Đau bụng trên rốn là một triệu chứng phổ biến thường gặp trong các bệnh lý đường tiêu hóa. Chính vì vậy việc điều trị bệnh cũng như nguyên nhân gây đau bụng trên rốn luôn là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng này trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
1. Đau bụng trên rốn là bệnh gì?
Theo y học, vùng bụng phải của con người gồm 9 phần sau:
- Vùng 1: Vùng hạ sườn Phải (phía trên, bên phải) gồm: Gan, túi mật, thận phải, ruột non
- Vùng 2: Vùng thượng vị (trên, giữa) gồm: Dạ dày, gan, tụy, tá tràng, lách, tuyến thượng thận
- Vùng 3: Vùng hạ sườn trái (phía trên, bên trái) gồm: Lách, ruột già, thận trái, tụy
- Vùng 4: Vùng hông phải (giữa, bên phải) gồm Túi mật, Gan, Đại tràng phải
- Vùng 5: Vùng rốn (giữa) gồm Rốn, hỗng tràng, hồi tràng, tá tràng
- Vùng 6: Vùng hông trái (giữa, bên trái) gồm Đại tràng xuống, Thận trái
- Vùng 7: Vùng hố chậu phải (phía dưới, bên phải) gồm ruột thừa, manh tràng
- Vùng 8: Vùng hạ vị (dưới, giữa) gồm Bàng quang, Đại tràng Sigmoid, Cơ quan sinh sản nữ
- Vùng 9: Vùng hạ vị trái gồm Đại tràng xuống, Đại tràng Sigmoid
Tuy nhiên nguồn gốc chính xác của một cơn đau bụng thì rất khó xác định và nó cũng không biểu hiện đặc trưng cho cơ quan bị tổn thương. Đau bụng trên rốn là cảm giác đau và khó chịu vùng 2 hay còn gọi là vùng thượng vị.
2. Nguyên nhân gây đau bụng
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây đau bụng trên rốn, cụ thể là các bệnh lý sau:
2.1. Viêm loét dạ dày – tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ ở độ tuổi từ 30-50 tuổi gây đau bụng trên rốn. Nguyên nhân của đau bụng thường do:
- Tăng tiết acid dịch vị do u tiết gastrine gặp < 1% trường hợp
- Sử dụng nhóm thuốc NSAIDs và aspirin là 2 nguyên nhân ở các bệnh nhân loét không do Helico bacter pylori
- Helicobacter pylori: gặp trong 80% trường hợp loét không do NSAIDs
- Khi không có các nguyên nhân kể trên thì loét được xem là vô căn.
- Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ bị loét dạ dày – tá tràng
Triệu chứng:
- Đau thượng vị như xoắn vặn, không lan hay lan ra lưng hoặc giữa 2 xương bả vai. Cơn đau xảy ra đều đặn sau ăn hoặc chậm từ 3-5 giờ sau ăn
- Ăn uống khó tiêu
- Đau bụng trên rốn tăng khi ấn vùng thượng vị hoặc ăn chua và giảm khi ăn, uống sữa.
- 10% người bệnh đến khi đã có biểu hiện biến chứng của bệnh.
Triệu chứng báo động: sụt ký, ăn khó tiêu sớm, xuất huyết, thiếu máu, không đáp ứng với thuốc ức chế tiết acid nội soi được chỉ định để đánh giá biến chứng hay chẩn đoán khác.
2.2. Viêm ruột thừa
Biểu hiện viêm ruột thừa thường sẽ có các triệu chứng sau:
- Đau bụng:
- Thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên của viêm ruột thừa, trên 95% người mắc viêm ruột thừa thì sẽ bị đau bụng trước, rồi đến lượt nôn mửa (nếu có xảy ra). Nếu nôn mửa xảy ra trước khi có triệu chứng đau bụng thì có thể đó không phải là viêm ruột thừa
- Một dấu hiệu quan trọng giúp xác định viêm ruột thừa từ triệu chứng đau bụng là đau bụng bắt đầu lan toả ở vùng thượng vị và vùng rốn với mức độ đau vừa phải, không thay đổi, đôi khi có những cơn co thắt trội lên rồi sau một thời gian từ 1-12 giờ (thường trong vòng 4-6 giờ), cơn đau sẽ di chuyển xuống hố chậu phải.
