Dạ dày là một trong những bộ phận đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, là nơi dự trữ tạm thời và tiêu hóa thức ăn. Vì sự tấn công bởi vi khuẩn hay virus gây hại mà dạ dày có thể bị tổn thương và gây ra một số bệnh lý. Hơn thế, chế độ ăn uống kém khoa học và lối sống thiếu lành mạnh cũng chính là yếu tố gây bệnh dạ dày. Trong bài viết dưới đây, Docosan sẽ giới thiệu đến bạn đọc 9 căn bệnh ở dạ dày điển hình.
Tóm tắt nội dung
Cấu tạo và chức năng của dạ dày
Dạ dày (hay còn được gọi là bao tử) là bộ phận phình to nhất của hệ thống đường tiêu hóa trong cơ thể con người. Là bộ phận nằm giữa thực quản và tá tràng, phần đầu của ruột non. Hình dạng và vị trí của dạ dày sẽ theo sự biến đổi của thể vị và dung lượng thức ăn. Trong hệ thống tiêu hóa, đây là bộ phận đảm nhận chức năng dự trữ thức ăn tạm thời và tiêu hóa thức ăn.
Theo hình chụp X-quang, dạ dày có dạng cong trong giống như chữ J. Bên cạnh đó, dạ dày còn được chia thành 5 vùng với những chức năng tương đối khác biệt, bao gồm: tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và môn vị.
Về chức năng, dạ dày đảm nhận 3 chức năng chính:
- Nơi dự trữ thức ăn tạm thời, như một trạm trung chuyển của thức ăn từ thực quản xuống và tồn lưu khoảng 2 giờ hoặc hơn, trước khi được chuyển tiếp xuống ruột non.
- Nhào trộn và phân cắt thức ăn bằng sự co bóp và thư giãn luân hồi của các lớp cơ.
- Tiêu hóa thức ăn bằng các chất men đặc trưng của dạ dày, như pepsin.
Với chức năng chính là co bóp và tiêu hóa thức ăn, thành dạ dày có cấu tạo đặc biệt so với phần còn lại của ống tiêu hóa. Nó bao gồm 4 lớp: niêm mạc, dưới niêm, cơ và thanh mạc. Mặc dù hấp thu các chất không phải chức năng chính của dạ dày (mà của ruột non) nhưng nó có khả năng hấp thu nước, rượu, chất có cồn và một số loại thuốc.
Các bệnh dạ dày thường gặp
Với những đặc tính giải phẫu và sinh lý phức tạp, dạ dày có khả năng mắc phải một số bệnh lý sau:
Chứng khó tiêu
Bạn có thể biết mình có chứng khó tiêu khi có cảm giác khó chịu, no căng ở bụng trong hoặc sau bữa ăn. Đôi khi bạn cảm nhận được cơn đau hoặc cảm giác nóng rát ở phần trên của dạ dày.
Chứng khó tiêu thực chất là dấu hiệu của một vấn đề nào đó, như viêm loét, trào ngược dạ dày hoặc bệnh túi mật, chứ không hẳn là một bệnh lý. Do đó phương pháp chữa trị chứng khó tiêu cũng tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ phát hiện được.
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là một trong những bệnh lý trường gặp của đường tiêu hóa. Biểu hiện của bệnh là tình trạng bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn, virus hay các tác nhân khác như rượu, thuốc kháng sinh, thực phẩm,… Triệu chứng điển hình của chứng viêm dạ dày là cơn đau vùng thượng vị. Ngoài ra, bệnh còn gây ra cảm giác buồn nôn khó chịu, ợ hơi, ợ chua,…
Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng bị viêm dạ dày. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh phổ biến, dễ mắc phải, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh.
Viêm loét dạ dày tá tràng
Khi niêm mạc dạ dày xuất hiện một vết loét thường sẽ gây đau hoặc chảy máu vào lòng dạ dày. Các vết loét dạ dày thường gây ra bởi thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Đôi khi vết loét không được điều trị thích hợp có thể dẫn đến loét xuyên thành dạ dày, gây thủng dạ dày, viêm phúc mạc.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là tên gọi chung cho các vết loét xuất hiện ở dạ dày và/hoặc tá tràng.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Những chất chứa trong dạ dày, bao gồm thức ăn, men tiêu hóa và cả acid, có thể trào ngược trở lại thực quản. Tình trạng này có thể không triệu chứng, hoặc nếu có thì gây ra cảm giác nóng rát sau xương ức (chứng ợ nóng), ợ chua, hoặc ho.
Khi triệu chứng trào ngược gây phiền toái cho người bệnh hoặc khi nó xảy ra thường xuyên, tình trạng này được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Đôi khi GERD có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng của thực quản, như thực quản Barrett, ung thư thực quản,…
Xuất huyết dạ dày
Viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày hoặc vỡ giãn tĩnh mạch dạ dày đều có thể gây ra chảy máu vào lòng dạ dày. Biểu hiện thường thấy là nhìn thấy máu hoặc chất màu đen trong dịch ói, trong phân.
Đây là những tình huống khẩn cấp y khoa vì có khả năng cao gây ra biến chứng nguy hiểm nên cần được đánh giá và chẩn đoán kịp thời. Trên thực tế, tình trạng xuất huyết nặng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Giãn tĩnh mạch dạ dày
Ở người có bệnh gan mạn nặng (như xơ gan nặng), các tĩnh mạch ở dạ dày có thể sưng to vì sự tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch ở gan. Những tĩnh mạch này có nguy cơ cao vỡ ra và gây chảy máu với nhiều mức độ, từ rỉ rả đến ồ ạt đe dọa tính mạng.
Hội chứng Zollinger-Ellison
Đây là tình trạng khi có sự hiện diện của một hoặc nhiều khối u tế bào nội tiết của dạ dày. Những tế bào này bình thường vẫn tồn tại trong dạ dày, với chức năng tiết ra hormon gastrin, giúp kích thích niêm mạc dạ dày sản xuất và tiết acid và men tiêu hóa.
Khi các tế bào này phát triển mất kiểm soát hình thành u tế bào nội tiết dạ dày, tình trạng tiết dịch vị có thể mất kiểm soát theo. Những trường hợp GERD hoặc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nặng có thể xuất phát từ hội chứng này.
Liệt dạ dày
Liệt dạ dày là khi quá trình làm trống dạ dày bị trì trệ. Tổn thương thần kinh do bệnh đái tháo đường hoặc một số tình trạng khác có thể làm suy giảm sức co bóp bình thường của các lớp cơ dạ dày. Buồn nôn và nôn mửa là những triệu chứng thường gặp của liệt dạ dày.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày phát triển đột biến và xâm lấn các mô lân cận qua hoặc di căn qua hệ thống mạch huyết. Đây là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam và có tỷ lệ tử vong cao. Một số yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày bao gồm uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ mặn, muối chua, hút thuốc lá,…
Địa chỉ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh ở dạ dày uy tín
Bạn sẽ không thể xác định đúng bệnh ở dạ dày nếu chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng. Vì phần lớn triệu chứng của một số bệnh ở dạ dày khá giống nhau. Để chắc chắn bản thân đang mắc căn bệnh gì, mức độ nặng nhẹ ra sao, điều trị như thế nào thì cần chủ động kiểm tra chẩn đoán tại các cơ sở y tế uy tín. Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là gợi ý dành cho bạn.
Khoa Tiêu hóa – Gan mật tại Phòng khám Golden Healthcare là đơn vị sẽ tiếp nhận các trường hợp thăm khám và chẩn đoán bệnh dạ dày. Phòng khám được trang bị hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại, thường xuyên nâng cấp nhằm phục vụ bệnh nhân tốt nhất. Một trong những phương pháp nội soi kỹ thuật cao đang được phòng khám đưa vào áp dụng trong công tác chẩn đoán là nội soi dạ dày tiền mê.
Nội soi dạ dày tiền mê là thủ thuật sử dụng thuốc gây mất cảm giác đau đơn và khó chịu, giúp bệnh nhân thoải mái hơn trong lúc bác sĩ kiểm tra sức khỏe của ống tiêu hóa. Song, thời gian nội soi ngắn, lượng thuốc an thần ít nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Kết thúc việc kiểm tra, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn có đang gặp vấn đề về mặt sức khỏe liên quan đến dạ dày không. Nếu có, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Dạ dày có cấu tạo và chức năng rất chuyên biệt cho hoạt động tiêu hóa thức ăn. Các bệnh liên quan đến dạ dày cũng rất đa dạng, nguyên nhân có thể từ dạ dày hoặc bên ngoài dạ dày. Nếu bạn có dấu hiệu của những bệnh lý ở dạ dày, điều tốt nhất là tham vấn bác sĩ để có được sự chăm sóc và xử trí tốt nhất.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.