Tiểu ra máu là khi có sự hiện diện của máu trong nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, một số trong đó chỉ xảy ra ở nữ giới, một số thì thường gặp ở nữ hơn nam. Trong bài viết này, Docosan sẽ thảo luận về nguyên nhân gây ra tiểu máu ở nữ, mức độ nguy hiểm của tình trạng này và cách chữa trị.
Tóm tắt nội dung
Tiểu ra máu ở nữ là gì?
Tiểu ra máu, hay tiểu máu (tiếng anh: hematuria), được định nghĩa là khi có xuất hiện các tế bào hồng cầu trong nước tiểu vượt quá số lượng bình thường. Từ đây, ta có hai loại tiểu máu:
- Tiểu máu đại thể: là khi bạn có thể nhìn rõ được nước tiểu có máu, nhưng thường không có màu đỏ tươi như nhiều người tưởng tượng, mà có màu nâu đỏ (như màu xá xị) vì sự pha trộn với nước tiểu.
- Tiểu máu vi thể: là khi mức độ tiểu máu rất ít và chỉ phát hiện nhờ kính hiển vi sau khi một mẫu nước tiểu của bạn được lấy để làm xét nghiệm.
Dù là loại tiểu ra máu nào thì cũng cần phải tìm nguyên nhân. Trong khi nhiều trường hợp thì nguyên nhân thường không gây hại, nhưng tiểu máu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt khi bạn nhìn thấy rõ nước tiểu màu nâu đỏ bằng mắt trần.
Tiểu ra máu ở nữ đặc biệt hơn ở nam vì không thể luôn chắc chắn nguồn gốc của máu xuất phát từ đường tiểu của nữ. Lý do là ở nữ, máu từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung, phần phụ), hoặc đôi khi từ đường tiêu hóa, có thể lẫn với nước tiểu và gây ra biểu hiện giả là tiểu máu.
Nguyên nhân gây tiểu ra máu ở nữ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiểu ra máu ở nữ, nhưng không phải luôn luôn tìm được nguyên nhân. Sau đây là một số tình huống thường gặp ở nữ giới.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nữ giới dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam vì đường niệu đạo ở nữ ngắn hơn nhiều so với nam. Nhiễm trùng tiểu thường xảy ra khi vi khuẩn từ đường ruột đi vào niệu đạo, nơi dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Nhiễm trùng tiểu có thể lan ngược lên theo đường tiểu và gây nhiễm trùng bàng quang, niệu quản và thận.
Dấu hiệu thường gặp là đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp. Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như:
- Tiểu đau, tiểu rát
- Nước tiểu đục màu hoặc có mùi hôi
- Máu trong nước tiểu
- Cảm giác nặng hoặc đau vùng lưng, bụng, vùng chậu
Sỏi niệu
Các muối khoáng dư thừa trong nước tiểu có thể kết tinh thành những khối tinh thể rắn, hay sỏi niệu, và có thể gặp ở nhiều vị trí trong đường tiết niệu.
Sỏi niệu có thể làm rách hoặc xước niêm mạc của đường tiết niệu và các cơ quan liên quan của nó. Máu từ đây có thể trộn lẫn với nước tiểu, dẫn đến tiểu máu đại thể hoặc vi thể.
Sỏi niệu quản có thể có những triệu chứng sau:
- Nước tiểu màu nâu, đỏ, hồng
- Đi tiểu thường xuyên
- Tiểu không tự chủ, tiểu són
- Tiểu đau, buốt
- Nước tiểu đục màu hoặc có mùi hôi
Sau đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi niệu:
- Mất nước, uống ít nước
- Tiêu thụ nhiều muối
- Bệnh của hệ tiêu hóa, như bệnh Crohn hoặc bệnh viêm loét đại tràng (nhưng hai bệnh này hiếm gặp ở người châu Á và Việt Nam)
- Bệnh tuyến giáp
- Thừa cân, béo phì
Lạc nội mạc tử cung
Tiểu ra máu kèm theo đau thắt lưng dữ dội có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tương tự như nội mạc tử cung – lớp niêm mạc của tử cung – phát triển ở các khu vực bên ngoài tử cung. Những vị trí thường gặp là:
- Mặt ngoài của tử cung
- Buồng trứng
- Ống dẫn trứng (vòi trứng, hay vòi tử cung)
Nếu không điều trị, lạc nội mạc tử cung có thể gây ra vô sinh.
Ung thư
Mặc dù nó ít phổ biến hơn so với nhiễm trùng và sỏi, ung thư thận hoặc bàng quang cũng có thể gây tiểu ra máu.
Nước tiểu có thể có máu vào một ngày nào đó và trong trở lại vào ngày hôm sau. Bạn không nên đợi máu xuất hiện trở lại rồi mới liên hệ với bác sĩ.
Ung thư bàng quang có thể khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn. Ung thư thận thường không ảnh hưởng đến thói quen đi tiểu của một người, nhưng nó có thể gây ra đau thắt lưng.
Thuốc
Một số thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị ung thư có thể gây ra tiểu máu như cyclophosphamide, penicillin. Tiểu máu đại thể cũng có thể xảy ra khi bạn đang dùng thuốc kháng đông (cho một số bệnh lý tim mạch), như aspirin và heparin.
Vận động thể dục quá mức
Rất hiếm khi tập thể dục gắng sức có thể dẫn đến tiểu máu đại thể và nguyên nhân chưa được biết rõ. Nó có thể liên quan đến chấn thương bàng quang, mất nước hoặc phá vỡ các tế bào hồng cầu xảy ra khi tập thể dục với cường độ cao liên tục.
Những người chạy bộ thường bị ảnh hưởng nhất, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị tiểu ra máu sau khi tập luyện cường độ cao. Nếu bạn thấy máu trong nước tiểu sau khi tập thể dục, đừng cho rằng đó là do tập thể dục và điều đó bình thường. Hãy liên hệ bác sĩ của bạn ngay.
Tiểu ra máu ở nữ có nguy hiểm không?
Các nguyên nhân tiểu máu thường không quá nghiêm trọng, nhưng không thể dự đoán được sự nghiêm trọng của tiểu ra máu nếu chỉ qua những đánh giá chủ quan của người bệnh. Nước tiểu không nên có máu và nếu bạn thấy máu trong nước tiểu, điều đó là bất thường và bạn cần tham vấn bác sĩ sớm nhất có thể.
Ở nữ giới, các nguyên nhân gây tiểu ra máu còn đa dạng hơn ở nam. Người bệnh có thể không xác định chính xác được nguồn gốc của máu trong nước tiểu thực sự từ đường tiết niệu hay từ đường sinh dục, đường tiêu hóa.
Như phần trên đã đề cập, dù hiếm gặp nhưng tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư hệ tiết niệu. Hoặc tiểu máu có thể là dấu hiệu của một tình trạng tổn thương thận cấp tính. Trường hợp này có thể kèm theo một số triệu chứng khác như không đi tiểu hoặc tiểu ít hơn với bình thường, sưng phù mặt, cao huyết áp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn không nên chần chừ để gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy máu trong nước tiểu của mình. Bạn nên tham vấn bác sĩ ngay cả khi máu đã tự hết.
Phụ nữ nên nói chuyện với bác sĩ nếu thấy máu trong nước tiểu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là nếu nó xuất hiện cùng với các triệu chứng sau:
- Đau dữ dội vùng lưng, bụng hoặc chậu
- Kèm các triệu chứng tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn
- Tiểu đau, tiểu rát, buốt
- Nước tiểu đục màu hoặc có màu bất thường
- Nước tiểu có mùi hôi
- Sốt, ớn lạnh
Điều trị tiểu ra máu ở nữ
Việc điều trị tiểu ra máu ở nữ, hay ở nam, sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu nhiễm trùng tiểu, bạn sẽ cần uống thuốc kháng sinh để trị nhiễm trùng và cải thiện triệu chứng tiểu máu.
Sỏi niệu thường được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Tùy theo số lượng, kích thước và vị trí sỏi, nhiều phương pháp khác nhau có thể được cân nhắc. Bạn có thể chỉ cần uống thuốc và nhiều nước để chờ viên sỏi tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Nếu sỏi lớn, can thiệp ngoại khoa có thể cần thiết, tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay.
Người bị ung thư thận hoặc bàng quang sẽ giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa ung thư. Các phương thức điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Chữa trị ung thư ngày nay được cá thể hóa, tùy theo diễn tiến của ung thư ở mỗi bệnh nhân.
Tiểu ra máu ở nữ điều trị ở đâu?
- Phòng khám đa khoa Kiều Tiên – Q. Bình Thạnh
- Vigor health – Q. 3
- Bệnh viện quốc tế City – City international hospital – Q. Bình Tân
Tổng kết
Bác sĩ có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân tiểu ra máu. Một số nguyên nhân đặc trưng cho nữ giới, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, và nữ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tiểu hơn nam. Việc điều trị tiểu ra máu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Người bệnh cần tham vấn bác sĩ sớm nhất có thể nếu phát hiện tiểu ra máu.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng tiểu ra máu ở phụ nữ tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.