- Tại hố chậu phải, cảm giác đau thường nhiều nhất ngay ở điểm đau Mac Burney hoặc gần với điểm Mac Burney (Điểm McBurney là vị trí thường gặp của ruột thừa gắn vào manh tràng, nằm ở một phần tư dưới phải của thành bụng, ở một phần ba ngoài trên đường nối giữa gai chậu trước trên và rốn)
- Nôn, buồn nôn xảy ra trong khoảng 75% trường hợp nhưng không đặc hiệu, hầu hết người bệnh sẽ chỉ nôn 1-2 lần.
- Sốt: trên 38 độ C, hiếm khi trên 39,5 độ C. Có thể sốt cao ở trẻ nhỏ hoặc đã có biến chứng của bệnh xuất hiện hoặc nên xem xét lại có thể là một bệnh khác không phải viêm ruột thừa.
- Chán ăn: thường đi kèm theo viêm ruột thừa.
- Tiêu chảy: 5-10%.
- Người bệnh viêm ruột thừa thường thích nằm ngửa, với hai đùi (đặc biệt là đùi phải) thường kéo gấp lên – bởi vì bất kỳ cử động nào cũng làm đau gia tăng. Nếu như yêu cầu cử động, bệnh nhân cũng chỉ làm chậm chạp và thận trọng
2.3. Bệnh lý ở gan
Thường gặp hơn cả là bệnh cảnh viêm gan.
Viêm gan do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường là do nhiễm virus viêm gan siêu vi A và B hoặc do thuốc, do rượu.
Triệu chứng: Chia làm 3 giai đoạn:
- Trước khi xuất hiện vàng da:
- Mệt mỏi, sốt nhẹ
- Buồn nôn, chán ăn
- Đau bụng trên rốn hơi lệch sang phải do gan to
- Đau cơ, khớp, nhức đầu, nổi ban ở da
- Vàng da: vàng da niêm, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân nhạt màu, có thể hạ sốt hoặc hết sốt, giảm đau bụng
- Phục hồi: vàng da giảm dần, tiểu nhiều, cảm thấy khỏe hơn và ăn uống ngon hơn. Mệt và vàng da có thể kéo dài vài tuần
2.4. Viêm dạ dày cấp
Nguyên nhân: do stress, thuốc (aspirine, NSAIDs, hóa trị ung thư, …), rượu, vi trùng và siêu vi (E.Coli, Shigella, …), …
Triệu chứng:
- Đau vùng thượng vị dữ dội như đốt, đau tăng sau ăn hoặc uống
- Ói thức ăn hoặc ói ra máu
- Đi cầu phân đỏ hoặc đen
- Sốt
- Tiêu chảy
2.5. Thủng dạ dày – tá tràng
Là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa với triệu chứng đau bụng trên rốn
Chẩn đoán thông qua các triệu chứng.
- Đau bụng trên rốn dữ dội và đột ngột, không dám cử động
- Bụng gồng cứng và ấn rất đau
- Đã từng bị đau bụng trước đó
2.6. Ung thư dạ dày
Là bệnh lý nguy hiểm, khó điều trị nếu tiến triển đến giai đoạn muộn với triệu chứng đau vùng bụng trên rốn và có các dấu hiệu của tiền ung thư như chán ăn, sụt cân, …
2.7. Viêm tụy
Triệu chứng đau bụng trên rốn hoặc quanh rốn gặp trong 95% trường hợp viêm tụy cấp. Đau bụng khởi phát đột ngột, có thể lan sau lưng. Đau âm ỉ liên tục, cường độ tăng dần đến tối đa sau 30 phút. Có thể giảm đau khi ngồi cúi ra trước hoặc nằm cong người nghiêng trái.
2.8. Bệnh lý túi mật
2 bệnh cảnh thường gặp là Viêm túi mật và sỏi mật
- >50% không có triệu chứng bệnh
- Sỏi túi mật có triệu chứng: đầy bụng, tức bụng, sình hơi sau ăn; cơn đau quặn mật: đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, lan lên vai phải, không quá 2 giờ
- Viêm túi mật có triệu chứng: cơn đau quặn mật hay đau liên tục hạ sườn phải hoặc thượng vị, sốt, nôn ói, vàng da nhẹ
3. Đau bụng trên rốn khi nào thì cần gặp bác sĩ?
