Bệnh tiểu đường type 2 không chỉ là vấn đề của đường huyết cao mà còn liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Vậy đâu là những “thủ phạm” chính gây ra căn bệnh này? Bài viết này Docosan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ để chủ động phòng ngừa.
Tóm tắt nội dung
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống
Lối sống có mối liên hệ mật thiết với bệnh đái tháo đường, đặc biệt là tiểu đường type 2. Những thói quen không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người bình thường hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng của người bệnh. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ đã được đề cập đến trong nhiều tài liệu y khoa:
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể được hiểu là một chế độ giàu calo, gây tăng cân nhanh, tích trữ mỡ và khó kiểm soát đường huyết. Cụ thể:
- Thừa chất béo bão hòa và đường đơn (như snack, thực phẩm chiên rán sẵn, nước ngọt,…).
- Ăn quá nhiều tinh bột tinh chế (gạo trắng, bún, mì ống, bánh mì, ngũ cốc ăn sáng,…).
- Lượng cholesterol cao trong chế độ ăn (lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, bánh ngọt,…).
- Thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Lười vận động
Lười vận động là nguyên nhân chính gây tiểu đường type 2 do năng lượng không được tiêu hao, dẫn đến dư thừa glucose trong máu. Lối sống lười vận động có thể dẫn đến:
- Tăng đề kháng insulin: Cơ bắp ít hoạt động, giảm sử dụng glucose, cơ thể phải sản xuất nhiều insulin hơn.
- Tăng tích trữ mỡ: Ít vận động dẫn đến tăng cân, đặc biệt là mỡ bụng, làm tăng đề kháng insulin.
- Giảm chuyển hóa glucose: Cơ bắp kém nhạy với insulin, glucose tích tụ trong máu.
- Rối loạn hormone: Giảm hormone chuyển hóa có lợi, tăng hormone gây viêm.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường type 2 do ảnh hưởng xấu đến quá trình chuyển hóa và chức năng hormone.
- Tăng đề kháng insulin: Nicotine trong thuốc lá làm giảm khả năng sử dụng insulin của tế bào, khiến glucose tích tụ trong máu.
- Gây viêm mãn tính: Hút thuốc kích thích phản ứng viêm trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và gây rối loạn chuyển hóa.
- Tăng mỡ bụng: Hút thuốc thúc đẩy tích tụ mỡ nội tạng, liên quan chặt chẽ đến tiểu đường.
- Giảm lưu thông máu: Thuốc lá làm tổn thương mạch máu, giảm khả năng cung cấp glucose và insulin hiệu quả đến các cơ quan.
Lạm dụng rượu bia
Lạm dụng rượu bia làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 thông qua các cơ chế sau:
- Rối loạn chuyển hóa glucose: Uống nhiều rượu làm giảm khả năng điều tiết đường huyết của gan, dẫn đến tăng hoặc hạ đường huyết bất thường.
- Tăng đề kháng insulin: Rượu gây viêm và tích tụ mỡ nội tạng, làm giảm hiệu quả của insulin.
- Tăng nguy cơ béo phì: Rượu bia chứa nhiều calo rỗng, dễ gây tăng cân, đặc biệt là mỡ bụng, yếu tố nguy cơ lớn của tiểu đường.
- Tổn thương tuyến tụy: Uống rượu lâu dài có thể gây viêm tụy mãn tính, làm suy giảm sản xuất insulin.
Các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe
Tiền sử bệnh tim mạch
Tiền sử bệnh tim mạch không chỉ gây nguy hiểm cho hệ tim mạch mà còn ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Khi tim mạch bị tác động, cơ thể có xu hướng tăng kháng insulin, dẫn đến việc tối ưu hoá insulin không hiệu quả. Điều này khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 gia tăng đáng kể. Ngoài ra, bệnh tim mạch thường kèm theo rối loạn lipid máu và huyết áp cao, đây đều là những nguy cơ góp phần vào sự phát triển bệnh tiểu đường.
Huyết áp cao
Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính góp phần vào kháng insulin. Khi huyết áp cao kéo dài, động mạch bị tác động, làm giảm khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào. Điều này gây rối loạn chuyển hóa glucose, dẫn đến nguy cơ tiểu đường type 2 tăng cao. Ngoài ra, huyết áp cao thường kèm theo các vấn đề như rối loạn lipid máu và béo phì, đều là những nguy cơ phụ cho bệnh tiểu đường.
Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu, bao gồm mức cholesterol LDL cao, HDL thấp và triglyceride tăng, có thể gây kháng insulin trong cơ thể. Khi lipid máu bất thường, các tế bào mỡ bị tác động, làm giảm khả năng chuyển hóa glucose. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 mà còn góp phần vào các biến chứng tim mạch. Việc duy trì mức lipid trong giới hạn bình thường đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 do kháng insulin. Khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, tuyến tụy phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tiểu đường nếu không kiểm soát. Các yếu tố như thừa cân và ít vận động cũng góp phần tăng nguy cơ này. Để giảm nguy cơ, phụ nữ bị PCOS nên duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Các yếu tố nguy cơ khác
Tuổi tác (trên 45 tuổi)
Người trên 45 tuổi có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, ít vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao đi kèm. Nguyên nhân là do khi tuổi tác tăng lên, cơ thể chúng ta có xu hướng trở nên kháng insulin hơn, làm tăng khả năng phát triển thành bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể giảm đối với người biết duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Theo các nghiên cứu, nếu những ngườ có cùng huyết thống trong gia đình của bạn (cha, mẹ hoặc anh chị em ruột) bị tiểu đường thì bạn có khả năng mắc tiểu đường cao hơn so với người bình thường. Điều này được giải thích là do gen di truyền có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể điều chỉnh mức đường huyết cũng như mức độ nhạy cảm với insulin của các tế bào.
