Tại sao bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa?

Đái tháo đường type 2, một căn bệnh thường xuất hiện sau tuổi 40, đang được bắt gặp ngày càng nhiều ở người trẻ.

Đái tháo đường loại nào ảnh hưởng lên người trẻ?

Trung Tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo rằng vào năm 2020, khoảng 210.000 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Ở người trẻ tuổi, bệnh đái tháo đường type 1 phổ biến hơn nhiều so với đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cả hai ở người trẻ đang ngày càng gia tăng.

Viện Y tế Quốc Gia Mỹ (NIH) thống kê rằng mỗi năm, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 1 đang tăng 1,8% và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 đang tăng 4,8%. Điều này mang đến nhiều thách thức cho xã hội và hệ thống y tế, người trẻ bị tiểu đường sẽ có nguy cơ gặp biến chứng của tiểu đường và các nguy cơ sức khỏe khác sớm hơn.

Tỷ lệ mắc đái tháo đường đang ngày càng gia tăng, kể cả ở trẻ em và người trẻ.

Đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 xảy ra khi tụy không thể tiết ra insulin. Insulin là một hormone quan trọng giúp điều hòa nồng độ đường trong máu, không có insulin, đường không thể đi từ máu vào tế bào dẫn đến đường huyết cao. Do đó, người bệnh tiểu đường loại 1 còn được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin vì cần tiêm insulin thường xuyên vào cơ thể kể từ khi phát hiện bệnh.

Đái tháo đường type 1 có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung bình thường được chẩn đoán là 13 tuổi. Ước tính có khoảng 85% bệnh nhân được chẩn đoán bệnh <20 tuổi.

Đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 xảy ra khi insulin hoạt động không hiệu quả do cơ thể dần đề kháng với insulin hoặc tụy không sản xuất đầy đủ insulin. Khả năng mắc bệnh này gia tăng mỗi năm khi ta già đi, nhưng người trẻ cũng có thể mắc bệnh.

Trẻ béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn bình thường. Hơn 75% người trẻ mắc tiểu đường type 2 có người thân mắc bệnh này, có thể do gene hoặc cùng chung lối sống.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? Top 5 biến chứng cần lưu ý khi bị tiểu đường

Triệu chứng đái tháo đường ở người trẻ

Triệu chứng của đái tháo đường ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tương đối giống nhau. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường type 1 có xu hướng gia tăng triệu chứng nhanh chóng trong vài tuần, nhiều trường hợp nhập viện vì biến chứng cấp tính như hôn mê nhiễm toan ceton máu. Trong khi đó, triệu chứng của tiểu đường type 2 phát triển chậm hơn, do đó có thể mất thời gian nhiều tháng hoặc nhiều năm mới phát hiện bệnh.

Triệu chứng đái tháo đường type 1

  • Khát nhiều, tiểu nhiều
  • Cảm giác đói, ăn nhiều
  • Giảm cân
  • Mệt mỏi
  • Dễ cáu gắt
  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Mờ mắt

Sụt cân là triệu chứng phổ biến và dễ nhận ra nhất ở trẻ em và người trẻ. Ở trẻ nữ, nhiễm nấm vùng sinh dục cũng có thể là một triệu chứng bệnh.

Ở Anh, mọi người được khuyến cáo nhận ra triệu chứng “4T” để giúp phụ huynh phát hiện sớm bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ, “4T” bao gồm 4 triệu chứng:

  • Toilet (Tiểu nhiều): trẻ có thể sử dụng phòng vệ sinh thường xuyên, trẻ sơ sinh có thể mặc tã nặng hơn hoặc đái dầm có thể xảy ra sau khi thay tả một thời gian ngắn.
  • Thirsty (Khát nhiều): Trẻ uống nhiều nước hơn bình thường nhưng cảm thấy không thể làm dịu cơn khát.
  • Tired (Mệt mỏi): Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
  • Thinner (Sụt cân): Trẻ ốm hơn do sụt cân.
Biết về triệu chứng “4T” giúp chúng ta nhận biết sớm bệnh tiểu đường.