Những trường hợp đau bụng trên rốn cần tới gặp bác sĩ ngay để tránh nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh:
- Những cơn đau bụng trên rốn tăng dần, di chuyển xuống dưới bên phải bụng
- Nôn ói nhiều lần mà không thể chịu đưng được
- Cơn đau ngực hoặc cơn đau lên ngực, cằm, cánh tay hoặc ra sau lưng
- Cảm giác chóng mặt, hoa mắt, khó thở, choáng váng
- Sốt 38°C hoặc cao hơn
- Có cảm giác nhìn thấy bụng phình to ra
4. Cách chữa đau bụng trên rốn như thế nào?
Đau bụng trên rốn do nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau gây nên chính vì vậy mỗi căn bệnh đều sẽ có hướng điều trị riêng mà bác sĩ chữa trị cho bạn sẽ quyết định điều đó: phẫu thuật ngoại khoa trong viêm ruột thừa; hóa trị, xạ trị, phẫu trị trong ung thư dạ dày hoặc điều trị thuốc nội khoa trong viêm dạ dày cấp, …
Bên cạnh việc điều trị nội ngoại khoa thì những phương pháp nhỏ sau cũng sẽ giúp bạn không ít trong việc giảm bớt cơn đau bụng trên rốn của mình:
- Chườm nóng:
- Cần chuẩn bị một bình nước nóng hoặc ấm được bọc lại bởi chiếc khăn sau đó đặt lên vùng bị đau từ 5 – 10 phút. Cần lặp lại nếu cảm thấy cần thiết.
- Khi chườm nóng cần cẩn thận để tránh bình nước nóng gây ra bỏng
- Khi chườm, bạn nên nằm và thả lỏng cơ thể sẽ giúp cơn đau giảm nhanh hơn
- Phương pháp này khá hiệu quả và nhanh chóng giúp làm dịu cơ trơn , giãn mao mạch từ đó giảm nhẹ cơn đau bụng trên rốn hiệu quả, chườm nóng còn có tác dụng giảm viêm.
- Massage bụng trên rốn nhẹ nhạng:
- Đặt tay lên khu vực bụng phía trên, tiến hành hành xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ.
- Thực hiện liên tục 100 – 200 vòng bạn sẽ thấy cơn đau giảm đi rõ rệt.
- Để tăng hiệu quả của phương pháp này, bạn có thể kết hợp sử dụng với dầu gió để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn và giảm đau bụng.
- Uống nước:
- Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày giúp giảm cơn đau bụng trên rốn, thúc đẩy quá trình thải độc tố ra khỏi cơ thể.
- Vì vậy, uống nước không chỉ giúp bổ sung đủ nước cho cơ thể đồng thời còn là môi trường lý tưởng để các phản ứng hóa học xảy ra một cách thuận lợi hơn.
- Cần lưu ý không nên sử dụng các loại đồ uống không tốt cho sức khỏe như rượu bia, đồ uống chứa chất kích thích, cà phê, nước uống có gas.
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, hạn chế căng thẳng, stress.
- Cần có một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều rau quả và trái cây, hạn chế ăn các loại thực phẩm còn tươi sống như nem chua, tiết canh, rau sống, gỏi các loại, lòng heo,… tránh nhiễm khuẩn đường ruột, hạn chế ăn hoặc sử dụng các chất gây kích thích đường ruột như cà phê, rượu bia, thuốc lá, những đồ ăn chiên nóng nhiều dầu mỡ khó tiêu. Nên ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn ít vào buổi tối để giảm gánh nặng cho đường ruột.
- Nên ăn chậm, nhai kĩ thức ăn giúp thức ăn hòa trộn với các enzyme trong nước bọt, dễ dàng tiêu hóa hơn không nên bỏ bữa.
- Cần duy trì một lối sống lành mạnh, nên có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để sức khỏe nhanh chóng hồi phục.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe. Người bệnh nên tập yoga, thiền, khí công nhẹ nhàng để giảm bớt stress trong công việc và cuộc sống đồng thời có sức khỏe tốt để chống chọi với bệnh tật. Nên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30’ mỗi ngày, tập đều (hầu hết các ngày), tập đủ mạnh (ấm người, thở hơi nhanh, ra mồ hôi vừa)
Xem thêm: Đau bụng quanh rốn ở trẻ em
Đau bụng trên rốn là một triệu chứng bệnh phổ biến thường gặp trong các bệnh lý đường tiêu hóa, nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều bệnh lý như viêm tụy, ung thư dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, viêm dạ dày cấp, … Cách điều trị mỗi bệnh mỗi khác, thay đổi lối sống tích cực lành mạnh hơn cũng góp phần không nhỏ để giảm bớt tình trạng đau bụng trên rốn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.