Chủng tộc (người châu Á, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao hơn)
Chủng tộc cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tiểu đường type 2. Theo thống kê, người châu Á và người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2 hơn so với các nhóm chủng tộc khác. Nguyên nhân có thể liên quan đến yếu tố di truyền, lối sống và thói quen ăn uống giữa các chủng tộc có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn như người châu Á thường có xu hướng tích trữ mỡ bụng nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến kháng insulin và tăng nguy cơ tiểu đường hơn.
Trên đây là tất cả yếu tố nguy cơ tiểu đường type 2 mà Docosan tổng hợp cho bạn. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ này là bước đầu tiên để bạn chủ động phòng ngừa bệnh. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân bằng cách thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, duy trì chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe ngay từ hôm nay!
Câu hỏi liên quan
Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2?
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân từ 1-2 kg mỗi tuần để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho những người bị tiền đái tháo đường là giảm ít nhất 7% – 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Tăng cường vận động thể lực: Duy trì 30 phút tập luyện mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần, tăng dần cường độ từ trung bình đến cao. Các môn thể thao có thể tham khảo bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy.
- Ăn rau quả tốt cho sức khỏe: Ngũ cốc và các loại hạt cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate. Những thực phẩm giàu chất xơ và chứa ít đường, tinh bột giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả.
- Ăn chất béo lành mạnh: Để kiểm soát cân nặng, chế độ ăn nên bao gồm thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (chất béo tốt), thay vì chất béo bão hòa (chất béo xấu) từ sữa ít béo, thịt gà và thịt heo nạc.
- Tránh ăn kiêng cấp tốc: Thay vì ăn kiêng theo xu hướng, một chiến lược đơn giản để lựa chọn thực phẩm là chia đĩa thức ăn thành 3 phần: một nửa là trái cây và rau không chứa tinh bột, một phần tư là ngũ cốc nguyên hạt và phần còn lại là thực phẩm giàu protein như đậu, cá hoặc thịt nạc.
- Nói không với thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường lên đến 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt là ở nữ giới. Vì vậy, bỏ thuốc lá hoặc không hút là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh.
- Uống rượu bia với liều lượng vừa phải: Uống rượu với lượng vừa phải có thể giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, nhưng uống quá nhiều lại làm tăng nguy cơ này.
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu: Ngoài các biện pháp phòng ngừa trên, người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường huyết gần mức mục tiêu giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Có những xét nghiệm nào để phát hiện sớm tiểu đường type 2?
- Xét nghiệm HbA1c: Xét nghiệm này đo mức đường trong máu trung bình của bạn trong vòng hai đến ba tháng qua. Mức bình thường là dưới 5,7%. Nếu kết quả từ 5,7% đến 6,4%, bạn có thể bị tiền tiểu đường. Mức HbA1c từ 6,5% trở lên trong hai xét nghiệm riêng biệt cho thấy bạn đã mắc tiểu đường.
- Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Đo lượng đường trong máu bất kỳ thời gian nào trong ngày, kể cả khi bạn đã ăn. Nếu mức đường huyết là 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn, bạn có thể mắc tiểu đường, đặc biệt nếu bạn có các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên và khát nước.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Mẫu máu được lấy sau khi bạn nhịn ăn qua đêm. Mức đường huyết dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường, từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) cho thấy tiền tiểu đường. Nếu mức đường huyết lúc đói từ 126 mg/dL (7 mmol/L) trở lên trong hai xét nghiệm riêng biệt, bạn được chẩn đoán mắc tiểu đường.
- Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT): Đây là xét nghiệm ít được sử dụng, chủ yếu trong thai kỳ. Bạn sẽ phải nhịn ăn qua đêm, sau đó uống dung dịch chứa đường và kiểm tra mức đường huyết sau hai giờ. Mức đường huyết dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường. Nếu từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,0 mmol/L), bạn có thể bị tiền tiểu đường. Nếu mức đường huyết sau hai giờ là 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn, bạn được chẩn đoán mắc tiểu đường.
Xem thêm:
- 10 dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở da mà bạn cần lưu ý ngay
- Bệnh tiểu đường có di truyền không? Sàng lọc gen như thế nào?
- Các loại dầu ăn cho người tiểu đường tốt cho sức khoẻ nhất
Nguồn tham khảo:
1. Risk Factors for Type 2 Diabetes
- Link tham khảo: https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/risk-factors-type-2-diabetes
- Ngày tham khảo: 20/12/2024
2. Diabetes Risk Factors
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/diabetes/risk-factors/index.html
- Ngày tham khảo: 20/12/2024
3. Type 2 Diabetes Risk Factors
- Link tham khảo: https://www.abbott.com/corpnewsroom/diabetes-care/type-2-diabetes-risk-factors.html
- Ngày tham khảo: 20/12/2024