Tăng đường huyết và bệnh tiểu đường: Sự khác biệt là gì?

Tăng đường huyết là tình trạng chỉ số đường huyết cao hơn mức bình thường. Tăng đường huyết thường là kết quả của bệnh tiểu đường nhưng cũng có thể là tình trạng thứ phát của nhiều nguyên nhân khác.

Tăng đường huyết có liên quan đến bệnh tiểu đường?

Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao, có thể có liên quan đến bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hoặc không.

Tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm là tăng đường huyết mạn tính. Tuy nhiên, không phải ai bị tăng đường huyết cũng là do mắc bệnh tiểu đường. Tăng đường huyết không do tiểu đường thường là tình trạng tạm thời hoặc có thể do một bệnh lý khác. Đường huyết thường sẽ ổn định lại khi bệnh lý đó được điều trị.

Xem thêm: 8 thói quen hằng ngày làm tăng chỉ số đường huyết

Tăng đường huyết có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường không?

Câu trả lời là , nhưng còn phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây tăng đường huyết. Đôi khi, lượng đường huyết chỉ tăng cao tạm thời ở một thời điểm nhất định (ví dụ như sau khi ăn nhanh một lượng lớn đường vào cơ thể) rồi trở lại bình thường, thì đây là hiện tượng sinh lý của cơ thể. Thông thường, lượng đường trong máu có thể dao động từ 60 – 140 mg/dL sau khi ăn.

Người mắc bệnh tiểu đường sẽ có lượng đường trong máu tăng cao một cách thường xuyên và không thể về mức bình thường. Nếu bị nghi ngờ bệnh tiểu đường, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm đường huyết để xác nhận chẩn đoán.

Tăng đường huyết có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường nhưng còn tùy nguyên nhân
Tăng đường huyết có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường nhưng còn tùy nguyên nhân

Các triệu chứng của tăng đường huyết so với bệnh tiểu đường

Triệu chứng của tăng đường huyết và bệnh tiểu đường có thể không rõ ràng. Thông thường, bệnh chỉ có thể được chẩn đoán khi xét nghiệm máu định kỳ. Do đó, các cơ quan y tế đưa ra khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người lớn có yếu tố nguy cơ nhưng không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng.

Một số triệu chứng tăng đường huyết có thể gặp như: cơ thể yếu ớt, đau đầu, mờ mắt, đi tiểu thường xuyên và khát nước nhiều.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 thường phát triển theo thời gian và có thể cũng không rõ ràng. Triệu chứng nếu có thường bao gồm các dấu hiệu kể trên kèm theo: tê tay và chân, cực kỳ mệt mỏi, thường xuyên bị nhiễm trùng và vết loét lâu lành.

Bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi và thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng khởi phát nhanh, ngoài các triệu chứng tăng đường huyết kể trên, có thể bao gồm: buồn nôn, nôn mửa và đau dạ dày.

Bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ và đến khám ở cơ sở y tế gần nhất nếu gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng nêu trên trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Triệu chứng tăng đường huyết có thể gặp như: cơ thể yếu ớt, đau đầu, mờ mắt, đi tiểu thường xuyên và khát nước nhiều
Triệu chứng tăng đường huyết có thể gặp như: cơ thể yếu ớt, đau đầu, mờ mắt, đi tiểu thường xuyên và khát nước nhiều

Nguyên nhân gây tăng đường huyết ở người mắc và không mắc bệnh tiểu đường là gì?

Ở người không mắc bệnh tiểu đường

Nguyên nhân gây tăng đường huyết ở người không mắc bệnh tiểu đường có thể bao gồm:

  • Ăn nhiều đường hoặc carbohydrate trong một lần
  • Chế độ sinh hoạt không hợp lý: không tập thể dục, ngủ quá ít, ăn quá nhiều,…
  • Thường xuyên bị căng thẳng cao độ
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Bệnh cấp tính hoặc nhiễm trùng
  • Do phẫu thuật, chấn thương
  • Dùng một số loại thuốc gây tăng đường huyết (như steroid)
Ăn nhiều đường hoặc carbohydrate trong một lần có thể gây tăng đường huyết
Ăn nhiều đường hoặc carbohydrate trong một lần có thể gây tăng đường huyết

Ở người mắc bệnh tiểu đường

Ở người mắc bệnh tiểu đường, nguyên nhân chính khiến lượng đường trong máu tăng cao là do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai, tùy thuộc vào tuýp bệnh mà bạn mắc phải. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Bệnh tiểu đường tuýp 2 là tình trạng giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Ngoài ra, lượng đường trong máu cao có thể là do:

  • Dùng không đủ liều insulin hoặc bỏ liều thuốc uống
  • Dùng insulin hết hạn
  • Mất nước
  • Hiện tượng bình minh
  • Tình trạng kháng insulin thay đổi do tăng cân hoặc mang thai

Các biến chứng của tăng đường huyết và tiểu đường

Có cả những biến chứng ngắn hạn và dài hạn, bao gồm:

Biến chứng ngắn hạn

Trong thời gian ngắn, lượng đường trong máu tăng cao có thể khiến bạn khát nước và mất nước do đi tiểu thường xuyên hơn. Bạn có thể bị mờ mắt, đau nhức và uể oải. Vết thương có thể chậm lành và dễ bị nhiễm trùng hơn.

Ngoài ra, lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton đái tháo đường, có thể gây tử vong.

Biến chứng dài hạn

Lượng đường trong máu cao kéo dài (trên 200–250 mg/dL) có thể gây ra các biến chứng bệnh tiểu đường, bao gồm:

  • Bệnh võng mạc
  • Mất thị lực
  • Biến chứng thần kinh
  • Cắt cụt chi dưới
  • Tổn thương thận và suy thận
  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
Biến chứng võng mạc tiểu đường: ví dụ về hình ảnh trong mắt người bình thường (bên trái) và trong mắt người bệnh võng mạc tiểu đường (bên phải)
Biến chứng võng mạc tiểu đường: ví dụ về hình ảnh nhìn thấy trong mắt người bình thường (bên trái) và trong mắt người bệnh võng mạc tiểu đường (bên phải)

Kiểm soát tình trạng tăng đường huyết do tiểu đường

Nếu bạn bị tăng đường huyết do tiểu đường, điều quan trọng là phải giải quyết nhanh chóng. Có nhiều cách để giảm nhanh lượng đường trong máu, bao gồm:

  • Dùng insulin hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Uống đủ nước
  • Chế độ ăn lành mạnh
  • Tập thể dục điều độ
  • Duy trì giấc ngủ từ 7 – 9 tiếng/đêm
  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên
  • Tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ

Tích cực kiểm soát lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa nhiễm toan đái tháo đường.

Xem thêm: Dinh dưỡng đái tháo đường – 101 điều mà ai cũng cần biết

Tăng đường huyết hoặc tiểu đường có thể được ngăn ngừa và chữa khỏi không?

Tăng đường huyết có thể được điều trị và có thể chữa khỏi, ngay cả khi bạn mắc bệnh tiểu đường. Chế độ ăn kiêng, hoạt động thể chất, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và theo dõi những thực phẩm bạn đưa vào cơ thể có thể giúp ngăn ngừa và điều trị chứng tăng đường huyết.

Tuy nhiên, bệnh tiểu đường thì không thể chữa khỏi. Mặc dù vậy, bạn có thể thực hiện các bước để giảm thiểu và ngăn ngừa các biến chứng ngắn hạn và dài hạn của bệnh tiểu đường. Bạn có thể tham khảo chương trình Sống khỏe cùng đái tháo đường của DiaB để có thêm nhiều thông tin hữu ích về chế độ ăn uống và lối sống phù hợp cho người bệnh đái tháo đường từ đội ngũ chuyên gia uy tín.

Chương trình Sống khỏe cùng đái tháo đường của DiaB
Chương trình Sống khỏe cùng đái tháo đường của DiaB

Lợi ích của chương trình Sống khỏe cùng đái tháo đường:

  • Cung cấp kiến thức khoa học về bệnh tiểu đường và cách kiểm soát hiệu quả.
  • Hỗ trợ xây dựng chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp với nhu cầu cá nhân.
  • Giúp người bệnh xây dựng thói quen sống lành mạnh, kiểm soát tốt đường huyết.
  • Tạo cộng đồng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người bệnh tiểu đường.

Tăng đường huyết và tiểu đường là hai tình trạng phổ biến có nhiều điểm tương đồng. Cả người bệnh và không mắc bệnh tiểu đường đều có thể bị tăng đường huyết. Nếu không liên quan đến bệnh tiểu đường thì tăng đường huyết thường là tạm thời. Có thể điều trị tăng đường huyết bằng cách bù nước và dùng thuốc. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, tốt nhất nên kiểm soát đường huyết để tránh các biến chứng ngắn hạn và dài hạn.

Tài liệu tham khảo:

Healthline: Hyperglycemia vs. Diabetes: What’s the Difference?

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 của Bộ Y tế

Contact Me on Zalo
Call Now Button