6 CÁCH PHÒNG NGỪA BIẾN CHỨNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ HIỆU QUẢ

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, các biến chứng đái tháo đường thai kỳ sẽ là mối nguy hại rất lớn đối với người mẹ và thai nhi.

Đối với người phụ nữ, mang thai và sinh con là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc đời. Tuy vậy, trải nghiệm ấy cũng phải đánh đổi bởi rất nhiều khó khăn, thử thách. Một trong số ấy là đái tháo đường thai kỳ – một bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Biến chứng đái tháo đường thai kỳ là mối nguy hại rất lớn đối với người mẹ và thai nhi

Tham khảo thêm: Tất tần tật về tiểu đường thai kỳ: chỉ số, dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường trong thai kỳ là tình trạng cơ thể người mẹ không sản sinh đủ lượng insulin để điều hòa đường huyết, hoặc do các cơ quan đề kháng insulin. Thêm vào đó, nhau thai cũng sản sinh ra nhiều hormon làm tăng đường huyết khác nên nguy cơ người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ lại càng cao hơn.

Bệnh thường xuất hiện vào tuần thai thứ 24 đến 28. Khoảng 10% phụ nữ mang thai mắc phải đái tháo đường thai kỳ, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trên thai nhi và nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 của người mẹ sau khi sinh con.

Tham khảo thêm: Nguy cơ tiến triển mạn tính của đái tháo đường thai kỳ

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ?

Tất cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ và trầm trọng hơn là biến chứng của nó nếu không kiểm soát đường huyết hiệu quả. Trong đó, có một số yếu tố nguy cơ cho thấy người phụ nữ có xác suất mắc bệnh cao hơn:

  • Phụ nữ thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ có tiền sử sinh con nặng > 4kg
  • Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường thai kỳ
  • Tiền sử rối loạn dung nạp glucose
  • Tiền sử glucose niệu dương tính
  • Tiền sử sản khoa bất thường (sẩy thai liên tục, thai chết lưu)
  • Phụ nữ lớn tuổi (> 45 tuổi)
  • Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Đái tháo đường thai kỳ có triệu chứng như thế nào?

Nhìn chung, đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng rõ ràng, dễ chồng lấp với các bất thường sức khỏe ở phụ nữ mang thai:

  • Khát nhiều
  • Tiểu nhiều
  • Tăng cân nhanh không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn hoặc thèm ăn

Vì vậy, phụ nữ trong thai kỳ cần theo dõi đường huyết chặt chẽ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, thay vì dựa vào các biểu hiện bên ngoài để chẩn đoán.

Tham khảo thêm: 5 dấu hiệu nhận biết mắc bệnh tiểu đường thai kỳ mẹ bầu cần lưu ý

Biến chứng đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Đối với người mẹ

Biến chứng đái tháo đường thai kỳ luôn là mối hiểm họa tiềm ẩn cho phụ nữ mang thai. Một khi mắc phải biến chứng này, người mẹ có nguy cơ gặp các hệ lụy bao gồm:

  • Sẩy thai, thai chết lưu
  • Đa ối
  • Sinh non
  • Thai lớn quá mức, tăng nguy cơ phải mổ lấy thai
  • Tăng huyết áp thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu
  • Nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai tiếp theo và mắc đái tháo đường type 2 khi lớn tuổi.

Đối với thai nhi

Không dừng lại ở những hậu quả trên người mẹ, đến cả thai nhi cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến chứng đái tháo đường trong thai kỳ:

  • Tử vong ngay sau sinh
  • Thai nhi lớn quá mức
  • Hạ glucose huyết
  • Vàng da sơ sinh
  • Các rối loạn chuyển hóa, hô hấp, dị tật bẩm sinh,…

Làm cách nào để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ?

Có nhiều phương pháp chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ. Trong đó, thường quy nhất là nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT) được thực hiện như sau: Thai phụ nhịn ăn 8 giờ trước đó, uống chất lỏng chứa 75g đường và làm xét nghiệm đường huyết tại 3 thời điểm (lúc đói, 1 giờ và 2 giờ sau khi uống 75g đường).

Còn nhiều phương pháp chẩn đoán khác như đo đường huyết lúc đói, đo đường huyết sau ăn và đo HbA1c. Mẹ bầu có thể được chỉ định thêm các xẻt nghiệm khác để bổ sung kết quả cho nghiệm pháp dung nạp glucose.

Tham khảo thêm: Mẹ bầu đã biết chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm?

Phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ thế nào cho hiệu quả?

Tương tự như các dạng đái tháo đường khác, đái tháo đường trong thai kỳ nên được phòng ngừa từ giai đoạn sớm bằng cách kiểm soát đường huyết và rèn luyện lối sống lành mạnh. Chính vì vậy, người mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc phòng ngừa biến chứng, bao gồm:

  • Tuân thủ chế độ ăn cho người đái tháo đường: giảm carbohydrat, ăn nhiều chất xơ, thực phẩm tách béo
  • Theo dõi đường huyết chặt chẽ tại nhà
  • Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ
  • Tập thể dục điều độ, vừa sức
  • Duy trì cân nặng ở mức cho phép (tuy nhiên, không khuyến cáo giảm cân quá mức ở phụ nữ mang thai)
  • Dùng thuốc hạ đường huyết đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ

Tham khảo thêm: 5 cách giúp ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ trở thành bệnh tiểu đường loại 2

Biến chứng đái tháo đường trong thai kỳ là một thử thách lớn trong quá trình mang thai. Vì vậy, người mẹ cần hiểu biết và thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát đường huyết để ngăn chặn tiến triển các biến chứng nguy hiểm này.

Nguồn tham khảo:

  1. https://diab.com.vn/dai-thao-duong-thai-ky/
  2. https://diab.com.vn/dau-hieu-me-bau-bi-tieu-duong-thai-ky/
  3. https://diab.com.vn/5-cach-ngua-tieu-duong-thai-ky-thanh-tieu-duong-loai-2/
  4. https://diab.com.vn/chi-so-tieu-duong-thai-ky-bao-nhieu-la-nguy-hiem/
  5. https://diab.com.vn/tieu-duong-thai-ky-chi-so-dau-hieu-tieu-duong-thai-ky/
  6. https://www.cdc.gov/maternal-infant-health/pregnancy-diabetes/
  7. https://www.cdc.gov/diabetes/about/gestational-diabetes.html
Contact Me on Zalo
Call Now Button