Triệu chứng đái tháo đường type 2

Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường type 2 bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm
  • Cơn khát tăng dần
  • Sự mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân, hay không có chủ ý giảm cân
  • Ngứa quanh bộ phận sinh dục, có thể bị nhiễm nấm ở bộ phận sinh dục
  • Vết thương chậm lành
  • Mờ mắt do khô mắt
  • Dấu gai đen: tình trạng da đặc trưng bởi các vùng da đổi màu sẫm, mịn như nhung ở các nếp gấp và nếp nhăn trên cơ thể như nách, bẹn, cổ, sau gáy.
Hình ảnh dấu hiệu “Gai đen”, tình trạng sạm da ở vùng nếp gấp có thể dễ dàng quan sát.

Lưu ý rằng không phải trẻ nào cũng có đầy đủ các triệu chứng kể trên. Ba mẹ hoặc người chăm sóc hãy đưa trẻ đến cơ quan y tế khi phát hiện trẻ có bất cứ một trong các triệu chứng này. Tiên lượng cho trẻ em và người trẻ mắc bệnh sẽ cải thiện nhiều nếu được phát hiện sớm.

Tham khảo thêm:Gợi ý thực đơn cho người già bị tiểu đường

Tại sao đái tháo đường ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ

Sự phát triển của đái tháo đường ở người trẻ là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ khiến một người có thể mắc đái tháo đường, bao gồm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ không thể thay đổi.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

Béo phì

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ mắc béo phì đang tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Trong nhiều nền văn hóa phát triển, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh hơn và đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Hậu quả của béo phì đối với trẻ: Nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, stress và các vấn đề tâm lý.

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có tiểu đường.

Lười vận động

Ít hoạt động thể chất là yếu tố chính gây ra đại dịch béo phì và tiểu đường ở người trẻ. Sự gia tăng của các phương thức giải trí tại chỗ và giải trí nhanh đã khiến con người ngày càng thụ động hơn trong vận động. Lối sống tĩnh tại ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại, được thúc đẩy bởi các yếu tố như tiến bộ công nghệ, thay đổi trong hoạt động làm việc và giải trí cũng như đô thị hóa.

Lối sống không lành mạnh

Thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu calo, đường, chất béo làm nồng độ đường trong máu cao và khiến tụy làm việc quá sức, gia tăng tình trạng đề kháng insulin theo thời gian.

Môi trường và yếu tố xã hội

Môi trường sống và yếu tố xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ rủi ro tiểu đường. Các yếu tố này bao gồm mức độ giáo dục của bậc cha mẹ, mức sống, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế của khu vực mà trẻ em sống.

Xem thêm: Lợi ích của việc tập thể dục đối với người tiểu đường tuýp 2

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Những yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến tiểu đường nhưng không thể cái thiện bằng hành vi hay lối sống:

  • Chủng tộc
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường
  • Tuổi dậy thì
  • Cân nặng khi sinh thấp
  • Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ
  • Nữ giới
Theo thống kê, người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường hay cân nặng khi sinh thấp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đối tượng khác.

Đái tháo đường có thể xem như một “dịch bệnh” mới và là hiểm họa đe dọa nền sức khỏe toàn cầu. Hãy bảo vệ cho bản thân và con trẻ bằng cách cải thiện lối sống và duy trì cân nặng vừa phải để tránh mắc bệnh.

Nếu đã mắc tiểu đường, bạn có thể theo dõi và kiểm soát bệnh tốt hơn nhờ vào ứng dụng DiaB (bấm vào để tải app về thiết bị). App sẽ giúp bạn theo dõi các chỉ số sức khỏe, tiếp cận nguồn thực đơn mẫu đa dạng, tư vấn chế độ tập luyện phục hồi và được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng app DiaB

Contact Me on Zalo
Call Now Button