Các biện pháp chữa trĩ độ 3 tại nhà thường được áp dụng hiện nay nhằm mục đích điều trị ban đầu và hỗ trợ điều trị bên cạnh biện pháp ngoại khoa để tăng cường hiệu quả chữa bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cách chữa trĩ độ 3 tại nhà trong bài viết này nhé!
Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu nhận biết trĩ độ 3
Bệnh trĩ gây ra bởi tình trạng mạng lưới tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn bị căng giãn khiến cho lưu lượng tuần hoàn tĩnh mạch tại vùng này bị đình trệ, ứ đọng máu và sưng phồng lên tạo thành các búi tĩnh mạch trĩ.
Trong đó, tình trạng trĩ nội là được quy định dựa vào mốc giải phẫu: các búi trĩ xuất hiện trên đường lược của ống hậu môn trực tràng. Trĩ nội được chia ra làm 4 mức độ, trong đó trĩ nội độ 3 là giai đoạn thứ 3 của bệnh. Đây là giai đoạn tương đối nặng và nguy hiểm chỉ xếp sau giai đoạn 4 – giai đoạn cuối cùng.
Các triệu chứng trong giai đoạn 3 biểu hiện với tần suất dày đặc. Búi trĩ thường xuyên bị sa ra ngoài hậu môn, không chỉ lúc đi đại tiện mà ngay cả khi ho, ngồi xổm hay vận động, thậm chí là lúc nghỉ ngơi. Búi trĩ cũng không có khả năng tự co hồi vào trong lỗ hậu môn mà phải dùng lực tác động từ bên ngoài như ấn hoặc đẩy vào. Người bệnh cũng cảm thấy đau rát, ngứa nhiều và chảy máu trong phân.
Bệnh trĩ nội độ 3 không thể tự thoái triển mà phải cần đến các biện pháp can thiệp kịp thời. Bệnh sẽ tiến triển theo hướng ngày càng tệ đi nếu người bệnh chần chừ trong việc thăm khám. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nặng nề về thể chất mà còn tác động tiêu cực lên tâm lý của người bệnh.
Cách chữa trĩ độ 3 tại nhà
Búi trĩ độ 3 thường xuyên sa ra ngoài khi đi cầu hoặc khi nghỉ ngơi mà không tự trở về được phải dùng tay đẩy mới lên. Do đó ở giai đoạn này việc can thiệp điều trị là bắt buộc. Người bệnh có thể được tư vấn phương pháp điều trị ngoại khoa phẫu thuật hoặc can thiệp nội khoa, chữa trĩ độ 3 tại nhà. Hầu hết các trường hợp đều được can thiệp ngoại khoa kết hợp nội khoa.
Theo các khuyến cáo hiện hành về điều trị trĩ nội, nếu đã mắc trĩ độ 3 thì nên tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng phương pháp phẫu thuật hoặc đủ các tiêu chuẩn để có thể tiến hành phẫu thuật, đồng thời phẫu thuật trĩ có thể gây ra một số biến chứng và hệ quả không đáng có:
- Phương pháp xâm lấn gây đau đớn và cần thời gian để nghỉ ngơi hậu phẫu có thể ảnh hưởng đến công việc của bệnh nhân.
- Nguy cơ biến chứng hậu phẫu như nhiễm trùng, hẹp hậu môn…
- Chi phí cao, có khả năng tái phát nếu không chăm sóc và điều chỉnh lối sống.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc uống hỗ trợ chữa trị độ 3 tại nhà dạng bôi và dạng uống. Thuốc phải được chỉ định và sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ điều trị. Người bệnh tránh tự ý mua thuốc tự điều trị có thể gây các biến chứng vô cùng nguy hiểm, “tiền mất tận mang”. Một số loại thuốc thường được sử dụng:
- Daflon 500mg: giúp tăng độ bền mạng lưới tĩnh mạch trĩ, giảm tình trạng giãn nở các búi trĩ , giảm kích thước búi trĩ. Tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ như buồn nôn, bụng chướng, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt.
- Thuốc nhuận tràng, đi tiêu dễ: một trong những yếu tố làm nặng hơn tình trạng bệnh trĩ đó là táo bón. Do đó chữa trĩ độ 3 rất cần đến thuốc nhuận tràng để phân mềm hơn, khi đi tiêu không cọ vào búi trĩ gây rách, chảy máu, gây xuất huyết tiêu hóa dưới. Một số thuốc nhuận tràng hiện có trên thị trường: Duphalac 10g/15ml; Sorbitol 5g dạng gói bột… Lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc này đó là tình trạng đầy hơi, sôi bụng, dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm: giúp điều trị các triệu chứng của trĩ như ngứa, đau rát. Thuốc giảm đau, kháng viêm thường được sử dụng để chữa trĩ độ 3 tại nhà là Lidocain 2-5%, Benzocain 5-20%, Glucocorticoid, NSAIDs (dùng kèm PPI), …
- Nhóm thuốc giúp giảm kích ứng: vai trò tạo ra hàng rào vạt lý giúp giảm kích ứng ở mô vùng hậu môn – trực tràng. Thuốc bôi giảm kích ứng chữa trĩ độ 3 tại nhà thường được dùng đó là kem bôi kẽm oxyd 2%.
Bên cạnh các nhóm thuốc Tây y, biện pháp chữa trĩ độ 3 tại nhà bằng biện pháp Đông y cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
- Bài thuốc dùng để uống chữa trĩ bao gồm các loại thảo dược như hoàng bá, xích thược, hoàng liên, đại hoàng, trạch tả, sinh địa, đào nhân, đương quy…
- Bài thuốc dùng để ngâm rửa hậu môn: kim ngân hoa, hoa kính giới, hoàng bá, ngũ vị tử….
- Về liều lượng của mỗi loại thảo dược được quy định theo phác đồ Đông y, người bệnh cần tham khảo cách nấu thuốc và cách sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ Đông y.
Lưu ý khi chữa trĩ độ 3 tại nhà
Bên cạnh các biện pháp kể trên, để đạt được hiệu quả điều trị khi chữa trĩ nội độ 3 tại nhà người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc và biện pháp sau:
- Thường xuyên ngâm hậu môn bằng nước muối ấm, ngâm mỗi lần 15 phút mỗi ngày sẽ giúp búi trĩ co nhanh hơn đồng thời giúp vệ sinh vùng hậu môn tránh xảy ra viêm nhiễm, giảm đau rát.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung nhóm chất xơ như rau xanh, củ quả tươi,… giúp phân mềm tránh báo bón.
- Uống nhiều nước, khoảng 2-2.5 lít đối với trưởng thành
- Hạn chế rượu bia và các thức ăn cay nóng vì gây đau rát khi đi vệ sinh.
- Tập các bài tập nhẹ nhàng, đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày, tránh tập nặng như tập tạ, những động tác yêu cầu gồng người.
- Không nên ngồi/ đứng quá lâu, tránh các hoạt động khuân vác gây áp lực lên sàn chậu làm búi trĩ sa ra ngoài.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bạn có biết: phương pháp chữa trĩ độ 3 tại nhà an toàn”. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về phương pháp chữa bệnh trĩ độ 3 tại nhà.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS