Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, loét bàn chân do đái tháo đường là một trong những biến chứng mạn tính đe dọa sức khỏe và ảnh hưởng tâm lý của người bệnh.
Tóm tắt nội dung
Loét bàn chân do đái tháo đường là gì?
Loét bàn chân là một biến chứng của bệnh đái tháo đường (tiểu đường) và không thể kiểm soát bằng các phương pháp như chế độ ăn kiêng, tập thể dục và điều trị bằng insulin. Vết loét được hình thành do mô da bị phá vỡ và làm lộ ra các lớp bên dưới.
Loét bàn chân do đái tháo đường xuất hiện ở bàn chân (từ mắt cá chân trở xuống: mu chân, gan bàn chân, gót chân và bàn-ngón chân) ở người bệnh đái tháo đường. Vết loét phổ biến nhất thường nằm ở dưới ngón chân cái và phần đầu bàn chân, có thể ảnh hưởng đến xương bàn chân.
Tất cả người bệnh đái tháo đường đều có thể bị loét bàn chân, nhưng việc chăm sóc tốt bàn chân có thể giúp ngăn ngừa biến chứng này. Điều trị loét bàn chân do đái tháo đường còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Bạn cần thảo luận các mối lo ngại về bàn chân với bác sĩ vì vết loét khi bị nhiễm trùng có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Xác định triệu chứng và chẩn đoán
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của loét bàn chân là dịch tiết ra từ vết loét bàn chân, có thể làm ố tất hoặc rỉ ra giày. Sưng, kích ứng, mẩn đỏ và có mùi hôi bất thường ở một hoặc cả hai chân cũng là những triệu chứng ban đầu thường gặp.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của vết loét bàn chân nghiêm trọng là mô đen (vảy) xung quanh vết loét. Điều này hình thành do thiếu lưu lượng máu đến khu vực đó.
Hoại tử một phần hoặc toàn bộ có thể xuất hiện xung quanh vết loét. Trong trường hợp này, dịch tiết có mùi hôi, có thể bị đau và tê.
Dấu hiệu loét bàn chân không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đôi khi, bạn thậm chí sẽ không nhận thấy biểu hiện triệu chứng loét cho đến khi vết loét bị nhiễm trùng.
Xem thêm: Top 8 dấu hiệu nguy hiểm của bàn chân tiểu đường không nên bỏ qua
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ vị trí đổi màu da ở chân, đặc biệt là khi mô chuyển sang màu đen hoặc cảm thấy đau xung quanh vùng da chai sạn hoặc nhạy cảm. Bác sĩ có thể sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của vết loét bằng phân độ bàn chân theo Wagner – Meggit:
– Độ 0: Không có các vết thương hở nhưng có thể có biến dạng bàn chân hoặc viêm mô tế bào.
– Độ 1: Vết loét nông (1 phần hoặc toàn bộ lớp da)
– Độ 2: Vết loét sâu đến lớp gân hoặc bao khớp nhưng không có tổn thương áp xe hoặc tổn thương xương
– Độ 3: Vết loét sâu với áp xe, viêm tủy xương hoặc nhiễm trùng khớp
– Độ 4: Hoại tử khu trú ở ngón chân hoặc gót chân
– Độ 5: Hoại tử lan rộng toàn bộ cẳng chân
Nguyên nhân gây loét bàn chân do đái tháo đường
Loét bàn chân đái tháo đường thường do các nguyên nhân:
Bệnh lý thần kinh đái tháo đường
Bệnh lý thần kinh đái tháo đường có thể gây ra phân bố áp lực bất thường ở lòng bàn chân dẫn đến các biến dạng bàn chân. Ngoài ra, các vết chai cũng xuất hiện dưới áp lực tỳ đè kéo dài gây viêm nhiễm, chấn thương mô mạn tính, hình thành các vết nứt nhỏ trên nền mô chai. Các áp xe bên dưới các mô chai rất dễ xuất hiện và gây nên các vết loét bàn chân.
Cảm giác đau cũng suy giảm do biến chứng thần kinh cảm giác, do đó, người bệnh càng ít quan tâm đến việc chăm sóc bàn chân. Biến chứng thần kinh còn ảnh hưởng đến sự lành vết thương và dễ tạo thành các vết loét.
Bệnh lý động mạch chi dưới
Bệnh lý động mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý trong đó lòng động mạch bị hẹp hoặc tắc, gây giảm tưới máu cơ quan và các bộ phận liên quan (da, thần kinh) phía hạ lưu. Nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Bệnh có thể làm nặng thêm biến chứng bàn chân và tắc mạch, là nguyên nhân trực tiếp gây loét, hoại tử bàn chân.
Yếu tố nhiễm trùng do lượng đường trong máu cao
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Đường huyết tăng cao mạn tính làm suy giảm khả năng tự miễn của người bệnh. Ngoài ra, trong môi trường glucose tăng cao, vi khuẩn dễ dàng tạo lớp vỏ bọc đề kháng với kháng sinh và chống lại các đại thực bào.
Các yếu tố nguy cơ gây loét bàn chân do đái tháo đường
Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ loét bàn chân, có thể do nhiều nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Mang giày không vừa hoặc chất lượng kém
- Vệ sinh kém (không rửa chân thường xuyên hoặc kỹ lưỡng, không lau khô chân sau khi rửa)
- Cắt móng chân không đúng cách
- Uống rượu
- Bệnh về mắt do tiểu đường
- Bệnh tim
- Bệnh thận
- Béo phì
- Sử dụng thuốc lá (gây ức chế lưu thông máu)
Loét bàn chân do đái tháo đường cũng phổ biến nhiều ở nam giới lớn tuổi.
Điều trị như thế nào?
Bạn cần giữ cho đôi chân được nghỉ ngơi để tránh đau do loét. Áp lực từ việc đi bộ có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn và vết loét ngày càng lan rộng.
Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng một số dụng cụ bảo vệ bàn chân như:
- Giày được thiết kế cho người mắc bệnh tiểu đường
- Nẹp chân, các dụng cụ giảm tải vết loét như khuôn bột bó
- Miếng lót giày ngăn ngừa vết chai
Bác sĩ có thể loại bỏ vết loét ở chân bằng cách cắt bỏ da chết hoặc bất cứ gì có thể gây ra vết loét.
Nhiễm trùng loét bàn chân có thể được ngăn ngừa bằng cách:
- Ngâm chân
- Khử trùng vùng da xung quanh vết loét
- Giữ cho vết loét khô bằng cách thay băng thường xuyên
- Phương pháp điều trị bằng enzyme
- Sử dụng băng gạc chứa alginate để ức chế sự phát triển của vi khuẩn
Nhiễm trùng là một biến chứng nghiêm trọng của loét bàn chân và cần được bác sĩ điều trị ngay lập tức. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để tìm dấu hiệu nhiễm trùng xương.
Thuốc
Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thuốc chống tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu để điều trị vết loét nếu nhiễm trùng tiến triển. Bạn cần thông báo cho bác sĩ về các tình trạng sức khỏe khác đang mắc phải do chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả HIV và các vấn đề về gan.
Quy trình phẫu thuật
Bác sĩ có thể khuyên bạn phẫu thuật vết loét nếu không có lựa chọn điều trị nào khác giúp lành vết loét. Phẫu thuật có thể giúp giảm bớt áp lực xung quanh vết loét bằng cách cạo xương, hoặc loại bỏ các bất thường ở bàn chân như nốt sưng tấy hoặc ngón chân hình búa.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Hơn một nửa số ca loét bàn chân do đái tháo đường bị nhiễm trùng. Khoảng 20% các trường hợp nhiễm trùng bàn chân từ trung bình đến nặng ở người mắc bệnh tiểu đường phải cắt cụt chi. Vì vậy, việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Mời bạn tham khảo sản phẩm Combo Máy đo đường huyết – Nipro Premier α
Ngoài ra, với những đối tượng thai kỳ, biến chứng nặng, đường huyết cao cần theo dõi đường huyết liên tục, … được thiết kế nhỏ gọn, cảm biến dễ gắn, mời bạn tham khảo sản phẩm Combo máy đo đường huyết không lấy máu – Reader và Sensor
Quản lý lượng đường trong máu
Cần quản lý chặt chẽ lượng đường trong máu để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường. Việc quản lý đường huyết có thể được hỗ trợ bởi Ứng dụng chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người đái tháo đường. Ứng dụng giúp bạn kiểm soát chỉ số sức khoẻ ngay tại nhà, giúp gợi ý thực đơn cân bằng dinh dưỡng và đề xuất lộ trình vận động phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể được hỏi đáp 24/7 cùng các chuyên gia đái tháo đường giàu kinh nghiệm ngay trong ứng dụng.
Với những người bệnh tiểu đường có thể sử dụng thêm DIAVIT bổ sung các vitamin và khoáng chất trong trường hợp cơ thể thiếu hụt do tăng nhu cầu sử dụng hoặc có các rối loạn về hấp thu, giúp tăng cường sức khỏe. Hỗ trợ giúp chuyển hóa đường huyết, cải thiện chỉ số đường huyết cho người đái tháo đường.
Xem thêm: Ứng dụng DiaB – kiểm soát đường huyết thông minh
Chăm sóc bàn chân
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người có nguy cơ loét bàn chân do đái tháo đường cần:
- Tự thực hiện hoặc nhờ người hỗ trợ kiểm tra bàn chân hàng ngày đối với toàn bộ bề mặt của cả hai bàn chân, khu vực giữa các ngón chân.
- Thông báo cho chuyên gia y tế nếu có dấu hiệu sưng, nóng, hoặc nổi mụn nước, vết cắt, vết xước hoặc vết loét.
- Không đi chân trần, đi tất không mang giày, hoặc đi dép đế mỏng, dù ở nhà hoặc đi ra ngoài.
- Không đi giày quá chật, có mép gồ ghề hoặc đường may không đều. Nhìn kỹ và sờ bằng tay vào bên trong đôi giày trước khi mang.
- Mang vớ không có đường may (hoặc có đường may từ trong ra ngoài); không mang vớ quá chật hoặc cao quá đầu gối và thay vớ hàng ngày.
- Rửa chân hàng ngày (với nhiệt độ nước dưới 37°C) và lau khô cẩn thận, đặc biệt giữa các ngón chân.
- Không dùng các loại máy sưởi, bình nước nóng để sưởi ấm chân.
- Không sử dụng các chất hóa học, bột trét để tẩy các vết chai.
- Sử dụng chất làm mềm da để bôi trơn vùng da khô, nhưng không bôi giữa các ngón chân.
- Cắt móng chân thẳng ngang.
- Khám bàn chân theo định kỳ.
Khuyến cáo về việc mang giày dép thích hợp
Ở người bệnh loét bàn chân đái tháo đường, đi giày dép không phù hợp hoặc đi chân trần là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương bàn chân dẫn đến loét chân. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh có bệnh lý thần kinh ngoại biên được khuyến khích mang giày dép phù hợp mọi lúc, cả trong nhà và ngoài trời.
Tất cả giày dép phải được điều chỉnh để phù hợp với cấu trúc bàn chân. Chiều dài bên trong của giày phải dài hơn chân 1-2 cm và không được quá chật hoặc quá lỏng. Chiều rộng bên trong phải bằng chiều rộng của bàn chân ở cổ chân (hoặc phần rộng nhất của bàn chân) và chiều cao phải đủ chỗ cho tất cả ngón chân. Nên chọn giày dép phù hợp với người bệnh ở tư thế đứng, tốt nhất là vào cuối ngày.
Nếu không có giày dép bán sẵn vừa với chân hoặc nếu có dấu hiệu của bàn chân có tải trọng bất thường (ví dụ, tăng huyết áp, vết chai, loét) thì nên đi giày dép đặc biệt như giày đặt làm riêng, có miếng lót hoặc chỉnh hình.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy phần da thịt bị đen quanh vùng bị tê, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị. Vết loét có thể cần vài tuần để lành và sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu lượng đường trong máu cao và áp lực liên tục lên vết loét. Lưu ý, loét bàn chân có thể tái phát sau khi được điều trị. Do đó bạn cần chăm sóc, phòng ngừa tốt để ngăn vết loét quay trở lại.
Nếu không được điều trị, loét bàn chân có thể gây ra áp xe và lan sang các khu vực khác trên bàn chân và cẳng chân. Lúc đó, chỉ có thể được điều trị bằng phẫu thuật, cắt cụt hoặc thay thế vùng da bị mất bằng các chất thay thế da tổng hợp.
Khi được phát hiện sớm, vết loét ở chân có thể điều trị được. Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau ở bàn chân để tránh nhiễm trùng. Nhiễm trùng không được điều trị có thể phải cắt cụt chi. Bạn cần tuân thủ điều trị và duy trì mục tiêu đường huyết để vết loét mau lành. Sau đó, chăm sóc phòng ngừa để ngăn vết loét quay trở lại.
Mời bạn tham khảo thêm các gói xét nghiệm tiểu đường đang có tại Docosan.com
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Loét bàn chân do đái tháo đường” của Bộ Y tế
Healthline: Diabetic Ulcers: Causes and Treatment