Kháng insulin là gì? Cơ chế gây đái tháo đường type 2

BSCKI Trần Vũ Lan Hương
Tư vấn bệnh lý đái tháo đường
BSCKI Trần Vũ Lan Hương
DiaB - Giải Pháp Toàn Diện Cho Người Đái Tháo Đường

Insulin là một hormon kiểm soát đường huyết có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, lối sống thiếu lành mạnh của xã hội ngày nay đang làm tăng dần tỷ lệ người có tình trạng kháng insulin, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 ngày càng nhiều. Do đó, việc nhận biết các nguy cơ cũng như học cách phòng ngừa kháng insulin là một điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Insulin là gì? Vai trò của insulin trong cơ thể

Insulin giúp đưa glucose từ máu vào trong tế bào để tạo năng lượng
Insulin giúp đưa glucose từ máu vào trong tế bào để tạo năng lượng

Insulin là một hormon tự nhiên được tiết ra bởi tuyến tụy, có chức năng vận chuyển đường glucose từ máu vào trong tế bào (thường là tế bào gan, mỡ và cơ), để tế bào có thể chuyển hóa và sử dụng đường này tạo ra năng lượng. Khi insulin hoạt động bình thường, glucose trong máu sẽ được kiểm soát ở mức ổn định, đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng mà không gây tăng hoặc giảm đường huyết quá mức.

Ngược lại, khi tế bào tụy không tiết đủ insulin hoặc vì một lý do nào đó mà khả năng hoạt động của insulin giảm, cơ thể sẽ xảy ra tình trạng tăng đường huyết. Theo thời gian, tình trạng này sẽ tiến triển thành tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Kháng insulin là gì?

Kháng insulin xảy ra khi các tế bào không còn phản ứng tốt với insulin
Kháng insulin xảy ra khi các tế bào không còn phản ứng tốt với insulin

Kháng insulin là tình trạng trong đó các tế bào của cơ thể (tế bào gan, mỡ và cơ) không phản ứng tốt với hormon insulin, khiến insulin không thể hoạt động hiệu quả như bình thường. Điều này làm cho glucose không thể được hấp thu hiệu quả vào tế bào. Lượng glucose trong máu lúc này sẽ tăng cao, kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để bù đắp, kết quả là mức insulin trong máu cũng tăng cao (gọi là tăng insulin máu).

Qua thời gian, nếu tình trạng này không được kiểm soát, tuyến tụy sẽ bị quá tải và không thể tiết đủ insulin được nữa, dẫn đến tăng đường huyết mạn tính và nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.

Cơ chế kháng insulin gây ra đái tháo đường type 2

Kháng insulin gây tăng đường huyết dẫn đến đái tháo đường type 2
Kháng insulin gây tăng đường huyết dẫn đến đái tháo đường type 2

Kháng insulin là yếu tố khởi phát chính trong cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường type 2. Nó tạo ra một chuỗi phản ứng bệnh lý, bắt đầu bằng việc cơ thể phải tiết nhiều insulin hơn để bù đắp cho việc insulin hoạt động không hiệu quả. Khi phải liên tục hoạt động để sản xuất thêm insulin trong một thời gian dài, các tế bào beta trong tuyến tụy sẽ có xu hướng suy giảm số lượng và mất dần khả năng sản xuất insulin hiệu quả.

Đến một thời điểm nào đó, khi tuyến tụy không thể đáp ứng đủ lượng insulin để bù đắp cho tình trạng kháng insulin, mức đường huyết sẽ tăng lên đáng kể, dẫn đến rối loạn dung nạp glucose (tiền tiểu đường) và cuối cùng là đái tháo đường type 2.

Các yếu tố nguy cơ gây kháng insulin

Thừa cân là nguyên nhân phổ biến dẫn đến kháng insulin
Thừa cân là nguyên nhân phổ biến dẫn đến kháng insulin

Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng kháng insulin, bao gồm cả lối sống, di truyền và các điều kiện sức khỏe. Những yếu tố này có thể tác động riêng lẻ hoặc kết hợp, làm tăng khả năng phát triển tình trạng kháng insulin và các bệnh liên quan như đái tháo đường type 2 hoặc hội chứng chuyển hóa.

  • Thừa cân và béo phì: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng kháng insulin. Đặc biệt, mỡ thừa ở bụng và xung quanh các cơ quan (mỡ nội tạng) là có nguy cơ cao nhất gây kháng insulin.
  • Lối sống ít vận động: Vận động và tập thể dục là một cách để khiến các tế bào nhạy cảm hơn với insulin, giúp cơ bắp có thể hấp thụ glucose trong máu. Do đó, một lối sống tĩnh tại ít vận động có thể dẫn đến làm tăng tình trạng kháng insulin.
  • Chế độ ăn không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất bột đường, thức ăn chế biến sẵn chế biến sẵn và chất béo bão hòa có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm giàu đường, tinh bột tinh chế, và chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ này.
  • Tuổi cao: Người trên 45 tuổi có nguy cơ kháng insulin cao hơn. Nguyên nhân là do càng lớn tuổi, cơ thể càng có xu hướng tích trữ nhiều mỡ nội tạng cũng như giảm khối lượng và chức năng cơ bắp. Các quá trình này đều làm tăng nguy cơ kháng insulin.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như: steroid , thuốc điều trị cao huyết áp, HIV,… có thể làm gia tăng tình trạng kháng insulin.
  • Bệnh rối loạn nội tiết tố: Những bệnh nhân mắc các vấn đề liên quan đến nội tiết tố như hội chứng Cushing, suy giáp, hội chứng to đầu chi,… đều có thể gây ra tình trạng kháng insulin
  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc đái tháo đường type 2 thì nguy cơ bị kháng insulin sẽ cao hơn.
  • Các yếu tố sức khỏe khác: Một số bệnh lý khác cũng được cho là làm tăng nguy cơ kháng insulin bao gồm: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,…

Cách phòng ngừa và điều trị kháng insulin

Thay đổi lối sống có hiệu quả đáng kể trong điều trị kháng insulin
Thay đổi lối sống có hiệu quả đáng kể trong điều trị kháng insulin

Kháng insulin không phải là một bệnh lý. Kháng insulin có thể dẫn đến tiền tiểu đường và tiểu đường type 2, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bị kháng insulin nhẹ nhưng không tiến triển thành bệnh nếu có kế hoạch điều trị phù hợp. Không những thế, tình trạng kháng insulin cũng có thể được hồi phục nếu kiểm soát tốt.

Hiện nay, phương pháp phòng ngừa cũng như điều trị kháng insulin chính vẫn là thay đổi lối sống. Mặc dù điều này đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và kiên trì của bạn, nhưng đây lại là cách tốt nhất vừa làm giảm mức độ kháng insulin, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa nhiều biến chứng. Các thay đổi lối sống chính bao gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn giảm lượng chất bột đường (carbohydrate) và chất béo không lành mạnh trong bữa ăn hằng ngày bằng cách hạn chế bánh kẹo, nước ngọt và thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, nên ăn nhiều chất xơ từ rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Đối với protein, nên ưu tiên các loại protein gia cầm và đặc biệt là cá vì chúng chứa cholesterol xấu, đồng thời giàu các chất béo tốt cho sức khỏe. Cuồi cùng, tránh ăn quá nhiều trong một bữa để giảm áp lực lên insulin.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cơ bắp sử dụng glucose hiệu quả hơn, giảm kháng insulin. Bạn có thể thực hiện bất kỳ môn thể thao nào như đi bộ, chạy bộ, bơi lội (30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần), kèm với những bài tập kháng lực như nâng tạ hoặc chống đẩy để duy trì khối lượng cơ bắp.
  • Giảm cân: Trong một số trường hợp, giảm cân có thể cải thiện tình trạng kháng insulin, đồng thời giúp giảm mức đường huyết, hạ huyết áp, giảm mức triglyceride và cholesterol xấu, tăng mức cholesterol tốt có trong cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra giảm từ 5-10% trọng lượng cơ thể sẽ có lợi trong việc cải thiện độ nhạy cảm insulin.
  • Quản lý bệnh nền: Đối với những người có mắc các bệnh nền khác như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hội chứng buồng trứng đa nang,… Cần điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý trên để tránh làm gia tăng tình trạng kháng insulin.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Nên thực hiện kiểm tra glucose máu và insulin định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ kháng insulin, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ.

Câu hỏi liên quan

Kháng insulin có chữa khỏi được không?

Do một số nguyên nhân gây kháng insulin không thể can thiệp được (ví dụ tuổi tác). Do đó, có thể nói kháng insulin không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể cải thiện đáng kể thông qua thay đổi lối sống, giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.cần thiết.

Làm sao để biết mình có bị kháng insulin?

Không có xét nghiệm thường quy để chẩn đoán kháng insulin vì tình trạng này không gây ra triệu chứng gì nếu tuyến tụy vẫn còn khả năng bù đắp. Để biết một người có kháng insulin hay không, các bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm máu như xét nghiệm glucose, HbaA1c và các thành phần mỡ máu.

Chế độ ăn cho người kháng insulin như thế nào?

Ưu tiên thực phẩm ít gây tăng đường huyết (chỉ số GI), giàu chất xơ, protein, chất béo lành mạnh, hạn chế đường và carbohydrate tinh chế. Bên cạnh đó, cần kiểm soát khẩu phần ăn và chia nhỏ bữa để không gây tăng đường huyết quá mức sau ăn.

Thuốc điều trị kháng insulin là gì?

Hiện tại không có loại thuốc nào điều trị kháng insulin. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn để hạ đường huyết và điều trị các tình trạng bệnh đi kèm như metformin cho người bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, các thuốc hạ huyết áp, statin cho người rối loạn mỡ máu.

Kháng insulin là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đái tháo đường type 2, một bệnh lý mạn tính với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, hãy chủ động phòng ngừa kháng insulin thông qua những biện pháp thay đổi lối sống trên đây và kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo:

1. Insulin Resistance

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22206-insulin-resistance#:~:text=If%20your%20cells%20become%20too,Obesity
  • Ngày tham khảo: 22/12/2024

2. Is insulin resistance the principal cause of type 2 diabetes?

  • Link tham khảo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11225637/
  • Ngày tham khảo: 22/12/2024
Contact Me on Zalo