ít nhất 50% đối với người tiểu đêm ít nhất hai lần mỗi đêm.

Tiểu đêm cũng liên quan đến giảm chất lượng đời sống cũng như các rối loạn tâm lý như trầm cảm.

tieu dem
Tiểu đêm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và chất lượng đời sống chung của bạn

Tiểu đêm được chẩn đoán như thế nào? 

Để chẩn đoán tình trạng tiểu đêm, bác sĩ sẽ cần hỏi bạn về các triệu chứng liên quan và tiền sử sức khỏe của bạn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn lưu giữ “nhật ký đi tiểu” để hỗ trợ chẩn đoán, vì nhiều trường hợp cần có thời gian theo dõi để chẩn đoán chính xác tiểu đêm và nguyên nhân gây ra tiểu đêm. 

Nhật ký này dùng để theo dõi những hoạt động như loại và lượng dịch bạn uống, số lần đi tiểu,… nhằm đánh giá chính xác xu hướng và tình trạng tiểu đêm, lựa chọn phương thức điều trị thích hợp. 

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi như sau:

  • Triệu chứng đầu tiên của bạn xuất hiện khi nào?
  • Bạn cần đi tiểu bao nhiêu lần mỗi đêm?
  • Lượng nước tiểu mỗi lần đi là nhiều hay ít?
  • Lượng nước tiểu của bạn có thay đổi không (tăng hay giảm)?
  • Một ngày bạn uống bao nhiêu lượng cà phê hoặc rượu? Trong thời điểm nào trong ngày?
  • Bạn có cảm thấy mình ngủ đủ giấc không? Hay ngủ ngon không?
  • Gần đây chế độ ăn của bạn có thay đổi không?
  • Khi thức dậy bạn có cảm thấy ướt quần không? (Hỏi về tình trạng rỉ nước tiểu không tự chủ trong lúc ngủ)

Nếu cần thêm thông tin để chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị thêm một số xét nghiệm như sau:

  • Phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu: tìm nhiễm trùng, máu trong nước tiểu và một số thành phần khác
  • Xét nghiệm máu: kiểm tra chức năng thận, tuyến giáp, nồng độ cholesterol, tình trạng thiếu máu, đường huyết
  • Chẩn đoán hình ảnh học: dùng siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để xem lượng nước tiểu trong bàng quang sau khi đi tiểu
  • Nội soi bàng quang: kiểm tra một khối u hoặc các nguyên nhân khác bằng cách đưa một ống nhỏ với máy quay nhỏ ở đầu qua lỗ niệu đạo để quan sát lòng bàng quang
  • Đo niệu động học: kiểm tra khả năng lưu trữ và tống xuất nước tiểu của hệ tiết niệu

Cải thiện tình trạng tiểu đêm như thế nào ?

Mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị bằng những cách rất khác nhau, tùy theo tình trạng tiểu đêm và tiền sử bệnh lý nền của từng người. Do vậy, để giải quyết tình trạng tiểu đêm, bạn cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và phối hợp các biện pháp thích hợp.

Den gap bac si
Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có triệu chứng tiểu đêm

Điều trị bệnh lý nguyên nhân sẽ giúp giảm bớt tần suất tiểu đêm và cải thiện chất lượng giấc ngủ, năng suất làm việc. Nhiều bệnh nhân tiểu đêm được điều trị với một số thuốc hoặc được điều chỉnh các thuốc mà họ đang dùng (như thuốc lợi tiểu trị tăng huyết áp).

Bên cạnh đó, người bệnh cần phối hợp những biện pháp không dùng thuốc, bao gồm những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hằng ngày. Đây cũng chính là những biện pháp hữu hiệu để phòng tránh tiểu đêm nếu bạn chưa mắc phải tình trạng này.

  1. Giảm lượng nước uống vào buổi tối, đặc biệt ngay trước giờ ngủ.
  2. Giảm tiêu thụ thức uống có cồn và caffein, đặc biệt vào buổi trưa và buổi tối.
  3. Một số thực phẩm gây kích thích bàng quang cũng cần được hạn chế như: sô cô la, thức ăn cay, chứa nhiều chất axit, chất tạo ngọt nhân tạo. 
  4. Bài tập Kegelliệu pháp phục hồi chức năng cơ sàn chậu có thể cải thiện sức mạnh các cơ đáy chậu và kiểm soát bàng quang tốt hơn.
  5. Chú tâm cải thiện giấc ngủ như: tập giờ đi ngủ đều đặn, tập thể dục hằng ngày, nơi ngủ phải thoải mái, loại bỏ tiếng ồn khi ngủ, nhiệt độ mát mẻ, hạn chế các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Một số bác sĩ khám và điều trị tiểu đêm

Kết luận

Hi vọng qua bài viết này, Docosan có thể cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về tiểu đêm. Nếu bạn có tiểu đêm, hãy đến gặp bác sĩ của bạn để sớm tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp. Nếu bạn không mắc phải tình trạng tiểu đêm, hãy chọn một lối sống lành mạnh và nâng niu giấc ngủ của mình nhé.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Nguồn tư liệu tham khảo

  1. Urologyhealth
  2. Sleepfoundation
  3. Healthline
  4. Webmd
Contact Me on Zalo