Xuất huyết tiêu hóa là căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa là rất quan trọng và cần thiết sau khi cấp cứu. Để hiểu rõ về vấn đề này, hãy cùng Doctor có sẵn tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
- 1 Tổng quan
- 2 Những điều cơ bản trong chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
- 3 Theo dõi tình trạng sức khỏe khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
- 4 Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần tuân thủ chỉ định điều trị
- 5 Tư vấn giáo dục sức khỏe trong chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
- 6 Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa bằng dinh dưỡng
- 7 Bệnh viện, phòng khám điều trị xuất huyết tiêu hóa
- 8 Kết luận
Tổng quan
Xuất huyết tiêu hóa là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, biểu hiện của bệnh dễ nhận thấy như nôn ra máu, đi cầu phân đen hay tiêu ra máu. Khi đã có sự chảy máu vào đường tiêu hóa thì việc điều trị kịp thời là điều cần thiết để bệnh không trở nặng gây đe dọa tính mạng. Bên cạnh việc chữa trị đặc hiệu thì kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cũng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu, vừa giúp tăng hiệu quả của thuốc điều trị vừa làm giảm thời gian phục hồi các tổn thương gây xuất huyết tiêu hóa.
Những điều cơ bản trong chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa thì cần lưu ý thực hiện các biện pháp chăm sóc cơ bản như sau:
- Cần có không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, thông thoáng. Tốt nhất là người bệnh được nằm tại giường, đầu kê gối thấp.
- Nếu tình trạng chảy máu đang diễn tiến nặng có nguy cơ gây sốc hay choáng mất máu thì cần cho bệnh nhân thở oxy và đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Những trường hợp cần thiết phải đặt ống thông vào dạ dày để hút hết lượng máu đông lại trong dạ dày, đồng thời theo dõi được tình trạng chảy máu còn đang tiếp diễn hay không.
- Nên cho bệnh nhân đi đại tiện ngay tại giường và quan sát kĩ để theo dõi tính chất của phân, từ đó gián tiếp theo dõi tình trạng xuất huyết.
- Chú ý khi triệu chứng nôn ra máu giảm nhẹ thì cần cho bệnh nhân bắt đầu ăn nhẹ như cháo, bột, sữa.
- Người bệnh cần quan tâm chăm sóc và an ủi, động viên. Tránh để bệnh nhân bị kích động, lo lắng, tinh thần suy sụp có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh.
Theo dõi tình trạng sức khỏe khi chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
- Người bệnh cần được đánh giá tổng trạng toàn thân và đo các dấu hiệu sinh tồn, bao gồm nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở mỗi 30 đến 60 phút.
- Cần tiểu vào một bình chứa để đo lường được lượng nước tiểu mỗi ngày của bệnh nhân để kịp thời phát hiện tình trạng thiểu niệu hay vô niệu là dấu hiệu triển nặng của bệnh.
- Theo dõi các triệu chứng nôn ra máu, dấu chứng của đau bụng và tính chất của phân sau khi đại tiện.
- Mỗi ngày cần quan sát bệnh nhân ít nhất 1 lần để phát hiện sớm các triệu chứng của tình trạng mất máu như da xanh, niêm nhợt, tim đập nhanh, huyết áp tụt.
- Khi phát hiện một trong những biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng tăng lên đột ngột thì cần báo lại với bác sĩ để kịp thời xử lý.
Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần tuân thủ chỉ định điều trị
Bệnh nhân và cả người chăm sóc cần phải nghe theo sự tư vấn và các khuyến cáo của bác sĩ để bệnh tình được chữa trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát
- Thực hiện đúng các xét nghiệm do bác sĩ đưa ra, như xét nghiệm công thức máu, nội soi dạ dày, chụp X-quang bụng, …
- Cho bệnh nhân uống đúng các loại thuốc được bác sĩ kê toa, cần phải tuân thủ đúng thời điểm uống trong ngày và uống đầy đủ tất cả các ngày, không được tùy ý ngừng uống thuốc.
- Phải đi tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ đưa ra để được thăm khám bệnh tình, làm các xét nghiệm tầm soát và quyết định thay đổi hay tiếp tục phương pháp điều trị cho phù hợp.
Tư vấn giáo dục sức khỏe trong chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là bệnh dễ hay tái phát nhiều lần, từ đó có thể gây ảnh hưởng không phục hồi đến đường tiêu hóa của người bệnh, gây ra các biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng và cuộc sống.
Vì vậy khi có các biểu hiện bất thường về tiêu hóa thì cần phải thường xuyên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có thể kịp thời phát hiện sớm các nguyên nhân để có phương pháp điều trị tích cực và triệt để được bệnh xuất huyết tiêu hóa.
Điều quan trọng cần biết để phòng tránh được xuất huyết tiêu hóa hiệu quả là không được rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài; phải có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, không để lạm dụng chúng sẽ gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa bằng dinh dưỡng
Xuất huyết tiêu hoá gây chảy máu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc đường tiêu hóa của bệnh nhân. Vì vậy thức ăn đồ uống mà người bệnh dùng sẽ có tác động quan trọng đến tình trạng bệnh.
Trong kế hoạch hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần phải đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng phù hợp. Loại thực phẩm nào có thể ăn được và không thể ăn, cách chế biến thức ăn sao cho đúng, … Người bệnh cần tham khảo sự tư vấn của bác sĩ điều trị để nắm rõ và thực hiện đúng đủ chế độ ăn uống hợp lý.
Bệnh viện, phòng khám điều trị xuất huyết tiêu hóa
- Bệnh viện Quốc tế City– Quận Bình Tân
- Bệnh viên đa khoa Tân Hưng – Quận 7
- Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn – Q. Bình Chánh
Kết luận
Khi được tư vấn về kế hoạch chăm sóc người bị xuất huyết tiêu hóa thì người bệnh cũng cần thận trọng và linh hoạt áp dụng theo đúng tình trạng sức khỏe hiện tại để tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tốt nhất cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá đúng tình trạng bệnh và được hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa một cách đầy đủ, chi tiết và phù hợp cho từng người bệnh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Gastrointestinal GI Bleed Nursing Diagnosis Interventions and Care Plans – Nursestudy
- Nursing Care Plan For Acute Gastrointestinal Hemorrhage – Scribd.